TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh trưa 05-10-2015

    Ngân hàng Trung ương Lào đề xuất ngừng cho Chính phủ vay tiền

    ngan hang trung uong lao de xuat ngung cho chinh phu vay tien

    Ngân hàng Trung ương Lào đề xuất ngừng cho Chính phủ vay tiền


    Ngân hàng Trung ương Lào vừa đề xuất ngừng các khoản vay trực tiếp dành cho các dự án đầu tư mới của Chính phủ nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính và ngân hàng của nước này.

    Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào, ông Somphao Phaysith, các ban ngành liên quan nên tìm kiếm nguồn tài chính từ các ngân hàng thương mại để phù hợp với cơ chế thị trường và chính sách của các ngân hàng thương mại.

    Trong những năm qua, Ngân hàng Trung ương Lào đã cung cấp nhiều khoảng vay lớn cho Chính phủ để đầu tư vào một loạt dự án của nhà nước.

    Tính riêng trong năm tài khóa 2013-2014 (từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014), Ngân hàng Trung ương Lào đã cung cấp cho Bộ Tài chính nước này 20 khoản vay trị giá 2.885 tỷ kíp (tương đương 360 triệu USD), để Bộ này trả nợ cho các công ty xây dựng đã bỏ tiền ra để làm các dự án đầu tư của nhà nước Lào.

    Mặc dù ông Somphao không nêu ra các nguy cơ cụ thể nếu Ngân hàng tiếp tục cho Chính phủ vay tiền, tuy nhiên theo tờ Vientiane Times, việc cho Chính phủ và các doanh nghiệp của nhà nước vay tiền không phải là trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương Lào bởi trách nhiệm chính của Ngân hàng này là hành động với tư cách là nguồn tài chính cuối cùng để đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, theo trong trường hợp một ngân hàng thương mại hết tiền, ngân hàng này có thể vay tiền của Ngân hàng Trung ương để tiếp tục cung cấp các dịch ngân hàng của mình.

    Báo trên cũng dẫn lời các chuyên gia kinh tế chỉ ra một rủi ro khác nếu Ngân hàng Trung ương Lào tiếp tục cung cấp các khoản vay trực tiếp cho Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, theo đó Ngân hàng này có thể phải đối mặt với các thách thức để duy trì việc cung cấp tiền ở mức phù hợp.

    Theo các chuyên gia, một nền kinh tế cần được cung cấp tiền ở mức phù hợp nếu không sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng, một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô (Vietnam+)


    Donald Trump lại tuyên bố gây sốc về vụ thảm sát trường học

    Vị ứng viên Đảng Cộng hòa này cho biết nếu được trang bị vũ khí, các nạn nhân có thể đã không chết và khẳng định cuộc thảm sát có lẽ đã không xảy ra nếu các giáo viên được vũ trang đầy đủ.

    donald trump phat bieu trong su kien ngay 3-10 o bang tennessee - anh: ap

    Donald Trump phát biểu trong sự kiện ngày 3-10 ở bang Tennessee - Ảnh: AP

    “Nếu bạn có một người thầy hay ai đó có súng trong phòng học, bạn sẽ cảm thấy khá hơn nhiều” - Washington Post dẫn phát biểu của ông Trump trước đám đông ở Nashville ngày 3-9.

    Phát biểu trước công chúng bang Tennessee, ứng viên tổng thống Trump nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt khi viện dẫn Tu chính án thứ 2 trong bản Hiến pháp Mỹ, đồng thời khẳng định: “Rất đơn giản và dễ hiểu, đây là về việc tự bảo vệ”.

    “Tôi có giấy phép để thực hiện điều này (bắn súng) tại New York. Các bạn có thể tin được không? Nếu ai đó tấn công tôi, họ sẽ bị sốc đấy” - ông nói thêm.

    Gần cuối bài phát biểu, tỉ phú Trump cho biết chính sách về súng mới của ông sẽ phù hợp với quy tắc chính thống của Đảng Cộng hòa và bao hàm cả việc thực thi pháp luật hiện hành, trong đó có kiểm tra lý lịch và quyền mang theo súng bên người.

    Trả lời phỏng vấn sau buổi phát biểu, ông Trump tiết lộ thêm ông là thành viên của Hiệp hội súng trường quốc gia và từng tư vấn cho tổ chức này phát triển chính sách của họ.

    Bên cạnh đó, ông cũng phê bình phản ứng của các chính trị gia khác đối với vụ tấn công đẫm máu Oregon. Ông phàn nàn Tổng thống Barack Obama gây chia rẽ trong công chúng Mỹ khi vẫn còn nhiều người ủng hộ Tu chính án thứ 2 để tự bảo vệ bản thân họ.

    Đồng thời, ông cũng chỉ trích cựu thống đốc bang Florida Jeb Bush khi ông này dùng cụm từ “thứ vừa xảy ra” để nói về vụ thảm sát.


    Brazil: Cải tổ bắt đầu từ giảm lương, cắt bộ

    Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã cắt 10% lương các bộ trưởng và của chính bà, đồng thời giảm bớt tám bộ ngành để chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.

    Theo BBC, bà Rousseff cho biết việc cải tổ nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị và củng cố quan hệ giữa các đảng và thành viên quốc hội ủng hộ chính phủ.

    Theo giới quan sát, dù bỏ bớt tám bộ trưởng, bà Rousseff lại trao thêm ghế bộ trưởng cho Đảng PMDB trong liên minh cầm quyền. Kế hoạch này nhằm tăng sự ủng hộ cho các chương trình kinh tế sắp tới và dẹp bớt những lời buộc tội nhắm vào bà thời gian qua. Việc tổng thống giữ nguyên nhóm kinh tế cho thấy bà sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng trong thời gian tới.

    Ngoài ra, tổng thống và các bộ trưởng sẽ cắt 10% lương để giúp giảm chi tiêu công, trong khi chi tiêu các bộ bị giảm 1/5. Dù khoản tiết kiệm này như muối bỏ bể so với cuộc khủng hoảng kinh tế mà Brazil đang đối mặt, nhưng cũng xoa dịu bức xúc của người dân khi bị cắt giảm các chương trình nhà ở và y tế.

    “Chính phủ ngày một lớn và ngu ngốc lẫn mất đi năng lực quản lý. Đây là khởi đầu để nâng cao chất lượng nhà nước” - báo The Guardian dẫn lời cựu cố vấn tổng thống Luiz Gonzaga Belluzzo.

    Động thái cải tổ đưa ra trong bối cảnh Brazil đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và bê bối chính trị kéo dài.

    Tháng trước, kinh tế Brazil bị hạ tín nhiệm xuống mức “rác” và tỉ lệ ủng hộ bà Rousseff tuột xuống dưới 10%. Tổng thống Brazil bị chỉ trích mắc nhiều sai lầm trong nhiệm kỳ đầu tiên, như can thiệp vào thị trường năng lượng và thất bại trong việc kiểm soát lạm phát.


    Hy Lạp muốn tăng tốc thực hiện cải cách để thoát khỏi giám sát

    Thủ tướng tái đắc cử Alexis Tsipras của Hy Lạp ngày 3/10 nói rằng Athens cần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các cải cách theo thỏa thuận của chương trình cứu trợ tài chính trị giá 86 tỷ euro mà nước này đã đạt được với các chủ nợ quốc tế hồi tháng Tám vừa qua.

    Theo Thủ tướng, việc đẩy nhanh tiến trình cải cách trên nhằm thoát khỏi sự giám hộ của châu Âu và tái tiếp cận các thị trường tài chính toàn cầu, từ đó đưa kinh tế đất nước quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

    Theo đó, việc thực hiện các biện pháp cải cách thuế, hưu trí, y tế, lĩnh vực tài chính và dịch vụ công trước ngày 15/11 tới là điều kiện để xứ sở các vị Thần được giải ngân số tiền viện trợ tiếp theo trong gói cứu trợ và tiếp nhận sự giúp đỡ trong quá trình tái cấp vốn hệ thống ngân hàng yếu kém của đất nước.

    Thủ tướng Tsipras, sau khi tuyên thệ nhậm chức, đã khẳng định với các nhà lập pháp của đảng Syriza rằng Hy Lạp cần nhanh chóng hoàn thiện đợt đánh giá đầu tiên của gói cứu trợ một cách sớm nhất để “mở đường” cho các cuộc đàm phán về tái cơ cấu các khoản nợ.

    Thủ tướng Tsipras cho hay việc thực hiện các biện pháp cải cách sẽ không dễ dàng song Hy Lạp có nghĩa vụ phải thực hiện chúng. “Đây là việc cần làm để đưa Athens ra khỏi hệ thống giám sát của châu Âu và bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề nợ.”

    Vào cuối tháng ​Mười, bộ ba chủ nợ quốc tế (hay còn gọi là “troika”) sẽ đánh giá tiến trình tuân thủ chương trình cải cách mà Athens đã cam kết và kết quả của cuộc kiểm toán này là điều kiện để “troika” tiếp tục giải ngân thêm 3 tỷ euro (khoảng 3,3 tỷ USD) cho Hy Lạp.

    Quốc hội Hy Lạp sẽ sửa đổi ngân sách năm 2015 của đất nước theo những cải cách đã cam kết, trong đó các loại thuế đánh vào thu nhập của nông dân sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017.

    Bên cạnh đó, Athens cũng phải hoàn thành quy trình tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng Hy Lạp trước tháng 12 tới khi các quy định mới về giải cứu ngân hàng của EU có hiệu lực vào năm 2016 chắc sẽ tác động đến hoạt động tiền gửi tại các ngân hàng.

    Trở về từ New York sau khi tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Tsipras cho biết các cuộc đàm phán về vấn đề nợ Hy Lạp đã diễn ra “vô cùng hiệu quả” trong chuyến đi Mỹ vừa qua.

    Theo Thủ tướng, nợ là vấn đề quốc tế và một giải pháp mang tính vĩ mô trong vấn đề này có thể tạo ra sự thịnh vượng và phát triển cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo Hy Lạp không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc xóa nợ.

    Tuần trước, Klaus Regling, người đứng đầu quỹ cứu trợ trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chia sẻ với tờ Financial Times rằng Athens không cần thêm một đợt xóa nợ quy mô lớn vì nước này đã nhận được những điều khoản vay ưu đãi nhất "trong lịch sử thế giới."

    Theo một nguồn tin từ EU, liên minh này có thể sẽ chấp nhận giới hạn chi phí đi vay hàng năm của Hy Lạp ở mức 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) qua hình thức nới rộng kỳ hạn cho vay và thời gian ân hạn nếu cần thiết./.


    IEA: Đầu tư ngành dầu mỏ toàn cầu giảm mạnh nhất trong lịch sử

    Theo phóng viên tại Cairo, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol mới đây cho biết đầu tư của ngành dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ giảm 20% trong năm nay, mức giảm lớn nhất trong lịch sử của ngành này.

    Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), người đứng đầu IEA nhận định việc giá dầu giảm hơn một nửa trong một năm qua đã ảnh hưởng xấu đến doanh thu của các công ty năng lượng, khiến họ không thể tiếp tục đầu tư cho các hoạt động thăm dò và khai thác.

    Với giá dầu dưới mức 50 USD/thùng, các hãng dầu mỏ lớn và các công ty năng lượng quốc gia sẽ buộc phải tìm cách tiết kiệm chi phí, do đó các kế hoạch đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

    Do đầu tư bị cắt giảm, việc nâng cấp các mỏ hiện nay cũng như các kế hoạch thăm dò sẽ bị đình hoãn và điều này có nghĩa là sản lượng dầu mỏ toàn cầu sẽ sụt đi trong vài năm tới. Hãng phân tích Morningstar dự báo thị trường dầu mỏ chỉ có thể phục hồi đầy đủ sớm nhất là vào năm 2017.

    Trong Báo cáo thị trường năng lượng tái tạo trung hạn thường niên đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày tại Istanbul, IEA cho rằng năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn năng lượng lớn nhất phục vụ lĩnh vực phát điện trong 5 năm tới. Các nguồn tái tạo có lợi thế hơn vì đây là nguồn có chi phí vừa phải, có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu biển đổi khí hậu.

    Giám đốc IEA kêu gọi chính phủ Trung Quốc chú trọng vấn đề năng lượng tái tạo khi Bắc Kinh đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2016.

    Người đứng đầu IEA cho biết Trung Quốc hiện đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo lớn với 40% số nhà máy điện vận hành bằng các nguồn tái tạo (thủy điện, phong điện và năng lượng Mặt trời) trên thế giới là ở Trung Quốc.

    Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Trung Quốc năm 2014 lớn hơn tổng mức đầu tư của cả Mỹ và các nước châu Âu cộng lại./.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn