TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tổng hợp thông tin sự kiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính -2

    Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ổn cho khu vực lân cận

    TTO - Theo nhiều đánh giá, đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng 16-7 sẽ khiến tình hình trong khu vực Balkan và Trung Đông càng thêm bất ổn.
    canh sat tho vay quanh mot xe tang cua luc luong quan doi dao chinh. cho toi 11g sang 16-7, nhieu binh linh thuoc phe dao chinh da bi bat hoac dau hang - anh: reuters

    Cảnh sát Thổ vây quanh một xe tăng của lực lượng quân đội đảo chính. Cho tới 11g sáng 16-7, nhiều binh lính thuộc phe đảo chính đã bị bắt hoặc đầu hàng - Ảnh: REUTERS

    Blaize Misztal, giám đốc an ninh tại Trung tâm chính sách lưỡng đảng Mỹ, nhận định: "Từ góc nhìn của Mỹ, kịch bản xấu nhất là khi cuộc đảo chính bất thành, dọn đường đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một thời kỳ xung đột kéo dài".

    Gonul Tol, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thổ tại Viện Trung Đông, Washington, Mỹ cho biết dù kết quả cuộc đảo chính ra sao, Mỹ cũng sẽ gặp bất lợi.

    Hãng tin Reuters dẫn lời Bruce Riedel, cựu phân tích của CIA: "Đây là một trong những thử thách quan trọng nhất dưới thời tổng thống Obama. Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định là tiền đề cho Mỹ tại khu vực Balkan, Capca và Trung Đông. Nền dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ, dù mong manh, là yếu tố cần thiết cho bất kỳ hi vọng cải cách chính thể tại Trung Đông".

    Hãng tin BBC dẫn lời Dmitry Peskov, người phát ngôn của điện Kremlin: "Thổ Nhĩ Kỳ là một nước rất quan trọng trong khu vực. Sự ổn định và tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đến toàn khu vực lân cận. Vì vậy, điều Nga muốn là những gì đang diễn ra tại Thổ phải chấm dứt nhanh theo cách hợp pháp, để nước này trở lại ổn định, trật tự".

    Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối NATO, đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ Á - Âu, có lực lượng quân đội lớn thứ nhì trong NATO, sau Mỹ. Đất nước 75 triệu dân này đóng vai trò ổn định tình hình tại Đông Nam Âu và Trung Đông.

    Hiện NATO và Mỹ đặt nhiều trạm quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ, đáng kể có sân bay Incirlik - nơi Mỹ dùng để xuất kích các máy bay chiến đấu và không người lái để đánh bom IS tại Syria.

    Ngay sau khi xảy ra đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho Ngoại trưởng John Kerry - đang công du tại Nga. Nhà Trắng đưa ra đồng tuyên bố của ông Obama và Kerry: "Mọi đảng phái tại Thổ Nhĩ Kỳ phải ủng hộ chính quyền do bầu cử dân chủ chọn ra, bình tĩnh và tránh bạo lực, đổ máu".

    Tương tự, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh việc cần thiết là tránh đổ máu.

    Còn người phát ngôn của thủ tướng Đức Angela Merkel nói: "Trật tự dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ phải được tôn trọng và bằng mọi giá không được để chết người".

    Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi mọi người tại Thổ Nhĩ Kỳ hãy bình tĩnh.

    Trang tin Al Jazeera dẫn lời ông Ahmet Davutoglu, cựu thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: "Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước dân chủ. Tôi không nghĩ cuộc đảo chính sẽ thành công. Không thể để Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn. Chúng ta đã thấy quá nhiều xung đột tại Syria và nhiều nơi khác. Đây là lúc để Thổ Nhĩ Kỳ đoàn kết.(TTO)


    Thổ Nhĩ Kỳ: Tại sao quân đội lại đảo chính?

    Đảng AKP cầm quyền chủ trương làm suy yếu quân đội. Tổng thống Erdogan cáo buộc phong trào Gulen - có ảnh hưởng lớn trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ - kích thích quân đội thực hiện cuộc đảo chính.

    Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại. Sáng 16-7, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đã trấn áp phe đảo chính.

    Tuy nhiên phe đảo chính là các tướng lĩnh quân đội vẫn tuyên bố sẽ chưa chịu thua.

    Cuộc đảo chính quân sự là kết quả của chủ trương làm suy yếu quyền lực quân đội của Tổng thống Erdogan, theo CNN (Mỹ).

    Ông Erdogan là người đồng sáng lập đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) năm 2001, lên làm thủ tướng từ năm 2003 với lời hứa sẽ thúc đẩy tự do, chấm dứt nghèo đói và tham nhũng.

    tong thong recep tayyip erdogan tuyen bo chinh phu da tran ap dao chinh, tai istanbul sang 16-7. (anh: getty images)

    Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chính phủ đã trấn áp đảo chính, tại Istanbul sáng 16-7. (Ảnh: GETTY IMAGES)

    Nhìn từ bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước hiện đại với một hệ thống chính trị và đảng phái khá tương tự với các nước châu Âu và Bắc Mỹ khác, tuy nhiên nhìn sâu vào bên trong diễn biến chính trị thì Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn thế.

    Ông Erdogan hết nhiệm kỳ thủ tướng theo hiến pháp năm 2014 và chạy đua vào ghế tổng thống. Trước khi ông Erdogan lên làm tổng thống năm 2014 thì vị trí này trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là vị trí biểu tượng. Ông Erdogan đã cố gắng thay đổi điều đó bằng cách sửa đổi hiến pháp cho mình nhiều quyền lực hơn.

    Đảng AKP cầm quyền chủ trương làm suy yếu quân đội. Thời gian làm thủ tướng ông Erdogan đã làm rất tốt mục tiêu này.

    Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời thủ tướng Erdogan phát triển thành một cường quốc ở Trung Đông, trở thành hình mẫu của Trung Đông cũng như thế giới Hồi giáo, đã đón tiếp rất nhiều lãnh đạo phương Tây đến thăm và phát triển quan hệ.

    Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dần phát triển dưới thời Thủ tướng Erdogan. Trong vài năm, đầu tư nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua tổng đầu tư nước ngoài từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thành lập đến năm 2000. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu kích hoạt thương lượng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2004, góp phần gây rạn nứt giữa chính phủ cầm quyền và quân đội.

    Kinh tế tăng trưởng và thân thiết với EU đã làm tăng uy tín ông Erdogan nhưng lại xói mòn sức mạnh của quân đội. Trong lúc này, đảng AKP lại thừa cơ đẩy mạnh nỗ lực làm suy yếu quân đội. Nhiều tướng lĩnh bị giảm quyền lực, nhiều quan chức quân đội chống đối chính phủ bị bắt. Chưa hết, hàng trăm quan chức quân đội cấp cao cũng ngã ngựa vì cuộc chiến chống tham nhũng của ông Erdogan.

    Trước cuộc đảo chính ngày 15-7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng ba lần đảo chính vào các năm 1960, 1971 và 1980, cũng vì các chính phủ trước muốn làm suy yếu quân đội.

    Quân đội chưa phải là mục tiêu duy nhất trong cuộc tấn công của AKP nhắm vào thành phần có ảnh hưởng đến chính trị. Ngoài quân đội AKP nhắm đến, thâu tóm hoặc làm suy yếu các thế lực kinh tế trong nước, bắt đầu từ các đế chế truyền thông, viễn thông, năng lượng, hệ thống bán lẻ… Đây là một phần lý do vì sao năm 2015 là năm của biểu tình chống chính phủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

    Ngoài quân đội, AKP còn có xung đột lớn với phong trào Gulen, một phong trào tôn giáo rất có ảnh hưởng trong chính trị Thổ Nhĩ Kỳ.

    Người sáng lập phong trào Gulen là Giáo sĩ Fethullah Gulen - hiện sống ở Mỹ, rất có ảnh hưởng trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ ở nhiều mặt như giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, khoa học.

    giao si fethullah gulen, lanh dao phong trao gulen hien dang song tai my. (anh: bugun)

    Giáo sĩ Fethullah Gulen, lãnh đạo phong trào Gulen hiện đang sống tại Mỹ. (Ảnh: BUGUN)

    Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng của đảng AKP của Tổng thống Erdogan chưa chắc lớn bằng ảnh hưởng của phong trào Gulen. Ảnh hưởng của phong trào Gulen len lỏi không chỉ người dân mà còn mọi thành phần, cơ quan kể cả những cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước, quốc hội, quân đội, đặc biệt trong ngành cảnh sát và tư pháp.

    Sức ảnh hưởng củaphong trào Gulen còn lan ra ngoài Thổ Nhĩ Kỳ khi phong trào này mở hơn 1.000 ngôi trường Gulen trên toàn thế giới, nhiều nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

    Vì xung đột với đảng AKP, phong trào Gulen đã thực hiện động tác môi giới chính trị, giúp thành lập một liên minh chống AKP từ các phe nhóm chống chính phủ.

    Có thông tin lúc đầu ông Erdogan cũng nhờ ảnh hưởng của Phong trào Gulen để lên làm thủ tướng. Nhưng sau khi có quyền lực rồi thì ông Erdogan lại lo ngại phong trào này nên tìm cách dập tắt và phong trào Gulen vào cuộc phản pháo.

    Dễ hiểu tại sao Tổng thống Erdogan đã nhanh chóng chỉ đích danh phong trào Gulen đứng đằng sau, kích thích quân đội thực hiện cuộc đảo chính vừa rồi, tuy nhiên phong trào này đã lên tiếng bác bỏ. (PLO)


    Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Ít nhất 60 người chết, hơn 750 người bị bắt giữ

    Một email từ văn phòng báo chí Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay phe đảo chính vẫn tiếp tục kiên quyết chiến đấu chống lại những ai đối đầu với họ. 

    Tự gọi đây là Phong trào Hòa bình trong nước, phe đảo chính đã kêu gọi người dân không bước chân ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn cho họ.

    Số người thiệt mạng trong vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ được cập nhật mới đây nhất là ít nhất 60 người. AP đưa tin, ngoài ra có 754 người được cho là có liên quan tới âm mưu đảo chính đã bị bắt giữ, theo bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ.

    Thủ tướng Binali Yildirim cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ nhiệm Umit Dundar làm quyền tham mưu trưởng quân đội, tạm thời thay thế người đứng đầu lực lượng vũ trang là Tướng Hulusi Akar bởi chưa rõ hiện người này đang ở đâu.

    Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho hay ông không có thông tin gì về Akar, người được cho là bị bắt làm con tin tại trụ sở quân đội.

    đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ
    Một xe tăng bị bỏ lại ở Istanbul. Ảnh: EPA

    Hãng tin Reuters đã ghi nhận thêm nhiều thông tin chi tiết, cho hay các binh sĩ tham gia đảo chính đã bắt đầu đầu hàng Istanbul.

    Theo đó, có khoảng 50 binh sĩ tham gia đảo chính đầu hàng tại một trong những cây cầu bắc qua eo biển Bosphorus ở Istanbul. Họ đã bỏ xe tăng và hai tay giơ lên đầu đầu hàng.

    Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ quay cảnh ông Erdogan hiện đang phát biểu trước một đám đông khá lớn ở Istanbul. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với những người ủng hộ rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành công. Ông nói tiếp, từ những quan chức có vị trí cao nhất trong quân đội cho tới những quân nhân ở hàng ngũ thấp nhất, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải thừa hiểu rằng họ không thể thống trị đất nước này.

    "Chính phủ được bầu chọn và đang trong guồng kiểm soát. Nhân dân bầu chọn tổng thống và vị tổng thống đó đang ở đây". Ông Erdogan nói rằng những người âm mưu tiến hành đảo chính đã mang xe tăng ra nhưng “người dân” của tôi đã đẩy lùi chúng.

    Tổng thống Erdogan nói tiếp ông sẽ vững bước và không bao giờ chịu thỏa hiệp. Ông nói sẽ xử lý “những ai ở Pennsylvania”, người mà ông muốn ám chỉ là giáo sĩ Fethullah Gülen và những người ủng hộ ông. Ông Erdogan cáo buộc họ là những người phản quốc. Ông nói tiếp: Nếu còn can đảm, hãy trở về Thổ Nhĩ Kỳ.


    Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: NATO, Mỹ ủng hộ Tổng thống Erdogan
     

    LHQ, NATO, Mỹ, Nga… đều lo ngại, riêng Syria thì vui mừng.

    Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ đến lúc này vẫn chưa ngã ngũ. Cả hai bên quân đội và chính phủ đều tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước nhưng các tuyên bố này chưa được xác minh. Trong lúc này, cộng đồng thế giới đã có phản ứng về cuộc đảo chính.

    Người phát ngôn LHQ Farhan Haq cho biết LHQ đang cố gắng làm rõ tình hình đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các bên kiềm chế. Tổng Thư ký LHQ Ban KI-moon cũng đang theo dõi chặt diễn biến.

    Ba giờ sau cuộc đảo chính, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO đang theo dõi chặt diễn biến, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một "đồng minh giá trị” của NATO, kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh và kiềm chế, tôn trọng hiến pháp và dân chủ.

    Hiệp ước Washington của NATO ký năm 1949 không có điều khoản cho phép NATO can thiệp vào chuyện nội bộ của nước thành viên.

    xe tang quan doi tren duong pho istanbul (tho nhi ky) ngay 15-7. (anh: getty images)

    Xe tăng quân đội trên đường phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15-7. (Ảnh: GETTY IMAGES)

    Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố ủng hộ chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, kêu gọi các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính phủ.

    Người phát ngôn chính phủ Đức tuyên bố trên mạng xã hội, kêu gọi các bên tôn trọng trật tự dân chủ, các bên phải chú ý không để bạo lực làm tổn thất nhân mạng người dân.

    Tại Anh, Ngoại trưởng Boris Johnson cũng cho biết ông cực kỳ quan ngại về tình hình đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ. Anh đề nghị người dân tại Thổ Nhĩ Kỳ thận trọng, tránh các nơi tụ tập đông người.

    Người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov họp báo cho biết tình hình diễn biến quá nhanh và ông chưa thể hiểu được hoàn toàn điều gì đang xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nga rất lo ngại diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, muốn Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng được ổn định và trật tự theo luật pháp.

    Theo ông Dmitry Peskov, Tổng thống Vladimir Putin liên tục cập nhật tình hình. Nga đã chỉ đạo phái đoàn ngoại giao giúp đỡ đưa công dân Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước càng sớm càng tốt.

    Tại nước láng giềng Hy Lạp, quân đội và cảnh sát họp khẩn, theo dõi chặt vụ đảo chính. Quân đội Hy Lạp được đặt vào tình trạng sẵn sàng cao.

    Phản ứng của nước láng giềng Syria thì có phần ngược lại. Hàng trăm người đổ ra đường phố sáng sớm 16-7, vẫy cờ hò reo, hoan nghênh cuộc đảo chính. Các cuộc ăn mừng tương tự cũng diễn ra tại các TP phe chính phủ Syria kiểm soát.

    Điều này dễ hiểu vì chính phủ Syria cáo buộc Tổng thống Erdogan đổ dầu vào lửa nội chiến Syria khi ủng hộ phe nổi dậy và cho phép phần tử thánh chiến nước ngoài vào Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Với nhiều người dân ủng hộ chính phủ Syria thì việc ông Erdogan bị lật đổ sẽ kết thúc khủng hoảng nội chiến Syria.(PLO)


    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn