TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh 29-06-2016

    Nghị viện châu Âu kêu gọi Anh sớm rời EU

    Nghị viện châu Âu hôm nay kêu gọi Anh kích hoạt quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu càng sớm càng tốt.
    thu tuong anh david cameron. anh: reuters.

    Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters.

    "Ý nguyện mà người dân đã bày tỏ cần được tôn trọng đầy đủ, bắt đầu từ việc kích hoạt điều 50 sớm nhất có thể", AFP dẫn nghị quyết được các thành viên Nghị viện châu Âu thông qua trong một phiên họp khẩn cấp cho biết. Nghị quyết nhận được 395 phiếu thuận, 200 phiếu chống và 71 phiếu trắng.

    Chính phủ Anh hiện là bên sẽ quyết định khi nào kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu hai năm đàm phán về các điều khoản để Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

    Chủ tịch EU Donald Tusk cho biết Brussels "hôm nay" đã sẵn sàng bắt đầu đàm phán để Anh rời liên minh. Ông Tusk đã đến Brussels, nơi đặt trụ sở EU, để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh EU. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron nói sẽ chưa kích hoạt điều 50 và London trước tiên cần "xác định hình thức quan hệ muốn có với EU".

    Ông Tusk còn đề nghị tổ chức họp thượng đỉnh với 27 nước thành viên EU, ngoại trừ Anh, vào tháng 9 để thảo luận tương lai liên minh. "Địa điểm tổ chức phù hợp có lẽ là Bratislava", ông nói, nhắc đến thủ đô của Slovakia, quốc gia giữ quyền chủ tịch luân phiên từ ngày 1/7.

    Người dân Anh ngày 23/6 tổ chức trưng cầu dân ý về việc nước này có nên rời khỏi EU hay không. Kết quả cho thấy phe chọn rời EU chiến thắng với 51,9% số phiếu ủng hộ. Thủ tướng Cameron, lập trường ủng hộ EU, tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10.


    Cựu Tư lệnh NATO coi Nga là mối đe dọa đối với toàn bộ trật tự thế giới

    Cựu Tư lệnh NATO coi Nga là mối đe dọa đối với toàn bộ trật tự thế giới

    Cựu tổng tư lệnh các lực lượng liên quân NATO ở châu Âu, tướng Mỹ Philip Breedlove

    Cựu tổng tư lệnh các lực lượng liên quân ở châu Âu, tướng Mỹ Philip Breedlove coi Nga là "mối đe dọa hiện hữu" đối với Mỹ, các đồng minh của Mỹ và toàn bộ trật tự thế giới. Điều này được nêu trong bài viết của Philip Breedlove, vừa công bố trên tạp chí Foreign Affairs.
    Theo tướng Breedlove, Nga sẽ một lần nữa trở thành cường quốc thế giới. Với tham vọng của mình, theo tướng Mỹ đã nghỉ hưu, Moscow cho thấy "các cuộc tấn công giả định bằng máy bay quân sự vào các tàu khu trục Mỹ ở Biển Baltic và nối lại các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược dọc theo bờ biển Mỹ."
    Breedlove gọi hoạt động của Nga ở Syria, được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan chức năng nước này, là một cuộc "can thiệp" và bày tỏ ý kiến rằng điều đó thể hiện mong muốn của Moscow về mở rộng ảnh hưởng của mình ra nước ngoài.
    "Mặc dù tiềm năng quân sự của Nga ngày càng tăng, Mỹ cũng như đồng minh của Mỹ không được chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng một cách nhanh chóng đối với cuộc xâm lược quân sự công khai. Và họ chưa chuẩn bị đầy đủ để đối đầu với một cuộc chiến tranh lai mà Moscow đang tiến hành ở phía Đông Ukraine", ông Breedlove nhấn mạnh trong bài viết của mình.

    Báo Trung Quốc tuyên bố thừa sức buộc tàu Philippines mắc cạn rời bãi Cỏ Mây

    Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng nước này hoàn toàn đủ năng lực buộc tàu Philippines mắc cạn ở bãi Cỏ Mây đi chỗ khác.
    tau brp sierra madre. anh: ap

    Tàu BRP Sierra Madre. Ảnh: AP

    Nhiều báo Trung Quốc như Sina, Sohu hôm nay đồng loạt đăng tải bài viết của Nhân dân Nhật báo nói rằng nước này thừa sức buộc tàu BRP Sierra Madre di chuyển ra chỗ khác. Đây là con tàu rỉ sét Philippines cho mắc cạn trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1999.

    "Trung Quốc hoàn toàn đủ năng lực buộc tàu Philippines đi chỗ khác, nhưng vì sự ổn định chung của Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông), Trung Quốc sẽ nhẫn nại, duy trì thái độ kiềm chế", trích bài viết trên Nhân dân Nhật báo. 

    Trung Quốc cho rằng bản thân mình không phải "ỷ lớn hiếp nhỏ", mà chính là những quốc gia kia đang "ỷ nhỏ hiếp lớn" và cảnh báo "nhẫn nhịn" của Trung Quốc "có giới hạn".

    BRP Sierra Madre là tàu chở dầu đổ bộ dài 100 mét, được đóng cho hải quân Mỹ trong Thế Chiến II. Hải quân Philippines sau khi tiếp nhận đã cố tình cho tàu mắc cạn trên bãi Cỏ Mây để thể hiện sự hiện diện của Manila ở nơi này. Có một nhóm nhỏ binh sĩ Philippines sinh sống trên tàu. Năm ngoái, hải quân nước này đã sử dụng các tàu nhỏ vượt qua tuần duyên Trung Quốc đưa vật liệu tới gia cố tàu.

    Phía tây bãi Cỏ Mây là đá Vành Khăn, một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.

    Bài viết chỉ trích Mỹ đã "kích động quân sự hóa" Biển Đông, khiến Trung Quốc thêm lo ngại về lợi ích của mình tại khu vực và càng tăng "quyết tâm tăng cường năng lực tự vệ". 

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.

    Trung Quốc đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của các nước trước khi Toà trọng tài Thường trực được thành luật theo Công ước luật biển (UNCLOS) ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" do Philippines khởi kiện. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ có lợi cho Manila. Bắc Kinh không tham gia phiên xử và nói sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào dù nước này là thành viên của UNCLOS và theo quy định phải có nghĩa vụ thực hiện các phán quyết của tòa.


    Sau Brexit, tiếng Anh sẽ không còn là ngôn ngữ chính thức của EU

    "Nếu chúng tôi không có vương quốc Anh thì chúng tôi cũng sẽ không có tiếng Anh", người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề Hiến pháp của Nghị viện châu Âu cho biết.

    Hôm qua (27/6), bà Danuta Hübner - người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề Hiến pháp của Nghị viện châu Âu cảnh báo rằng tiếng Anh sẽ không còn là ngôn ngữ chính thức của EU sau khi Anh rời khỏi liên minh châu Âu.

    Theo bà Hübner, tiếng Anh đang là một trong 24 ngôn ngữ chính thức của EU. Tuy nhiên, khi Anh hoàn tất quá trình rút khỏi khối thì tiếng Anh sẽ mất đi vị thế này.

    ba danuta hübner (o giua) trong mot cuoc hop bao ve hau qua cua cuoc trung cau dan y brexit

    Bà Danuta Hübner (ở giữa) trong một cuộc họp báo về hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý Brexit

    "Chúng tôi có một quy định... mỗi nước trong liên minh châu Âu có quyền lựa chọn một ngôn ngữ chính thức. Ireland sử dụng tiếng Gaelic, xứ Manta dùng tiếng Manta, do vậy chỉ có nước Anh chọn ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh".

    "Nếu chúng tôi không có vương quốc Anh thì chúng tôi cũng sẽ không có tiếng Anh", bà Hübner nói.

    Bà Hübner cũng cho hay, hiện tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ làm việc ở các tổ chức châu Âu và là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất bởi công chức EU. "Tiếng Anh thực sự là ngôn ngữ thống trị", bà Hübner nhấn mạnh.

    Theo người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề Hiến pháp của Nghị viện châu Âu, quy định về ngôn ngữ chính thức của EU phải được các thành viên nhất trí thay đổi nếu họ muốn giữ tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức.


    Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sắp điện đàm lần đầu sau vụ bắn hạ Su-24

    Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày mai sẽ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, lần liên lạc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo từ sau vụ Su-24 của Moscow bị bắn hạ.
    tong thong nga vladimir putin (trai) va nguoi dong cap tho nhi ky tayyip erdogan. anh: sputnik.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Sputnik.

    AFP dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlim Dmitry Peskov nói cuộc điện đàm diễn ra vào ngày mai theo "đề xuất từ phía Nga" sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow hôm qua cho biết trong thư có một lời xin lỗi.

    "Một bước quan trọng hướng đến bình thường hóa quan hệ hai nước đã được thực hiện nhờ việc gửi thư", ông Peskov phát biểu với báo giới. "Việc bình thường hóa chưa thể diễn ra trong vài ngày tới nhưng các hoạt động theo hướng này sẽ tiếp tục".

    Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm từ khi Ankara bắn hạ phi cơ Su-24 của Moscow gần biên giới Syria hồi tháng 11/2015. Moscow đã nhiều lần đề nghị Ankara xin lỗi nhưng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không thừa nhận đây là sai lầm.

    Ankara hôm nay thông báo ngoại trưởng hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc gặp tại thành phố Sochi, Nga. Sochi là nơi tổ chức hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế Biển Đen (BSEC) vào ngày 1/7. BSEC, trụ sở tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, gồm 11 quốc gia, trong đó 6 nước giáp Biển Đen.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn