Tin thế giới đọc nhanh chiều 29-03-2016
Khủng bố ở Singapore 'chỉ còn là vấn đề thời gian'
Những người tham gia khảo sát chỉ ra rằng Singapore dễ bị khủng bố bởi đây là trung tâm thương mại và đầu mối giao thông của khu vực - Ảnh: Reuters
Iran quyết không từ bỏ chương trình tên lửa
Iran sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, bất chấp các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các công ty của Tehran bị cáo buộc liên quan tới chương trình này.
Hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn lời Chỉ huy Lực lượng Không gian vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, ngày 28/3 khẳng định chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran "sẽ không ngừng lại".
Tuyên bố của giới chức quân sự cấp cao Iran được đưa ra trong bối cảnh trước đó một ngày, Tổng thống nước này Hassan Rouhani tuyên bố tăng cường sức mạnh quốc phòng là chính sách chiến lược của Tehran.
Sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran, chính quyền Mỹ hồi tháng 1/2016 đã nới lỏng nhiều hạn chế đầu tư, kinh doanh với Iran. Tuy nhiên, Washington vẫn duy trì những biện pháp trừng phạt Iran có liên quan đến những cáo buộc mà Mỹ cho là "ủng hộ khủng bố" và các hạn chế này ngăn cản nhiều doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Iran.
Mới đây nhất, ngày 24/3 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt 2 doanh nghiệp của Iran là Shahid Nuri và Shahid Movahed, thuộc Tập đoàn công nghiệp Shahid Hemmat, với cáo buộc cung cấp nhiên liệu cho chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Bên cạnh đó, bộ trên cũng áp đặt trừng phạt đối với Bộ Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Al-Ghadir thuộc IRGC, bị cho là đã chỉ đạo hoạt động tên lửa đạn đạo của Iran.
Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu Iran không tiến hành "bất cứ hoạt động nào" liên quan tới tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thái Lan làm mưa nhân tạo chống hạn hán
Trong bối cảnh hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Thái Lan đã quyết định cử lực lượng Tạo mưa Hoàng gia tác động vào các đám mây để có mưa nhân tạo cho cả nước.
Đến thời điểm này, 22 trong số 76 tỉnh thành của Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nghiêm trọng nhất là ở miền Bắc nơi mực nước trong các giếng khơi đã xuống thấp kỷ lục. Năm 2015, mùa mưa đến muộn và lượng mưa ít, khiến người nông dân không nhiều hy vọng mùa mưa năm nay sẽ đến đúng vào tháng 6.
Công nghệ làm mưa nhân tạo đã được áp dụng từ lâu ở Thái Lan. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà Vua nước này Bhumibol Adulyadej đã chỉ đạo các dự án làm mưa nhân tạo.
Nga cáo buộc truyền thông nước ngoài bôi nhọ uy tín ông Putin
Nhiều tổ chức phi chính phủ, truyền thông đại chúng, cơ quan an ninh nước ngoài đã ngầm liên kết mở một chiến dịch hòng bôi nhọ uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận với ông.
Phát biểu với báo giới ngay 28/3, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, tuyên bố những thực thể này đang chuẩn bị một cuộc tấn công truyền thông "theo đơn đặt hàng" nhằm vào Tổng thống Putin. Ông cho biết đã nhận được một loạt câu hỏi mang tính chất thẩm vấn từ một tổ chức tự xưng là Tập đoàn các nhà báo điều tra quốc tế và các thông tin đang được chuẩn bị tại Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sỹ và Nga, trong đó chủ yếu xoáy vào đời tư của Tổng thống Putin liên quan tới gia đình và bạn bè tuổi thơ của ông...
Quan chức Điện Kremlin cho rằng các động thái này được thực hiện theo "đơn đặt hàng" và không loại trừ có sự dính líu của các cơ quan mật vụ nước ngoài nhằm can thiệp vào chiến dịch bầu cử của Nga, hòng tìm cách gây ảnh hưởng tới tình hình nước Nga.
Ông Peskov nhấn mạnh bằng những biện pháp dối trá, các tổ chức truyền thông nước ngoài mưu toan bôi xấu, làm mất uy tín ban lãnh đạo Moskva, trước tiên là Tổng thống Putin, mặc dù hiệu quả của những cuộc tấn công này không quá cao. Văn phòng Tổng thống Nga không loại trừ khả năng sẽ kiện các nhà báo, các hãng truyền thông nước ngoài nếu công bố các thông tin sai lệch, không đúng sự thực nhằm bôi nhọ uy tín Tổng thống Putin.
Quan hệ Nga-phương Tây còn nhiều thách thức
Chuyến công du thứ ba chỉ trong vòng chưa đầy một năm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Nga vừa qua là dấu hiệu thể hiện sự ấm lên trong quan hệ giữa Moskva và Washington. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc cải thiện mối quan hệ song phương hiện nay chỉ là một lựa chọn mang tính chiến lược đơn thuần, và vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại cơ bản trước khi hai bên có thể thực sự đi đến bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, sự hòa giải rõ ràng không phải bức tranh toàn cảnh của mối quan hệ Nga - Mỹ hiện nay. Hai bên hiện vẫn bị mắc kẹt trong một tình thế nan giải khi đối mặt với các vấn đề có thể đe dọa lợi ích cốt lõi của từng quốc gia, chẳng hạn cuộc khủng hoảng Ukraine và vấn đề nhân quyền. Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố gia hạn thêm một năm đối với hàng loạt lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Chuyên gia Wan cho biết sự hợp tác thực dụng này hiện là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao giữa Moskva và Washington. Hai bên vốn đang tập trung nỗ lực để giải quyết các vấn đề quan trọng. Ông nói: “Sự cải thiện quan hệ gần đây giữa Moskva và Washington có thể được xem là một sự điều chỉnh mang tính chiến lược, song những rắc rối trong quan hệ song phương của họ nói đúng hơn là mang tính hệ thống, và vì vậy rất khó có thể giải quyết”.
Cùng ngày ông Kerry đặt chân đến Moskva, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cũng đang ở thăm Nga tham gia các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Giới phân tích cho rằng chuyến thăm lần này của ông Steinmeier có thể gửi đi một tín hiệu rằng nhiều quốc gia châu Âu cũng đang có thiện chí cải thiện quan hệ với Nga. Mong muốn xoa dịu mối quan hệ với Moskva của Liên minh châu Âu (EU) thậm chí còn lớn hơn cả Washington, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của khối này nhằm vào Nga đang gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với nhiều nước EU.
Zhang Zhengdong, chuyên gia về châu Âu và NATO, nhận định rằng cả Nga và EU đều có ý muốn bình thường hóa quan hệ song phương trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đã gây nhiều tổn thất về kinh tế cho cả hai bên. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ song phương đang vấp phải nhiều cản trở, khi mà hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng trong các vấn đề mấu chốt. Thêm vào đó, việc cải thiện quan hệ với Nga không phải là điều mà riêng EU có thể quyết định, bởi thực tế là nhiều nước châu Âu vẫn đang duy trì sự hợp tác chính trị chặt chẽ với Washington và vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ trong nỗ lực đảm bảo an ninh khu vực.