TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

EVN mua điện rẻ, bán cao: Không tâm phục, khẩu phục vì...

    (Tin kinh te)

    Vấn đề của EVN không nằm ở giá bao nhiêu mà mấu chốt là cơ sở để đưa ra giá sao cho minh bạch, tâm phục khẩu phục.

    Nhân câu chuyện Cục điều tiết điện lực công bố mức giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham thị trường trong vòng 3 năm là 1.087,3 đồng. Giá bán trung bình là 1.622,05 đồng. Nhiều câu hỏi đặt ra giá điện trung bình như vậy là thấp hay cao? Đã hợp lý chưa?

    Ông Ngô Tuấn Kiệt – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho rằng, vấn đề không nằm ở giá là bao nhiêu mà mấu chốt là cơ sở để đưa ra giá sao cho minh bạch, tâm phục khẩu phục.  

    Vấn đề của EVN không chỉ là giá 

    Thứ nhất, về câu chuyện giá. Phải nói rằng, nếu chỉ dựa vào những chỉ số mua điện từ Trung Quốc là 1.300 đồng/kWh, mua điện trong nước chỉ 800-900 đồng/kWh, (có một số thủy điện chỉ bán với giá 500-600 đồng/kWh) để nhận định EVN công bố mức giá mua và bán là cao hay thấp thì có tính chủ quan và chưa thật sự công bằng với họ.  

    van de cua evn khong chi nam o gia

    Vấn đề của EVN không chỉ nằm ở giá

    Việc mua và giá mua điện từ Trung Quốc dựa trên các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng đã ký kết và muốn thay đổi thì phải qua nhiều thủ tục phức tạp, đôi khi không thể vượt qua. Vì vậy, các nước xuất nhận khẩu năng lượng nói chung và điện nói riêng đều phải tính toán kỹ trước khi thương thảo đi đến ký kết hợp đồng cụ thể. Có nước chỉ ký kết hợp đồng mua điện theo giờ (khi không cần đối được nguồn) và như vậy thì phải chịu giá mua điện cao như hợp đồng mua bán điện giữa Thái Lan và Lào mua giờ cao điểm và chịu giá giừo cao điểm, có khi lên tới 15 - 20 UScents/kWh hoặc lớn hơn.  

    Việt Nam hiện đang chuyển đổi sang thị trường điện, nên còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Không phải tất cả các nhà máy sản xuất điện đều tham gia vào thị trường điện cho một hộ mua điện duy nhất hiện nay là ngành điện. Bản thân ngành điện lại kinh doanh một loại sản phẩm đặc thù là điện năng - một loại hàng hoá không thể tích trữ. Vì vậy, từ người sản xuất đến người vận chuyển và người tiêu dùng điện năng không thể tách rời.

    Điện năng sản xuất đưa đến tay người tiêu dùng phải ổn định, tin cậy và đảm bảo chất lượng theo quy định. Hệ thống điện cần có những nguồn cung cấp điện ổn định, theo đúng yêu cầu về số lượng và chất lượng cho hộ tiêu thụ để họ sản xuất hoặc sinh hoạt. Để đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, tất cả các quốc gia đều quan tâm đến việc điều hành giá năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.  

    Hiện nay EVN đang chiếm một tỉ trọng lớn trong thị trường điện với các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện lớn, trong đó có những nhà máy được đầu tư xây dựng trước đây đã hết khấu hao như thuỷ điện Hoà Bình, Yaly, gần đây là Sơn La có giá thành sản xuất điện năng thấp. Hơn nữa cơ chế độc quyền và hạch toán toàn ngành đã tạo cho EVN cả thế và lực để chiếm lĩnh điều phối thị trường. Do đó, khi huy động nguồn phát, đương nhiên EVN phải huy động toàn lực của mình trước và khi thiếu mới tính đến các nguồn phát của các chủ đầu tư khác là điều dễ hiểu.  

    Chính điều này sẽ gây khó khăn cho việc tính giá mua điện trung bình trong hệ thống. Vì phần giá mua điện từ các nguồn phát điện ngoài EVN rất dễ dàng minh bạch, ngược lại giá mua của EVN sẽ rất khó biết nếu không có những quy định cụ thể để có thể minh bạch hoá giá thành của từng nguồn phát để từ đó tính được giá trung bình của EVN. Đây cũng là rào cản cho việc giải bài toán vận hành tối ưu hệ thống điện nhằm mục tiêu giảm giá thành cung cấp điện năng và giá bán điện đến người tiêu thụ.  

    Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đẫn đến việc các thủy điện nhỏ khó vào được thị trường điện với giá chấp nhận được cho các chủ đều tư. Mặt khác, điện năng từ các trạm thuỷ điện nhỏ thường không có nhiều ý nghĩa trong hệ thống điện. Chính EVN cũng ngại mua bán kiểu gom hàng nhỏ lẻ, không ổn định vì chi phí tăng lên điều hành hệ thống tải điện khó khăn… vì vậy mới có câu chuyện bán rẻ EVN cũng không muốn mua. Không loại trừ hiện nay có những thủy điện nhỏ vẫn bán được điện thậm chí giá còn cao vì những lợi thế riêng về vị trí và sự ổn định …

    Còn tỉ trọng mua điện từ Trung Quốc so với nhu cầu cũng không nhiều, nên hầu như không tác động tới cơ cấu giá điện bán ra hiện nay. Bản thân ngành điện sẽ biết cân đối, tính toán bài toán nhập khẩu điện hợp lý.  
     

    Xin lưu ý rằng, vấn đề cốt lõi không đơn giản là giá điện đắt hay rẻ mà hiện nay dư luận quan tâm, mà là câu chuyện dự báo thiếu chính xác nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế xã hội vừa qua. Nói cách khác là bài toán quy hoạch phát triển ngành điện đã làm chưa tốt. Đây là vấn đề cần phải bàn nhiều.

    Bài toán tối ưu phát triển và tối ưu vận hành đang có vấn đề 

    Các chuyên gia trong và ngoài nước đã nói nhiều đến việc muốn giảm giá thành sản xuất điện năng cần phải tập trung giải quyết cho được bài toán tối ưu phát triển và tối ưu vận hành hệ thống năng lượng nói chung và hệ thống điện nói riêng, tức là quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống năng lượng và quy hoạch phát triển ngành điện.  

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Về quy hoạch phát triển. Đến nay chúng ta đã lập 7 quy hoạch phát triển điện, song đến quy hoạch điện 7 vẫn phải thừa nhận rằng, công tác đánh giá, dự báo nhu cầu điện năng vẫn làm chưa sát thực tế. Kết quả dự bảo nhu cầu điện năng quá cao dẫn đến danh mục các nguồn sản xuất điện cần đầu tư xây dựng quá nhiều, từ đó nhu cầu vốn đầu tư cần huy động cho ngành điện gia tăng ngoài khả năng của nền kinh tế. Hệ lụy phải đến là các nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà máy điện không huy động được vốn.

     

    Thêm vào đó là tốc độ phát triển kinh tế xã hội không đạt mục tiêu đặt ra dẫn đến nguồn điện chưa cần đưa vào và thời gian xây dựng công trình điện kéo dài. Vốn đã đổ vào đầu tư xây dựng nhà máy điện, nhưng chưa ra được sản phẩm dẫn đến tổng chi phí gia tăng do phải trả lãi và hệ luỵ tất yêys là giá thành sản xuất điện năng phải tăng theo. Ví dụ, đầu tư một nhà máy chỉ khoảng 60 tỷ, nhưng không hoạt động ngay được thì vốn này công với lãi sẽ là 100 tỷ. Như vậy, giá thành bán ra đương nhiên phải được tính dựa trên tổng vốn đầu tư cộng thêm lãi suất và người tiêu thụ điện sẽ phải gánh chịu. Trường hợp nhà đầu tư phải chịu, thì sẽ không ai tiếp tục đầu tư và hệ luỵ sẽ là khủng hoảng thiếu và đến thời điểm nào đó giá điện sẽ phải tăng vọt.  

    Riêng đối với các trạm thuỷ điện nhỏ thì nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ và thực hiện theo đúng quy trình không nên tự phát, khi đã đầu tư mà không bán được điện với giá cao thì đương nhiên phải chịu thiệt. Đây cũng dẫn tới lãng phí nguồn lực xã hội cần lưu ý. 

    Tóm lại, trong cả hai trường hợp sản xuất thừa hoặc thiếu điện cuối cùng giá điện cũng bị đẩy lên. Đây là bài toán đầu tiên rất quan trọng nhưng chưa có được lời giải làm thỏa mãn các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà khoa học.  

    Thứ hai là bài toán tối ưu hóa vận hành. Việc nhiều thủy điện nhỏ ca thán không bán được điện nhưng EVN lại khiến dư luận bức xúc khi phải mua lại điện của Trung Quốc giá cao là một thực tế. Tuy nhiên điều này không phải lỗi của EVN. Một trong những nguyên nhân là bài toán tối ưu phát triển như đã nêu trên, còn bài toán tối ưu vận hành thì các nguồn điện nhỏ khó có thể yêu cầu được mua với giá cao vì sản phẩm do họ sản xuất ra thường nhỏ, không ổn định và phức tạp thêm vấn đề quản lý vận hành của ngành điện. Mặc dù hiện nay, nguồn cung trong nước khá ổn định, nhiều thủy điện nhỏ muốn bán được điện cho EVN, nhưng nhu cầu phụ tải thấp, EVN chưa thể đáp ứng được tất cả là điều có thể hiểu được. 

    Điện năng là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất. Việ tăng giá điện sẽ không tạo được động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Triệt tiêu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Hệ lụy thật khó lường. Tuy nhiên, làm cách nào để giảm giá điện? Nhờ xây dựng và triển khai thực hiện thị trường điện?  
     

    Và bao giờ người dân được lợi từ việc này? 

    Như đã nói ở trên, vấn đề của EVN không chỉ ở giá mà cốt lõi là câu chuyện minh bạch giá điện. Phải nhấn mạnh nếu người tiêu dùng chờ đợi có thị trường để mong giá điện giảm, thì chắc không bao giờ có được chuyện đó. Bởi vì:

    Trên thực tế, nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt. Chi phí đầu vào ngày một tăng, giá tăng là chuyện khách quan. Vấn đề của chúng ta là mong muốn được EVN giải thích một cách khách quan về sự tăng giá là đúng để người tiêu dùng tâm phục khẩu phục.  

    Ở đây, có rất nhiều con số được công bố công khai bao gồm từ giá phát điện trung bình tương ứng mức giá thành khâu phát điện thương phẩm là 1.135,57đồng/kWh. Giá thành khâu truyền tải điện là 79,8 đồng/kWh. Với khâu phân phối bán lẻ điện, giá thành là 251,97 đồng/kWh. Khâu cuối cùng là phụ trợ, quản lý tương ứng mức giá thành 6,47 đồng/kWh…Đây chỉ là con số trung bình, người tiêu dùng cần có được những thành phần của chi phí đó ví dụ chi phí trả vốn đầu tư, chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành và đặc biệt là chi phí trả lương công nhân viên, chi trả cho hệ thống phân phối bán lẻ, lương người thu tiền điện… 

    Cũng chưa ai trả lời được bộ máy vận hành hiện nay đã phù hợp chưa? Số lượng bao nhiêu là đủ? Lương chi trả thế nào…? EVN hiện đang cho rằng lương của cán bộ, công nhân là 7 triệu/tháng quá thấp. Cần quy định rõ ràng mức chi phí cho bộ máy (chi trả tiền lượng, vận hành, quản lý cho toàn bộ máy, chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu giá thành điện và tỷ lệ các thành phần khác có sự kiểm tra giảm sát của các cơ quan chuyên ngành sẽ đảm bảo minh bạch hơn. 


    Một câu chuyện nữa cũng đang được dư luận quan tâm là tình trạng nợ đọng giữa doanh nghiệp này với tập đoàn khác. Mua hàng trước, trả tiền sau. Theo báo cáo mới nhất của TKV thì hiện EVN đang nợ họ tới 1.000 tỷ Số này từ đâu ra?. Nếu không có nguồn số liệu chuẩn xác thì có thể viết: Việc chậm trả tiền mua điện hàng ngàn tỷ đồng, trong khi EVN luôn thu đủ tiền bán điện hàng tháng, thì tiền lãi thu dược từ việc giữ vốn lưu động của các nhà đầu tư nguồn điện là rất lớn cần có câu trả lời từ phía EVN.  

    Vậy khi trả ngành điện cho thị trường những tồn tại bất cập trên có giải quyết được không? Và người dân liệu sẽ được hưởng giá điện thấp hơn? Xin thưa là không. Ở đây cần có những lý giải thoả đáng về nguyên nhân giảm giá điện khi đưa giá điện đi theo cơ chế thị trường. Nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài đã chứng minh rõ ràng là giá điện trong thị trường điện không thể giảm. Và nếu ở đâu đó có nguồn lợi thu được từ phát triển thì trường điện thì nguồn lợi cũng chỉ mang lại cho nhà sản xuất điện năng, còn người tiêu dùng điện sẽ phải chịu việc tăng giá điện mà thôi.  

    Vũ Lan (ghi)
    Theo Đất Việt

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn