TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Trung Quốc tham vọng phục dựng sức mạnh như đế chế Hán, Đường

    (The gioi)

    Trung Quốc muốn thông qua các sáng kiến kết nối khu vực như Con đường tơ lụa mới để tái xác lập vị thế cường quốc thế giới như đế chế Hán, Đường trong lịch sử.

    thu tuong pakistan nawaz sharif (trai) noi voi vi khach toi tham pakistan hoi thang 4, chu tich trung quoc tap can binh, rang pakistan da quyet dinh dua moi quan he hai nuoc len "cao hon day himalaya". anh: ap

    Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (trái) nói với vị khách tới thăm Pakistan hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng Pakistan đã quyết định đưa mối quan hệ hai nước lên "cao hơn dãy Himalaya". Ảnh: AP

     

    Sau hơn ba thập kỷ phát triển với tốc độ cao, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, với lượng dự trữ ngoại hối lên đến gần 4000 tỷ USD. Với tiềm lực hiện nay, Bắc Kinh đang hướng tới những cơ hội đầu tư và thương mại nước ngoài, nhằm khôi phục tầm ảnh hưởng toàn cầu như thời đại nhà Hán, nhà Đường trong lịch sử, thông qua sáng kiến Con đường tơ lụa mới, theo Financial Times.

    "Đây là một trong số ít những giai đoạn lịch sử người ta nhớ đến mà không liên quan đến sức mạnh cứng", giáo sư sử học Trung Quốc Valerie Hansen thuộc Đại học Yale nhận định. "Và đó chính là những liên tưởng tích cực mà người Trung Quốc muốn nhấn mạnh".

    Khôi phục Con đường tơ lụa

    Phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại cổ trên được cho là sáng kiến chính sách đối ngoại mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nếu như các khoản đầu tư và cho vay mà Trung Quốc cam kết được đưa vào thực tế, sáng kiến Con đường tơ lụa mới sẽ trở thành kế hoạch ngoại giao kinh tế lớn nhất kể từ sau Kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu của Mỹ hồi hậu Thế chiến II, với phạm vi hàng chục quốc gia và tổng dân số trên ba tỷ người.

    Bất chấp việc tăng trưởng kinh tế đang chững lại và sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng, kế hoạch trên có ý nghĩa như một cách để xác định vai trò của Trung Quốc trên thế giới và các mối quan hệ quốc tế của quốc gia này.

    Giới chuyên gia cho rằng, bất kể là xuất phát từ góc độ kinh tế, ngoại giao hay quân sự, Bắc Kinh sẽ sử dụng sáng kiến Con đường tơ lụa mới để khẳng định vai trò lãnh đạo ở châu Á. Thậm chí, một số người còn cho rằng đây là phiên bản hiện đại của Ván cờ lớn thế kỷ 19, cuộc tranh chấp chiến lược giữa Đế quốc Anh và Đế quốc Nga tại khu vực Trung Á.

    "Con đường tơ lụa là một phần của lịch sử Trung Quốc, có từ thời nhà Hán và nhà Đường, hai đế chế vĩ đại nhất của Trung Quốc", Giáo sư Friedrich Wu thuộc Học viện quan hệ quốc tế Rajaratnam, Singapore, bình luận. "Sáng kiến này như một sự gợi nhớ kịp thời rằng, Trung Quốc ngày này cũng đang xây dựng một đế chế mới".

    Theo lời một số cựu quan chức Trung Quốc, sáng kiến Con đường tơ lụa mới bắt nguồn từ một kế hoạch của Bộ Thương mại Trung Quốc, nhằm tìm kiếm đầu ra cho ngành thép và chế tạo vốn đang tồn tại tình trạng dư thừa năng lực sản xuất. Đến tháng 9/2013, sáng kiến này lần đầu tiên được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố trong chuyến công du Kazakhstan, với tên gọi Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa. Một tháng sau, ông Tập đưa ra khái niệm Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

    Hai sáng kiến trên từ đó chính thức được nhắc đến với cái tên chung là "Một vành đai, một con đường", trong đó Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa gồm các tuyến đường thương mại trên lục địa nối liên Trung Á, Nga và châu Âu và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 gồm các tuyến hàng hải đánh thông tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

    Trên thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã tiến hành các nỗ lực kết nối khu vực với một số quốc gia khu vực Trung Á. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thương mại giữa Trung Quốc và năm nước Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, đã tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2010, đạt mức 50 tỷ USD vào năm 2013. Trung Quốc đang muốn xây dựng thêm đường cao tốc và đường ống dẫn để tiếp nhận thêm các nguồn tài nguyên cần thiết cho phát triển.

    con duong to lua moi cua trung quoc. do hoa: ft

    Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Đồ họa: FT

     

    Trong chuyến thăm Pakistan hồi tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết một khoản đầu tư và tín dụng trị giá 46 tỷ USD vào hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, với điểm kết thúc là vịnh Gwadar trên biển Arab. Cũng trong tháng đó, Bắc Kinh tuyên bố kế hoạch bơm 62 tỷ USD dự trữ ngoại hối vào ba ngân hàng chính sách nhà nước để phục vụ cho sáng kiến Con đường tơ lụa mới.

    "Họ chỉ là đang cần một khẩu hiệu cho những gì đã muốn làm trong thời gian dài", một nhà ngoại giao phương Tây cho biết.

    Cùng với lợi ích kinh tế của Trung Quốc trên thế giới không ngừng được mở rộng, lực lượng vũ trang của nước này cũng muốn phát huy vai trò lớn hơn trong khu vực. Trung Quốc hiện không có căn cứ quân sự ở nước ngoài và luôn khẳng định sẽ không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Nhưng căn cứ theo dự luật chống khủng bố gần đây, Bắc Kinh sẽ gửi binh sĩ của mình ra nước ngoài nếu được nước chủ nhà chấp thuận.

    Chính vì vậy, quân đội Trung Quốc muốn được chia phần chính trị và tài chính trong kế hoạch Con đường tơ lụa mới. Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, ông từng được một tướng lĩnh cao cấp Trung Quốc tiết lộ chiến lược Một vành đai, một con đường sẽ bao gồm yếu tố an ninh.

    Các công trình cảng tại Sri Lanka, Bangladesh và Pakistan khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi về mục đích cuối cùng của Trung Quốc có phải là nhằm xây dựng những căn cứ hậu cần hải quân đa dụng, để kiểm soát các tuyến đường biển trong chiến lược được mệnh danh là "Chuỗi ngọc trai".

    Vì vậy, việc sáng kiến này khó có thể giành được sự tin tưởng tự nhiên từ các quốc gia láng giềng vốn đầy nghi ngại và niềm tin này thường xuyên bị xói mòn bởi sự phô trương sức mạnh liên tục của Trung Quốc, như tư thế tuyên bố chủ quyền hung hăng của nước này tại Biển Đông.

    Những thách thức tiềm ẩn

    Giới phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên khi sự ra đời của sáng kiến Con đường tơ lụa mới trùng hợp với quá trình bùng nổ đầu tư, tạo ra tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, vì vậy cần tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài.

    "Tăng trưởng xây dựng đang chậm lại và Trung Quốc không cần thiết xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc, đường sắt và cảng biển, do vậy họ phải tìm các nước có nhu cầu", theo chuyên gia Tom Miller thuộc Công ty tư vấn Gavekal Dragonomics. "Một trong những mục tiêu rõ ràng là đạt được nhiều hợp đồng ở nước ngoài cho các công ty xây dựng Trung Quốc".

    Câu hỏi được đặt ra là các nước hoan nghênh đầu tư từ Trung Quốc, nhưng liệu có muốn tiếp nhận năng lực sản xuất dư thừa của nước này hay không. Bởi, một số quốc gia hiện nay đang có tỷ lệ thất nghiệp cao hoặc có tham vọng phát triển ngành công nghiệp của nước mình.

    Còn chuyên gia Scott Kennedy, phó giám đốc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS), thì ví Con đường tơ lụa mới như một cây thông Noel, mà người ta treo lên đó những mục tiêu chính sách trong khi không ai tiến hành phân tích kinh tế một cách phù hợp.

    "Tiền chính phủ mà họ đổ vào là chưa đủ, họ hy vọng thu hút vốn tư nhân, nhưng liệu vốn tư nhân có muốn đầu tư hay không", ông Kennedy nói. "Bởi có làm ra được tiền hay không".

    Ngoài ra, các dự án tại những khu vực bất ổn là thách thức với chính sách tránh xa rắc rối an ninh ở nước ngoài của Trung Quốc. Tiến sâu vào khu vực Trung Á đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ phải khỏa lấp một phần khoảng trống do sự rút quân của Moscow sau Chiến tranh Lạnh và tiếp theo đó là sự rút quân của Washington trong những năm sắp tới.

    Tuy nhiên, điều này đẩy Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nam rằng, an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế hay các cuộc xung đột địa phương có thể được giải quyết thông qua đầu tư và chi tiêu vào xây dựng cơ sở hạ tầng như Bắc Kinh luôn tin tưởng.

    Nhưng nếu như cách làm trên không hiệu quả, Trung Quốc phải đổi diện với một sự lựa chọn khó khăn khác là bỏ cuộc hay bị sa lầy trong các cam kết an ninh và chính trị khu vực. Bắc Kinh từng tuyên bố rõ không muốn thay thế Washington tại Afghanistan hay trở thành "cảnh sát khu vực".

    "Trung Quốc sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự", chuyên gia về vấn đề Nam Á Jia Jinjing thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết.

    Đầu tư quy mô lớn cũng sẽ gây ra những nghi ngại về việc mở rộng khả năng lũng đoạn về kinh tế của Trung Quốc và xa hơn nữa là sự kiểm soát ảnh hưởng địa chính trị. Những giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh hy vọng các khoản đầu tư và vốn vay là đủ lớn để các nước khác khó lòng từ chối.

    "Họ (Bắc Kinh) không có nhiều quyền lực mềm vì ít quốc gia tin tưởng", ông Miller nói. "Họ cũng thể không muốn sử dụng sức mạnh quân sự. Những gì họ có là một khối tiền khổng lồ".

    (Theo Vnexpress)

     

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn