TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Thu hẹp khoảng cách về hạ tầng tại châu Á

    (Tin kinh te)

    Các nhà đầu tư (NĐT) dành nhiều sự quan tâm đối với các dự án cơ sở hạ tầng (CSHT) tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự thiếu hiệu quả trong việc hoạch định các dự án là điều khiến họ e dè.

    Nhu cầu rất lớn

    ong ajay kanwal

    Ông Ajay Kanwal

    Nếu trước đây việc đầu tư vào CSHT không nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh các nền kinh tế ASEAN phát triển chậm lại thì đây chính là thời điểm để thực hiện điều đó. Đối với việc tài trợ vốn cho CSHT, nếu được hoạch định đúng đắn sẽ tạo ra nhóm tài sản hấp dẫn cho cộng đồng các tổ chức, đồng thời mang đến tác động tích cực cho các nền kinh tế trong khu vực.

    Việc CSHT được kết nối một cách hiệu quả hơn sẽ thúc đẩy sự di chuyển thông suốt của hàng hóa và dịch vụ và giúp 10 thành viên ASEAN tiến gần hơn tới mục tiêu tạo ra một cộng đồng kết nối thông suốt.

    Trong một thời gian rất dài, các NĐT tổ chức không mặn mà với việc phát triển CSHT tại các thị trường đang nổi, một phần vì họ ưa thích các dự án với nguồn tiền vững vàng ở những khu vực có hệ thống quy định và pháp lý ổn định.

    Theo một dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á sẽ cần khoảng 8 nghìn tỷ USD ngay trong thập kỷ này (tính đến 2020) để thu hẹp khoảng cách về CSHT. Khi các quốc gia tiến lên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị và dân số thành thị phát triển, nhu cầu đối với dịch vụ vận chuyển, kho vận và các tiện ích sẽ tiếp tục gia tăng, đặt gánh nặng lên nguồn quỹ dành cho dịch vụ công.

    Đô thị hóa gia tăng tại các nước như Indonesia và Philippines sẽ thúc đẩy nhu cầu CSHT và năng lượng điện. Hội đồng Hoạch định của Indonesia đang tập trung vào các dự án về phát triển hệ thống trung chuyển, đường có thu phí và sân bay, trong khi đó, chính phủ tại Philippines của Tổng thống Benigno Aquino III lại dành sự ưu tiên cho việc phát triển cảng, đường cao tốc và các dự án năng lượng.

    Trước những yêu cầu to lớn đó, ASEAN có thể vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt về vốn mặc dù Ngân hàng Đầu tư CSHT châu Á (AIIB) mới được thành lập và đang sẵn sàng cung cấp các khoản vay lên tới 10-15 tỷ USD/năm trong 5-6 năm tới.

    cac nhtm la cau noi giup tang dau tu csht tai asean

    Các NHTM là cầu nối giúp tăng đầu tư CSHT tại ASEAN

    NĐT tư nhân quan tâm

    Tuy nhiên, có một sự nhầm lẫn cho rằng các NĐT tư nhân không quan tâm đến các dự án CSHT là do sự chênh lệch giữa các nước trong khu vực. Thay vào đó, việc hoạch định các dự án một cách thiếu hiệu quả mới chính là nguyên nhân dòng vốn đầu tư e dè chảy vào lĩnh vực này. Các NHTM có thể đóng vai trò là một khớp nối còn thiếu trong bức tranh phát triển CSHT.

    Các NH không chỉ có thể cung cấp thanh khoản và tham gia vào các dự án có mức độ rủi ro thấp mà còn có thể làm việc với các chính phủ để đưa ra những điều kiện phù hợp cho việc tài trợ vốn, từ đó giúp tạo ra một khuôn khổ bền vững cho các dự án có thể hợp tác với NH.

    Khả năng của các NHTM trong việc cơ cấu các giao dịch một cách thích hợp giúp rủi ro được phân bổ đến đối tượng phù hợp nhất. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc mang đến các nguồn vốn mới cho việc phát triển CSHT. Các nhà quản lý nguồn vốn không mặn mà với các rủi ro dàn trải khi các dự án mới ở giai đoạn đầu nhưng họ lại có thể cung cấp vốn cho CSHT trong dài hạn nếu các khoản vay ngắn hạn từ NH đã được sử dụng để phục vụ giai đoạn đầu của dự án.

    Cơ chế này có tác dụng theo cả hai cách. Khẩu vị của các NĐT tổ chức lớn sẽ gia tăng sự quan tâm của các NHTM và điều này sẽ đảm bảo vốn của họ được phục hồi trong một khung thời gian hợp lý. Tương tự, một thị trường trái phiếu dành cho CSHT được phát triển hơn sẽ mang đến thêm một nguồn thanh khoản cho việc phát triển hạ tầng trong khu vực.

    Các nhà cho vay phát triển đa phương, như AIIB, vẫn có thể đóng vai trò quan trọng và tích cực trong hệ sinh thái CSHT của Đông Nam Á. Việc cung cấp sự hỗ trợ và bảo lãnh, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro, AIIB có thể khiến các dự án cung cấp vốn trở nên hấp dẫn hơn với các NHTM và các NĐT tổ chức.

    Trong khi đó ở vai trò của mình, các NHTM cũng đóng một vai trò đi đầu trong việc điều phối các dự án trong khu vực, giúp các dự án xuyên biên giới phát triển và có hiệu quả cao. Việc cải thiện CSHT không chỉ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư của ASEAN mà còn giúp thu hút nhiều khách du lịch đến với khu vực, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Theo ước tính của WB, cứ gia tăng 10% vốn đầu tư vào các dự án CSHT sẽ đóng góp 1% vào tăng trưởng GDP.

    Nhưng cùng với đó, cần phải xây dựng những nền tảng cơ bản phù hợp. Các chính phủ cần tạo ra một môi trường với khung quy định và pháp lý đồng nhất và quy trình quản trị và ra quyết định minh bạch. Nếu không có những điều kiện này, đầu tư vào các thị trường đang nổi sẽ được cho là có nhiều rủi ro hơn so với đầu tư vào các nước phát triển.

    Trong lĩnh vực tài trợ vốn cho CSHT luôn hiện hữu lý thuyết trò chơi có tổng bằng 0 (the zero-sum game). Do đó, các chính phủ cần sẵn sàng hợp tác với các nhà tư vấn kinh doanh dày dạn kinh nghiệm, ví dụ như các NHTM, để hỗ trợ phát triển những khuôn khổ quy định và pháp lý rõ ràng và nhất quán, cùng với đó là phương thức giao dịch mua bán minh bạch để bảo vệ quyền lợi của các NĐT tư nhân.

    Như vậy, việc phát triển CSHT không phải là một hoạt động đơn phương mà yêu cầu sự hợp sức của các chính phủ, các nhà cho vay phát triển đa phương, các NHTM. Như vậy, có thể coi các NHTM là sợi chỉ kết nối tất cả các bên lại với nhau. Đã đến lúc để phát triển CSHT như một loại tài sản hấp dẫn.

    Nếu các dự án CSHT được hoạch định một cách hiệu quả, và các quỹ tư nhân tham gia vào đúng thời điểm, khoảng cách về CSHT trong khu vực sẽ được thu hẹp. Các NĐT tổ chức sẽ có cơ hội mới để mang nguồn vốn của mình phục vụ cho một mục đích có ý nghĩa tạo ra những tác động tích cực trong dài hạn.


    Ajay Kanwal - Tổng giám đốc khu vực ASEAN và Nam Á Ngân hàng Standard Chartered
    (Thời báo Ngân hàng)

    Trở về
      logo-tinkinhte.com
      Copyright © 2009  Tinkinhte.com
      Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
      Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
      E- Mail: admin@tinkinhte.com
      Powered by CIINS
      Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn