TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Kinh tế toàn cầu: Còn lắc lư và tròng trành?

    (Tin kinh te)

    Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc cùng với kỳ vọng lãi suất cao hơn ở Mỹ gây ra biến động trong thị trường tài chính toàn cầu gần đây. Các biến động như vậy có thể còn tiếp tục trong những tháng tới đây, kéo theo thị trường nhiều khả năng sẽ có những điều chỉnh chứ không bình yên như thời điểm đầu năm.

    ong marios maratheftis

    Ông Marios Maratheftis


    Trong giai đoạn nhiều biến động này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới hai yếu tố chính: Thứ nhất, chúng tôi tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất cao như thị trường mong đợi; Thứ hai, dù các lo ngại về Trung Quốc đã phần nào đúng trong thực tế, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ đi lên trong quý IV này vì chính sách kích cầu bắt đầu có hiệu lực, nhờ đó Trung Quốc tránh được “tuột” dốc.

    Sự chững lại của Trung Quốc là cần thiết, bởi nếu Trung Quốc trở thành một nước thu nhập cao, Trung Quốc chắc chắn cần một mô hình kinh tế ít phụ thuộc vào đầu tư, xuất khẩu, sản xuất và xây dựng, đồng thời cần dựa nhiều hơn vào dịch vụ và tiêu dùng.

    Hiện nay, Trung Quốc vẫn còn dư địa cho chính sách kích cầu vừa phải nhằm tránh tuột dốc kinh tế. NHTW Trung Quốc đã giảm lãi suất chính sách 5 lần và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 200 điểm cơ bản kể từ tháng 11 năm ngoái. Chúng tôi dự báo lãi suất sẽ cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm thêm 100 điểm cơ bản trong năm nay.

    Nhưng do dộ trễ của chính sách, chính sách nới lỏng có thể sẽ bắt đầu có tác dụng trong quý IV năm nay và năm 2016. Chúng tôi dự báo tăng trưởng Trung Quốc đạt 6,9% trong quý IV/2015.

    Tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) và nhiều người xem động thái ấy là nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm này vì cho rằng, Trung Quốc chỉ muốn làm NDT linh hoạt hơn nhằm đưa NDT vào rổ tiền tệ SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của IMF (điều này nằm trong nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc).

    Đồng thời, chúng tôi cũng không tin NDT đang được định giá quá cao như nhiều người nghĩ. IMF thường sử dụng mô hình cân bằng bên trong và bên ngoài để xác định giá trị hợp lý của một đồng tiền. Một đồng tiền được coi là có giá trị hợp lý khi nền kinh tế cân bằng cả bên trong (có đầy đủ việc làm) và bên ngoài (tài khoản vãng lai ở mức cân bằng). Xét theo tiêu chí này, Trung Quốc vẫn có thặng dư lớn trong tài khoản vãng lai trong khi thị trường lao động vẫn tăng trưởng tốt.

    Với vấn đề lãi suất ở Mỹ, mức lãi suất gần 0% và ba vòng nới lỏng định lượng (QE) là những biện pháp của Fed nhằm đối phó với tình huống bất thường là quá trình hồi phục chậm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giờ đây, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mạnh, Fed tin rằng đã đến lúc tăng lãi suất.

    Nhưng vẫn còn đó những rủi ro như tỷ lệ lao động ở Mỹ đang ở mức thấp nhất tính từ năm 1977 (dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh thời gian qua); lạm phát đang thấp hơn mức mục tiêu của Fed (2%); kỳ vọng lạm phát không lớn… Do đó, dù có các dấu hiệu cho thấy Fed dường như rất muốn tăng lãi suất nhưng họ cũng muốn làm rõ rằng, chu kỳ tăng lãi suất sẽ diễn ra rất chậm.

    Rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 năm nay. Nhưng vì những lý do trên, chúng tôi dự báo lãi suất sẽ chỉ tăng cao nhất là 1% cho đến tháng 6/2016 rồi sẽ dừng tại đó rất lâu. Dự báo của chúng tôi thấp hơn so với dự báo của Fed và của thị trường. Nếu điều này đúng, nó cho thấy sau nguy cơ do thị trường điều chỉnh vào giai đoạn đầu sẽ là nhiều cơ hội cho NĐT.


    Marios Maratheftis, kinh tế gia trưởng, NH Standard Chartered
    Theo Thời báo Ngân hàng

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn