TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh 16-06-2016

    "Mổ xẻ" chính sách tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á

    Trang mạng của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) mới đây đăng bài viết của nhà nghiên cứu cấp cao Peter Chalk thuộc Viện Nghiên cứu phi lợi nhuận RAND, với tiêu đề "Sự tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á".

    Theo tác giả, mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á đã giảm đi sau khi Liên Xô sụp đổ và đến tháng 1/2012, Tổng thống Barack Obama mới chính thức công bố chính sách “tái cân bằng ở châu Á”. Đây được coi là sự "xoay trục" của Mỹ khi nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực.
    tong thong obama phat bieu trong chuyen tham soai ham brp gregorio del pilar o philippines.

    Tổng thống Obama phát biểu trong chuyến thăm soái hạm BRP Gregorio del Pilar ở Philippines.

     

    Với chính sách đó, Mỹ hiểu rằng cần phải tận dụng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của những nước này để xây dựng một mạng lưới đồng minh và đối tác nhằm duy trì và củng cố trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết hiệu quả các thách thức trong khu vực. Mỹ đã theo đuổi bốn lĩnh vực hợp tác chính với nhiều cam kết song phương và đa phương với các nước Đông Nam Á. Đó là: Hỗ trợ sự phát triển của Cộng đồng ASEAN; hỗ trợ cải cách quốc phòng và tái cơ cấu; tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ thảm họa nhân đạo; hỗ trợ đối phó với nguy cơ khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Sự can dự có kế hoạch này thể hiện Mỹ đánh giá ngày càng cao tầm quan trọng của ASEAN.

     
    Tuy nhiên, điều này cũng liên quan khá nhiều đến sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể là những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và các nguy cơ từ sự bành trướng này đối với tự do hàng hải trên một trong những tuyến đường năng lượng và thương mại hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.
     
    Thông qua việc mang lại cho Mỹ cơ hội về địa chiến lược và về thể chế, chiến lược xoay trục giúp Mỹ cân bằng và bù đắp các thiệt hại trước những ảnh hưởng ngày một tăng trong khu vực của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự can dự ngày càng rõ rệt của Mỹ ở Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung có thể chỉ càng "khuyến khích" Trung Quốc tiếp tục triển khai các chính sách gây hấn nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Có ý kiến cho rằng kế hoạch tái cân bằng của Mỹ thiếu vững chắc. Nhiều người đang đặt câu hỏi về khả năng Mỹ có thể kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông, bằng cách tích cực can dự vào châu Á.
     
    Ngược lại, Trung Quốc dường như lại đang theo đuổi một lập trường ngày càng hiếu chiến, liên tục có các hành động đơn phương gây tranh cãi nhằm khẳng định và củng cố quyền kiểm soát đối với tất cả vùng lãnh thổ trong phạm vi "đường chín đoạn". Những người có cách nhìn này cho rằng chính sách xoay trục của Mỹ thực tế đã thất bại khi muốn bảo đảm Trung Quốc sẽ nổi lên như một “đối tác có trách nhiệm” nhằm củng cố và duy trì trật tự vốn có trong khu vực.
    Vấn đề cốt lõi là liệu Mỹ có tiếp tục thực thi chính sách coi ASEAN là trọng tâm trong chiến lược can dự vào châu Á rộng lớn hơn hay không. Trong năm bầu cử, có thể một tổng thống không thuộc đảng Dân chủ sẽ nắm quyền, ưu tiên của Mỹ có thể sẽ thay đổi. Ngay cả trong trường hợp các chính đảng không làm chệch hướng chính sách xoay trục ở Đông Nam Á thì họ cũng bị hạn chế về ngân sách.
     
    Nếu tiếp tục duy trì chính sách này, rõ ràng thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt sẽ là thuyết phục Trung Quốc rằng việc Mỹ quay trở lại Đông Nam Á không phải để ngăn chặn Trung Quốc, mà là để khôi phục và tăng cường quan hệ đối tác tại một trong những khu vực quan trọng của thế giới. Đạt được kết quả như vậy sẽ đòi hỏi một chiến lược đa chiều và linh hoạt, gồm cả can dự và cân bằng. Kết quả tối ưu và bền vững nhất sẽ là sự xuất hiện một trật tự khu vực mà trong đó Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng nhanh chóng leo thang, vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và đe dọa lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh trong khu vực.

    Nga, Hàn kêu gọi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

    Nga và Hàn Quốc mới đây đã đưa ra lời kêu gọi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

    ngoai truong han quoc yun byung-se. anh: yonhap/ttxvn

    Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se. Ảnh: Yonhap/TTXVN

    Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se ngày 13/6 tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố hai nước tái khẳng định cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triền Tiên và cả Nga và Hàn Quốc sẽ không chấp nhận Triều Tiên tự tuyên bố là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
     
    Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Nga sẽ theo đuổi việc thực hiện đầy đủ nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua tháng 3 vừa qua để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông tuyên bố không thể chấp nhận được việc biến khu vực này thành một khu vực đối đầu, vì tất cả các vấn đề cần phải được giải quyết thông qua đàm phán.
     
    Hai ngoại trưởng cũng thảo luận hợp tác song phương trong các lĩnh vực như năng lượng, hạt nhân, cơ sở hạ tầng cảng và nghề cá, cũng như các khía cạnh của việc thiết lập khu vực thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu.
     
    Chuyến thăm của ông Yun Byung-se là chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Hàn Quốc tới Nga trong 5 năm qua. Giới chức Seoul coi đây là một cơ hội để đạt được các nỗ lực ngoại giao nhằm gây áp lực đối với Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.

    Brexit có thể hủy hoại nền văn minh phương Tây

    Brexit, hay là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), có thể là sự khởi đầu quá trình hủy hoại không chỉ EU mà còn toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây.

    chu tich hoi dong chau au donald tusk. anh: epa/ttxvn

    Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: EPA/TTXVN

    Theo THX/Reuters, trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức “Bild” đăng ngày 13/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đưa ra cảnh báo trên. Ông Tusk nói: “Về mặt kinh tế, mọi nước trong EU đều sẽ thiệt hại, đặc biệt là bản thân nước Anh. 
     
    Về mặt chính trị, điều này (Brexit) sẽ kích động toàn bộ những người cực đoan chống hội nhập châu Âu từ bên trong nhiều nước thành viên... Tôi cho rằng Brexit có khả năng là sự khởi đầu quá trình hủy hoại không chỉ EU mà còn toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây”.
     
    Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bày tỏ hy vọng trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới, các cử tri Anh sẽ quyết định ở lại EU, đồng thời cho rằng liên minh này cần một nước quan trọng về mặt chiến lược với truyền thống đi biển và giao thương mạnh mẽ.

    Hoa Kỳ- Trung Quốc đạt bước tiến quan trọng trong đàm phán an ninh mạng

    Ngày 14-6, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết, sau vòng đàm phán mới nhất về an ninh mạng giữa hai quốc gia rằng, Hoa Kỳ rất vui mừng khi nhận thấy đã có nhiều sự tiến bộ trong vấn đề chia sẻ mối đe dọa thông tin mạng với Trung Quốc.
     

    cac hacker toi tu trung quoc duoc xem la moi de doa lon toi an ninh mang cua hoa ky.

    Các hacker tới từ Trung Quốc được xem là mối đe dọa lớn tới an ninh mạng của Hoa Kỳ.

    An ninh mạng từ lâu đã là một “vấn đề gây nhiều tranh cãi” trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

    Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký kết một hiệp ước chống hack (xâm nhập mạng thông tin trái phép) trong tháng 9 năm ngoái, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tới Washington, trong đó có cam kết rằng cả 2 nước sẽ cùng cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan tới “hack mạng” để tạo ra các lợi thế về thương mại.

    Thỏa thuận này đánh dấu một nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc hàn gắn lại mối quan hệ đã rạn nứt sau khi Trung Quốc rút một nhóm công tác của nước này vào năm 2014 do phía Hoa Kỳ cáo buộc rằng đã có 5 thành viên trong tổ chức quân đội của Trung Quốc có hành vi cố ý tấn công an ninh mạng 6 công ty của Hoa Kỳ.

    Trong cuộc họp tại Bắc Kinh, bà Suzanne Spaulding, đại diện Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết, việc tập trung vào các cuộc đàm phán là để đảm bảo rằng cả 2 bên đang cùng nỗ lực thực hiện cam kết của lãnh đạo 2 nước. Bà Spaulding cũng tái khẳng định rằng: "Chúng tôi mong muốn thảo luận về những cam kết liên quan đến việc thực hiện các vấn đề chống lại hành vi trộm cắp IP, trộm cắp bí mật thương mại và các thông tin kinh doanh khác".

    Ngoài ra, theo bà Spaulding, một yếu tố quan trọng của thỏa thuận là chia sẻ thông tin và thiết lập được cơ chế. Hiện nay, cả 2 bên đã thiết lập được địa chỉ email chung để chia sẻ thông tin. Và phía Hoa Kỳ rất hài lòng khi trước mắt đã có địa chỉ email tạm thời và hoạt động của nó đang được đánh giá rất cao.

    Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, ông Guo Shengkun cho biết, phía Trung Quốc cũng đánh giá cao các cuộc đàm phán. "Chúng tôi muốn biến các cuộc thảo luận từ các chính sách trên giấy có thể trở thành hiện thực. Cả 2 bên sẽ tiếp tục hợp tác về các vấn đề liên quan tới an ninh mạng. Tôi tin rằng với sự lãnh đạo của cả 2 bên, vấn đề này sẽ giải quyết. Đặc biệt, về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã khẳng định ông sẽ đích thân chỉ đạo", ông Guo nhấn mạnh.

    Hiện nay, các “hacker” (tội phạm an ninh mạng) tới từ Trung Quốc, Nga và Iran được Hoa Kỳ cho rằng là những tội phạm nguy hiểm và tinh vi nhất hiện nay.

    Trong quá khứ, Hoa Kỳ cũng đã từng cáo buộc Bắc Kinh trong một vụ án lớn liên quan tới các hacker Trung Quốc xâm nhập trái phép hồ sơ nhân viên liên bang năm ngoái, tiếp cận với nguồn thông tin cá nhân nhạy cảm của hơn 22 triệu người lao động Hoa Kỳ.(HQ)


    Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc

    Ngày 14-6, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc đã diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc theo đề xuất của ASEAN khi các ngoại trưởng thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 2/2016.
     

    pho thu tuong, bo truong ngoai giao pham binh minh chup anh chung voi truong doan cac nuoc va tong thu ky asean le luong minh. (anh: hai yen/ttxvn)

    Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh chung với Trưởng đoàn các nước và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

    Hội nghị dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã tập trung thảo luận hai nội dung chính là quan hệ ASEAN-Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.

    Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

    Về quan hệ ASEAN-Trung Quốc, hai bên bày tỏ vui mừng với những tiến triển quan trọng trong hợp tác hai bên, nhất là kết quả triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, trong đó có việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).

    Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với giá trị thương mại hai chiều năm 2015 đạt 470 tỷ USD. Hai bên đã nhất trí phấn đấu mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỷ USD năm 2020.

    Các Bộ trưởng đã thảo luận phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển; nhất trí triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động 2016-2020; tích cực phối hợp tiến hành các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại trong năm 2016, nhất là chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Trung Quốc vào tháng Chín tại thủ đô Vientiane của Lào, trong đó có việc soạn thảo Tuyên bố chung Cấp cao Kỷ niệm và Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về hợp tác nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường phối hợp và hợp tác thông qua các cơ chế của ASEAN nhằm xử lý những thách thức chung, góp phần duy trì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, kể cả ở Biển Đông.

    Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế.

    Trước tình hình phức tạp đó, các Bộ trưởng đề nghị ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa.

    Các Bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

    Hai bên hoan nghênh kết quả của Cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 12 về thực hiện DOC vừa qua tại Hạ Long, Quảng Ninh; tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy và thúc đẩy hợp tác chung trên thực tế, quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông, nhất là tăng cường trao đổi để có những tiến triển thực chất trong việc thực hiện DOC và xây dựng COC.

    Các Bộ trưởng cũng nhất trí sớm hoàn tất dự thảo Tuyên bố về cam kết thực hiện Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển để trình Cấp cao Kỷ niệm thông qua cũng như vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao về xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông.

    Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam và ASEAN hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; hoan nghênh các kết quả hợp tác hai bên trong thời gian qua, đồng thời đề xuất định hướng đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, cụ thể là: thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động 2016-2020, kể cả huy động nguồn lực phù hợp để thực hiện; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, nhất là ở tiểu vùng sông Mekong; tăng cường phối hợp trong xử lý các thách thức an ninh chung ở khu vực, kể cả ở Biển Đông; tích cực triển khai các hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, nhất là chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm dự kiến vào tháng Chín tại Lào.

    Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với quan hệ ASEAN-Trung Quốc cũng như hòa bình, an ninh khu vực; đã chứng kiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực, các nước từng đạt những kết quả tích cực trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

    Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông và những hệ lụy nghiêm trọng của chúng; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác để xử lý vấn đề Biển Đông, tuân thủ các cam kết bằng những hành động cụ thể, nhất là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, nhất là không quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC; đề nghị ngừng các hành động làm phức tạp thêm tình hình và thúc đẩy để có những tiến triển trong đàm phán song phương về phân định trên biển.


    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn