TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Lao đao startup châu Á

    (Tin kinh te)

    Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup công nghệ của Trung Quốc đã giảm tới 28% trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm ngoái.

    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Vào đầu tháng 2, Yin Sang, một doanh nhân khởi nghiệp nổi tiếng của Trung Quốc, đã gửi email đến cho tất cả 600 nhân viên tại startup (công ty khởi nghiệp) đặt phòng karaoke Yiqi Chang của mình. Trong đó, anh cho biết doanh nghiệp đang cạn tiền sau khi không huy động được vốn và sẽ không thể trả lương nhân viên. “Dòng tiền của chúng ta gần như là con số 0. Công ty đang rơi vào khủng hoảng”, Tổng Giám đốc 23 tuổi của Yiqi Chang viết trong email như thế.

    Cách đây 1 năm, startup có trụ sở đặt tại Thượng Hải của Yin được định giá hơn 100 triệu USD và năm 2014, anh đã lọt và danh sách 30 doanh nhân khởi nghiệp dưới 30 tuổi thành công nhất Trung Quốc.

    Tình huống đảo ngược của Yin cho thấy một thực tế mới đang diễn ra với nhiều nhà sáng lập startup trên khắp châu Á: các nhà đầu tư mạo hiểm đang “hãm phanh” đối với việc rót vốn vào khu vực này.

    Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã đổ xô đến châu Á - khu vực có lượng người sử dụng di động lớn nhất thế giới, khi cơn sốt startup tại đây bùng nổ. Giờ họ lại chùn chân trước bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và đầu tư giảm mạnh ở Thung lũng Silicon trong bối cảnh nhiều người đang đồn đoán về khả năng xì hơi bong bóng ngành công nghệ.

    Theo các doanh nhân khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm, diễn biến mới đã tạo ra không ít thách thức cho những nhà sáng lập startup châu Á khi nhà đầu tư ngày càng săm soi hơn, những cuộc thương thảo huy động vốn kéo dài, cũng như mức định giá các startup đang trên đà giảm xuống. Một số startup phải đóng cửa trong khi những startup khác thì sa thải nhân viên, cắt giảm chi phí và tránh xa những mô hình kinh doanh dựa vào việc “đốt tiền” để thu hút người sử dụng.

    Vốn đầu tư mạo hiểm vốn dĩ rủi ro, không chắc chắn và thành công của các startup, thậm chí trong suốt thời kỳ huy hoàng, cũng không có gì lấy làm bảo đảm. Đợt hãm phanh rót vốn mới đây càng khiến cho toàn cầu rung chuyển dữ dội. Ngay cả những startup ở Mỹ cũng hứng chịu cơn bão này. Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup Mỹ đã chứng kiến mức giảm hằng quý lớn nhất từ trước đến nay kể từ vụ xì hơi bong bóng dot.com, khi giảm tới 25% trong quý I/2015 (so với quý IV/2015) còn 13,9 tỷ USD, theo số liệu của Dow Jones VentureSource.

    Trong bối cảnh suy giảm toàn cầu, các startup châu Á khó mà “yên thân”. Đà suy giảm thể hiện rõ nhất là tại Trung Quốc và Ấn Độ. Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup công nghệ của Trung Quốc đã giảm tới 28%, còn 1,8 tỷ USD trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm ngoái, theo AVCJ Research có trụ sở đặt tại Hồng Kông.

    Lao dao startup chau A
    Tại Ấn Độ, các nhà đầu tư mạo hiểm trong quý I/2015 đã rót 891 triệu USD vào các startup công nghệ nhưng con số này đã giảm 17% xuống còn 736 triệu USD trong quý I năm nay. Tại Hàn Quốc, vốn đầu tư mạo hiểm đã giảm tới 37% còn chỉ 45,8 triệu USD trong quý I. 
     

    Năm nay, các nhà đầu tư càng cẩn trọng hơn trong việc sàng lọc tìm những startup tiềm năng được gọi là “kỳ lân”, tức những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên và loại ra những startup thiếu mô hình kinh doanh bền vững, theo Tom Tsao, đối tác điều hành tại công ty đầu tư mạo hiểm Gobi Partners. “Chỉ những nhà sáng lập dẻo dai nhất, mạnh mẽ nhất và có tài xoay xở nhất mới có thể qua được vòng tuyển chọn gắt gao này”, Tsao nói.

    Đối với Pei Qiao, đồng sáng lập Weichaishi, một startup có trụ sở ở Thượng Hải đang điều hành một nền tảng trực tuyến về crowdsourcing (hình thức gọi vốn cộng đồng, sử dụng nguồn lực của đám đông) cho các khách hàng doanh nghiệp, thì môi trường khắc nghiệt hơn có nghĩa là công ty buộc phải cắt giảm thậm chí những khoản chi phí rất nhỏ. Các gói bánh snack và nước giải khát cho nhân viên cũng phải ra đi, cùng với các khoản tiền chi đầy tốn kém cho các chiến dịch làm thương hiệu.

    Sau khi huy động 3 triệu USD vào tháng 9.2014, Weichaishi đã đưa tất cả nhân viên đi du lịch tới Thái Lan và mọi người được nghỉ tại một khách sạn 5 sao và được cưỡi voi, Pei cho biết. Nhưng giờ startup này chỉ có thể làm tiệc sinh nhật hằng tháng cho nhân viên với một cái bánh nhỏ. “Chúng tôi giờ trở nên thực tế hơn và cố gắng tạo ra những kết quả kinh doanh có thể thấy được rõ ràng”, Pei nói.

    Tại Ấn Độ, Oyo Rooms, cổng trực tuyến đặt phòng khách sạn thuộc Oravel Stays Pvt., gần đây đã hạn chế nhận vốn rót từ các nhà đầu tư mới nhằm tránh các cuộc thương thảo kéo dài về mức định giá của công ty, theo những người biết rõ vụ việc. Để tránh cạn tiền trước khi năm 2016 kết thúc, startup này đang cắt giảm chi phí và không còn thua lỗ đối với mỗi phòng khách sạn mà nó đặt, theo những nguồn tin trên.

    Oyo Rooms, từng được đánh giá là startup có nhiều triển vọng trở thành công ty khởi nghiệp trị giá tỷ đô, đang tìm đến các nhà đầu tư hiện hữu như tập đoàn viễn thông Nhật SoftBank Group Corp. và hãng đầu tư mạo hiểm Mỹ Sequoia Capital. Oyo Rooms sẽ nhận chưa tới 100 triệu USD với mức định giá bằng hoặc trên một chút so với mức định giá hiện tại là 400 triệu USD, một trong những nguồn tin trên cho biết. “Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm rõ ràng từ các nhà đầu tư nhưng so với đợt gọi vốn trước đó, mức định giá có hợp lý hơn”, nhà sáng lập Ritesh Agarwal của Oyo Rooms nhận xét.

    RedMart Ltd., dịch vụ giao hàng trực tuyến thực phẩm và các đồ dùng gia đình khác có trụ sở đặt tại Singapore, những tháng gần đây cũng gặp nhiều thách thức trong việc gọi vốn, theo những người biết rõ vụ việc, buộc startup này phải hoãn lại kế hoạch bành trướng ra nước ngoài. Tổng Giám đốc Roger Egan từ chối trả lời liệu RedMart có gặp khó khăn trong việc gọi vốn hay không, mà chỉ nói rằng công ty đang trong quá trình huy động vốn.

    Tại Indonesia, các startup thương mại điện tử trong lĩnh vực thời trang Paraplou Group và PinkEmma đã đóng cửa trong những tháng gần đây. Paraplou Group giải thích lý do là vì môi trường huy động vốn khó khăn. PinkEmma thì không phản hồi.

    Chắc chắn, các gã khổng lồ internet của Trung Quốc như Alibaba Group Holding Ltd. và Tencent Holdings Ltd. đã và đang đóng vai trò hậu thuẫn lớn hơn đối với nhiều startup tại châu Á. Nhờ trợ lực của các nhà đầu tư chiến lược rủng rỉnh tiền này mà cú sốc đối với các startup cũng được giảm đi phần nào. Dịch vụ gọi xe Trung Quốc Didi Kuaidi Joint Co., được “chống lưng” bởi Alibaba và Tencent, sắp huy động hơn 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư, theo những nguồn tin thân cận với vụ việc.

    Tháng 4 vừa qua, Alibaba đã đầu tư 1 tỷ USD vào startup Đông Nam Á Lazada Group. SoftBank cũng sắp vượt qua số tiền 10 tỷ USD dự kiến đầu tư vào Ấn Độ trong thập niên tới, Tổng Giám đốc SoftBank, ông Masayoshi Son phát biểu hồi tháng 1.

    Còn đối với nhiều startup, để tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt hơn, họ đang thực hiện những thay đổi quyết liệt. Yin, nhà sáng lập startup Yiqi Chang, đã cắt giảm số nhân viên từ 600 người còn chỉ 200 người trong vòng 3 tháng qua. Yiqi Chang đang cố gắng làm sao để hòa vốn và giờ hoạt động tại chỉ 6 thành phố, so với 20 thành phố hồi tháng 1, Yin trả lời trong một cuộc phỏng vấn. “Cách đây 1 năm, chúng tôi nghĩ rằng mình lúc nào cũng có thể huy động thêm vốn. Nhưng giờ chúng tôi phải tự lực cánh sinh”, Yin nói.


    Theo Nhịp cầu Đầu tư

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn