TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh sáng 18-08-2016

    Báo động chuyện tăng cường vũ trang tại Biển Đông

     

    Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye sẽ đáp ứng mong đợi của các nước trong khu vực. Nhưng nó sẽ không thể đảo ngược một trong những xu thế đáng lo ngại nhất ở châu Á là quá trình tăng cường lực lượng vũ trang đáng báo động.

    Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hiện nay châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu.

    Thái Lan muốn có tàu ngầm cho hải quân của mình, mặc dù nước này chỉ có vùng nước nông trong Vịnh Thái Lan và không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

    Philippines, nước đã đưa vụ kiện chống lại Trung Quốc ra tòa La Haye, cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự của mình, với việc mua các máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc và các khoản đầu tư mới vào hải quân, được hỗ trợ không chỉ bởi Mỹ mà còn cả Nhật Bản. Philippines cũng đang khôi phục lại quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, đánh dấu một bước chuyển 180 độ đối với quyết định trục xuất hải quân Mỹ ra khỏi căn cứ quân sự tại vịnh Subic của nước này năm 1991. Cũng trên tinh thần đó, Hạm đội 7 của Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông.

    Một trong những xu thế đáng lo ngại nhất ở châu Á là quá trình tăng cường lực lượng vũ trang đáng báo động. Ảnh: scmp

    Cuối cùng, Nhật Bản cũng đang có được ảnh hưởng trong khu vực bằng cách dịch xa khỏi “hiến pháp hòa bình” hậu Thế chiến II của mình. Cho đến nay, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã diễn giải lại điều 9, vốn từ bỏ (quyền tiến hành) chiến tranh, để cho phép Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể cùng các đồng minh của nước này. Chính phủ cũng đang xem xét lại các đạo luật về an ninh cho phép xuất khẩu công nghệ vũ khí cho các nước đối tác trong khu vực, qua đó tăng cường khả năng quốc phòng của mình.

    Tất cả những nước này đang phản ứng với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc như là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định khu vực. Trên thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã và đang xây dựng các con đập cướp đi nguồn tài nguyên nước sống còn của các nước hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam. Ở Biển Đông, Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng với các đường băng và các cơ sở quân sự; nước này cũng lên gân sức mạnh hải quân của mình với một tàu sân bay mới tinh, và còn nhiều tàu khác đang được chế tạo.

    Trước giờ phán quyết của PCA, Trung Quốc đã gióng trống khua chiêng về sự ủng hộ từ các nước châu Phi xa xôi, nơi nước này có các khoản đầu tư, và từ các thành viên dễ bị ảnh hưởng trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.

    Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm ngăn cản các thành viên ASEAN đoàn kết chống lại nước này và giảm nhẹ vai trò của luật pháp quốc tế trong khu vực nơi mà Trung Quốc đang tìm kiếm địa vị thống trị về mặt chiến lược. Đáng lo ngại hơn, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động tại Biển Đông bất chấp quá trình trọng tài đang diễn ra, tuyên bố từ trước đó rất lâu rằng sẽ làm ngơ tất cả các phán quyết khiến các tuyên bố chủ quyền của mình trở thành vô giá trị.

    Trang bị vũ trang ở châu Á là cuộc chạy đua lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và nó đang tăng tốc trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng không thuận lợi. Nước Mỹ đang bận tâm với Nhà nước Hồi giáo và các mối đe dọa khủng bố khác từ bên ngoài, và bây giờ là với chiến dịch bầu cử tổng thống trong nước. Một châu Âu đang bị xáo trộn sau khi Liên hiệp Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, điều diễn ra sau 8 năm tăng trưởng yếu, thắt lưng buộc bụng và các cuộc khủng hoảng kéo dài.

    Nếu có thể, đây nên là thời điểm để châu Á đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu. Buồn thay, những xung đột địa chính trị gay gắt trong khu vực đang ngáng đường, do sự thiếu vắng của một khuôn khổ mang tính thể chế để ngăn chặn, giảm nhẹ và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Trừ khi, và cho đến khi, một khuôn khổ như thế được thiết lập, rủi ro về xung đột sẽ tăng lên, gây nguy hại cho quá trình chuyển biến kinh tế trong khu vực, vốn giúp một tỷ người châu Á thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây.

    Tạo dựng một khuôn khổ an ninh khu vực có thể đứng vững được là điều không dễ dàng, trong bối cảnh các xung đột địa chính trị tại châu Á dường như đều rất khó khăn.

    Giải quyết các cuộc tranh chấp này tối thiếu cần các luật chơi cơ bản của trò chơi, có thể được phát triển và thực hiện chỉ trên cơ sở đa phương, không phải đơn phương theo cách mà Trung Quốc đòi hỏi. Ví dụ, ASEAN đang soạn thảo một Bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông, nhưng nỗ lực này đạt được rất ít tiến triển vì sự ngoan cố của Trung Quốc.

    Nếu như Philippines không quá đà với chiến thắng tại La Haye của mình, và nếu các bên liên quan khác lùi bước một chút và cho Trung Quốc một khoảng trống để nhận ra sự nguy hiểm trong thái độ hung hăng của mình, thì các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ trở nên sẵn sàng hơn để đàm phán một thoả thuận khu vực. Lựa chọn khác – leo thang hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á – sẽ không đem lại lợi ích cho bên nào cả.(Vietnamnet)


    Kịch bản thiết giáp hạm Mỹ đối đầu tàu tuần dương hạng nặng Nga

    Thiết giáp hạm Iowa của Mỹ có lợi thế trong tác chiến tầm gần, trong khi tàu tuần dương cỡ lớn Kirov của Liên Xô rất mạnh với các tên lửa diệt hạm tầm xa.

    National Interest mới đây đưa ra kịch bản giả định về một cuộc xung đột toàn diện nổ ra giữa Liên Xô và Mỹ vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong đó nhấn mạnh vào cuộc đọ sức của hai chiến hạm mạnh nhất của hai nước thời kỳ đó, là tuần dương hạp lớp Kirov và thiết giáp hạm USS Iowa.Tương quan vũ khí

    thiet giap ham uss iowa cua my trong mot cuoc tap tran. anh: us navy

    Thiết giáp hạm USS Iowa của Mỹ trong một cuộc tập trận. Ảnh: US Navy

    Với tải trọng 24.000 tấn, chiều dài 252 m (tương đương chiều dài một tàu sân bay), tuần dương hạm lớp Kirov là tàu chiến lớn nhất của Liên Xô được sản xuất sau Thế chiến II. Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tốc độ tối đa lên đến 59 km/h.

    Kirov được phát triển với chức năng chính là tấn công nên có thể mang theo 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit. Mỗi tên lửa Granit nặng hơn 6,8 tấn, mang theo đầu đạn 750 kg, có thể bay với vận tốc siêu thanh Mach 2,5 (851 m/s), tấn công mục tiêu ở khoảng cách 300 hải lý (550 km) nhờ hệ thống dẫn đường hỗn hợp quán tính và radar.

    Ngoài ra, Kirov cũng được trang bị hệ thống phòng thủ đa tầng với 96 tên lửa phòng không tầm xa S-300F. Tàu cũng được trang bị 192 tên lửa tầm ngắn 3K95 Tor, 40 tên lửa 4K33 cùng 6 pháo phòng không AK-630 cỡ nòng 30 mm.

    Trong khi đó, thiết giáp hạm USS Iowa của Mỹ được đóng vào những năm 1940, có trọng tải 58.000 tấn, chiều dài 271 m, tốc  độ tối đa lên đến 64 km/h.

    USS Iowa được trang bị dàn vũ khí hùng hậu với 9 khẩu pháo cỡ nòng 406 mm lắp trong 3 tháp pháo chính. Mỗi tháp pháo có độ dày 0,5 m, trọng lượng 1.200 tấn. Pháo 406 mm gắn trên đó có thể bắn đạn xuyên thép nặng 1,2 tấn, tầm bắn 37 km.

    USS Iowa còn được thiết kế dàn pháo thứ cấp gồm 20 khẩu pháo 127 mm lắp trong các tháp pháo đôi. Sau khi được tái biên chế và vũ trang vào năm 1982, USS Iowa được bổ sung những vũ khí hiện đại như 32 tên lửa hành trình Tomahawk, 16 tên lửa đối hạm Harpoon và 4 hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx CIWS 6 nòng 20 mm, cùng các radar dò tìm phòng không, mặt biển và kiểm soát vũ khí.Kịch bản đối đầu

    tuan duong ham lop kirov cua lien xo phong ten lua granit. anh: sputnik

    Tuần dương hạm lớp Kirov của Liên Xô phóng tên lửa Granit. Ảnh: Sputnik

    Theo bình luận viên Kyle Mizokami, trong trường hợp Kirov và Iowa xác định được vị trí của nhau ở khoảng cách 300 hải lý (550 km), Iowa gặp bất lợi bởi những vũ khí tầm xa nhất của nó như Tomahawk là tên lửa tấn công mặt đất nên đều vô dụng khi đối phó với Kirov.

    Tàu Kirov chiếm lợi thế ở khoảng cách xa nhờ 20 tên lửa Granit. Tuy nhiên, nếu phóng hết số tên lửa này, Kirov sẽ phải nhanh chóng bỏ đi, bởi nó đã sử dụng hết toàn bộ vũ khí tấn công tầm xa của mình và không còn gì nổi trội để có thể tiếp tục cuộc chiến.

    Theo xác suất, trong số 20 tên lửa Granit được Kirov phóng ra, hai quả sẽ không phóng thành công hoặc rơi xuống biển, 18 tên lửa còn lại sẽ hướng thẳng tới Iowa.

    Tàu Iowa rất yếu về phòng không khi chỉ có hai hệ thống pháo Phalanx CIWS để bắn hạ tên lửa Granit. Hệ thống làm nhiễu radar chủ động SLQ-32 và thiết bị phóng mồi bẫy nhiệt Mark 36 SRBOC của Iowa sẽ nỗ lực đánh lừa hệ thống dẫn đường của tên lửa Granit.

    Các hệ thống này kết hợp lại có thể bắn hạ hoặc vô hiệu hóa 9 tên lửa Granit, nhưng vẫn còn 9 quả tên lửa nữa trúng mục tiêu, gây thiệt hại nhất định cho tàu Iowa.

    Nhờ có lớp vỏ thép rất dày, thiết giáp hạm Iowa khó có thể chìm khi trúng 9 quả tên lửa Granit, dù hai tháp pháo chính của nó có thể bị hư hại. Với ba pháo 406 mm của tháp pháo còn lại, Iowa vẫn đủ sức để hạ gục Kirov. Tuy nhiên, do Iowa chỉ chạy nhanh hơn Kirov khoảng 5 km/h, ở khoảng cách 550 km, nó sẽ không thể bắt kịp và đến đủ gần chiến hạm Nga trong phạm vi 37 km để khai hỏa pháo.

    Trong điều kiện lý tưởng nhất, khi khoảng cách giữa hai tàu còn khoảng 100 km, Iowa có thể khai hỏa 16 tên lửa Harpoon. Tuy nhiên, với số lượng tên lửa khiêm tốn này, Iowa sẽ khó có thể xuyên thủng mạng lưới phòng không ba lớp của Kirov.

    Trên thực tế, Iowa chỉ có thể giành chiến thắng khi đến gần Kirov ở khoảng cách xấp xỉ 40 km, nhờ uy lực của 9 khẩu pháo 406 mm. Ở phạm vi đó, khả năng sống sót của Kirov là rất thấp. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Liên Xô sẽ không bao giờ để Kirov đến gần thiết giáp hạm Mỹ ở khoảng cách nguy hiểm như vậy.


    Triều Tiên khôi phục sản xuất plutonium

    Triều Tiên vừa khôi phục sản xuất plutonium và không có kế hoạch ngừng việc thử bom hạt nhân.

    Triều Tiên vừa khôi phục sản xuất plutonium từ việc tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và không có kế hoạch ngừng việc thử bom hạt nhân, hãng tin Kyodo News (Nhật) cho biết ngày 17-8.

    Thông tin này được chính Viện Năng lượng nguyên tử Triều Tiên trả lời Kyodo News trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

    “Chúng tôi đã tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng lấy đi từ một lò phản ứng hạt nhân” - Kyodo News dẫn trả lời của AEI.

    AEI cũng cho biết Triều Tiên đã sản xuất đủ lượng uranium làm giàu cao cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân như đã lên kế hoạch.

    trung tam hat nhan yongbyon (trieu tien). anh: ibtimes

    Trung tâm Hạt nhân Yongbyon (Triều Tiên). Ảnh: IBTIMES

    Tháng 6 vừa rồi, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhận định Triều Tiên có vẻ đã khôi phục hoạt động Trung tâm Hạt nhân Yongbyon để sản xuất plutonium từ các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, phục vụ cho mục đích sản xuất vũ khí hạt nhân.

    Năm 2013, Triều Tiên đã tuyên bố sẽ khôi phục hoạt động toàn bộ trung tâm hạt nhân, bao gồm cả lò phản ứng chính tại Trung tâm Yongbyon. AEI có trách nhiệm giám sát Trung tâm Hạt nhân Yongbyon.

    Đến tháng 9-2015, Triều Tiên cho biết Trung tâm Hạt nhân Yongbyon đã được khôi phục hoạt động và nước này đang nỗ lực cải thiện “số lượng và chất lượng” vũ khí hạt nhân của mình.

    AEI không tiết lộ với Kyodo News về số lượng plutonium hay uranium làm giàu cao mà Triều Tiên đã sản xuất được. Hiện không có nhiều thông tin về số lượng uranium và plutonium mà Triều Tiên đang sở hữu cũng như về khả năng sản xuất chúng của Triều Tiên.

    Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn Kyodo News, AEI nói Triều Tiên đã sản xuất thành công đa dạng chủng loại vũ khí hạt nhân và không có ý định ngừng thử hạt nhân.

    “Với những gì mà Mỹ liên tục đe dọa chúng tôi, chúng tôi sẽ không ngừng thử hạt nhân” - AEI nói với Kyodo News.

    Triều Tiên vừa thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng 1 năm nay.(PLO)


    ​Tàu chở 900.000 lít dầu bị cướp ngoài khơi Indonesia

    Các quan chức hàng hải Malaysia cho biết một tàu dầu chở theo 900.000 lít dầu diesel của nước này bị cướp biển tấn công. Con tàu hiện bị bọn cướp đưa vào vùng biển Indonesia.

    tau cho dau vier harmoni truoc khi bi cuop - anh: mmea

    Tàu chở dầu Vier Harmoni trước khi bị cướp - Ảnh: MMEA

    Trong một thông báo, Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) cho biết tàu dầu Vier Harmoni bị cướp khi đang trên vùng biển ngoài khơi đảo Batam, Indonesia. 

    Theo thông tin ban đầu, tàu khởi hành từ cảng Tanjung Pelepas ở Malaysia ngày 15-7, chở theo 900.000 lít dầu diesel ước trị giá 1,57 triệu ringgit (hơn 390.000 USD).

    Hiện MMEA vẫn chưa xác định được bọn cướp tấn công con tàu.

    Theo một báo cáo gần đây gần đây của Cơ quan Hàng hải Quốc tế (IMB), số vụ cướp biển và cướp có vũ trang trên biển trên toàn cầu hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1995. Báo cáo cho biết nửa đầu năm 2016 xảy ra 98 vụ cướp biển, trong khi con số cùng kỳ của năm 2015 là 134 vụ. 

    Vào thời điểm cướp biển hoành hành dữ dội nhất, năm 2010 và 2003, IMB ghi nhận mỗi năm có 445 vụ tấn công. 

    Mặc dù số vụ cướp biển giảm, số thủy thủ bị bắt làm con tin nửa đầu năm 2016 lại gia tăng, với 44 thủy thủ bị bắt đòi tiền chuộc, tăng 10 người so với nửa đầu năm 2015. (TT)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn