TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0: Cánh cửa nào cho sinh viên đến với Chứng khoán?

    Cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo sẽ đem lại một sự thay đổi lớn trong các nền Kinh tế và để định hướng nghề nghiệp một cách cụ thể nhất cho sinh viên ngành Tài chính nói chung và Chứng khoán nói riêng trước ngưỡng cửa của thời đại mới. Tối ngày 27/10/2017, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Đoàn trường Đại học Ngoại thương và Câu lạc bộ Chứng khoán (SIC) đã tổ chức buổi hội thảo “Cơ hội nghề nghiệp trong ngành Tài chính – Chứng khoán”.

    hoi thao da thu hut duoc su quan tam cua dong dao sinh vien

    Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên

    Hội thảo là sự kiện mở đầu cho Chuỗi sự kiện chuyên môn Chứng khoán cơ bảo START-UP 2017 đánh dấu lộ trình 10 năm trưởng thành và phát triển. Bắt đầu tổ chức vào năm 2006, với sứ mệnh cung cấp tri thức cũng như tạo cơ hội tìm hiểu, khám phá ngành Chứng khoán, START-UP đã thu hút sự chú ý và tham gia của hàng ngàn sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    Tại buổi hội thảo, thạc sĩ Bùi Ngọc Huyên - Phó trưởng phòng Thư kí, văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước đã đánh giá về vai trò của thị trường Chứng khoán trong nền kinh tế: là một kênh dẫn vốn dài hạn, đồng thời là công cụ giúp cho các doanh nghiệp huy động nguồn vốn nhàn rỗi. Hiện nay, nước ta đã có đến 23 doanh nghiệp có vốn hóa trên 01 tỷ đô. Điều này khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của thị trường Chứng khoán, chính là tập trung nguồn lực từ những nơi thừa vốn để trở thành các doanh nghiệp có tác động lớn tới đời sống xã hội Việt Nam.

    Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra quan điểm về tình hình nền kinh tế và thị trường Chứng khoán ở thời điểm hiện tại: Hết quý 3 năm 2017, chỉ số VN-INDEX là 800 điểm và đến nay đã tăng lên 830 điểm. Đây là mức điểm cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Về quy mô huy động vốn, trong 8 tháng đầu năm nay, số vốn được huy động qua sàn Chứng khoán lên đến đến 186.3 ngàn tỉ không bao gồm trái phiếu. Tốc độ tăng trưởng của thị trường Chứng khoán Việt Nam so với châu Âu, Mĩ,... luôn thuộc hàng top. Điều này cho thấy một thị trường Việt Nam đang khởi sắc và luôn hấp dẫn không chỉ nhà đầu tư trong nước mà còn cả những nhà đầu tư nước ngoài.

    Tuy nhiên, trong một vài năm tới thị trường Chứng khoán Việt Nam sẽ đối mặt với một số ảnh hưởng không nhỏ. Đầu tiên, tình hình Tài chính - Chính trị trên thế giới hiện nay đang có các biến động như: các vấn đề ở Bán đảo Triều Tiên, minh khai tại Tây Ban Nha, BREXIT,... gây ảnh hưởng đến chỉ số kinh tế Thế giới cũng gián tiếp ảnh hưởng đến nước ta. Thứ hai, giai đoạn tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm 2016 đến nay sẽ gây nên áp lực cho thị trường sắp tới. Cuối cùng là đầu tư một số ngành nghề như chăn nuôi, thực phẩm không tăng trưởng được như kỳ vọng. Mặc dù thị trường Chứng khoán sắp tới còn nhiều khó khăn nhưng thạc sĩ Bùi Ngọc Huyên cũng khẳng định thị trường vẫn sẽ có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt.

    cac dien gia tai buoi hoi thao

    Các diễn giả tại buổi hội thảo

    Nhận xét về triển vọng cũng như nhu cầu nghề nghiệp của ngành Chứng khoán, Thạc sĩ Hồ Hồng Hải - Giảng viên khoa Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Ngoại thương cho rằng: hiện tại, tuy ngành Tài chính - Ngân hàng đang bão hòa, tỉ trọng nghề nghiệp trong lĩnh vực Chứng khoán rơi vào khoảng 4% trên thị trường, bằng với số lượng của ngành Bưu chính Viễn thông, Bất động sản và bằng một nửa ngành Du lịch. Nhưng các công ty, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực lại luôn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu thái độ chuyên nghiệp. Vì vậy, dù nguồn cung thừa nhưng nhu cầu tuyển dụng đối với ngành Tài chính - Ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

    Bàn về cơ hội việc làm cho sinh viên hiện nay, ông Hoàng Như Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán HFT cũng đã khẳng định: đối với những bạn sinh viên theo học ngành Chứng khoán, sau khi tốt nghiệp các bạn có thể làm việc tại các Công ty Niêm yết, Công ty Chứng khoán, Công ty Kiểm toán, các Sở giao dịch hay các Cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán nhà nước,... Hoặc chính các bạn cũng có thể trở thành những nhà đầu tư nếu các bạn có đủ hiểu biết và nguồn tài chính nhất định.

    Với cương vị là một Tổng giám đốc, ông Hải đã nêu ra những yếu tố cần thiết để các bạn sinh viên có thể thực tập ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chính là tâm thế thể hiện sự khát khao làm việc và luôn chủ động học hỏi. Sau đó nên thực hành những cái mà mình học được để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho tương lai chứ không nên đi làm, đi thực tập theo phong trào, cho vui hay vì tiền. Mức thu nhập đối với sinh viên mới ra trường từ 01 đến 02 năm dao động khoảng từ 07 đến 08 triệu đồng và có thể tăng rất nhanh nếu các bạn nỗ lực, chủ động học hỏi.

    Kết thúc buổi hội thảo, chị Nguyễn Minh Ngọc - Chủ tịch Câu lạc bộ Chứng khoán (SIC) đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới 03 vị diễn giả, các nhà tài trợ và các đơn vị bảo trợ cho chương trình; đồng thời khẳng định Câu lạc bộ Chứng khoán (SIC) sẽ tiếp tục nỗ lực cung cấp những thông tin, kiến thức cũng như tạo cơ hội để đưa Chứng khoán đến gần hơn với cộng đồng sinh viên hiện nay.

    Lê Thị Thùy Linh
    Deputy Head of External Relations Department | Securities Investment Club
    Add: Room H103, Foreign Trade University, Chua Lang Street, Hanoi
    Tel: +84 962601780 | Skype: thuylinh | Mail: linhltt10.sic@gmail.com

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn