Thị trường dầu ăn: Niên độ 2014-2015 dự báo nhập khẩu 820.000 tấn
(Tin kinh te)
Ước tính tiêu thụ dầu thực vật trung bình mỗi người năm 2014 ở mức 9,55 kg, thấp hơn so với mức trung bình 13,5 kg của thế giới. USDA Post dự báo tổng nhập khẩu dầu thực vật trong năm marketing 2014/15 của Việt Nam đạt 820.000 – 830.000 tấn.
Tổng quan thị trường dầu thực vật Việt Nam
Ngành công nghiệp dầu thực vật tiếp tục sử dụng cả hai loại sản phẩm là dầu thô được sản xuất trong nước (chủ yếu từ vừng, lạc và cám gạo) và các loại dầu thô và tinh luyện nhập khẩu (chủ yếu là dầu cọ và dầu đậu tương) cho quá trình sản xuất. Các loại dầu thực vật phổ biến của người tiêu dùng Việt Nam là dầu cọ, dầu đậu tương, dầu ô liu, dầu mè, dầu đậu phộng, dầu hướng dương và dầu hạt cải.
Hiện tại, có khoảng 37 doanh nghiệp trong nước sản xuất bốn loại sản phẩm dầu thực vật chính (dầu ăn, dầu salad, dầu dinh dưỡng và dầu rắn) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người và của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Các nhãn hiệu dầu ăn được tin dùng tại Hà Nội là dầu ăn Simply, Neptune và Mezan của công ty Dầu thực vật Cái Lân, ở thành phố Hồ Chí Minh là công ty Tường An và ở khu vực phía Nam Việt Nam là dầu ăn Marvela của công ty Golden Hope Nhà Bè. Tất cả các công ty này đều là công ty con hoặc công ty liên kết của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOCARIMEX).
Vocarimex và các chi nhánh cùng các thành viên sản xuất khoảng 81% tổng sản lượng dầu ăn tinh luyện của Việt Nam và nắm giữ tổng cộng 85% thị trường dầu ăn Việt Nam.
Năm 2013 trên thị trường xuất hiệu các sản phẩm dầu ăn mới của Tập đoàn Quang Minh và công ty Vinacommodities (dầu ăn Mr.Bean, Oilla, Soon Soon của Tập đoàn Quang Minh và Otran, Eliza, Chica, VinaCooking Oil từ công ty Vinacommodities).
Ngành công nghiệp dầu thực vật của Việt Nam sản xuất các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, trong đó 4 loại chính bao gồm: (1) Dầu ăn - là loại dầu phổ biến nhất với thành phần chính là dầu cọ olein tinh luyện và một ít olein pha trộn với dầu đậu tương; (2) Dầu salad - loại dầu có chất lượng và giá trị cao, bao gồm các loại dầu tinh khiết là dầu mè, dầu đậu phộng, dầu đậu tương, dầu cám gạo, dầu ô liu nhập khẩu, dầu canola, dầu ngô, v.v...; (3) Dầu dinh dưỡng - loại dầu được bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin A, D, E, DHA; (4) Dầu đặc (chất béo thực vật) - loại dầu này bao gồm mỡ rán, bơ làm bánh, bơ thực vật, v.v...Theo các nhà sản xuất trong nước, dầu cọ là sản phẩm dầu thực vật chính chiếm 70% thị phần. Dầu đậu tương chiếm 23% còn các loại dầu thực vật khác chiếm 7%.
Năm 2014 Việt Nam sản xuất kỷ lục 738.400 tấn dầu thực vật tinh luyện các loại, tăng 0,6% so với năm trước đó (733.400 tấn). Sản lượng dầu tinh luyện dự báo sẽ tăng 10% lên 812.000 tấn năm 2015 và 893.000 tấn năm 2016 bởi các nhà máy luyện dầu tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng sản xuất dầu đậu tương thô trong nước, và các nhà sản xuất dầu trong nước được giảm thuế nhập khẩu từ Malaysia và Indonesia xuống 4% trong giai đoạn tháng 5/2014-5/2015 là 4%, sẽ được giảm xuống 3% trong giai đoạn tháng 5/2015- tháng 6/2015.
Theo Kế hoạch phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam tới 2020, tầm nhìn tới 2030, công suất lọc dầu trong nước cần phải tăng lên 1,59 triệu tấn vào năm 2020 và 1,93 triệu tấn vào năm 2025
Tổng sản lượng sản xuất (vàng) và lượng tiêu thụ (xanh) dầu thực vật cả nước. Số liệu: Bộ Công thương (đơn vị: Nghìn tấn)
Việt Nam bắt đầu sản xuất dầu đậu tương thô trên quy mô lớn từ năm 2011. Trong niên vụ 2012/13, Việt Nam đã sản xuất khoảng 193.000 tấn dầu đậu tương thô, trong đó 64% được tinh luyện thành dầu thực vật hoàn chỉnh.
Sản lượng dầu đậu tương thô năm 2014/15 ước tính đạt 248.000 tấn, tăng 5,5% so với 234.000 tấn của năm trước, nhờ lượng ép dầu tăng. USDA Post dự báo sản lượng dầu đậu tương năm marketing 2015/16 sẽ đạt 256.000 tấn, tăng 3% so với năm trước, nhờ lượng ép dầu tăng.
Tiêu thụ dầu ăn theo đầu người sẽ tăng hơn 67,5% vào năm 2020
Các nhà sản xuất trong nước ước tính tiêu thụ dầu thực vật Việt Nam năm marketing 2013/14 (tháng 1-12/2014) tăng khoảng 15% so với năm trước. Không có số liệu chính thức về tiêu thụ trung bình người.
USDA Post dự báo tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng mạnh, bao gồm cả dầu đậu tương, bởi nhu cầu tiếp tục tăng do thu nhập tăng, xu hướng đô thị hóa, và tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn tới các loại dầu có lợi cho sức khỏe nên có xu hướng chuyển từ mỡ động vật sang dầu thực vật.
Ước tính tiêu thụ dầu thực vật trung bình mỗi người năm 2014 ở mức 9,55 kg, thấp hơn so với mức trung bình 13,5 kg của thế giới. Tiêu thụ dầu thực vật trung bình mỗi người dự báo sẽ tăng lên 16 kg/người/năm vào 2020 và 18,5 kg vào 2025.
Theo các nhà sản xuất trong nước, Công ty Dầu thực vật Cái Lân tiếp tục dẫn đầu về doanh số năm 2014 với 37,3% thị phần trên toàn quốc. Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An và Công ty Golden Hope Nhà Bè chiếm lần lượt 22,8% và 11%.
Hầu hết dầu đậu tương và dầu cọ nhập khẩu hiện được sử dụng làm thực phẩm, chỉ một khối lượng nhỏ dầu nhập kaharu được sử dụng trong các ngành công nghiệp, sản xuất mĩ phẩm và thức ăn chăn nuôi. USDA Post ước tính tiêu thụ trên thị trường Việt Nam vào khoảng 650.000 tấn dầu cọ và 220.000 tấn dầu đậu tương trong năm marketing 2013/14. Năm 2014/15, USDA Post dự báo tiêu thụ dầu cọ đạt 680.000 tấn và dầu đậu tương đạt 240.000 tấn.
Dự báo nhập khẩu 820.000-830.000 tấn dầu năm năm 2015
Tổng nhập khẩu dầu thực vật
Ngành dầu thực vật Việt Nam tiếp tục phụ thuộc nhiều vào dầu thô và dầu tinh luyện nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mặc dù sản lượng dầu đậu tương thô trong nước liên tiếp tăng. Năm markeing 2013/14, Việt Nam nhập khẩu khoảng 812.000 tấn dầu thực vật thô và tinh luyện các loại, tăng 13% so với năm trước đó.
Năm marketing 2013/14, nhập khẩu dầu thực vật tinh luyện của Việt Nam ước đạt 723.000 tấn, tăng khoảng 13% so với năm trước đó do nhu cầu trên thị trường nội địa gia tăng. Việt Nam tiếp tục nhập khẩu một khối lượng nhỏ dầu thực vật thô trong năm 2013/14. Nhập khẩu dầu thực vật tinh luyện cùng năm chiếm 89% trong tổng nhập khẩu dầu thực vật.
Tổng nhập khẩu dầu thực vật theo chủng loại
Tổng nhập khẩu dầu cọ (cả thô và tinh luyện) đạt 679.000 tấn trong năm marketing 2013/14, tăng 16,5% so với năm trước đó, chiếm gần 81% tổng nhập khẩu dầu thực vật. Trong đó chủ yếu nhập từ Malaysia, Indonesia và Singapore.
Nhập khẩu dầu đậu tương (cả thô và tinh luyện) đạt 82.000 tấn trong năm 2013/14, tăng 3% so với năm trước đó. Dầu đậu tương 10% tổng nhập khẩu dầu thực vật.
Các loại dầu thực vật khác, bao gồm dầu lạc, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu canola, dầu dừa…nhập khẩu dưới dang tinh luyện, đóng chai đạt 52.000 tấn trong năm 2013/14. chiếm khoảng 6% tổng nhập khẩu dầu thực vật.USDA Post dự báo tổng nhập khẩu dầu thực vật trong năm marketing 2014/15 đạt 820.000 – 830.000 tấn.
Nhập khẩu dầu thực vật thô
Nhập khẩu dầu thực vật thô của Việt Nam năm marketing 2013/14 đạt khoảng 90.000 tấn, tăng 17% so với năm trước đó. Dầu đậu tương thô từ Argentina và Malaysia chiếm gần 97% tổng nhập khẩu dầu đậu tương thô. USDA Post ước tính nhập khẩu dầu thô năm nay chắc chắn sẽ vẫn ở mức như năm ngoái.
Nhập khẩu dầu thực vật tinh luyện trong năm marketing 2013/14 đạt 723.000 tấn, tăng 12,6% so với năm trước. Nhập khẩu dầu cọ tinh luyện chủ yếu từ Malaysia, Indonesia chiếm khoảng 93% tổng nhập khẩu dầu thực vật tinh luyện. Các loại dầu thực vật khác, chủ yếu đã đóng chai, chiếm 6,4% trong tổng nhập khẩu, còn dầu đậu tương chiếm 0,6%.
Trong năm marketing 2014/15, USDA Post ước tiinhs nhập khẩu dầu cọ tinh luyện đạt 730.000 – 750.000 tấn, trong đó dầu cọ, dầu đậu tương và các loại dầu khác chiếm lần lượt 690.000 tấn, 5.000 tấn và 55.000 tấn. Dự báo nhập kaaru dầu cọ năm 2015/16 sẽ đạt 710.000 tấn, dầu đậu tương sẽ đạt 5.000 tấn.
Xuất khẩu dầu đậu tương sẽ đạt 95.000 - 100.000 tấn năm 2015
Hiện không có số liệu chính thức về xuất khẩu dầu thực vật. Theo trang Global Trade Atlas, xuất khẩu dầu thực vật và mỡ động vật của Việt Nam ước đạt 183.000 tấn năm 2013/14, tăng 15% so với năm trước đó (159 tấn). Năm 2013/14, trị giá xuất khẩu vào khoảng 205 triệu USD, tăng 29% so với năm trước đó (158 triệu USD).
Trong tổng xuất khẩu dầu thực vật và mỡ động vật, dầu đậu tương thô chiếm 49%, dầu đậu tương tinh luyện, dầu cộ và các loại dầu thực vật khác chiếm 51%. Xuất khẩu dầu đậu tương khô chủ yếu sang Hàn Quốc và Malaysia.
USDA Post dự báo năm marketing 2014/15 và 2015/16 xuất khẩu dầu đậu tương sẽ đạt 95.000 tấn và 100.000 tấn.
*Các nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, USDA, Global Trade Atlas, điều tra của các nhà sản xuất trong nước, ước tính của các chuyên gia