TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh chiều 07-12-2015

    Quan chức chống tham nhũng mất chức vì tham nhũng

    Một quan chức lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vừa bị cách chức vì trong nhà chứa tới 31 triệu USD tiền mặt không rõ nguồn gốc.

    ong liu xiangdong, quan chuc phu trach chong tham nhung o son tay - anh: scmp

    Ông Liu Xiangdong, quan chức phụ trách chống tham nhũng ở Sơn Tây - Ảnh: SCMP

    Theo Tân Hoa xã, Ủy ban Thanh tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) thông báo ông Liu Xiangdong, người đứng đầu đội thanh tra chống tham nhũng ở Sơn Tây, đã bị cách chức và bị khai trừ khỏi Đảng vì tội “vi phạm kỷ luật thanh tra, tiết lộ bí mật nhà nước và nhận hối lộ”.

    Trong tư gia của ông Liu, các nhà điều tra phát hiện số tiền mặt tương đương 31 triệu USD. Ngoài vị trí lãnh đạo chống tham nhũng, ông Liu còn là người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường ở Sơn Tây, tỉnh nổi tiếng ô nhiễm trầm trọng vì ngành công nghiệp khai thác than.

    Sau khi ông Liu bị cách chức, lập tức trên mạng xã hội Sina Weibo nhiều cư dân Trung Quốc lên tiếng đặt câu hỏi về cuộc chiến chống tham nhũng của Chính phủ Trung Quốc. “Quan chức chống tham nhũng mà cũng tham nhũng thì chúng ta cần họ làm gì?” - một người đặt câu hỏi.

    Trong thời gian qua, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã hạ bệ hàng loạt con hổ lớn như cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Lệnh Kế Hoạch - cố vấn thân cận của cựu chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.

    CCDI tổ chức các “đội thanh tra” tại các tỉnh với thành viên là nhiều quan chức địa phương được đánh giá đáng tin cậy. Ông Liu là quan chức đầu tiên của chiến dịch chống tham nhũng bị mất chức vì tội tham nhũng.

    Một tháng trước, ông Zhang Jianwei, quan chức phụ trách chống tham nhũng trong Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), tự sát tại văn phòng. Nhà chức trách Trung Quốc vẫn đang điều tra cái chết đầy bất ngờ và bí ẩn này. 


    Tấn công khủng bố bằng dao ở Luân Đôn, 3 người bị thương

    Theo lời các nhân chứng tại hiện trường, tên này đã hét lớn “dành cho Syria” trước khi điên cuồng cầm dao lao vào tấn công các khách bộ hành.

    luc luong canh sat lam viec tai tram tau dien ngam leytonstone - anh: telegraph

    Lực lượng cảnh sát làm việc tại trạm tàu điện ngầm Leytonstone - Ảnh: Telegraph

    Theo Telegraph, vụ việc xảy ra tại trạm tàu điện ngầm Leytonstone phía đông Luân Đôn vào 19g tối 5-12.

    Hình ảnh được ghi nhận từ hiện trường cho thấy hung thủ đeo chiếc mũ trùm đầu màu đen, lưng đeo một túi thể thao nhỏ. Sau khi bước qua điểm chặn soát vé trong trạm tàu điện, hắn cầm dao đâm túi bụi vào các hành khách khác khiến mọi người hoảng loạn cực độ.

    “Mất khoảng 7 phút sau cảnh sát mới đến. Tôi đã rất lo lắng, mọi người xung quanh đều tỏ ra sợ hãi” - một nhân chứng nói với Telegraph.

    “Một người đến nói với tôi rằng có ai đó đã bị đâm. Một người khác hét lên “thoát khỏi nơi này mau!”

    Theo các nhân chứng, kẻ khủng bố bị lực lượng cảnh sát tóm gọn vào lúc 19g14 và đưa về đồn để thẩm vấn ngay sau đó.

    Cảnh sát thủ đô cho biết trong số những hành khách bị tấn công, có 1 người bị thương nặng nhưng không đến mức nguy hiểm đến tính mạng. Hai người còn lại đều bị thương nhẹ.

    Tướng Richard Walton, người đứng đầu lực lượng chống khủng bố ở Anh cho biết họ xem đây là một cuộc tấn công khủng bố.

    “Tôi yêu cầu mọi người hãy giữ bình tĩnh, nhưng hãy luôn thật cẩn trọng và đề cao cảnh giác. Nguy cơ khủng bố vẫn rất nghiêm trọng”.

    Hiện cảnh sát vẫn đang thu thập lời khai từ các nhân chứng có mặt tại hiện trường, trong đó có một người đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ diễn biến vụ việc.

    Các thám tử trong lực lượng chống khủng bố cũng đang thẩm vấn về động cơ gây án của kẻ thủ ác, được cho là có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố ở Syria.

    Danh tính của tên này vẫn chưa được tiết lộ.


    Azerbaijan: cháy giàn khoan trên biển, 32 người chết

    Theo công ty năng lượng quốc gia Azerbaijan (SOCAR), vụ tai nạn xảy ra tại mỏ dầu Gunashli đêm 4-12, sau khi một đường ống dẫn khí đốt trên giàn khoan bị hư hại do gió mạnh. 

    dam chay bung phat du doi khien 32 cong nhan lam viec tren gian khoan thiet mang - anh: reuters

    Đám cháy bùng phát dữ dội khiến 32 công nhân làm việc trên giàn khoan thiệt mạng - Ảnh: Reuters

    Người đứng đầu Ủy ban độc lập bảo vệ quyền của công nhân khai thác dầu Azerbaijan, ông Mirvari Gakhramanly cho biết tính đến nay, 32 công nhân đã thiệt mạng và 32 công nhân khác đã được cứu khỏi hiện trường. Hiện đám cháy trên giàn khoan đã được khống chế. 

    Sự việc xảy ra khi 64 công nhân đang làm việc trên giàn khoan. Theo thông tin ban đầu, công tác tìm kiếm gặp nhiều trở ngại do gió to và bão lớn làm đám cháy lan rộng.

    SOCAR cho biết trong thời điểm hiện tại, việc sản xuất dầu tại 28 giếng dầu đã tạm ngừng, trong khi toàn bộ đường ống dẫn dầu và khí đốt nối với đất liền đã bị chặn lại để đảm bảo an toàn.

    Khoảng 60% sản lượng dầu của SOCAR khai thác từ giàn khoan bị cháy nói trên, vì vậy sản lượng của công ty sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian.

    Trong một sự cố khác xảy ra cùng ngày 4-12, SOCAR thông báo 3 công nhân trên một giàn khoan khác của công ty này ở ngoài khơi biển Caspian đã mất tích sau một tai nạn trong trận bão.

    AP cho biết Tổng thống Azerbaijan là Ilham Aliyev hôm qua đã ký sắc lệnh yêu cầu lập một ủy ban do Thủ tướng Artur Rasizade đứng đầu để phối hợp ứng phó với vụ hỏa hoạn.

    Azerbaijan hiện là đối tác chính trong các dự án vận chuyển năng lượng từ các mỏ năng lượng ở biển Caspi cho các nước phương Tây thông qua các đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

    Giếng dầu Guneshli được phát hiện năm 1981, cách thủ đô Baku của Azerbaijan khoảng 90 km về phía Đông. Năm 1994, chính phủ Azerbaijan đã ký thỏa thuận khai thác giếng dầu Guneshli với các công ty nước ngoài trong đó có BP của Anh, Statoil của Na Uy, Chevron và  Exxonmobil của Mỹ. Hoạt động khai thác tại Guneshli bắt đầu từ năm 2008 với 10 giàn khoan do SOCAR vận hành.


    Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ bao che IS bán dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ

    Theo hãng AFP, ngày 5/12, Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc Mỹ làm ngơ trước hoạt động buôn lậu dầu vào Thổ Nhĩ Kỳ từ những khu vực ở Syria nằm dưới quyền kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), sau khi Washington gọi số lượng dầu được vận chuyển là không đáng kể.

    Trên trang Facebook của mình, bộ trên nêu rõ: "Khi giới chức Mỹ nói rằng họ không biết những kẻ khủng bố buôn lậu dầu mỏ vào Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nào... nó cho thấy ý định bao che cho những hành vi này.

    Các tuyên bố của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao (Mỹ) thật lố bịch... Họ nên xem những đoạn video do chính các máy bay không người lái của họ, gần đây đã nhiều lên gấp 3 lần, quay lại ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và các mỏ dầu."

    Hôm 4/12, Đặc phái viên Mỹ và cũng là điều phối viên các vấn đề năng lượng quốc tế Amos Hochstein nói rằng dầu mỏ được buôn lậu vào Thổ Nhĩ Kỳ từ những khu vực ở Syria do IS kiểm soát là "không đáng kể về khối lượng cũng như lợi nhuận"./


    Bà Merkel sẽ là nữ tổng thư ký đầu tiên của LHQ

    ba merkel se la nu tong thu ky dau tien cua lhq

    Bà Merkel sẽ là nữ tổng thư ký đầu tiên của LHQ


    Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Morgens Lykketoft và Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ Matthew Rycroft mới đây đã ra tuyên bố chung kêu gọi tổ chức bầu Tổng Thư ký mới của LHQ vào tháng 9 hoặc tháng 10/2016. Một trong 4 ứng cử viên sáng giá là đương kim thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.

    Tuyên bố cũng đề xuất thời hạn, quá trình và những đòi hỏi đối với ứng viên sẽ đảm nhận cương vị quan trọng này. Tất cả những người muốn ra ứng cử sẽ phải tuyên bố về ý định của mình trước mùa xuân sang năm.

    Sở dĩ có lời kêu gọi trên là vì đương kim Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (năm nay 71 tuổi) sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2016. Trong những tháng vừa qua, dư luận nhiều nước đã sôi nổi bàn luận về việc nhân vật nào có thể sẽ thay thế ông Ban Ki-moon. Đồng thời, nhiều người tỏ ý hy vọng Tổng Thư ký mới của LHQ sẽ là một phụ nữ.

    Hồi đầu năm nay, một phong trào có tên Woman SG (Woman General Secretary - Nữ Tổng Thư ký) đã được phát động. Những người tham gia phong trào muốn thấy một phụ nữ lần đầu tiên trên cương vị Tổng Thư ký LHQ sau 8 nam giới đã đảm nhận cương vị này. Ngoài ra, mong muốn thấy một Nữ Tổng thư ký LHQ còn được thể hiện cả trên cấp độ Nhà nước. Thật vậy, lời kêu gọi của Colombia về vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ của hơn 40 quốc gia.

    Theo nhận định của các nhà phân tích, hiện nay có 4 phụ nữ có thể trở thành ứng viên tiềm năng vào chức Tổng Thư ký LHQ khóa tới. Đó là đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel, 60 tuổi, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christina Lagarde, 59 tuổi, cựu Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của Cộng đồng châu Âu Catherine Ashton, 59 tuổi, và đương kim Tổng thống Litva Dalia Gribaukaite, cũng 59 tuổi. Trong số 4 nữ chính khách đó, giới phân tích cho rằng người có nhiều triển vọng hơn hết là bà Angela Merkel.

    Theo tờ báo Đức Bild, ngay tại Đức cũng lan truyền nhiều lời đồn đại về việc bà Merkel sau 3 nhiệm kỳ làm Thủ tướng sẽ có thể đứng đầu LHQ. Bà đã có lần nói riêng với giới thân cận của bà là muốn rời bỏ ghế Thủ tướng theo quyết định của chính bà chứ không phải do thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Mặt khác, không một ai tin rằng bà Merkel sẽ chịu ngồi yên ở tuổi 60 sau khi về hưu. Tuy bà đang mất dần uy tín ở Đức nhưng tại LHQ bà vẫn cảm thấy hết sức thoải mái, vẫn được chào đón nồng nhiệt với tư cách “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”. Phong trào WGS nói trên coi bà là “ứng viên lý tưởng” vào chức Tổng Thư ký LHQ.

    Tuy nhiên, nếu bà Merkel quyết tâm ra ứng cử thì bà cũng vấp phải không ít trở ngại. Cho tới nay, chức Tổng Thư ký LHQ luôn luôn được xác định thông qua các cuộc thương lượng trong hậu trường giữa những nước lớn nhất và có ảnh hưởng nhất. Sau đó, ứng viên còn phải giành được sự ủng hộ của 2/3 tổng số các nước thành viên tại Đại Hội đồng và toàn bộ 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ). Đây chính là khó khăn đầu tiên đối với bà Merkel bởi vì Nga chắc chắn không hề muốn thấy chức Tổng Thư ký LHQ rơi vào tay một nhân vật chống Nga gay gắt nhất trong vấn đề Ukraine. Hơn thế nữa, không thể không kể đến một thực tế là đa số các nước thành viên LHQ không muốn thấy một nhân vật mạnh đảm nhận chức Tổng Thư ký.

    Tuy bà Merkel đang mất dần uy tín ở Đức nhưng tại LHQ bà vẫn cảm thấy hết sức thoải mái, vẫn được chào đón nồng nhiệt với tư cách “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn