Ý đồ của Trung Quốc khi thỏa thuận riêng về Biển Đông với 3 nước ASEAN
(Tin kinh te)
Trung Quốc lấy lòng một số nước ASEAN nhằm khiến khối khó có tiếng nói chung, khi tòa quốc tế sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn".
Trung Quốc cuối tuần vừa qua thông báo rằng nước này đã đạt được thỏa thuận với ba nước Brunei, Campuchia và Lào, cho rằng tranh chấp trên Biển Đông "không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN".
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông và có tuyên bố chồng lấn với 4 trong số 10 nước thành viên của ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Zhang Jie, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang thu hút sự ủng hộ ngoại giao trước khi Tòa Trọng tài ở The Hague đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông.
Phán quyết dự kiến được công bố vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 và nhiều khả năng có lợi cho phía Philippines. Trung Quốc đã tuyên bố chối bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài, khăng khăng chỉ giải quyết tranh chấp song phương và tìm kiếm các đồng minh cùng phản đối phán quyết.
Một nguồn tin ngoại giao ASEAN cho biết: "Trung Quốc khá lo lắng rằng ASEAN sẽ đưa ra tuyên bố chung sau khi tòa trọng tài ra phán quyết". Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang "quyến rũ" các thành viên "dễ lấy lòng nhất" của ASEAN, ông nói.
Brunei là quốc gia ít lên tiếng nhất về vấn đề Biển Đông. Trong một nỗ lực nhằm lôi kéo quốc gia giàu dầu mỏ này, ông Vương cam kết sẽ mở rộng quan hệ kinh tế song phương. Đầu tư của Trung Quốc vào Brunei đã tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2015, trong khi giá trị của các dự án Trung Quốc cũng tăng gấp 50 lần cùng kỳ.
Về Campuchia, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Australia, cho rằng việc nước này tiếp tục ủng hộ Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Campuchia lệ thuộc vào Trung Quốc về cả viện trợ, thương mại và đầu tư. Trung Quốc là nhà cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Campuchia kể từ 2010.
Lào là chủ tịch ASEAN năm nay, nắm giữ ảnh hưởng trong việc thiết lập chương trình nghị sự của khối. Trung Quốc và Lào cuối tuần trước đã cam kết phát triển hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Bắc Kinh và Vientiane đang triển khai dự án đường sắt nối liền hai nước.
Các nhà phân tích nói rằng vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc cố tình chỉ chọn ba nước trên để thu hút ủng hộ, hay đã tiếp cận nhiều nước hơn nhưng bị từ chối. Bà Zhang thì cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ thu hút thêm sự ủng hộ của các quốc gia thành viên khác, như Thái Lan.
Bà Phương Nguyễn, tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington cho rằng đây là "động thái công khai nhất cho đến nay của Bắc Kinh đối với ASEAN, trong việc chuẩn bị cho phán quyết sắp tới của tòa quốc tế về vụ kiện của Philippines".
Bà cho rằng: "Trung Quốc đã tiến hành những nỗ lực ngoại giao hậu trường với một số chính phủ ở Đông Nam Á, để thuyết phục họ phản ứng không có lợi cho chính một thành viên ASEAN khác - Philippines".
Khó khăn của ASEAN
Khi Trung Quốc ngày càng gây sức ép nhiều hơn với ASEAN để không đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn của khối này, ASEAN càng gặp khó khăn nhiều hơn trong việc duy trì tiếng nói chung về vấn đề này.
Năm 2012, với vai trò chủ tịch ASEAN, Campuchia đã từ chối đề cập đến những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến hiệp hội lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.
Tại hội nghị vào tháng hai năm nay tại Lào, các ngoại trưởng ASEAN đã nêu vấn đề trong tuyên bố chung, nói rằng họ "rất lo ngại về diễn biến gần đây và đang diễn ra" ở Biển Đông.
"Khi châu Âu và các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 đứng về phía Mỹ, thì cách ASEAN nhìn nhận phán quyết có ý nghĩa rất quan trọng với Trung Quốc", bà Zhang Jie nói. "Trung Quốc có thể tuyên bố chiến thắng nếu ASEAN không chỉ mặt điểm tên Trung Quốc, hay nói mơ hồ khi thể hiện lập trường về vấn đề này".
Một chuyên gia khác về Trung Quốc - ASEAN, tiến sĩ Sun Xiaoying từ Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, cho rằng động thái của Trung Quốc còn nhằm dọn đường để "phản công" những lời chỉ trích họ nhiều khả năng sẽ phải đối diện, đó là Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế khi bác bỏ phán quyết của tòa.
"Mục đích là để đưa ra những lập luận chặt chẽ và thể hiện nước này là một quốc gia sẵn sàng trình bày lý lẽ một cách hữu nghị với những nước khác về các vấn đề phức tạp", bà nói.
Cây bút Termsak Chalermpalanupap trên The Diplomat thì cho rằng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 49 được tổ chức vào tháng 7 tới tại Lào sẽ là phép thử tính đoàn kết của khối, khi các lãnh đạo tham dự đa phần đều là những gương mặt mới. Bộ trưởng các nước Mynamar, Cambodia, Philippines đều mới nhậm chức, còn ngoại trưởng Singapore và Thái Lan chỉ mới đảm đương vị trí từ nửa cuối năm ngoái.
Với rất nhiều người mới tại AMM, các ngoại trưởng ASEAN chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực để tái tạo tiếng nói chung và quan trọng hơn là tăng cường sự đoàn kết của ASEAN trước các vấn đề phức tạp.
"Nếu các bộ trưởng có thể thống nhất đưa ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines, thì cách họ đề cập - ít hay nhiều - sẽ cho chúng ta thấy rõ về mức độ tin cậy lẫn nhau trong AMM", Chalermpalanupap viết.
Phương Vũ
Theo Vnexpress