TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh sáng 08-07-2016

    Ba khu trục hạm Mỹ tiến gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông

    Ba tàu khu trục của hải quân Mỹ đã tuần tra gần Scarborough và các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

    tau khu truc spruance cua hai quan my. anh: us navy

    Tàu khu trục Spruance của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

    Các quan chức hải quân Mỹ hôm nay cho biết các tàu khu trục của nước này là Stethem, Spruance và Momsen đã tiến gần đến những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp, cũng như quanh bãi cạn Scarborough của Philippines mà Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát, theo Reuters.

    Navy times khẳng định ba tàu khu trục trên hoạt động cách các đảo này từ 14 đến 20 hải lý. Bởi nếu các tàu đi vào vùng 12 hải lý thì đó là hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải và cần được sự cho phép từ cấp cao hơn.

    Phát ngôn viên của hạm đội Thái Bình Dương Clint Ramsden nhấn mạnh rằng tất cả các chuyến tuần tra của những tàu khu trục này được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế và là một phần trong chính sách hiện diện thường xuyên của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên ông Ramsden từ chối tiết lộ chi tiết về chiến thuật và các địa điểm tuần tra cụ thể.

    Các quan chức hải quân Mỹ cũng cho biết tàu hải quân Trung Quốc và thỉnh thoảng là những tàu cá, thường xuyên theo dõi các tàu Mỹ ở Biển Đông, nhưng vẫn chưa rõ liệu sự hiện diện của các tàu khu trục trên có gây sự chú ý đặc biệt hay không.

    Động thái trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang leo thang với các hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép và âm mưu quân sự hóa của Trung Quốc. Bắc Kinh ngày 5/7 bắt đầu cuộc tập trận phi pháp kéo dài một tuần xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trước thềm tòa Trọng tài ở The Hague ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" vào ngày 12/7 tới.


    Tổng thống Putin ở đâu khi liên tiếp hủy họp?

    Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy hàng loạt cuộc họp và đã không xuất hiện trước công chúng từ ngày 1-7.

    Tờ Independent (Anh) ngày 6-7 đưa tin lần cuối cùng ông Putin xuất hiện trước công chúng là tại hội nghị ở Phần Lan (diễn ra ngày 1-7). Tại đây, ông đã cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu Phần Lan gia nhập NATO.

    Theo kênh RBC của Nga, ông Putin đã hủy một cuộc họp bàn về ngành du lịch ở Altai hôm 5-7 và thông báo hoãn “vô thời hạn”. Tiếp đó, ông Putin cũng không tới dự lễ khai mạc Đại hội thể thao quốc tế lần thứ VI dành cho thiếu nhi châu Á ở Yakutia hôm 6-7.

    tong thong putin bat ngo lien tiep huy hop. anh: getty images

    Tổng thống Putin bất ngờ liên tiếp hủy họp. Ảnh: GETTY IMAGES

    Ngoài ra, Tổng thống Putin còn hủy các cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 7-7 ở Novogorod, nơi ông định sẽ tới thăm một nhà máy sản xuất của công ty khai mỏ và kim loại Akron.

    Việc hủy bỏ hàng loạt cuộc họp, cuộc hẹn của ông Putin làm dấy lên nhiều đồn đoán, nhiều người tự hỏi “Tổng thống Putin đang ở đâu?”.

    Khi kênh RBC tìm hiểu lý do về việc hủy bỏ lịch họp thì trợ lý của Tổng thống Putin nói rằng ông đang đi công tác và sẽ trở lại vào thứ Hai tới.

    Tuy nhiên, theo trang tin điện tử Gazeta.ru, sự vắng mặt của ông Putin liên quan đến giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như vấn đề đang diễn ra ở Abkhazia, một trong những khu vực của Georgia.

    Một nguồn tin thân cận với điện Kremlin cho biết: “Tổng thống muốn tập trung, không muốn bị phân tâm. Các chuyến công du trong khu vực sẽ dời đến tháng 8, tháng 9, gần thời điểm bầu cử”.

    Hồi tháng 3-2015, Tổng thống Putin cũng đã trở thành tâm điểm của những lời đồn đoán khi ông bất ngờ không xuất hiện trước công chúng trong nhiều ngày liền. Lúc đó hàng loạt đồn đoán nói rằng ông bị đau lưng, bạn gái bí mật của ông hạ sinh, thậm chí còn có giả thiết cho rằng ông Putin đi phẫu thuật thẩm mỹ để duy trì diện mạo trai tráng khỏe mạnh của mình. Reuters thời điểm đó cũng nói rằng có thể ông Putin không được khỏe, tuy nhiên điện Kremlin sau đó đã lên tiếng bác bỏ.


    Mỹ đưa ông Kim Jong Un vào danh sách trừng phạt

     Mỹ đưa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào danh sách đen trừng phạt của nước này cáo buộc ông Kim phải chịu trách nhiệm những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

    lanh dao trieu tien kim jong un - anh: afp

    Lãnh đạo Trièu Tiên Kim Jong Un - Ảnh: AFP

    Mỹ lần đầu tiên đưa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào danh sách đen trừng phạt của nước này hôm 6-7 vì ông Kim phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho một danh sách dài những cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

    AFP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết lãnh đạo Kim và 10 quan chức cấp cao khác của Triều Tiên bị đưa vào danh sách đen sau những cáo buộc lạm dụng rộng rãi bao gồm thủ tiêu, lao động cưỡng bức và tra tấn trong hệ thống nhà tù dành cho các tù nhân chính trị ở nước này.

    Ngoài ra những lãnh đạo cấp cao trên của Bình Nhưỡng cũng phải chịu trách nhiệm cho sự kiểm duyệt khắc nghiệt các phương tiện truyền thông, các hoạt động văn hóa và học thuật, bao gồm việc tống giam người bị cáo buộc xem phim nước ngoài.

    Bộ Tài chính Mỹ nói rằng lãnh đạo tối cao của Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho sự lạm dụng trong vai trò của ông khi là người đứng đầu Bộ An ninh nhà nước và Bộ An ninh nhân dân.

    Theo các quan chức Washington, Bộ An ninh quốc gia Triều Tiên đã bắt giữ 80.000-120.000 tù nhân trong các trại giam tù chính trị và tiến hành tra tấn, tấn công tình dục, bỏ đói, nô lệ lao động phần lớn những tù nhân này.

    Mỹ cũng cho biết Bộ An ninh nhân dân đang điều hành một mạng lưới các chốt cảnh sát, trại giam và trại lao động nơi các nghi can bị thẩm vấn bằng "một hệ thống đang xuống cấp, bằng sự hăm dọa và tra tấn".

    Một quan chức giấu tên Mỹ nói với AFP rằng lãnh đạo Kim Jong Un "rõ ràng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về những hành động của chế độ của ông, bao gồm các chính sách đàn áp của nó".

    Cũng là lần đầu tiên chính quyền Washington xác nhận các quan chức cấp cao khác của Triều Tiên vi phạm nhân quyền, bao gồm bộ trưởng Bộ An ninh nhân dân Choe Pu Il, quan chức cấp cao của Bộ An ninh nhân dân Ri Song Chol và giám đốc một phòng ban thuộc Bộ An ninh nhà nước Kang Song Nam.

    Đây không phải lần đầu tiên Mỹ đưa một người đứng đầu đất nước vào một danh sách trừng phạt. Trước đó Mỹ từng trừng phạt các lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, Liberia Charles Taylor và Zimbabwe Robert Mugabe.


    Mỹ chấn động vì hai người da màu liên tiếp bị cảnh sát bắn chết

    Một người da màu vừa thiệt mạng vì bị cảnh sát bang Minnesota, Mỹ, bắn khi các cuộc biểu tình quanh cái chết của một nạn nhân khác chưa kịp lắng xuống.

    philando castile. anh: facebook

    Philando Castile. Ảnh: Facebook

    Philando Castile hôm qua bị cảnh sát thành phố St Paul chặn lại vì xe bị hỏng đèn. Theo Lavish Reynolds, bạn gái của anh này, trước khi bị bắn, Castile có nói với viên cảnh sát rằng anh được cấp phép để mang súng và có một khẩu súng.

    "Anh ta bắn 4 viên đạn vào anh ấy. Anh ấy chỉ đang lấy bằng lái và giấy phép", BBC dẫn lời Reynolds kể. 

    Cô đã quay video trực tiếp trên Facebook ngay sau khi vụ nổ súng xảy ra, cho thấy bạn trai đang ngồi ghế bên cạnh trên xe ôtô, máu thấm đỏ cả áo còn một sĩ quan cảnh sát chĩa súng vào anh. Con gái của Reynolds cũng có mặt trong xe lúc đó.

    Reynolds sau đó bị cảnh sát còng tay đưa đi, còn Castile tử vong tại trung tâm y tế. Trên mạng xã hội, bạn bè và người thân bày tỏ sự đau đớn trước sự ra đi đột ngột của Castile và hành động bạo lực của cảnh sát.

    Phía cảnh sát cho hay một cuộc điều tra đang diễn ra và sĩ quan trên đã tạm thời bị cho nghỉ việc. 

    Castile, 32 tuổi, là một giám sát viên tại căng tin của trường học. Người thân cho rằng anh "ngay lập tức bị khép tội" vì anh là người da màu.Vụ việc diễn ra không lâu sau khi Alton Sterling, một người da màu khác, bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana hôm 5/7. Hàng trăm người đã biểu tình suốt hai đêm qua để bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của người đàn ông 37 tuổi, có 5 con. Họ cho rằng người da màu bị cảnh sát phân biệt đối xử và kêu gọi công bằng.

    hang tram nguoi bieu tinh quanh cai chet cua sterling. anh: telegraph

    Hàng trăm người biểu tình quanh cái chết của Sterling. Ảnh: Telegraph

    Video nổi lên hôm qua cho thấy Sterling bị đè xuống và bắn nhiều lần. Vài giây sau, một trong các cảnh sát rút một vật gì đó ra khỏi túi quần của anh này khi nạn nhân nằm trên mặt đất, ngực đầy máu.

    Hai cảnh sát liên quan đã bị cho nghỉ việc tạm thời và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về vụ việc.

    Những vụ việc chết người liên tiếp liên quan đến những người Mỹ gốc Phi đang làm dấy lên một cuộc tranh cãi về quyền sử dụng vũ lực của cảnh sát.


    5 điều Triều Tiên yêu cầu để chấm dứt vũ khí hạt nhân

    Triều Tiên hôm 6-7 tuyên bố việc phi hạt nhân hóa chỉ có thể được thực hiện nếu lực lượng Mỹ chịu rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên.

    Yonhap đưa tin Triều Tiên hôm 6-7 đã ra thông báo tuyên bố Mỹ vẫn còn duy trì vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Hàn Quốc. Thông báo còn nêu ra năm yêu cầu nếu được chấp nhận có thể chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

    “Nếu giới chức Mỹ và Hàn Quốc coi trọng việc tạo nên một vùng không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thì các yêu cầu trên của chúng tôi phải được chấp nhận” - hãng thông tấn Triều Tiên KCNA trích thông báo.

    khu vuc an ninh chung (jsa) la noi duy nhat tai khu phi quan su trieu tien (dmz) ma binh si han quoc, trieu tien mat doi mat. anh: upi

    Khu vực an ninh chung (JSA) là nơi duy nhất tại khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ) mà binh sĩ Hàn Quốc, Triều Tiên mặt đối mặt. Ảnh: UPI

    Năm yêu cầu bao gồm:

    - Thứ nhất, theo Triều Tiên, binh sĩ Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, nơi mà Mỹ “có giấy phép hạt nhân”.

    - Thứ hai, Bình Nhưỡng nói rằng Mỹ phải công khai kho vũ khí hạt nhân của nước này ở Hàn Quốc.

     

    - Thứ ba, những loại vũ khí hạt nhân “thuộc diện nghi vấn” trên phải bị phá hủy và phải bị kiểm tra quốc tế.

    - Thứ tư, Mỹ phải đảm bảo rằng nước này sẽ không bao giờ tái lập kế hoạch tấn công hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

    - Cuối cùng, Mỹ phải cam kết không đe dọa Triều Tiên bằng các hành động chiến tranh và không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Bình Nhưỡng, tuyên bố viết.

    Nếu tất cả yêu cầu trên được đáp ứng, một “bước ngoặt mang tính đột phá” trong việc phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên sẽ được thực hiện, theo Bình Nhưỡng.

    Triều Tiên cho biết tình trạng đất nước hiện nay của Triều Tiên giống như một quốc gia vũ khí hạt nhân là hợp lý bởi nước này đang đương đầu với cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

    Bế tắc hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington cũng như với Seoul đang căng thẳng. Tuy nhiên, theo tờ Hankuk Ilbo (Hàn Quốc), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đang nỗ lực tổ chức cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Ban Ki-moon muốn cả hai phía gặp nhau vào tháng 11-2016 trong một hội nghị do Liên Hiệp Quốc chủ trì ở Turkmenistan.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn