TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh trưa 03-02-2016

    Mỹ ồ ạt đưa vũ khí hạng nặng đến châu Âu chống Nga

    Theo báo New York Times, các quan chức Mỹ tiết lộ Nhà Trắng lên kế hoạch chi ngân sách hơn 3,4 tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở châu Âu vào năm 2017, tăng gấp bốn lần so với mức 789 triệu USD hiện nay. 

    binh si lithuanian kiem tra xe boc thep stryker cua quan doi my trong mot cuoc tap tran nam ngoai - anh: nyt

    Binh sĩ Lithuanian kiểm tra xe bọc thép Stryker của quân đội Mỹ trong một cuộc tập trận năm ngoái - Ảnh: NYT

    Số tiền này sẽ được dùng để đưa các loại vũ khí và thiết bị quân sự hạng nặng đến châu Âu nhằm đảm bảo lực lượng quân sự vũ trang đầy đủ của liên minh Mỹ - NATO tại châu lục luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

    Một số quan chức Nhà Trắng khẳng định mục tiêu của chiến lược này là gửi thông điệp tới Matxcơva rằng phương Tây rất lo ngại với các động thái của Nga tại Đông Âu. “Đây là phản ứng lâu dài đối với môi trường an ninh đang thay đổi ở châu Âu, nơi Nga đang ngày càng trở nên khó chịu” - một quan chức nhấn mạnh.

    Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ sẽ đưa vũ khí tới các nước Hungary, Romania và vùng Baltic. “Đây là chiến lược lớn và người Nga sẽ phải lùi bước - cựu quan chức Lầu Năm Góc Evelyn Farkas tuyên bố - Chúng tôi muốn thể hiện quyết tâm ngăn chặn Nga”.

    Một quan chức khác khẳng định hai năm sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, NATO muốn bắn tín hiệu rằng tổ chức này sẽ làm tất cả để hỗ trợ các quốc gia thành viên thuộc Đông Âu đang lo ngại với những động thái của Matxcơva.

    Các quan chức Mỹ giải thích chiến lược này không chỉ nhằm đối phó với Nga. Mỹ có thể sẽ triển khai các loại vũ khí hạng nặng tới cánh phía nam của NATO nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

    Chưa rõ Matxcơva sẽ phản ứng như thế này với chiến lược mới của Washington. Trên thực tế, kể từ năm ngoái chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tìm cách giảm căng thẳng với phương Tây. Phía Nga rất muốn Mỹ và châu Âu nới lỏng cấm vận kinh tế.


    Lãnh đạo Chechnya dọa chính khách đối lập Nga

    Nhà lãnh đạo Chechnya, ông Ramzan Kadyrov, vừa đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội Instagram, trong đó có cảnh chính trị gia đối lập Nga Mikhail Kasyanov bị một tay súng bắn tỉa nhắm bắn.

    Ông Kasyanov là thành viên Đảng RPR - Parnas đối lập. Nhà lãnh đạo Chechnya cho biết chính trị gia này đang tìm kiếm sự ủng hộ về kinh tế ở TP Strasbourg – Pháp cho phe đối lập sau khi đăng tải đoạn video nói trên. Tuy nhiên, ông không đề cập thông tin chi tiết.

    Đoạn video xuất hiện trên mạng Instagram có cảnh ông Kasyanov nằm trong kính ngắm của một khẩu súng bắn tỉa. Vì vậy, các chính trị gia đối lập Nga cho rằng ông Kadyrov muốn dọa giết ông Kasyanov.

    Trong khi đó, ông Kasyanov tuyên bố sẽ yêu cầu một cuộc điều tra hình sự và xem đoạn video là lời đe dọa thủ tiêu mình của ông Kadyrov.

    ong kasyanov nam trong kinh ngam cua mot khau sung ban tia. anh: instagram

    Ông Kasyanov nằm trong kính ngắm của một khẩu súng bắn tỉa. Ảnh: Instagram

    Hồi tháng 3 năm ngoái, ông Kadyrov lên tiếng trên Instagram về vụ ám sát lãnh đạo đối lập Boris Nemtsov tại thủ đô Moscow. Thông điệp đó cũng nhằm bảo vệ một trong những công dân Chechnya bị buộc tội đứng sau vụ ám sát này.

    Một ngày sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin trao Huy chương Chiến công cho ông Kadyrov vì những thành tựu ông đạt được. Theo đài BBC, nhà lãnh đạo Chechnya có mối quan hệ gần gũi với ông chủ Điện Kremlin – người ủng hộ ông dập tắt cuộc nổi dậy đòi ly khai trong nước.

    Hàng ngàn dân thường tại nước cộng hòa vùng Bắc Caucasus này đã thiệt mạng khi quân đội Nga chiến đấu với phiến quân ở đó những năm 1990.

    Ngoài ông Kasyanov, nhà lãnh đạo Chechnya trước đây từng gửi thông điệp đe dọa nhiều chính trị gia đối lập Nga khác và cáo buộc họ đang làm việc cho phương Tây.


    Myanmar bắt đầu tìm tổng thống mới

    Quốc hội Myanmar do Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi kiểm soát (chiếm 390/664 ghế) nhóm họp ngày đầu tiên hôm 1-2 sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong 25 năm.

    Nghị sĩ Win Myint, một trong những người thân cận với bà Suu Kyi, được bầu làm chủ tịch hạ viện. Tuy nhiên, theo Bloomberg, việc ai sẽ giữ chứctổng thống và những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới vẫn còn là bí mật.

    Dù giành được ghế quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2015 nhưng theo hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do có chồng và con là người nước ngoài. Người phụ nữ 70 tuổi này từng tuyên bố sẽ “ở vị trí trên tổng thống” . Theo truyền thông Myanmar, một số ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống gồm ông Tin Oo (đồng sáng lập NLD), ông Tin Myo Win (bác sĩ riêng của bà Suu Kyi) và cựu Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann.

    ba aung san suu kyi (giua) tham du phien hop dau tien cua quoc hoi. anh: epa

    Bà Aung San Suu Kyi (giữa) tham dự phiên họp đầu tiên của quốc hội. Ảnh: EPA

    Các thành viên NLD cho biết tiến trình đề cử ứng viên tổng thống có thể diễn ra trong tháng này. Theo Reuters, thượng viện và hạ viện Myanmar chọn ra 2 ứng viên trong khi quân đội, chiếm 25% ghế quốc hội, đề cử 1 ứng viên. Tiếp đó, quốc hội sẽ bỏ phiếu; người chiến thắng trở thành tổng thống và 2 người còn lại làm phó tổng thống. Chính phủ mới dự kiến hoạt động vào tháng 4.

    Theo hiến pháp, quân đội vẫn nắm kiểm soát các bộ chủ chốt là Nội vụ, Biên giới và Quốc phòng. Ngoài ra, việc nắm 25% ghế quốc hội cho phép họ phủ quyết bất kỳ ý định điều chỉnh hiến pháp nào của chính phủ mới.


    Singapore điều tra quỹ chính phủ Malaysia

    Ngày 2-2, chính quyền Singapore tuyên bố đã thu giữ một số lượng lớn tài khoản ngân hàng có dính líu tới cuộc điều tra nghi án quỹ đầu tư Malaysia 1MDB rửa tiền.

    uy tin cua thu tuong malaysia najib razak suy giam nghiem trong vi be boi cua 1mdb - anh: reuters

    Uy tín của Thủ tướng Malaysia Najib Razak suy giảm nghiêm trọng vì bê bối của 1MDB - Ảnh: Reuters

    Theo báo Wall Street Journal, Cơ quan Tài chính Singapore (MAS) cho biết đang hợp tác với chính quyền các nước Mỹ, Malaysia và Thụy Sĩ để điều tra 1MDB. “Singapore không dung thứ cho việc sử dụng hệ thống tài chính của chúng tôi để giấu tiền mờ ám” - MAS nhấn mạnh.

    Phản ứng lại, 1MDB cho biết “sẽ hợp tác với mọi cơ quan điều tra”. Hồi năm ngoái Singapore đã đóng băng hai tài khoản ngân hàng có dính líu tới 1MDB.

    Chính quyền quốc gia Đông Nam Á hành động mạnh tay với 1MDB chỉ một tuần sau khi Thụy Sĩ tiết lộ điều tra các hoạt động của quỹ đầu tư này cho thấy khoảng 4 tỷ USD đã bị rút ruột từ các công ty nhà nước Malaysia.

    Phía Singapore cũng khẳng định có rất nhiều bằng chứng nghiêm trọng cho thấy ngân quỹ từ các công ty nhà nước Malaysia bị sử dụng sai mục đích.

    Thủ tướng Malaysia Najib Razak là chủ tịch ủy ban cố vấn của 1MDB. Hiện ông vẫn đang bị chính quyền Malaysia điều tra vì các cáo buộc tham nhũng và quản lý tài chính sai trái.

    Tuần trước, Bộ Tài chính Malaysia tuyên bố 681 triệu USD chuyển vào tài khoản riêng của ông Naijb thông qua các ngân hàng và công ty có dính dáng tới 1MDB là tiền quyên góp của hoàng tộc Saudi Arabia.

    Do đó Bộ Tài chính Malaysia hủy bỏ cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Najib. Tuy nhiên Ủy ban chống tham nhũng Malaysia thông báo sẽ xem xét lại quyết định của Bộ Tài chính.


    Mỹ đưa thêm 5 quan chức Nga vào danh sách trừng phạt

     Mỹ ngày 1-2 áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm đến 5 quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

    luat su sergei magnitsky khi con song - anh: afp

    Luật sư Sergei Magnitsky khi còn sống - Ảnh: AFP

    Bốn trong số năm người này được cho là có liên quan đến cái chết trong tù của một luật sư Nga chống tham nhũng.

    Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết Aleksey Anichin, Boris Kibis, Pavel Lapshov và Oleg Urzhumtsev là các quan chức có liên quan đến cái chết của luật sư Sergei Magnitsky hồi năm 2009.

    Magnitsky qua đời năm 37 tuổi sau 1 năm bị giam giữ trong tù nơi ông cho biết ông không được chăm sóc y tế và bị ngược đãi nhằm buộc ông nhận tội trốn thuế và cung cấp bằng chứng chống lại một khách hàng cũ của mình.

    Trong một phiên tòa năm 2013 sau khi ông chết, Magnitsky bị kết tội trốn thuế.

    Năm quan chức Nga sẽ bị cấm xin thị thực nhập cảnh Mỹ và tất cả các tài khoản của họ tại Mỹ đều bị đóng băng.

    Theo điều luật quy định trách nhiệm đối với Sergei Magnitsky của Mỹ hồi năm 2012, các quan chức Mỹ có quyền trừng phạt các cá nhân có liên quan đến cái chết của luật sư Magnitsky và bắt giữ hoặc chịu trách nhiệm cho các trường hợp vi phạm nhân quyền tại Nga.

    Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Anichin là người đứng đầu bộ phận điều tra thuộc Bộ Nội vụ Nga và ủy quyền các vụ án hình sự mà qua đó ông Magnitsky bị bắt.

    Trong khi đó ông Lapshov là người đứng đầu bộ phận tội phạm có tổ chức thuộc bộ phận điều tra của Bộ Nội vụ Nga trong khi Kibis và Urzhumtsev liên quan đến quá trình truy tố sau cái chết của Magnitsky.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn