Nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ chậm lại kéo giảm nhu cầu dầu của châu Á
Nhu cầu dầu mỏ từ các nước nhập khẩu lớn nhất châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ) đang tăng chậm lại so với dự kiến, cho thấy sự suy yếu tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm xói mòn trụ cột chính của giá xăng dầu toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Hai nước này đã nhập khẩu tổng cộng 12% lượng dầu mỏ thế giới và tăng trưởng của họ đã giúp thúc đẩy giá dầu phục hồi kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, nhập khẩu của họ trong tháng 7/2018 thấp hơn khoảng nửa triệu thùng/ngày so với mức trung bình 12,4 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm nay. Điều đó đã kéo giảm tăng trưởng nhu cầu tại châu Á, bất chấp việc mua hàng tăng cao trước các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và nhập khẩu tăng từ Nhật Bản và Hàn Quốc do họ phải vật lộn với thời tiết nóng kỷ lục.
Số liệu nhập khẩu cho thấy tăng trưởng nhu cầu hàng năm từ 5 nước nhập khẩu lớn nhất châu Á - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) - giảm từ hơn 3,5% trong năm 2016 xuống khoảng 2% từ đầu năm tới nay.
Jeff Brown, chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng FGE cho biết “mọi thứ đang suy yếu, nhưng từ mức độ khá cao”.
Các thương nhân dự kiến tăng trưởng chậm hơn nữa do các lệnh trừng phạt Iran được thiết lập, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang và do các thị trường mới nổi châu Á có những dấu hiệu nguội lạnh.
Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống lại nước xuất khẩu dầu chủ chốt Iran, có hiệu lực từ tháng 11/2018 sẽ nhắm tới lĩnh vực dầu mỏ, được dự kiến làm gián đoạn thị trường này.
Xuất khẩu dầu của Iran đã đạt đỉnh gần 3 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2018, nhưng đã giảm kể từ đó xuống khoảng 2 triệu thùng/ngày do các khách hàng châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ bắt đầu giảm mua dầu thô trước các lệnh trừng phạt này.
Tác động của suy giảm kinh tế sẽ phải mất một thời gian để chứng tỏ, nhưng giới phân tích cho biết các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng.
Tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay chậm lại xuống mức thấp kỷ lục 5,5%. Các siêu tàu chở nhiên liệu từ Trung Đông đang giảm dần theo hãng môi giới vận chuyển Banchero Costa.
Ông Brown cho biết “nếu bạn nhìn vào các số liệu kinh tế thuần túy, tác động của xung đột thuế quan là hoàn toàn nhỏ, có thể 0,5% tăng trưởng GDP. Nhưng tác động tới tâm lý đầu tư đang bắt đầu hiện ra”.
Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã đạt đỉnh 5,7% trong tháng 1/2018, nhưng giảm xuống chưa tới 3% trong tháng 5/2018, theo Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan.
Căng thẳng thương mại với Mỹ làm suy yếu đồng tiền tại các thị trường mới nổi do nhà đầu tư rút tiền mặt tại các nước như Ấn Độ và Trung Quốc để chuyển sang đồng USD, vẫn là nơi trú ẩn an toàn. Đồng tiền tại châu Á yếu hơn và thương mại bị áp lực của thuế quan làm chậm tăng trưởng kinh tế, giảm sức mua và dần tác động tới nhu cầu nhiên liệu.
Mặc dù dầu thô Brent đã tăng 8% trong năm nay dưới dạng US, giá tăng 14% dưới dạng đồng CNY của Trung Quốc và tăng hơn 18% dưới dạng đồng rupee của Ấn Độ.
Nhật Bản và Hàn Quốc có giải cứu được tình thế không?
Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi tiêu thụ trong mùa hè tăng lên bởi thời tiết nóng, đã cùng nhau nhập khẩu khoảng 6,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 7/2018, so với trung bình 6 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay.
Australia, một nền kinh tế giàu có khác trong khu vực này cũng có nhu cầu mạnh, đã nhập khẩu 370.000 thùng/ngày trong tháng 7/2018, tăng từ trung bình 333.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm nay.
Nhưng sự gia tăng này là nhỏ khi được cân nhắc với nhập khẩu của Trung Quốc, nơi đã giảm từ hơn 8 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống khoảng 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2018
Số liệu cho thấy nhập khẩu dầu mỏ tháng 7/2018 vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là khoảng 19 triệu thùng/ngày. Mặc dù tăng nhẹ so với tháng trước đó nhưng vẫn thấp hơn số liệu trong tháng 4 và tháng 5/2018. Lượng nhập khẩu dầu này đã đạt lỷ lục hơn 20 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2016.
Nếu triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục đen tối hơn trong bối cảnh xung đột thương mại và bất ổn tại các thị trường mới nổi, nhu cầu dầu tại châu Á sẽ có thể xấu đi.
Nguồn: VITIC/Reuters
Theo Vinanet.vn