TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh chiều 28-04-2016

    Tổng thống Obama: Mỹ có thể hủy diệt Triều Tiên

    "Chúng tôi hoàn toàn có thể phá hủy Triều Tiên bằng kho vũ khí của mình. Nhưng bên cạnh vấn đề tổn thất nhân đạo, Triều Tiên còn sát vách đồng minh quan trọng của Mỹ là Hàn Quốc", Tổng thống Obama nói.
    Trong buổi phỏng vấn trên đài CBS ngày 26.4, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận đối phó với Triều Tiên thực sự là một "thách thức khổng lồ", theo Yonhap ngày 27.4.
    Ưu tiên bảo vệ đồng minh
    Theo đánh giá của Tổng thống Mỹ, Triều Tiên đã "đủ thất thường" và lãnh đạo Kim Jong-un thì đã "đủ vô trách nhiệm để chúng ta không muốn họ tiến lại gần thêm". Tuy vậy, ông Obama vẫn tỏ ra thận trọng khi nói rằng giải quyết vấn đề với Triều Tiên không hề dễ dàng.
    "Chúng tôi hoàn toàn có thể phá hủy Triều Tiên bằng kho vũ khí của mình. Nhưng bên cạnh vấn đề tổn thất nhân đạo, Triều Tiên còn sát vách đồng minh quan trọng của Mỹ là Hàn Quốc", ông Obama nói. Chính vì vậy ưu tiên hàng đầu của Mỹ là bảo vệ người dân Mỹ cũng như đồng minh của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn là các nước "có thể bị tổn thương trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên".
    Ông Obama cho biết, một trong những điều mà Mỹ đã làm là dành rất nhiều thời gian cho việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực nhàm giảm thiểu những mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.
    my du dinh trien khai he thong phong thu ten lua thadd toi han quoc reuters

    Mỹ dự định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THADD tới Hàn Quốc Reuters

     

    Cũng trong ngày 26.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Mỹ sẽ xem xét "các lựa chọn khác" để gia tăng sức ép đối với Triều Tiên cũng như tăng cường năng lực phòng vệ của các đồng minh châu Á nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân.
    Ông Toner nói: "Nếu Triều Tiên tiếp tục đưa ra những quyết định mà chúng tôi cho là phản tác dụng, chúng tôi sẽ xem xét các hướng đi để phản ứng lại, một mặt vừa đảm bảo an ninh và an toàn cho các đồng minh cũng như bảo vệ an ninh trên bán đảo Triều Tiên, mặt khác sẽ làm hết sức để đưa Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của họ".
    Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời hối thúc Trung Quốc thể hiện tầm ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. 
    Triều Tiên có thể thử hạt nhân bất cứ lúc nào
    tong thong han quoc park geun-hye canh bao trung phat trieu tien nang honreuters

    Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cảnh báo trừng phạt Triều Tiên nặng hơnReuters

     

    Trước đó cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cảnh báo sẽ trừng phạt nặng nề hơn đối với Bình Nhưỡng. Bà Park cũng cho rằng Triều Tiên đã chuẩn bị hoàn tất cho đợt thử hạt nhân thứ 5, và trong tình hình hiện tại Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử hạt nhân vào bất cứ lúc nào.
    Nhiều chuyên gia phân tích đã lo ngại Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần thứ 5 trong dịp nước này tổ chức đại hội đảng. Bình Nhưỡng ngày 27.4 đã ấn định sẽ tổ chức đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 6.5 tới.
    Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 26.4 cũng đưa ra tuyên bố sẽ tăng cường năng lực hạt nhân nhằm chống lại mối đe dọa từ Mỹ. Nói về lần phóng tên lửa đạn đạo mới nhất vào ngày 23.4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định đó là hành động tự vệ trong bối cảnh "Mỹ làm leo thang các mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân".

    Indonesia không chịu nổi sự tham lam của Trung Quốc

    Nhìn toàn diện, chính quyền Jakarta đang làm căng với Bắc Kinh không phải chỉ vì vụ tàu cá trên mà vì sự tham lam của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng không thể chấp nhận được.

    Ngày 24-4, Hải quân Indonesia thông báo bắt giữ một tàu cá Trung Quốc, đánh bắt trái phép trong hải phận của Indonesia. Theo lời phát ngôn viên hải quân Indonesia, Edi Sucipto, chiếc tàu cá của Trung Quốc bị 2 tàu hải quân Indonesia bắt giữ, đưa về căn cứ Belawan thuộc phía Bắc Sumatra để điều tra.

    Hải quân Indonesia cho biết thêm là trên tàu Trung Quốc có một người bị bắn, mang thương tích ở chân, nhưng nêu rõ là có lẽ người này bị tuần duyên Argentina bắn, giải thích thêm rằng mới tháng 2 vừa rồi, chiếc tàu cá Trung Quốc vừa bị bắt giữ xuất hiện ở hải phận Argentina, đánh bắt hải sản trái phép. Hồi tháng 3-2016, tuần duyên Argentina đã nổ súng và đánh đắm một tàu cá Trung Quốc, khi chiếc tàu này đánh bắt cá bất hợp pháp, lại còn cố ý đâm vào tàu tuần duyên của Argentina.

    hai quan indonesia giu thuyen vien tau danh ca hua li-8 cua trung quoc trong belawan, bac sumatra.

    Hải quân Indonesia giữ thuyền viên tàu đánh cá Hua Li-8 của Trung Quốc trong Belawan, Bắc Sumatra.

     
    Vụ việc trên chỉ diễn ra vài tuần sau vụ một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ngang nhiên giải cứu một chiếc tàu cá Trung Quốc hoạt động phi pháp ở vùng biển quần đảo Natuna của Indonesia. Hôm 20-3, chiếc tàu đánh cá mang số hiệu Kway Fey 10078, được hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia, ngoài khơi đảo Natuna. Điều bất thường là hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vũ lực và các hành động hăm dọa để ngăn chặn đội tuần duyên Indonesia bắt tàu đánh cá trái phép theo quy định của luật pháp nước này.
     
    Ngoại trưởng Trung Quốc đã biện minh cho những hành động trên khi khẳng định chiếc tàu đánh cá Trung Quốc chỉ thực hiện các “hoạt động bình thường” trong “những vùng đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”. Thế nhưng, theo quan điểm của Indonesia, những lời biện minh của Bắc Kinh cho đó là “những vùng đánh bắt truyền thống” là sai và nguy hiểm.
     
    “Sai” là vì Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đưa ra vào năm 1982 mà Trung Quốc cũng có tham gia ký kết, không có sử dụng thuật ngữ “vùng đánh bắt truyền thống” mà là “quyền đánh bắt truyền thống” cấp cho một quốc gia nào đó, trong vùng lãnh hải của một đảo quốc lân cận. Đây cũng là quyền mà Jakarta đã cấp cho Kuala-Lumpur theo một thỏa thuận song phương.
     
    “Nguy hiểm” là vì Trung Quốc tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm ở bất cứ những nơi nào mà họ cho là có mối liên hệ lịch sử và truyền thống. Nếu nói vậy, chẳng lẽ tất cả các cảng biển của Indonesia đều sẽ là của Trung Quốc? Bởi vì vào thế kỷ XIV, ông Zheng He, vị đô đốc Trung Quốc theo đạo Hồi nổi tiếng thế kỷ XIV đã từng đi qua những nơi này để đến châu Phi. Đối với Indonesia, việc tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu đánh cá để đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải nước khác là một hành động “vi phạm quyền quốc tế”. Indonesia còn chỉ trích thái độ hăm dọa của phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Jakarta là thiếu tính xây dựng, khi đòi hỏi Indonesia phải xử lý vụ việc “một cách khôn khéo” và phải “để ý đến mối quan hệ song phương Trung Quốc – Indonesia”.
     
    Ngày 24-3, Quốc hội Indonesia đánh giá việc Trung Quốc cướp tàu đánh cá của nước này bị Hải quân Indonesia bắt giữ, là hành động cực kỳ nguy hiểm. Để điều này không trở thành tiền lệ xấu, cơ quan lập pháp Indonesia yêu cầu chính phủ xây dựng một căn cứ quân sự mới trên quần đảo Natuna. Cơ sở này sẽ là một bức “tường thành” chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
     
    Ngày 1-4, trả lời hãng Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết Chính phủ Indonesia có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu F-16 trên quần đảo Banguran ở Biển Đông để ngăn những “tên trộm”. Theo Ernesto Simanungkalit, một nhà ngoại giao Indonesia, Trung Quốc phải hiểu rằng cuộc chiến chống đánh bắt trái phép cũng là một phần của dự án “ngã tư hàng hải thế giới” do Tổng thống Joko Widodo đưa ra ngay từ khi nhậm chức năm 2014. Dự án này sẽ phải được kết hợp đồng điệu với “Con đường tơ lụa” hàng hải của ông Tập Cận Bình. Do bởi, phần phía nam của con đường này phải đi ngang qua vùng lãnh hải của Indonesia. Chính vì điều này, Bắc Kinh chỉ có lợi khi duy trì một mối quan hệ tốt với Jakarta. Và cũng đừng quên rằng Indonesia hiện đang kiểm soát những eo biển quan trọng cho lưu thông hàng hải thế giới, mà sự an toàn và thịnh vượng của Trung Quốc lệ thuộc vào điều đó rất đáng kể.
     
    Câu hỏi đặt ra, vì sao Trung Quốc sẵn sàng hy sinh tiếng tăm của mình cũng như mối quan hệ hữu hảo cá nhân giữa ông Widodo với ông Tập Cận Bình cho một sự đòi hỏi hoàn toàn không có cơ sở. Nên chăng xem đó như là một dấu hiệu của một vụ tấn công mới nhắm vào Indonesia mà sàn diễn lần này sẽ là vùng lãnh hải Natuna? Phải chăng đã đến lúc nên kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật biển? Và với tư cách là thành viên ký kết UNCLOS, liệu Indonesia có đủ can đảm để làm điều đó?
     
    Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong nền ngoại thương của Indonesia, một trong các nước nhập khẩu từ Indonesia nhiều nhất, trong đó có các nguyên liệu như dầu dừa và than đá. Gần đây hai nước đã ký thỏa hiệp trao cho các công ty Trung Quốc xây dựng đường xe lửa cao tốc giữa thủ đô Jakarta và Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java.
     
    Vì vậy, nhiều lần Chính phủ Indonesia không phản đối khi có đụng độ với Trung Quốc. Thí dụ, một chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp bị bắt vào năm 2013, nhưng khi bị tàu Trung Quốc dùng súng máy uy hiếp thì tàu tuần duyên Indonesia đã phải thả cả thuyền lẫn người. Nhưng từ năm 2014, Jakarta đã hành động cương quyết hơn, bắt các ngư phủ vi phạm lãnh hải của họ và đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp.
     
    Sau khi đắc cử, Tổng thống Joko Widodo đi thăm Nhật Bản, đã chính thức lên tiếng phủ nhận giá trị của đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trong vùng Biển Ðông. Trên bản đồ, khu vực đường chín đoạn này không đụng chạm vào hải phận Indonesia kể cả quần đảo Natuna mà Trung Quốc phải chính thức xác nhận, sau khi Indonesia dọa sẽ đưa ra tòa nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với các đảo này.
     
    Tháng 10-2015, Tổng thống Widodo sang Mỹ gặp Tổng thống Obama, trong dịp này Indonesia nhắc lại chính sách đối với đường chín đoạn. Chính phủ Indonesia cũng ủng hộ lập trường của Mỹ không công nhận các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc và nhờ Mỹ giúp xây dựng lực lượng tuần duyên hiện đại.
     
    Thái độ mới gần đây của Chính phủ Indonesia được thể hiện trên nhiều mặt. Ngoài hành động đưa tuần duyên hoạt động tích cực hơn, lời hứa hẹn của hải quân sẽ đem tàu súng lớn tới hỗ trợ các tàu tuần duyên, bà Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiastuti còn nói rằng, “Indonesia có thể sẽ đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế về luật biển”.
     
    Hành động phản kháng mạnh mẽ của Chính phủ Indonesia trong tuần này cũng phù hợp với thái độ mới của các nước Ðông Nam Á. Trước đây các nước này thường né tránh không muốn làm mất lòng Bắc Kinh. Nhưng mới đây, ông Hishammuddin Hussein, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã tuyên bố rằng các nước Ðông Nam Á cần hợp tác chống lại kế hoạch bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển chung này.
     
    Các nước Ðông Nam Á không thể kiên nhẫn trước các hành động mỗi ngày một hung hăng của Bắc Kinh. Ðây là một cơ hội tạo một liên minh Ðông Nam Á ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.

    Brexit - nguy cơ mới với đàm phán TTIP

    Đối với các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), việc tập hợp sự ủng hộ của người dân cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đã là quá khó khăn. Hiện giờ, họ phải đối mặt với nguy cơ Brexit - ám chỉ khả năng Anh sẽ rời khỏi EU.

    Anh sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về việc có rời khỏi EU hay không vào tháng 6 tới, điều làm dấy lên câu hỏi lớn về các cuộc đàm phán TTIP. Nguy cơ này đang đặt ra sức ép ngày một lớn đối với các nhà đàm phán TTIP, những người vừa bắt đầu khai mạc vòng đàm phán thứ ba ở New York hôm 25/4. Là một trong các nền kinh tế lớn nhất EU, Anh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong TTIP - hiệp định sẽ giúp tạo ra khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. TTIP có mục tiêu giảm bớt các hàng rào phi thương mại và hài hòa các quy định quan liêu vốn gây cản trở thương mại và đầu tư giữa EU và Mỹ. Phát biểu tại Đức hôm 24/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi hai bên đẩy nhanh ký kết thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm 2016, trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông đang khép lại.
     
    Tuy nhiên, Anh đang tập trung chú ý vào mối bất hòa với EU (gồm 28 thành viên), trong bối cảnh nước này chìm trong cuộc tranh cãi chính trị nội bộ về việc có rời khỏi EU hay không. Cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 tới không thay đổi mục tiêu cuộc đàm phán, vốn đã diễn ra trong 3 năm qua. Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, việc Anh rời khỏi EU sẽ có tác động thảm khốc đối với triển vọng của TTIP.
    thu tuong anh d. cameron va tong thong my b. obama truoc cuoc gap tai london hom 22/4.

    Thủ tướng Anh D. Cameron và Tổng thống Mỹ B. Obama trước cuộc gặp tại London hôm 22/4.

     

    Gary Hufbauer - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và hiện làm việc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington - nói: “Nếu người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU, điều này sẽ khiến các cuộc đàm phán TTIP trở nên lung lay. Sẽ không còn con đường nào hướng tới phía trước bởi còn quá nhiều bất ổn”. Edward Alden - chuyên gia thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - cho rằng nguy cơ Brexit sẽ khiến toàn bộ dự án TTIP “trở nên vô nghĩa” trong bối cảnh EU và Anh đang vật lộn điều chỉnh. Ông nói: “Việc hoàn tất TTIP sẽ thất bại. Mọi người sẽ rất khó khăn trong việc cố gắng lý giải mối quan hệ mới giữa Anh và châu Âu”.
     
    Điều nghịch lý ở đây đó là nguy cơ Brexit thúc đẩy các nhà đàm phán “tăng tốc” hơn. Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Daniel Hamilton - Giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên Đại Tây Dương tại Đại học Johns Hopkins - cho rằng thông điệp mạnh mẽ của cuộc đàm phán đó là TTIP vẫn đang tiến lên phía trước có thể nhắc nhở Anh rằng họ sẽ bỏ lỡ cơ hội nếu họ rời EU. Ông cho rằng các nhà đàm phán của hai bên “sẽ mong muốn đẩy nhanh tiến trình để cố gắng gây ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận ở Anh”. Ông Hufbauer cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói: “TTIP có thể được sử dụng làm lập luận giúp phe ‘ủng hộ Anh ở lại EU’ áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý”.
     
    Ông Obama - người đang thúc đẩy mạnh mẽ TTIP - đã nhấn mạnh luận điểm đó trong các bài phát biểu ở Anh và Đức tuần qua. Ngày 22/4, tại London, ông cảnh báo rằng nếu Anh rời EU, họ sẽ bị tụt hậu trong bối cảnh quan hệ thương mại EU - Mỹ “nở rộ” sau hiệp định này. Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, ông Obama nói rằng mặc dù “có thể ở một thời điểm nào đó”, Anh sẽ ký kết thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, song “điều này sẽ không sớm xảy ra” và “Anh sẽ xếp ở cuối hàng”.

    Nhân viên Cục Thống kê Trung Quốc bị tố bán dữ liệu

    Hàng trăm nhân viên của Cục Thống kê Trung Quốc đã sử dụng dữ liệu nhà nước để trục lợi, Reuters dẫn tuyên bố của cơ quan chống tham nhũng nước này hôm 27.4.

    Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) vừa qua đã liệt kê hàng loạt vấn đề của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), bao gồm cả các giải pháp đo lường yếu kém, không bắt kịp tốc độ của sự phát triển kinh tế nước này, theo Reuters.

    Trong bản báo cáo, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cho biết 313 nhân viên đang làm việc trong các đơn vị của Cục Thống kê đã bị yêu cầu hoàn trả 3,23 triệu nhân dân tệ (497.450 USD) do đã thu tiền từ việc cung cấp bất thường các thông tin. Sau đó NBS cũng đã đưa bản báo cáo của CCDI lên website.

    Ngoài ra, CCDI cũng nói rằng đã phát hiện vấn đề về các hợp đồng mua thiết bị thu thập dữ liệu di động, với số tiền hơn 600.000 nhân dân tệ.

    Từ lâu đã xuất hiện mối nghi ngờ về chất lượng công việc của NBS, với nhiều thống kê cho thấy sự sai biệt so với con số chính thức.

    Hồi tháng 1 năm nay, CCDI tuyên bố người đứng đầu của NBS, ông Vương Bảo An “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một cụm từ để chỉ hành vi tham nhũng tại Trung Quốc.

    chu tich trung quoc tap can binh van tiep tuc day manh chien dich chong tham nhung tu luc ong len nam quyen reuters

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng từ lúc ông lên nắm quyền Reuters

     

    NBS cũng thường bị cáo buộc trì hoãn hoặc hủy bỏ việc công bố dữ liệu. Trong vài tháng gần đây, cơ quan thống kê này trì hoãn công bố các dữ liệu về ngành điện, sản xuất kim loại cơ bản và tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên của năm 2016, theo Reuters.


    Rơi trực thăng ở miền Nam Trung Quốc, hai người thiệt mạng

    Cả hai người trên trực thăng đã thiệt mạng khi xác của chiếc trực thăng này được tìm thấy tại Khu tự trị dân tộc Choang. Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc, 24 giờ sau khi mất tích sáng 26/4. 

    Tổng công ty hàng không Quế Lâm cho biết trực thăng trên cất cánh từ Quế Lâm, miền Đông Nam Trung Quốc, lúc 11 giờ 20 phút (giờ địa phương) ngày 26/4 để tới Bắc Hải ở Quảng Tây. 

    Khoảng một giờ sau đó, chiếc trực thăng này đã mất liên lạc với mặt đất khi bay qua huyện Vĩnh Phúc thuộc Quế Lâm. 

    Theo công ty trên, xác trực thăng cùng với thi thể của hai nạn nhân đã được tìm thấy tại vùng núi của Vĩnh Phúc. Hai người này đều là phi công của công ty chủ quản chuyên tổ chức các tour du lịch bằng trực thăng nói trên. 

    Hiện nhà chức trách đang tiến hành điều tra nguyên nhân của tai nạn trên.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn