TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh trưa 07-05-2016

    Hàng trăm người Myanmar biểu tình phản đối Trung Quốc khai thác mỏ đồng

    Hàng trăm dân làng Myanmar biểu tình để phản đối việc công ty do Trung Quốc hậu thuẫn nối lại hoạt động khai thác mỏ đồng.
    canh sat lap rao chan hom 4/5 o myanmar. anh: myanmartimes

    Cảnh sát lập rào chắn hôm 4/5 ở Myanmar. Ảnh: MyanmarTimes

    Theo Reuters, cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát từ 4/5, khi một số người phá hàng rào cảnh sát bảo vệ hầm mỏ. Hầm do Myanmar Wanbao, đơn vị của một nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, điều hành. 

    Myanmar Wanbao điều hành mỏ Letpadaung trong liên doanh với công ty Myanmar Economic Holdings Ltd., do quân đội Myanmar kiểm soát. Dân làng cho rằng đất của họ bị tịch thu trái phép để mở rộng quy mô hầm mỏ. 

    Các cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra năm 2012 và 2013, trong đó cảnh sát chống bạo động đột kích trại biểu tình, làm hơn 100 người bị thương. Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi sau đó dẫn đầu cuộc điều tra, yêu cầu bồi thường cho dân và giảm thiểu thiệt hại môi trường. 

    Bà Suu Kyi dẫn đầu đảng của bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm ngoái và hiện giám sát chính phủ. "Người Trung Quốc chưa làm điều gì để thực hiện nghĩa vụ được đề cập trong báo cáo của bà Aung San Suu Kyi", Ma Mar Cho, một trong những lãnh đạo biểu tình, nói. 

    Phát ngôn viên của văn phòng bà Suu Kyi cho biết chính phủ đang theo dõi tình hình và phản ứng của công ty với khuyến nghị điều tra trước đó. "Chúng tôi đang kiểm tra xem công ty đã thực hiện yêu cầu của uỷ ban với các bộ như thế nào", Zaw Htay, phát ngôn viên Văn phòng Uỷ viên Quốc vụ, cơ quan do bà Suu Kyi điều hành, nói. 

    Hoạt động tại khu mỏ nằm cách thành phố Mandalay khoảng 100 km về phía tây đã bị đình chỉ sau các cuộc biểu tình năm 2012 - 2013. Công ty gần đây đang cố cho thấy họ có thể giảm thiểu tác động của việc khai mỏ và cải thiện sinh kế. 

    Các cuộc biểu tình có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa đảng của bà Suu Kyi và quân đội, vốn vẫn giữ vai trò chính trị lớn khi kiểm soát ba bộ quan trọng. Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ theo dõi cách giải quyết của chính phủ mới với những cuộc biểu tình. 


    Nhật cải thiện quan hệ với Nga để kiềm chế Trung Quốc

    Thủ tướng Nhật Abe thăm Nga, hy vọng cải thiện quan hệ trong bối cảnh quan hệ Nga-Trung đang ngày càng gắn kết. Hai nước hy vọng sẽ có bước đột phá giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

    Ngày 6-5 tại đảo Sochi (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có buổi tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cuộc gặp kéo dài hơn ba giờ.

    Hai lãnh đạo bàn về hợp tác kinh tế trong thời điểm Nga đang chật vật với giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai bên tuyên bố sẽ tăng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, thương mại.

    Vấn đề tranh chấp lãnh thổ hai nước cũng được đề cập tại cuộc gặp. Sau cuộc gặp, Thủ tướng Abe nói ông hy vọng hai nước sẽ có bước đột phá giải quyết tranh chấp lãnh thổ hai bên vì ông và Tổng thống Putin đã đồng ý sẽ có bước tiếp cận mới để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

    “Cuộc gặp với Tổng thống Putin mang lại cho tôi niềm tin chúng tôi có thể có bước đi nhảy vọt và giải quyết được thế bế tắc trong tranh chấp lãnh thổ”.

    tong thong nga putin (phai) tiep thu tuong nhat abe tai tp sochi (nga) ngay 6-5. (anh:afp)

    Tổng thống Nga Putin (phải) tiếp Thủ tướng Nhật Abe tại TP Sochi (Nga) ngày 6-5. (Ảnh:AFP)

    Kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay hai nước chưa ký một hiệp ước hòa  bình do quân đội Xôviết chiếm bốn đảo phía bắc Nhật trong những ngày cuối chiến tranh mà Nga gọi là quần đảo Kurils còn Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc.

    Trong khi Nhật gọi đây là hành động bất hợp pháp thì phía Nga cho rằng hợp pháp vì thể theo hiệp định Yalta năm 1945 và được Mỹ đồng ý. Tranh chấp chưa được giải quyết vì Nhật yêu cầu Nga trả cả bốn đảo nhưng Nga chỉ đồng ý trao trả hai.

    Tháng 3 vừa rồi, Nga thông báo sẽ triển khai hệ thống tên lửa lên các đảo tranh chấp, gây phẫn nộ lớn cho Nhật.

    Cuộc gặp diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, khi Thủ tướng Abe sẽ tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng này tại Nhật trong khuôn khổ hội nghị G7. Hồi tháng 2 truyền thông Nhật cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu Thủ tướng Abe hủy thăm Nga nhưng ông Abe từ chối. Trong khi đó Tổng thống Putin sẽ đến thăm Trung Quốc vào tháng tới.

    Báo Wall Street Journal (Mỹ) nhận định Nhật chủ trương cải thiện quan hệ với Nga để cân bằng sự lớn mạnh của Trung Quốc và quan hệ ngày càng gắn kết giữa Nga với Trung Quốc. Thủ tướng Abe lâu nay vẫn hy vọng mời Tổng thống Putin đến thăm Nhật. Trong cuộc gặp ngày 6-5, Thủ tướng Abe một lần nữa nhắc lại lời mời này, phía Nga không từ chối nhưng chưa quyết định ngày thăm chính xác.

    Năm 2013, Thủ tướng Abe là lãnh đạo Nhật đầu tiên thăm chính thức Nga sau một thập kỷ. Những tưởng quan hệ hai nước sẽ được cải thiện hơn sau chuyến thăm này nhưng quan hệ lại lạnh trở lại sau khi Nhật về phe với Mỹ và Liên minh châu Âu trừng phạt Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ phe ly khai Ukraine năm 2014.

    Thủ tướng Abe đang có chuyến công du châu Âu, sau Nga, ông Abe sẽ đến Ý, Pháp, Đức và Anh.


    Quân đội Triều Tiên báo động cao trong dịp Đại hội đảng

    Quân đội Triều Tiên vừa được đặt trong tình trạng báo động cao khi nước này tổ chức cuộc Đại hội đảng đầu tiên trong hơn 30 năm. 
    binh si trieu tien tai lang bien gioi ban mon diem, trong buc anh chup hoi thang 7/2013. anh: ap

    Binh sĩ Triều Tiên tại làng biên giới Bàn Môn Điếm, trong bức ảnh chụp hồi tháng 7/2013. Ảnh: AP

    "Dường như không có động thái bất thường nào của quân đội nơi tiền tuyến, nhưng họ dường như duy trì tình trạng sẵn sàng cao hơn, khi đại hội khai mạc ở thủ đô", Yonhap dẫn lời một nguồn tin giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay nói. 

    Ông cho hay trong quá khứ, Triều Tiên nâng cao mức độ sẵn sàng của quân đội vào những dịp có sự kiện chính trị quan trọng trong nước. Lần cuối đảng Lao động Triều Tiên tổ chức đại hội là tháng 10/1980. 

    "Những sĩ quan cấp cao hơn đang tới điểm gác tiền tuyến thường xuyên hơn", quan chức nói. Seoul cũng cho biết theo thông tin tình báo, không có hoạt động cụ thể nào đang diễn ra tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri ở Triều Tiên. Nhiều người nghi ngờ nước này có thể thử hạt nhân lần 5 trước đại hội đảng, nhưng điều đó chưa xảy ra.  

    Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay bác tin nước này triển khai 2.000 quân tới biên giới Triều Tiên. "Quân đội Trung Quốc duy trì sẵn sàng tác chiến bình thường và huấn luyện ở biên giới Trung - Triều", thông cáo của Bộ này cho biết.


    Người Hồi giáo đầu tiên làm thị trưởng London

    Thị trưởng mới của London là đến từ một gia đình nhập cư từ Pakistan.

    Trong tình hình tư tưởng bài Hồi giáo đang ngày càng tăng ở châu Âu vì an ninh, vì cuộc khủng hoảng nhập cư, vì các khác biệt văn hoá thì thủ đô London (Anh) lại lựa chọn một người Hồi giáo làm Thị trưởng, tin từ báo Independent(Anh).

    Ngày 7-5, ông Sadiq Khan 45 tuổi, là thành viên cấp cao của đảng Lao động được tuyên bố là Thị trưởng mới của London sau cuộc bầu cử ngày 5-5. Ông Khan được gần 57% phiếu ủng hộ, cách khá xa đối thủ về nhì là ông Zac Goldsmith thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền được hơn 43% phiếu bầu.

    ong khan hy vong ung vien tong thong my donald trump - chu truong cam nguoi hoi giao vao my - se khong tro thanh tong thong my. (anh: ap)

    Ông Khan hy vọng ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump - chủ trương cấm người Hồi giáo vào Mỹ - sẽ không trở thành tổng thống Mỹ. (Ảnh: AP)

    Ông Khan vốn là một luật sư về nhân quyền và là con trai của một người lái xe buýt ở Pakistan, mẹ là thợ may. Bố mẹ nhập cư sang Anh và ông Khan được sinh ra ở London, là con thứ 5 trong gia đình 8 người con.

    Với chiến thắng này, ông Khan là người Hồi giáo đầu tiên giữ chức Thị trưởng London, đồng thời là một trong những chính trị gia Hồi giáo cấp cao ở phương Tây.

    Phát biểu sau chiến thắng, ông Khan nói rằng ông rất tự hào vì người dân London đã chọn hy vọng thay vì sợ hãi, chọn đoàn kết thay vì phân rẽ. “Sợ hãi không làm chúng ta an toàn hơn mà chỉ làm chúng ta yếu hơn.”

    Ông Khan được bầu vào Quốc hội Anh năm 2005, làm Bộ trưởng Giao thông năm 2009 dưới thời chính phủ Gordon Brown.

    ¼ cư dân London là dân sinh ra ở các nước khác, 1/8 là người Hồi giáo. Ở Anh cũng không thoát được tình trạng công dân Hồi giáo rời nước đi đầu quân khủng bố. Ước tính có khoảng 800 công dân Anh rời nước sang Iraq và Syria đầu quân cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

    Tuy nhiên tình hình an ninh ở Anh khá ổn so với các nước châu Âu khác như Pháp, Bỉ. Từ năm 2005 đến nay Anh chưa hứng chịu vụ tấn công khủng bố quy mô lớn nào, và không như ở Pháp, bộ phận người Hồi giáo ở Anh khá đoàn kết và hoà hợp với các sắc dân khác.

    Theo báo New York Times (Mỹ), đây có thể là một phần lý do để ông Khan có cơ hội trở thành Thị trưởng London.

    Ông Khan sẽ kế nhiệm ông Boris Johnson, người đã giữ vị trí Thị trưởng London từ năm 2008 và ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ông Johnson nhiều khả năng sẽ lãnh đạo đảng Bảo thủ thay Thủ tướng David Cameron nếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 tới cho kết quả Anh rời khỏi EU. Thủ tướng Cameron chủ trương ủng hộ Anh ở lại EU.

    Ngoài ông Khan cũng có một số người Hồi giáo giữ vị trí cao trên chính trường châu Âu. Thị trưởng TP Rotterdam (Hà Lan) được bầu năm 2009 cũng là một người Hồi giáo. Một Thứ trưởng Ngoại giao Anh phụ trách kinh doanh cũng là một người Hồi giáo.


    Hệ thống phòng không di động mới của lính dù Nga

    Hệ thống phòng không Ptiselov mới có thể được thả bằng dù để chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ đường không Nga.
    mot xe thiet giap duoc tha du tu may bay van tai il-76 cua khong quan nga. anh:sputnik

    Một xe thiết giáp được thả dù từ máy bay vận tải IL-76 của không quân Nga. Ảnh:Sputnik

    Hôm 4/5, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đang phát triển một hệ thống phòng không di dộng mới dành cho lực lượng không quân tinh nhuệ. Hệ thống mới này được thiết kế để thả bằng dù từ trên không xuống cho bộ binh, có thể bảo vệ lính dù trước máy bay địch hoạt động tầm cao và tầm trung, theo National Interest.

    "Chúng tôi đang phát triển một hệ thống phòng không có thể thả từ trên không dựa trên mẫu xe chiến đấu đường không BMD-4M. Mẫu thiết kế thử nghiệm có tên Ptiselov", một phát ngôn viên bộ quốc phòng Nga nói với hãng thông tấn TASS.

    Theo MilitaryToday, BMD-4M là xe chiến đấu lưỡng dụng đường không ra đời từ năm 2008 với 8 chiếc đầu tiên được trang bị cho các sư đoàn tấn công không quân Nga năm 2014.BMD-4M có thể được thả xuống từ máy bay vận tải quân sự cỡ trung để chi viện hỏa lực cho lính dù nhờ hệ thống chế áp hỏa lực tự động với pháo 100 mm có tốc độ bắn 10-15 viên đạn thông thường mỗi phút và có thể bắn các tên lửa diệt tăng Bastion dẫn đường bằng laser tầm bắn lên tới 5,5 km, có thể dùng để bắn trực thăng.

    xe chien dau luong dung bmd-4m cua quan doi nga. anh: sputnik

    Xe chiến đấu lưỡng dụng BMD-4M của quân đội Nga. Ảnh: Sputnik

    Xe này cũng được trang bị pháo tự động 30 mm đồng trục với hệ thống kiểm soát hỏa lực kỹ thuật số mới . Ngoài ra nó cũng được sử dụng như một xe thiết giáp chở quân với kíp lái hai người chở thêm được 6 lính.

    Theo Dave Majumdar, chuyên gia phân tích quốc phòng của National Interest, dù truyền thông Nga không mô tả chi tiết về hệ thống này nhưng căn cứ vào việc xe Ptiselov (Bẫy chim) được phát triển dựa trên nền tảng xe thiết giáp hạng nhẹ BMD-4M, nó có thể sánh ngang với pháo phòng không/hệ thống tên lửa đất đối không Panstir –S2.

    Hệ thống Pantsir-S2 có tầm bắn khoảng hơn 30 km và có thể tấn công các mục tiêu ở độ cao 10 km. Pantsir-S1, biến thể cũ hơn, có thể tấn công đồng thời hai mục tiêu hoặc 12 mục tiêu trong thời gian chưa đến một phút. Do vậy, có thể suy đoán rằng hệ thống Ptiselov có tính năng tương đương hoặc hơn.

    Việc bổ sung hệ thống Ptiselov sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh cho lực lượng đổ bộ đường không Nga vốn trước đó luôn phải dựa vào tên lửa vác vai để tránh bị tấn công từ trên không. Xe Ptiselov sẽ là một lực lượng bộ binh hạng nhẹ nhưng được cơ giới hóa hoàn toàn có khả năng bảo vệ không phận tương tự các lực lượng cơ giới hóa khác của Nga. Các lực lượng cơ giới hóa của Nga thường đi kèm với các hệ thống phòng thủ đất đối không di động khác như hệ thống Buk-M3 đáng gờm (NATO định danh SA-17 Grizzly).

    Quân đội Mỹ hiện nay không có một xe tăng thả dù từ trên không nào kể từ khi xe M551A1 Sheridan được cho nghỉ hưu từ giữa thập niên 1990. Việc xe tăng hạng nhẹ Sheridan bị cho ra khỏi biên chế đã để lại khoảng trống lớn, sau khi dự án pháo thiết giáp XM-8 bị hủy bỏ vào năm 1997.

    Những năm gần đây, quân đội Mỹ bắt đầu quan tâm đến việc hồi sinh lực lượng thiết giáp di động để có thể hỗ trợ hỏa lực cho lính dù. Lầu Năm Góc đã đề xuất khoản tài chính dành cho một loại thiết giáp mới trong ngân sách tài khóa 2017 nhưng tương lai chương trình này vẫn chưa chắc chắn, Majumdar cho biết.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn