TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Đầu tư vào Trung Quốc, người giàu nhất Thái Lan chịu thiệt

    (Kinh doanh)

    Tỷ phú Dhanin Chearavanont, người đàn ông giàu nhất Thái Lan đã xây dựng đế chế kinh doanh của mình từ mảng chăn nuôi gà, lợn và nuôi trồng tôm. Sau đó, doanh nhân này đã tạo ra một hệ thống cửa hàng tiện lợi và viễn thông tại Thái Lan cùng một đế chế nhựa và dược phẩm tại Trung Quốc.

     

    Vị doanh nhân Thái Lan này không xa lạ gì với thị trường Việt Nam khi CP cũng là một trong những tập đoàn thống lĩnh thị trường nông phẩm Việt Nam.

    Hiện tại, nhiều khoản đầu tư của nhà tỷ phú này đang gặp khó khăn bởi những tác động từ giảm tốc kinh tế Trung Quốc, đồng Rúp Nga giảm giá và tình hình bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

    Tập đoàn CP của tỷ phú Chearavanont đã từng đạt doanh thu trước thuế 40 tỷ USD vào năm 2013 và hiện có khoảng 300.000 nhân viên với 200 chi nhánh tại 17 quốc gia, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất linh kiện xe hơi cho đến ngân hàng.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán lợi nhuận quý III/2015 của CP sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

    Sau biến động chính trị vào tháng 5/2014, tình hình kinh tế Thái Lan đang có nhiều bất ổn. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng tình trạng suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước đã ảnh hưởng đến doanh số của hệ thống siêu thị 7-Eleven thuộc CP. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh thủy sản đã khiến cổ phiếu ngành tôm, một trong những mảng kinh doanh chủ chốt của CP, suy giảm. Giá các loại thực ơhaamr như thịt gà và thịt heo cũng đã giảm hơn 10% tại Thái Lan.

    Trên thị trường quốc tế, tập đoàn CP tập trung vào những thị trường mới nổi với kỳ vọng nhu cầu dài hạn đối với thực phẩm thịt và thủy hải sản sẽ gia tăng, nhưng những khoản đầu tư này vẫn chưa đem lại lợi nhuận lớn cho công ty.

    Việc đồng Rúp Nga suy giảm đã khiến doanh thu của CP từ ngành nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi bị ảnh hưởng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, bất ổn chính trị đã khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm, làm ảnh hưởng đến mảng kinh doanh gia cầm của CP.

    Ngoài ra, những đối thủ chính trong lĩnh vực thịt lợn và gia cầm của CP tại Brazil lại dang được hưởng lợi xuất khẩu do đồng tiền giảm giá, khiến sản phẩm của họ cạnh tranh hơn tại thị trường Châu Âu và Đông Nam Á.

    Tập đoàn CP cũng gặp khó khăn tại Trung Quốc khi đầu tư nhiều lĩnh vực tại đây như kinh doanh trang trại, bán lẻ, sản xuất và bất động sản. Tình hình kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc đã khiến công việc kinh doanh của CP gặp nhiều khó khăn tại đây.

     

    Tỷ phú Chearavanont lên tiếp quản tập đoàn CP vào năm 1969 từ cha mình. Doanh nhân này có mối liên hệ mật thiết với nhiều lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh khi cha ông là người Thái gốc Trung Quốc. Tập đoàn CP là công ty đầu tiên đăng ký kinh doanh tại Trung Quốc vào năm 1979 sau khi Cựu Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình mở cửa thị trường.

    Năm 2014, chỉ 1 tháng sau khi biến động chính trị diễn ra tại Thái Lan, tỷ phú Chearavanont đã bán 18% cổ phần mảng kinh doanh viễn thông cho doanh nghiệp nhà nước China Mobile của Trung Quốc. Tháng 9/2015, ông Chearavanont đã được mời đứng cùng Chủ tịch Tập Cận Bình trên lễ đài trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.

    Bất chấp việc doanh thu từ mảng thức ăn gia súc bị thu hẹp tại thị trường Trung Quốc, doanh nhân Chearavanont vẫn tham gia đầu tư vào các lĩnh vực khác như tài chính và bảo hiểm. Năm 2013, tập đoàn CP mua 9,4 tỷ USD cổ phần của công ty bảo hiểm lớn thứ 2 Trung Quốc là Ping An Insurance. Vào tháng 1/2015, tập đoàn CP hợp tác với một công ty Nhật Bản đẻ mua lại 10,4 tỷ USD cổ phần của một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc là Citic.

    Nhiều chuyên gia nhận định tập đoàn CP đang đầu tư quá rộng và thiếu tập trung. Chuyên gia Nirgunan Tiruchelvam của Religare Capital Markets nhận định tình hình đầu tư dàn trải trên cho thấy gia đình Chearavanont có thể nhận ra tiềm năng tăng trưởng từ ngành thực phẩm và ăn uống là có hạn nên muốn tìm kiếm những cơ hội tốt hơn.

    Các nhà đầu tư có vẻ không hoàn toàn tin tưởng với quyết định của tỷ phú Chearavanont khi cổ phiếu CP đã giảm 1/3 giá trị từ đầu năm đến nay. Mặc dù vậy, tổng tài sản của ông Chearavanont vẫn đạt 22,1 tỷ USD tính đến ngày 10/11/2015 và sếp thứ 37 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, đứng ngay sau tỷ phú nổi tiếng Carl Icahn.

    Mảng kinh doanh thịt lợn, gia cầm và thức ăn chăn nuôi của tập đoàn CP tại Thái Lan đã từng chiếm vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, hiện 60% doanh thu của mảng này đến từ các thị trường nước ngoài như Trung Quốc và Việt Nam.

    Năm 2014, lợi nhuận của mảng thực phẩm tại tập đoàn CP (CP Foods) đạt 294 tỷ USD, giảm 44% so với mức đỉnh năm 2012. Theo khảo sát của Standard & Poor, doanh thu của CP Foods được dự đoán sẽ không hoản toàn khả quan trong ít nhất 2 năm tới.

    Bên cạnh đó, tình hình tín dụng cũng đang là một vấn đề với tỷ phú Chearavanont khi tập đoàn CP đã gia tăng vay nợ gấp 4 lần trong vòng 5 năm qua để trang trải chi phí kinh doanh và các vụ sáp nhập tại nước ngoài. Trong đó bao gồm dự án đầu tư 680 triệu USD cho một nhà máy chế biến ở Nga.

    Chuyên gia Nirgunan của Religare nhận định mức tín dụng khá cao hiện nay sẽ là một trong những nguyên nhân kiềm chế khả năng mở rộng hoạt động của tập đoàn CP hiện nay.

    Bất chấp những thông tin không tích cực trên, tập đoàn CP vẫn cho rằng có cơ hội tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp này hiện đang bắt đầu xây dựng thêm một số cơ sở chế biến thực phẩm tại Trung Quốc nhằm sản xuất một số sản phẩm như bánh bao và bánh hấp.

    (Theo CafeF)

     

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn