TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin thế giới đọc nhanh trưa 21-01-2016

    Trung Quốc sáp nhập hàng loạt đơn vị sản xuất động cơ máy bay

    Trung Quốc dự định sáp nhập hơn 40 đơn vị sản xuất động cơ máy bay thành một tập đoàn lớn với tổng số vốn sơn 145 tỉ NDT (tức hơn 22 tỉ USD). 

    Theo các nguồn có liên quan, đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao nhằm tăng tốc nền kinh tế.

    Giá trị vốn khổng lồ

    Theo các nguồn này, danh tính các đơn vị sắp được sáp nhập, được biết có tổng giá trị 110 tỉ NDT, vẫn chưa được tiết lộ do kế hoạch vẫn còn được thảo luận nội bộ. 
    Chính quyền và các công ty Trung Quốc như Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) sẽ đầu tư vào thêm 35 tỉ NDT vào dự án. Được biết, nếu thuận lợi, dự án sẽ được chính thức thông báo vào tháng này.

    Trung Quốc đang rất nôn nóng phát triển động cơ máy bay, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nền kinh tế từ chú trọng lao động nặng sang các phân khúc khác cao cấp hơn. 

    may bay dan dung c919 do trung quoc san xuat 

    Máy bay dân dụng C919 do Trung Quốc sản xuất 

    Theo lộ trình kế hoạch “Made in China 2025” đã được phát hành vào tháng 3 năm ngoái, công nghiệp hàng không là một phân ngành kinh tế được giới lãnh đạo kỳ vọng sẽ đưa Trung Quốc thành nền kinh tế hiện đại như Nhật Bản và Đức.
    Đơn cử, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc Comac hiện đang phát triển mẫu máy bay thương mại C919 và sắp đưa vào bay thử nghiệm trong năm nay. Dự kiến động cơ sử dụng cho các mẫu thử nghiệm đầu tiên sẽ do CFM International, một công ty liên doanh giữa GE Aviation của Mỹ và Safran SA của Pháp, cung cấp. 
    Giá cổ phiếu tăng vọt
    Giá cổ phiếu của Tập đoàn Kiểm soát Động cơ Hàng không Avic đã tăng 7,7% vào cuối hôm thứ Ba, 19-1 tại sàn giao dịch Thâm Quyến.
    Còn tại Thượng Hải, giá cổ phiếu của Tập đoàn AVIC tăng 6,7%. Giá cổ phiếu của Tập đoàn AviChina cũng tăng 8,6% cùng ngày. Đây là mức tăng giá cổ phiếu lớn nhất trong một ngày của tập đoàn này kể từ tháng 10 năm ngoái.
    Theo nhiều nguồn tin, công ty sắp được thành lập sẽ nắm giữ gần như toàn bộ tài sản liên quan đến công nghiệp hàng không Trung Quốc. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và AVIC chưa có bình luận gì về vấn đề này.
    Theo Bloomberg, kế hoạch sáp nhập này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm củng cố thị phần doanh nghiệp nhà nước đồng thời tạo ra các công ty có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 
    Vào tháng 6 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã sáp nhập hai công ty thiết bị đường sắt hàng đầu của nước này; vào tháng 12 nước này còn công bố dự án tái tổ chức hai tập đoàn đóng tàu lớn của Trung Quốc. 
    Ngoài ra, Trung Quốc còn lên kế hoạch sáp nhập ba hãng hàng không vận tải lớn nhất nước vào tháng 10 năm ngoái.

    Khoảng 3.500 người bị IS bắt làm nô lệ tại Iraq

    Theo một bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố vào hôm qua (19-1), khoảng 3.500 người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, được cho là đã bị IS bắt giữ làm nô lệ tại Iraq. 
    Quân đội của tổ chức nhà nước Hồi giáo này được biết đến với quy định xử tử công khai hết sức khủng khiếp.
    IS cũng đang kiểm soát hầu hết lãnh thổ của nước láng giềng Iraq là Syria. Tổ chức này đã phạm phải một số tội ác nghiêm trọng. 
    “Một số trường hợp trong đó bị khép vào tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và có thể bao gồm cả tội ác diệt chủng”, Liên Hiệp Quốc cho hay.

    Phái đoàn Liên Hiệp Quốc hỗ trợ cho Iraq và các văn phòng nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc ước tính rằng có khoảng 3.500 người “hiện đang bị giam giữ làm nô lệ cho IS”.

     cac chien binh cua to chuc nha nuoc hoi giao is

     Các chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS

    “Những người bị bắt giữ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, phần lớn đến từ các cộng đồng người Yazidi nhưng một số cũng đến từ các cộng đồng dân tộc và tôn giáo thiểu số khác”, dẫn lời bản báo cáo chung được đưa ra tại Geneva.
    Bản báo cáo liệt kê chi tiết các phương thức hành quyết như bắn, chặt đầu, thiêu sống. Bản báo cáo còn cho biết thêm rằng Liên Hiệp Quốc đã có thông tin về cái chết của các binh lính trẻ em. Các báo cáo có liên quan cho thấy từ 800 đến 900 trẻ em ở thành phố Mosul đã bị IS bắt cóc để đưa vào quân đội và đào tạo tôn giáo.
    “Thậm chí ngay cả những con số thương vong khủng khiếp cũng không thể phản ánh chính xác được tình trạng tồi tệ mà các cư dân ở Iraq phải đối mặt” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein cho biết trong một tuyên bố.
    “Những con số chỉ phản ánh số lượng người bị giết và bị thương do bạo lực công khai nhưng vô số người khác đã chết vì không thể tiếp cận với lương thực, nước hoặc chăm sóc y tế cơ bản”, ông cho biết thêm.

    Trung Quốc phải tạo dựng lòng tin

    Vì vấn đề tranh chấp biển Đông, Anh và Philippines chuẩn bị sửa đổi thỏa thuận quốc phòng.
    Ông Malcolm Turnbull thông qua bài diễn văn chính sách đầu tiên của ông với tư cách thủ tướng Úc tuyên bố: Vai trò lãnh đạo của Mỹ và sự can dự của Mỹ vào kinh tế châu Á sẽ giữ vai trò thiết yếu để Trung Quốc vươn lên thành công, đồng thời tránh được rủi ro lớn nhất là xung đột quân sự giữa Washington và Bắc Kinh.

    Báo Australian Financial Review (Úc) đưa tin Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã phát biểu như trên trước cử tọa hàng trăm người tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, DC hôm 18-1 (giờ địa phương).

    Ông nhấn mạnh thương mại tự do không chỉ giúp giải quyết việc làm mà còn tốt cho an ninh.

    Ông nói: “Giao thương càng nhiều chúng ta càng dựa vào nhau. Các chuỗi cung ứng của chúng ta càng trải rộng qua các quốc gia và biên giới, khả năng xáo trộn về an ninh và trật tự càng giảm đi”.

    Người đứng đầu chính phủ Úc tuyên bố các nước châu Á muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào kinh tế châu Á, vì thế sự hiện diện của Washington cần vượt xa thúc đẩy về quân sự nhằm đối phó sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

    Riêng về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Malcolm Turnbull ghi nhận các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối kháng nhau nên phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, tương tự vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan).

    thu tuong uc malcolm turnbull vieng mo chien si vo danh tai nghia trang quoc gia arlington (my) ngay 18.1. anh: bo quoc phong my

    Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull viếng mộ chiến sĩ vô danh tại nghĩa trang quốc gia Arlington (Mỹ) ngày 18.1. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

     

    Đến nay Trung Quốc vẫn từ chối tham gia tiến trình phân xử tại Tòa Trọng tài thường trực.

    Không những thế, Trung Quốc còn đẩy mạnh hoạt động bồi đắp xây dựng trái phép đảo nhân tạo, xây dựng đường băng trên đó, đồng thời tiến hành hoạt động bay thử nghiệm trên đảo nhân tạo.

    Hành động này đã bị Mỹ, Úc và nhiều nước chỉ trích mạnh mẽ, đồng thời khiến các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông như Philippines phải tiến hành những bước đi chiến lược để đối phó.

    Trong hành động mới nhất, trang Rappler (Philippines) đưa tin Anh và Philippines sẽ sớm ký kết thỏa thuận quốc phòng sửa đổi.

    Ngày 18-1, Đại sứ Anh tại Philippines Asif Ahmad thông báo thỏa thuận quốc phòng sửa đổi là văn kiện mở rộng của thỏa thuận quốc phòng hiện nay giữa Anh và Philippines.

    Dự kiến quá trình chuẩn bị thỏa thuận quốc phòng sửa đổi sẽ được hoàn tất trước cuối năm 2016. Một trong những điểm chính của thỏa thuận mới đang được thảo luận là cho phép quân đội Anh huấn luyện các đồng nghiệp Philippines.

    Khi được hỏi liệu vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc tại biển Đông có phải là tác nhân dẫn đến sửa đổi thỏa thuận quốc phòng Philippines-Anh hay không, Đại sứ Anh Asif Ahmad khẳng định là có.

    Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh vai trò cần thiết của giải pháp ngoại giao. Ông khẳng định: “Tôi luôn nói rằng nếu bạn đang bắt đầu nói theo khía cạnh can thiệp quân sự, khi đó giải pháp ngoại giao đã thất bại. Đó là công cụ của phương sách cuối cùng”.


    Mỹ điều siêu tàu sân bay thứ hai tới châu Á

    The Korean Times ngày 19-1 đưa tin Hải quân Mỹ đã triển khai một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Tây Thái Bình Dương, một động thái để "răn đe" Triều Tiên và ủng hộ các đồng minh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
    Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) đã rời cảng tại căn cứ hải quân Kitsap ở Bremerton, Washington hôm 15-1 để triển khai tới khu vực Tây Thái Bình Dương trong bảy tháng.
    Ngày 19-1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cũng xác nhận việc triển khai, nhấn mạnh rằng "tàu sân bay là một trong những tài sản chiến lược của quân đội Mỹ và các cuộc đàm phán Mỹ-Hàn đang được tiến hành về việc liệu có nên triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân này tới bán đảo Triều Tiên hay không".
    Hải quân Mỹ cũng cho biết thủy thủ đoàn con tàu Stennis dự kiến sẽ tham gia một số hoạt động, bao gồm huấn luyện, hội nhập và xây dựng năng lực với các đồng minh trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

    Tàu Stennis là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tiếp theo được triển khai tới khu vực châu Á sau khi tàu sân bay USS Ronald Reagan đã cập cảng tại một căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.

     tau san bay uss john c. stennis cua my. (anh: afp)

     Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ. (Ảnh: AFP)

    Hải quân Mỹ cho biết việc triển khai là một phần trong nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động an ninh hàng hải của Mỹ trong vùng biển khu vực.

    Stennis là chiếc hàng không mẫu hạm thứ bảy trong lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ. Con tàu được đặt theo tên Thượng nghị sĩ bang Mississippi - John C. Stennis và được đưa vào hoạt động vào năm 1995. Tàu sân bay này có khả năng chở 90 máy bay chiến đấu, bao gồm các chiến đấu cơ F-18 và 6.500 sĩ quan cùng thủy thủ.
    Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hồi đầu tháng 1-2016. Trước đó, Mỹ từng điều pháo đài bay B-52 bay ngang bầu trời Hàn Quốc để "răn đe" Bình Nhưỡng.

    Trung Quốc cách chức Phó Chủ tịch Thành phố Thượng Hải

    ong ngai bao tuan. (nguon: news.21cn.com)

    Ông Ngải Bảo Tuấn. (Nguồn: news.21cn.com)


    Ngày 19/1, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã tuyên bố khai trừ Đảng và cách chức nguyên Phó Chủ tịch thành phố Thượng Hải, Ngải Bảo Tuấn, vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

    Theo CCDI, quyết định trên đã được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện thông qua.

    Những tài sản bất chính của ông Ngải Bảo Tuấn đã bị tịch thu và cuộc điều tra sẽ được chuyển cho các cơ quan tòa án.

    Ông Ngải Bảo Tuấn cũng từng giữ cương vị thường trực Thành ủyThượng Hải. Ông bị điều tra tham nhũng hồi tháng 11/2015 vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của CPC, lừa dối tổ chức đảng và cản trở công tác điều tra.

    Ngoài ra, ông Ngải cũng bị cáo buộc vi phạm nguyên tắc tổ chức, nhận quà, lợi dụng chức vụ để kiếm lợi cho người thân, cũng như không báo cáo với tổ chức những vấn đề cá nhân.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn