TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Dầu mỏ, thuế và những vấn đề lớn của Nga

    (Tin kinh te)

    Bộ Tài chính Nga đang tạo ra một mâu thuẫn mạnh mẽ khi thúc đẩy việc tăng thuế ngành dầu nhằm hỗ trợ ngân sách đang bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang thu hẹp và giá dầu thấp.

    Chính phủ Nga cho rằng việc cắt giảm chi phí có thể dẫn tới những xung đột chính trị nghiêm trọng nên họ đã quyết định tăng ngân sách từ các công ty năng lượng trong nước.

    Các chuyên gia cho rằng kế hoạch này của Nga sẽ mang lại kết quả trong ngắn hạn nhưng sẽ làm tê liệt ngành dầu mỏ trong dài hạn.

    Theo một nhà phân tích cấp cao tại Stratfor, việc đánh thuế nặng vào ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ gây ra ảnh hưởng trong hàng thập kỷ tới. Nếu nguồn năng lượng của Nga không nhận được các khoản đầu tư mới trong 2 năm tới, sản lượng dầu mỏ của Nga có thể sẽ trượt dài.

    cac cong ty nang luong cua nga con cuoi duoc toi bao gio?

    Các công ty năng lượng của Nga còn cười được tới bao giờ?

    Các nguồn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Nga đang bị các lệnh trừng phạt từ phương Tây chặn lại. Trong số đó, các nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra vô cùng sốt ruột và đang có những động thái thoái vốn.

    Khi nền kinh tế trồi sụt cùng với vấn đề trốn thuế chưa được giải quyết dứt điểm, dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường Nga là không thể tránh khỏi. Điều nay đặt ra một vấn đề to lớn đối với chính phủ và nền kinh tế Nga. Hãng thông tấn TASS cho biết đã có 2.000 tỷ USD rút khỏi thị trường Nga thông qua các “chương trình nước ngoài” trong những năm gần đây.

    Các công ty trong nước đang hy vọng rằng họ có thể duy trì mức sản lượng hiện nay trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu vô cùng khốc liệt. Họ cần những nguồn đầu tư mới bất kể là từ trong nước hay nước ngoài nhưng điện Kremlin thực sự rất cứng rắn với chính sách của mình.

    Giá dầu thấp, chi phí cho quân sự và chính quyền cao và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang khiến nền kinh tế Nga gặp khó khăn. Số liệu được chính phủ công bố ngày 1/4 cho thấy kinh tế Nga đã tăng trưởng -3,7% trong năm 2015 và đồng Rúp đã sụt giảm 55% kể từ năm 2014.

    Bất chấp những sự khó khăn trên, các công ty dầu mỏ của Nga vẫn hoạt động tốt so với nhiều công ty ở các quốc gia khác nhờ thu lợi nhuận bằng đồng USD và trả chi phí trong nước bằng đồng Rúp. Tuy nhiên, chính phủ Nga đã tiếp tục áp dụng thuế lũy tiến đối với giá dầu – khoản thuế chiếm gần 50% tổng thuế của Nga trong năm 2014.

    Các công ty nội địa có thể duy trì mức lợi nhuận 1-2 USD/thùng với thuế lũy tiến hiện nay nhưng điều đó có thể biến mất sau bất kỳ cuộc cải cách nào.

    Bộ trưởng Tài chính Nga – ông Anton Siluanov – cho biết ngân sách nước này nhiều khả năng sẽ thâm hụt 3% trong năm 2016, mức mà Tổng thống Putin cảnh báo rằng không nên vượt quá. Dự báo của ông Siluanov được đưa ra dựa trên các tính toán với giá dầu ở mức 40 USD/thùng.

    Tuy nhiên vẫn có nhiều người tin rằng cuộc cải cách thuế năng lượng của Nga sẽ không ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế nước này.

    Ông Ildar Davletshin - một nhà phân tích tại Renaissance Capital – cũng như nhiều nhà phân tích khác dự báo rằng chính phủ Nga sẽ tìm cách để tăng thuế nếu giá dầu tiếp tục duy trì dưới 50 USD/thùng. Nếu điều này thực sự xảy ra, sản lượng dầu mỏ của Nga sẽ chi giảm vài phần trăm do nguồn vốn thất thoát, và điều này sẽ không tác động mạnh tới nền kinh tế.

    Sự sụt giảm nhẹ trong sản lượng dầu của Nga – một trong những nhà cung cấp chính của thế giới – có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn và mang lại doanh thu lớn hơn cho các công ty của Nga.

    Với nguồn thu mới, Nga có thể đa dạng hóa nền kinh tế của mình để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và hướng tới những ngành công nghiệp có giá trị cao hơn như ngành công nghệ - điều mà nhiều người cho rằng chỉ xảy ra trong phim viễn tưởng.

    Nhà phân tích tại Stratfor cho rằng Nga là một nền kinh tế dầu mỏ và điều này đã diễn ra từ thời Nga hoàng xa xưa.

    Những chính trị gia lớn ngành năng lượng nhiều khả năng sẽ phản đối bất kỳ đợt tăng thuế nào trong những tháng tới cho dù chính phủ Nga sẽ cố gắng “bôi trơn” các thỏa thuận bằng cách chia sẻ những nguồn tài nguyên độc quyền.

    Các chuyên gia cho rằng những hành động cụ thể sẽ chỉ thực sự xuất hiện vào mùa thu, khi ngân sách 2017 được đem ra thảo luận.


    Thạch Thảo
    Theo CNBC//NDH

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn