TPP có thể vẫn được thông qua mà không cần đủ 12 thành viên
(Thuong mai)
Có công thức không nhất thiết phải 12 quốc gia phải thông qua hiệp định và trong TPP có đề cập nếu tổng GDP các nước còn lại vượt qua một ngưỡng nhất định thì TPP vẫn được thông qua".
Đó là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tại hội nghị đầu tư với chủ đề “Thị trường chứng khoán 2016: đầu tư vào đâu?" do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức ngày 23-10.
TPP chỉ thành hiện thực khi quốc hội các nước thành viên thông qua và quá trình này cần hơn ít nhất 18 - 24 tháng. Cùng với lộ trình cam kết của các nước, phải mất 4 - 5 năm các tác động tích cực lẫn thách thức của TPP lên nền kinh tế VN với thật sự rõ ràng.
Sau một thời gian, những lợi ích to lớn mới bắt đầu lộ diện. Ngoài ra, TPP cũng chỉ thành hiện thực khi VN có đủ năng lực nắm bắt cơ hội và có tư duy đổi mới.
Theo trưởng đoàn đàm phán TPP của VN, về nguyên tắc TPP chỉ có hiệu lực khi 12 quốc gia thông qua. Tuy nhiên, TPP cũng có kịch bản dành cho trường hợp quốc hội một số nước không thông qua TPP, các nước còn lại vẫn tiếp tục hiệp định.
“Có công thức không nhất thiết phải 12 quốc gia phải thông qua hiệp định, tuy không thể tiết lộ được cụ thể nhưng trong TPP có đề cập nếu tổng GDP của các nước còn lại vượt qua một ngưỡng nhất định thì TPP vẫn được thông qua”, ông Khánh nói.
Đánh giá về các cơ hội hay lợi ích to lớn của TPP đối với nền kinh tế VN, ông Khánh cho rằng đến nay các nghiên cứu tác động trên đều được xây dựng trên cơ sở mô hình giả định, nghĩa là khi các điều kiện diễn biến thuận lợi.
Trên thực tế, kinh tế thế giới luôn có những biến động mang tính chu kỳ và VN cần phải chuẩn bị cho những kịch bản phòng ngừa đó. Chẳng hạn doanh nghiệp hi vọng các nước giảm thuế suất nhưng khi mình tăng xuất khẩu hàng vào người ta lại phá giá đồng nội tệ ngang bằng với mức thuế được giảm thì những ưu thế cạnh tranh xem như không còn.
VN cũng không thể chạy theo cạnh tranh bằng giá, cần cải tiến chất lượng hàng hóa, sản phẩm. Cạnh tranh bằng giá là cuộc chiến làm cho tất cả cùng đi xuống.
Giải đáp lo ngại của doanh nghiệp tại hội thảo về TPP chỉ sẽ có lợi cho doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, ông Khánh cho rằng trong nền kinh tế nào cũng cần có sự phân công lao động, phân công giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.
TPP sẽ thúc đẩy, tạo cơ hội cho hàng hóa VN xuất khẩu nhiều hơn, một khi các doanh nghiệp lớn nhận được nhiều đơn hàng họ sẽ phải chia sẻ với doanh nghiệp nhỏ. Nói cách khác TPP sẽ tạo một hệ thống doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi sản xuất và đó là cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này cũng giúp kinh tế VN phân bổ lại cơ cấu kinh tế.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh tác động tích cực lớn nhất là TPP sẽ giúp VN cân đối lại thị trường xuất nhập khẩu, vốn đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực Đông Á. Hiện nay trên 60% kim ngạch xuất nhập khẩu của VN là từ khu vực Đông Á.
Trên nguyên tắc, nếu quá phụ thuộc vào những thị trường gần thì sẽ rất rủi ro. TPP hướng tới môi trường cạnh tranh bình đẳng, có tác dụng tốt giúp VN hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách thủ tục hành chính. Tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.
Trong khi đó, điểm bất lợi chính mà diễn giả nhấn mạnh là ngành nông nghiệp, trong đó là ngành chăn nuôi thịt gà và thịt heo.
“Ngành nông nghiệp không dễ dàng thay đổi cơ cấu trong một sớm một chiều do những vướng mắc đặc thù, do đó đây là lĩnh vực cần được sự quan tâm đặc biệt từ Nhà nước. VN cần có cách làm mới, cần tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu ngành hàng khác để người nông dân dần chuyển đổi sang các ngành VN có lợi thế cạnh tranh”, ông Khánh nói.