TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh trưa 01-12-2015

    Chìm phà ngoài khơi Indonesia, 97 người được cứu sống

    Chiếc phà chở 97 hành khách, trong đó có 51 người Singapore đụng phải một vật thể đang trôi trên biển và bị chìm. 

    hanh khach tren mot chuyen pha chuan bi den dao batam cua indonesia - anh: afp

    Hành khách trên một chuyến phà chuẩn bị đến đảo Batam của Indonesia - Ảnh: AFP

    Các quan chức Cảng và Hải quân Singapore (MPA) ngày 30-11 cho biết đã cứu thành công toàn bộ 97 hành khách trên một chiếc phà bị chìm khi đang trên đường từ đảo Batam của Indonesia đến Singapore.

    Reuters đưa tin MPA nhận được tin báo khoảng 21g45 tối 30-11, chiếc phà Sea Prince đăng ký bởi Indonesia đã đụng phải một vật thể đang trôi trên biển sau khi rời khỏi bến phà Nongsapura ở Batam.

    Khi tai nạn xảy ra, chiếc phà đang trong vùng nước của Indonesia với 97 hành khách trên phà, bao gồm 51 người Singapore và 7 thủy thủ đoàn.

    Chủ phà là công ty Batamfast ngay lập tức điều hai chiếc phà khác đến vị trí gặp nạn của phà Sea Prince để chuyển các hành khách về bến Nongsapura.

    MPA cho biết hiện tại tất cả hành khách trên phà đều an toàn và đã được điểm danh.

    Hành khách Chella Ho đi du lịch cùng 2 người bạn khác trên phà cho Channel NewsAsia biết chiếc phà chìm chậm sau khi đụng phải một vật thể không xác định trôi trên biển khi đang trên đường từ Batam đến Singapore.

    Sea Prince ngay lập tức thả hai chiếc thuyền cao su xuống để cứu các hành khách. Tuy nhiên hai chiếc thuyền hơi này cũng bị chìm do quá tải. May mắn là các hành khách đều mặc áo phao.

    Tất cả các hành khách cuối cùng đã đến bến phà Tanah Merah của Singapore an toàn.


    Dịch vụ tàu cao tốc châu Âu ngừng trệ vì phá hoại

    Ngày 30-11, tập đoàn đường sắt Bỉ Infrabel thông báo dịch vụ tàu điện cao tốc quốc tế Thalys và Eurostar đã bị ngưng trệ vì có kẻ cố tình đốt đường dây cáp tín hiệu.

    canh sat bi tuan tra o nha ga tau dien trung tam tai thu do brussels - anh: zuma press

    Cảnh sát Bỉ tuần tra ở nhà ga tàu điện trung tâm tại thủ đô Brussels - Ảnh: Zuma Press

    Theo AFP, người phát ngôn Infrabel Frederic Sacre cho biết sẽ không có chuyến tàu nào giữa Brussels và Lille hoạt động trong hôm nay. “Đầu tiên chúng tôi nghĩ đây chỉ là hành vi lấy cắp dây cáp, nhưng trên thực tế điều tra cho thấy đó là hành vi phá hoại có chủ ý hệ thống tín hiệu” - ông Sacre nhấn mạnh.

    Kẻ phá hoại đã châm lửa đốt dây cáp ở bốn địa điểm khác nhau gần thị trấn Aht, sát biên giới Pháp. “Dù vậy hành vi này không gây nguy hiểm. Khi hệ thống tín hiệu không hoạt động, các đoàn tàu không thể chạy. Các công tố viên và cảnh sát đã có mặt ở hiện trường, thu thập bằng chứng” - ông Sacre nói.  

    Vụ phá hoại ảnh hưởng đến hoạt động của dịch vụ tàu điện cao tốc quốc tế Thalys, TGV và Eurostar. Tính đến sáng nay giờ châu Âu, 15 chuyến tàu đã bị hủy. “Ở thời điểm này chúng ta phải đưa ra thông tin một cách rõ ràng. Đây không phải là hành vi nhắm gây lật tàu, nhưng là đòn tấn công nghiêm trọng vào hạ tầng của chúng ta” - ông Sacre cáo buộc.

    Hiện chính quyền Bỉ vẫn đang duy trì cảnh báo chống khủng bố cấp độ cao nhất sau vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến 130 người thiệt mạng. Điều tra cho thấy một số nghi can tham gia cuộc tắm máu thủ đô Pháp là công dân Bỉ


    Phạt chủ cửa hàng lừa khách Việt ở Singapore 33 tháng tù

    Chủ cửa hàng điện tử Mobile Air ở Singapore ông Jover Chew Chiew Loon hôm 30-11 đã bị tòa án sở tại tuyên phạt 33 tháng tù vì lừa đảo khách hàng. 

    ong chew den toa an hom 30-11 - anh: today online

    Ông Chew đến tòa án hôm 30-11 - Ảnh: Today Online

    Ông Chew, năm nay 33 tuổi, cũng bị phạt 2.000SGD (khoảng1.400USD) vì có hành vi xúc phạm người khác.

    Theo Straits Times, ông Chew đã nhận 12 tội trong số 28 cáo buộc chống lại ông. Các cáo buộc còn lại đối với ông Chew đang được xem xét.

    Trước đó, cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt ông 3 năm tù. Tòa án cho hay vì ông thành khẩn nhận tội nên mức án được giảm nhẹ.

    Ông Chew cũng đã trả lại số tiền 12.199SGD (khoảng 8.600USD) bồi thường cho 26 nạn nhân của ông ta. Ông bị tố lừa đảo nhiều khách hàng đến mua điện thoại tại tiệm của mình.

    Hành vi của ông Chew bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ sau khi xuất hiện một đoạn phim lan truyền trên mạng hồi tháng 11-2014, trong đó có cảnh một du khách Việt Nam khóc lóc, quỳ lạy trong cửa hàng của ông để xin hoàn lại tiền mua iPhone 6. Du khách này cũng là một trong số các nạn nhân của cửa hàng Mobile Air.

    Bốn đồng phạm của ông Chew trong vụ này là Koh Guan Seng, Kam Kok Keong, Lom Hong Ching và Kelvin Lim bị phạt tù từ 4 đến 14 tháng.


    Internet đang thay đổi nền kinh tế Trung Quốc

    Cơ hội tốt nhất để nền kinh tế Trung Quốc tránh một cú ngã đau có thể đến từ giới làm ăn “tự thân vận động” đang bùng nổ trên Internet, theo Hãng tin Bloomberg.

    nhan vien xu ly cac don hang chuyen phat nhanh ban qua mang tai trung quoc - anh: bloomberg

    Nhân viên xử lý các đơn hàng chuyển phát nhanh bán qua mạng tại Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

    Li Chao là một điển hình của làn sóng lập nghiệp trên mạng tại Trung Quốc. Từng làm việc cho công ty điện lực nhà nước, năm 2011 Li Chao nghỉ việc để đi bán dép và ủng lông cừu. Ban đầu anh chật vật với số vốn 7.800 USD chỉ để bán được 3-4 đôi mỗi tháng.

    Tận dụng sự nổi lên của ứng dụng nhắn tin WeChat, công việc của Li bắt đầu cất cánh. Hồi đầu tháng này anh bán được hơn 200 đôi ủng qua mạng nhân ngày mua sắm độc thân tại Trung Quốc. Li, năm nay 28 tuổi, đang kiếm tiền nhiều gấp 10 lần so với khi làm công việc nhà nước.

    Cô Xue Jiaxin, 27 tuổi, một nhân viên chăm sóc sắc đẹp tại Bắc Kinh, cũng đang kiếm tiền nhiều hơn nhờ một nền tảng di động. Từng phải làm việc 15 giờ mỗi ngày, 27 ngày mỗi tháng, sau khi chuyển sang dùng nền tảng Helijia, các khách hàng giờ đây tự tìm đến cô. Mỗi ngày Xue Jiaxin chỉ còn phải làm việc khoảng 4 tiếng.

    “Trước đây tôi phải ngồi ở tiệm dù có khách hay không, tôi chỉ kiếm được 20 trên mỗi 100 nhân dân tệ khách hàng trả. Bây giờ tôi có thể chỉ làm ra 50 tệ nhưng tất cả là của tôi”, cô Xue Jiaxin giải thích.

    Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cho thấy khu vực làm ăn tư nhân tại nước này đã tăng thêm 30 triệu người so với năm 2013. Lực lượng này chính là nhân tố thúc đẩy kinh tế Trung Quốc dịch chuyển sang lĩnh vực dịch vụ và tăng trưởng tiêu dùng.

    Ngành xuất khẩu, công nghiệp nặng và tăng trưởng đầu tư tại Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2000.

    “Trong 10 năm nữa chúng ta sẽ nhìn lại và nhận ra sự lan tỏa của Internet và nền kinh tế chia sẻ là một bước ngoặt. Đây là sự đối nghịch với mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc. Nó tạo điều kiện cho tiêu dùng thay vì đầu tư tài sản cố định. Nó phát huy ngành dịch vụ thay vì xây dựng và sản xuất công nghiệp”, James Laurenceson, phó giám đốc Viện Quan hệ Úc - Trung Quốc Trường ĐH Kỹ thuật Sydney, nhận định.

    Các dịch vụ vận tải hành khách như Uber và Didi đang làm rung chuyển ngành công nghiệp taxi ở Trung Quốc.

    “Nó đang tạo ra nhiều ảnh hưởng đối với nền kinh tế. Dù tình hình chung không mấy sáng sủa, tỉ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc ở mức chấp nhận được và mức tăng lương cũng ổn. Tôi cho rằng tất cả là nhờ khu vực làm ăn tư nhân”, nhà kinh tế chính của Hãng Macquarie Securities Ltd tại Hong Kong nhận xét.


    EU hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ euro để hạn chế dòng người tị nạn

    Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt thỏa thuân 3 tỉ euro (3,2 tỷ USD) để hạn chế dòng người tị nạn Syria đổ vào châu Âu.

    nguoi ti nan vuot bien bat thanh duoc canh sat bien tho nhi ky giai cuu - anh: reuters

    Người tị nạn vượt biển bất thành được cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu - Ảnh: Reuters

    Theo AFP, theo thỏa thuận, EU sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỉ euro để giúp Ankara lo nơi ăn chốn ở cho 2,2 triệu người tị nạn Syria đang sống tại nước này. Đổi lại, EU sẽ nhận được sự hợp tác của Ankara trong việc chặn 2,2 triệu người tị nạn Syria đang có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ đi vào châu Âu.

    Đồng thời, tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được đẩy nhanh hơn. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu mô tả đây là “thỏa thuận lịch sử” và nhấn mạnh Ankara sẽ thực hiện mọi cam kết với châu Âu.

    “Khoản tiền 3 tỉ euro sẽ được tiêu cho người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải cho Thổ Nhĩ Kỳ - ông Davutoglu nhấn mạnh - Thỏa thuận cũng sẽ tái kích hoạt tiến trình hội nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ (bắt đầu từ năm 2005 nhưng đến nay chưa đạt kết quả nào đáng kể).

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk cũng đánh giá: “Đây là bước tiến lớn tới việc chặn dòng người tị nạn đổ vào EU từ Thổ Nhĩ Kỳ”.

    Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở chiến dịch trấn áp các băng đảng buôn người, hợp tác với EU để tiếp nhận những người không xin được quy chế tị nạn ở châu Âu.

    Ước tính trong năm nay, khoảng 850.000 người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đã đổ vào EU và hơn 3.500 người thiệt mạng hoặc mất tích trên con đường tìm tới “thiên đường châu Âu”. Đây là cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

    Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những cửa ngõ lớn để người tị nạn và người di cư đi vào châu Âu.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn