TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh chiều 28-10-2015

    Obama sẽ đến các nước châu Á vào tháng tới

    Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Malaysia vào giữa tháng tới để tham dự một số cuộc họp thượng đỉnh. 
    tong thong my trong mot su kien o washington d.c hom 23/10. anh: reuters

    Tổng thống Mỹ trong một sự kiện ở Washington D.C hôm 23/10. Ảnh: Reuters

    rong chuyến thăm, ông Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Philippines, Reuters dẫn Nhà Trắng cho biết.  

    Tại Malaysia, ông Obama sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

    AP dẫn Nhà Trắng cho hay việc ông Obama tham dự các hội nghị ở Philippines và Malaysia thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với các thể chế khu vực châu Á. Tổng thống Mỹ đang có nỗ lực tái cân bằng vai trò của Washington tại châu Á. Ông Obama sẽ tận dụng các chuyến thăm để thảo luận về các cơ hội thương mại và nhấn mạnh sự cần thiết của việc đạt hiệp ước chống biến đổi khí hậu.

    Chuyến công du diễn ra từ ngày 14/11 tới 22/11. 


    Australia hoãn tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông

    Australia tạm hoãn một cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc trên Biển Đông cho đến khi Mỹ hoàn thành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các bãi đá Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở khu vực này.
    tau ho ve lop anzac hmas arunta. anh: royal australian navy.

    Tàu hộ vệ lớp Anzac HMAS Arunta. Ảnh: Royal Australian Navy.

    Sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen và máy bay trinh sát đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông, Australia tuyên bố tạm hoãn một cuộc tập trận hải quân với Trung Quốc trong vùng biển này, news.com.au hôm nay đưa tin.

    Hai tàu hộ vệ lớp Anzac của Australia là HMAS Arunta và HMAS Stuart đang trên đường từ Nhật Bản đến thành phố cảng Pusan, Hàn Quốc, dự kiến trong vài ngày tới sẽ đến cảng Trạm Giang, phía nam Trung Quốc, cảng nhà của Hạm đội Nam Hải. Theo kế hoạch hai tàu hộ vệ này sẽ tham gia tập trận chung với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông trong tuần sau.

    Sau chuyến thăm tới Trạm Giang, tàu HMAS Arunta và HMAS Stuart còn thực hiện các nhiệm vụ khác ở châu Á trong vài tuần tiếp theo và sẽ di chuyển qua Biển Đông. HMAS Stuart và tàu tiếp dầu HMAS Sirius đã đi qua Biển Đông từ hai tuần trước.

    Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết các tàu Australia không tham gia với Mỹ trong hoạt động thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép.

    Bà Payne khẳng định mọi quốc gia có quyền tự do đi lại trên biển và trên không tại những khu vực luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có Biển Đông, và Australia ủng hộ mạnh mẽ quyền này. "Australia có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại và đi lại ở Biển Đông. Ước tính khoảng 60% lượng hàng xuất khẩu của Australia đi qua vùng biển này", bà nói.


    Tàu Trung Quốc theo dõi tàu Mỹ trước cuộc tuần tra đảo nhân tạo

    Một tàu hải quân Trung Quốc theo dõi tàu chiến USS Lassen trước khi nó bắt đầu tuần tra, áp sát các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
    tau uss lassen cua hai quan my. anh: ap

    Tàu USS Lassen của hải quân Mỹ. Ảnh: AP

    Báo Navy Times của hải quân Mỹ đưa tin về động thái của tàu Trung Quốc trước khi tàu Mỹ thực hiện tuần tra tự do đi lại, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với các đảo nhân tạo nước này sử dụng để củng cố yêu sách kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. 

    Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu Lassen đang đến gần đá Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tiến hành hoạt động nạo vét, bồi đắp lớn để biến chúng thành các đảo từ năm 2014. Con tàu có thể ở trong khu vực trong vài giờ.

    Quan chức này trước đó cho biết máy bay giám sát P-8A, và có thể cả P-3, có khả năng đồng hành cùng con tàu.

    Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra khác vào những tuần tới, và cũng có thể tiến hành quanh các thực thể mà Việt Nam và Philippines xây dựng tại quần đảo Trường Sa. "Đây sẽ là hoạt động thường xuyên, chứ không phải sự kiện chỉ xảy ra một lần", quan chức nói.

    Khi được AP đề nghị bình luận về động thái của Mỹ, Zhu Haiquan, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C, nói nước này "tôn trọng" tự do đi lại ở Biển Đông, nhưng cho rằng không nên lấy nó làm cái cớ phô trương sức mạnh. Ông Zhu kêu gọi Mỹ tránh khiêu khích, hành xử "có trách nhiệm" nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực. 

    Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

    Trước đó, khi trả lời câu hỏi của VnExpress về kế hoạch điều tàu tuần tra của Mỹ vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng: "Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này".


    Mỹ tiến gần tới thỏa thuận tránh vỡ nợ

    my tien gan toi thoa thuan tranh vo no

    Mỹ tiến gần tới thỏa thuận tránh vỡ nợ

     Nếu đạt được thỏa thuận về ngân sách cho 2 năm tới, cho phép chính phủ Mỹ nâng trần nợ, chính phủ nước này có thể tránh nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 11 tới.

    WSJ dẫn nguồn thạo tin cho biết, Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện John Boehner hôm qua 26/10 đã gần đi tới thỏa thuận ngân sách 2 năm và nâng trần nợ.

    Theo kế hoạch này, trần nợ công của Mỹ sẽ được gia hạn đến tháng 3/2017 sau khi Tổng thống nhiệm kỳ mới nhậm chức. Ngoài ra, các bên đàm phán cũng thảo luận dự luật bổ sung chi tiêu ngân sách thêm 80 tỷ USD, trong đó 50 tỷ USD cho năm tài khóa 2016, và 30 tỷ USD cho năm tài khóa 2017. Con số này thấp hơn so với đề xuất trước đó của Tổng thống Barack Obama.

    Tuy nhiên, kế hoạch trên vẫn cần sự ủng hộ của hầu hết nghị sỹ Dân chủ và một số nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện. Ông Boehner được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề này trước khi từ chức vào cuối tuần này.

    Ngược lại, nếu không đạt được thỏa thuận và thông qua tại Quốc hội về trần nợ, ngân sách, chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 3/11 tới khi Bộ Tài chính nước này không còn khả năng vay nợ. Sau thời hạn 3/11, Quốc hội Mỹ sẽ có thêm thời hạn đến ngày 11/12 trước khi ngân sách chi tiêu cho chính phủ liên bang cạn kiệt.
    Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ không thương lượng thay đổi chính sách để nâng trần nợ song cho biết ủng hộ thỏa thuận nâng trần chi tiêu.

    Ngoại trưởng Trung Quốc: 'Mỹ đừng gây chuyện'

    Ngoại trưởng Trung Quốc: 'Mỹ đừng gây chuyện'

    Phản ứng việc Mỹ điều tàu khu trục áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc "khuyên Mỹ nghĩ cho kỹ và không nên gây chuyện".
    tau khu truc uss lassen. anh: us navy.

    Tàu khu trục USS Lassen. Ảnh: US Navy.

    Bình luận của Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra sau khi một quan chức quốc phòng Mỹ thông báo hải quân nước này điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

    Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Lassen đang đến gần đá Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tiến hành hoạt động nạo vét, bồi đắp lớn để biến chúng thành các đảo từ năm 2014. Tàu Lassen có thể ở trong khu vực trong vài giờ. Quan chức này trước đó cho biết máy bay giám sát P-8A, và có thể cả P-3, có khả năng đồng hành cùng con tàu.

    Vương Nghị cho biết nước này vẫn đang xác thực xem tàu khu trục Mỹ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo hay chưa. "Nếu là thật, chúng tôi khuyên Mỹ nên nghĩ kỹ trước khi hành động, không hành động mù quáng hay gây chuyện", Guardian dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong đó trích lời ông Vương.

    Giới chức Trung Quốc cho rằng Mỹ sử dụng nguyên tắc tự do đi lại để "phô diễn sức mạnh" ở Biển Đông. "Tự do đi lại trên biển và trên không không nên bị biến thành cái cớ để phô diễn sức mạnh và làm xói mòn an ninh cùng chủ quyền của các quốc gia khác", Reuters dẫn lời Zhu Haiquan, người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, nói.

    Ông Zhu kêu gọi Mỹ nên "kiềm chế khi nói hoặc làm những việc khiêu khích và hành động có trách nhiệm để duy trì hòa bình cùng ổn định khu vực".

    Đợt tuần tra của Mỹ diễn ra chỉ vài tuần trước khi diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2015 bắt đầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể sẽ cùng tham dự sự kiện này.

    Ông Tập trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama tháng trước tại Washington tuyên bố Trung Quốc "không có ý định quân sự hóa" các đảo nhân tạo. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang xây ba đường băng có chiều dài đủ để phục vụ mục đích quân sự trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có các đường băng trên đá Subi và Vành Khăn.

    Một số quan chức Mỹ nói kế hoạch tuần tra còn phần nào nhằm kiểm tra tuyên bố về quân sự hóa của ông Tập.

    Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

    Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn