Khởi nghiệp không nhất thiết phải có nhiều tiền
(Doanh nhan)
Mai Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khuông Việt, thành công rất sớm với chuỗi cửa hàng nhượng quyền Chewy Junior tại Việt Nam. Anh đã trở thành một hiện tượng khởi nghiệp vào năm 2010.
Hai năm sau, anh là chủ của chuỗi cà phê StartUp tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian đó, khách đến quán không chỉ để uống cà phê mà còn có thể nghe chủ nhân chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp nếu có nhu cầu. Anh cũng viết nhiều, nói chuyện tích cực về kinh doanh nhượng quyền thương hiệu.
Hai năm trở lại đây, anh có phần “im ắng” hơn trước. Anh cho biết mình vẫn vừa chăm chỉ làm ăn vừa bắt tay vào một dự án nhằm hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp nhưng với một cách hoàn toàn khác trước. Anh nói:
Trước đây, tôi thường chia sẻ kinh nghiệm về kinh doanh nhượng quyền. Nhưng nay, tôi nghĩ người Việt trẻ tuổi nên khởi nghiệp bằng chính đam mê của mình hơn là kinh doanh franchise… Tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, tôi nhận thấy rất nhiều người không phù hợp với kinh doanh nhượng quyền.
* Xin anh giải thích rõ hơn về những điều “không phù hợp” này?
- Nhiều người trẻ cứ nghĩ kinh doanh nhượng quyền (franchise) dễ dàng hơn tự kinh doanh nhưng thực tế không phải như vậy. Dù kinh doanh ở dạng nào thì chúng ta cũng cần đặt ra chiến lược ngắn hạn, dài hạn và nhất là phải có kỹ năng vận hành kinh doanh nhượng quyền.
Chương trình đào tạo và huấn luyện franchise và cẩm nang hoạt động của hệ thống thường sơ sài và có tính khuôn mẫu, người nhận quyền cần phải tự trang bị kỹ năng cần thiết để quản lý tất cả các khía cạnh kinh doanh franchise mới đảm bảo thành công.
Làm việc có trách nhiệm và giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh là điều mà nhiều người trẻ cần có khi tham gia vận hành hệ thống franchise. Chúng ta phải luôn ở tư thế làm việc chăm chỉ và nghiêm túc.
Đặc biệt là phải luôn chịu trách nhiệm về cơ sở kinh doanh của mình hơn là đòi hỏi quyền lợi hoặc đổ lỗi cho hệ thống. Chính vì vậy, những thương hiệu lớn của nước ngoài như Starbuck hay McDonald’s vô cùng khó khăn khi chọn đối tác franchise tại Việt Nam.
* Nhưng với nguồn vốn hạn hẹp thì franchise hẳn là hướng đi phù hợp cho những người trẻ muốn khởi nghiệp?
- Chúng ta có thể khởi nghiệp mà không cần có nhiều tiền. Thực tế là đã có nhiều doanh nhân trẻ khởi nghiệp bằng ý tưởng của mình và bằng tiền của người khác.
Hiện nay, có khá nhiều nhà đầu tư với số vốn vừa và lớn đang đi tìm những ý tưởng kinh doanh tốt và có khả năng ứng dụng vào thực tế. Chính vì vậy, tôi cũng đang đầu tư một kênh trực tuyến riêng để chuyên giới thiệu các ý tưởng khởi nghiệp đến nhà đầu tư.
Tôi phát triển thương hiệu Chewy Junior cũng nhờ có những người chấp nhận đầu tư cho mình chứ một mình tôi cũng không có đủ nguồn lực về vốn. Chỉ cần có ý tưởng tốt thì sẽ có người đầu tư cho bạn.
Những cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp thì không phải ai cũng có cơ hội tham gia. Người có cơ hội lại không tham gia vì sợ thất bại.
Với việc đầu tư kênh trực tuyến mới này, tôi hy vọng sẽ tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn nữa tại Việt Nam. Trong 1.000 người khởi nghiệp, chỉ cần vài người thành công là đủ tạo một tác động lớn cho một nền kinh tế đi lên.
Thế giới đang ngày càng rộng mở, Hiệp định đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều chương trình kinh tế xuyên quốc gia khác đang tạo ra một thế giới phẳng với nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương. Công cuộc tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp không chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước mà còn là của các nhà đầu tư nước ngoài.
* Giới trẻ ngày nay cần có yếu tố gì để khởi nghiệp vững vàng hơn, theo anh?
- Tôi nghĩ họ cần dấn thân mạnh mẽ hơn và phải biết làm chủ con đường tương lai của mình chứ không nên trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ của người khác. Người trẻ tuổi nên thử sức ở nhiều lĩnh vực để hiểu hơn những đam mê và sở trường của mình.
Càng trải nghiệm nhiều, chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm… thất bại để không vấp ngã vào “vết xe đổ” sau đó.
Không ngừng học hỏi và làm việc chăm chỉ là cách mà nhiều doanh nhân lớn thành công. Một nhân viên bán bánh cũng có thể tạo mối quan hệ, học hỏi ngay trong công việc tưởng như nhàm chán hằng ngày.
Rồi chịu khó giao tiếp, trò chuyện, ghi lại số điện thoại khách hàng, nhớ tên và sở thích của khách hàng quen thuộc để hỏi thăm khi cần… Người Việt Nam chúng ta hay ngại hoặc sợ làm phiền, sợ dị nghị… Người sợ đủ thứ như vậy khó mà thành công.
Cũng có thể do tính tôi khá quyết đoán nên không ít lần, những quyết định đưa ra trong cuộc đời khiến gia đình bất ngờ và lo lắng.
Còn nhớ, năm 18 tuổi, khó khăn lắm tôi mới thi đậu vào Học viện Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, một ngành nhiều sinh viên mơ ước thời bấy giờ. Nhưng tôi đã quyết định rời học viện sau một năm rưỡi miệt mài để tìm kiếm một tương lai mơ hồ ở Singapore. Mặc dù đã có học bổng giảm 80% học phí nhưng tôi vẫn rất vất vả vừa đi học vừa đi làm 16 tiếng mỗi ngày mới đủ chi phí sinh hoạt, ăn ở khi ở Singapore.
Khi ra trường, tôi nhận thấy mình không hợp với ngành kỹ sư đã học. Tôi quyết định chuyển ngay sang lĩnh vực môi giới bất động sản với mức thu nhập gấp ba, bốn lần lương lúc đó.
Tôi mua bán, cho thuê bất động sản, nhất là cho những người Việt theo phương thức mua nhà trả góp hoặc vay mua và cho thuê lại, trừ lãi suất phải trả, vẫn có lợi nhuận cao. Ở tuổi 23, với thu nhập hơn 10.000 đôla Singapore/tháng và sở hữu chiếc thẻ xanh công dân Singapore, tôi có thể có một cuộc sống tốt, có của ăn của để…
* …Nhưng anh lại quyết định trở về Việt Nam để phát triển thương hiệu bánh Chewy Junior, những chiếc bánh su kem độc đáo…
- Đúng vậy, lại là một quyết định khiến mọi người “khó hiểu” nhưng mọi quyết định trong cuộc đời, tôi đều cân nhắc rất kỹ càng chứ không bốc đồng dù chỉ ở tuổi ngoài đôi mươi. Lao vào kinh doanh với số vốn ít ỏi và chưa từng có kiến thức về quản trị kinh doanh là một quyết định mạo hiểm.
Có lẽ nhờ chịu khó học hỏi từ cuộc sống, từ kinh nghiệm của những người đi trước mà tôi mới tồn tại được trong thương trường. Tôi chịu khó lắng nghe từ khách hàng, tìm cách đáp ứng nhu cầu của họ.
Theo nhận xét của nhiều người thì tôi khá chăm chỉ và chịu khó lăn xả trong công việc. Hai cái tết đầu tiên trở về Việt Nam, nhân viên được nghỉ làm còn tôi thì quần quật từ sáng tới tối để phục vụ khách hàng từ việc làm bánh, nhận đơn hàng, giao bánh, thu tiền…
* Bí quyết nào để chiếc bánh su nhỏ nhắn của anh cạnh tranh với sản phẩm của hai ông lớn là Kinh Đô và Đức Phát lúc bấy giờ, phát triển hệ thống cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Hải Phòng…?
- Người mua sẵn sàng trả giá cao cho một chiếc bánh su nhỏ vì chất lượng bánh ngon và nhân viên phục vụ tốt. Như vậy, hai điều quan trọng nhất trong kinh doanh vẫn là chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Nhiều người khởi nghiệp hay lo sợ bị địa phương “quấy rầy” hay sợ đối thủ “phá”. Thực tế thì chỉ cần làm tốt việc kinh doanh của mình thì không ai “phá” nổi chúng ta cả.
Giai đoạn quán cà phê StartUp mới thành lập năm 2012, nhiều người cho rằng quán cà phê của tôi “ăn theo” cà phê Starbucks của nước ngoài. Thời điểm đó cà phê Starbucks chưa có mặt tại Việt Nam, quán tôi giống Starbucks chỉ là vô tình.
Người ta nói tôi cố tình gây sốc, tôi không quan tâm vì lý do tôi mở quán cà phê là hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, điều này nhiều người biết rõ. Lúc đó, tôi hầu như chưa hề có kinh nghiệm về ngành cà phê, chỉ có một suy nghĩ khá ngây thơ rằng mình đã khởi nghiệp thành công thì mình nên chia sẻ những kinh nghiệm có được với những người khác.
Tôi thấy rất nhiều bạn trẻ lao vào kinh doanh để làm giàu càng nhanh càng tốt. Thật ra, những người vẫn “lơ mơ” với mục đích sống của mình thì khó mà khởi nghiệp. Vì kinh doanh không phải chuyện giản đơn, được thì tốt, không được thì thôi.
Nếu theo đuổi một sự nghiệp kinh doanh mà không có đam mê, không quyết tâm và không có kế hoạch rõ ràng thì khó mà thành công được. Mong muốn của tôi là tập hợp những người thành công lại, trong đó có một số người từng học ở nước ngoài và có kinh nghiệm khởi nghiệp, để cùng tạo một môi trường khởi nghiệp thuận lợi hơn cho bạn trẻ Việt Nam.
* Nhiều người nghi ngờ ý tưởng ban đầu của anh…
- Ý tưởng ban đầu đó chỉ là một việc làm có ý nghĩa mà tôi muốn mang lại cho người khác, không mang lại lợi nhuận gì cho tôi cả. Còn quán cà phê muốn tồn tại và hoạt động thì tôi không thể không tập trung vào mục tiêu kinh doanh.
Hơn nữa, trước khi mở quán, tôi hầu như chưa biết gì về lĩnh vực cà phê. Chỉ đến khi đã bắt tay vào làm thì tôi lại nhận thấy thị trường cà phê có nhiều tiềm năng phát triển.
Tôi đang nhắm vào một thị trường bỏ ngỏ hiện nay là cà phê sạch và ngon. Thực khách hiện nay đã biết lựa chọn loại cà phê sạch, không hóa chất vì sức khỏe của mình.
Còn muốn thưởng thức ly cà phê ngon thường phải trả giá cao vì nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhất nhì trên thế giới, tại sao chúng ta lại không thể tự sản xuất một loại cà phê sạch và ngon cho thị trường trong nước?
Hiện nay, các công ty chuyên mua, lưu trữ và vận chuyển cà phê để bán cho các tập đoàn lớn trên thế giới như Starbucks, Illy, Lavazza… đều của nước ngoài. Giá có đắt hơn nhưng chúng tôi an tâm vì cà phê được tuyển lựa đúng chất lượng và được khai thác đúng quy cách.
Tôi cũng muốn chứng minh ly cà phê của Việt Nam được vận hành theo chuẩn quốc tế. Muốn có nguồn nguyên liệu cà phê ngon không quá khó khăn, thay vì thu hoạch cà phê bằng cách tuốt quả như nông dân vẫn làm, nay chúng ta bỏ nhiều thời gian và công sức hơn để chọn hái từng quả cà phê chín, loại bỏ những quả còn sống, quả bị hư, méo mó, từ đó cho ra loại cà phê nhân chất lượng cao.
Cách pha chế thủ công bao giờ cũng đem lại ly cà phê ngon hơn pha bằng máy. Đông đảo thực khách đến quán cà phê The Workshop (đường Ngô Đức Kế, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) là để thưởng thức mô hình cà phê độc đáo nhất Sài Gòn với đủ kiểu pha cà phê bằng tay.
Xu hướng lựa chọn những hạt cà phê ngon nhất trực tiếp từ người nông dân trồng cà phê chứ không lấy từ nhà cung cấp trung gian, đem về tự rang xay, không bỏ thêm bất kỳ hương liệu nào, cũng như dùng những dụng cụ pha chế cà phê độc đáo đang được sử dụng trên khắp thế giới.
Người chủ quán không chỉ mở quán để người ta tới uống cà phê, mà có tham vọng cao hơn là nơi dành cho người đam mê muốn tìm hiểu sâu sắc về cà phê, nhận ra giá trị của cà phê và giáo dục người tiêu dùng Việt thay đổi thói quen tiêu dùng cà phê sạch, đó là điều rất đáng trân trọng.
Hiện nay tại thị trường TP. Hồ Chí Minh đã có một số ít quán như Runam, The Workshop… lựa chọn phục vụ gu cà phê sạch và ngon và tất cả đang cố gắng tạo ra được một xu hướng thật sự. Đúng vậy, nhưng giá cả vẫn khá cao so với nhu cầu của người dân.
Tôi sẽ tìm cách tận dụng cả nguồn máy móc từ trong nước để tiết kiệm các chi phí. Thị trường các khách sạn, resort cao cấp cũng đang bị chiếm lĩnh bởi các nhà cung cấp cà phê nước ngoài với giá cao. Tôi cho rằng cà phê Việt có thể chiếm lại thị trường bằng một loại cà phê ngon sạch sản xuất trong nước với chất lượng tương đương mà giá thấp hơn.
Trước đây, nguồn xirô để sử dụng cho các loại nước ép tôi hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi chỉ mua hương liệu từ nước ngoài còn máy móc và trái cây thì tận dụng từ trong nước. Sau đó, tôi đã có loại xirô chất lượng cao mà giá thành giảm vài chục phần trăm. Tôi tin cà phê cũng có thể làm tương tự.
Hiện nay tôi chỉ mới ở giai đoạn tiếp cận thị trường, còn việc tạo ra một xu hướng cà phê mới, tôi cho là cần khoảng bốn, năm năm nữa và đòi hỏi người tiêu dùng phải ủng hộ nữa.
Có thể, hệ thống cà phê của tôi sẽ không kinh doanh các loại thức uống khác mà chỉ tập trung vào một loại cà phê sạch và ngon. Có lẽ tôi sẽ mất 50% khách hàng nhưng những khách còn lại sẽ là những người tiên phong cho phong trào thưởng thức cà phê mới.
Đến lúc đó, người Việt Nam mình sẽ lựa chọn cà phê sạch và ngon của Việt Nam chất lượng không kém của nước ngoài. Người Việt đang rất quan tâm đến sức khỏe của mình nên xu hướng ăn uống khỏe mạnh sẽ có được thành công ở thị trường Việt Nam.
* Việc thu hẹp quy mô hai quán trong năm 2013 có phải là một phần trong chiến lược mới của anh…
- Không, đó là một thất bại mà tôi phải thừa nhận. Nguyên nhân là do tôi chưa chuẩn bị sẵn sàng mà đã lao theo nhu cầu thị trường, cuối cùng nguồn lực về tài chính và con người đều không đáp ứng nổi.
May thay, trong lúc thu hẹp thị trường này, một thị trường mới lại mở ra với tôi, đó là phát triển ẩm thực truyền thống của quê hương. Bánh canh Bến Có là một món ăn nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh đã khá nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tôi đang đầu tư xây dựng chuỗi nhà hàng để phục vụ món ăn này trên cả nước. Tham vọng của tôi là trong vòng năm năm tới, bánh canh Bến Có sẽ trở thành một món ăn có trong từ điển quốc tế giống như phở vậy.
Ngoài ra, tôi đã có những bước tiến thuận lợi để trở thành nhà cung ứng nguyên liệu bột tẩm gà rán cho các cửa hàng thức ăn nhanh và nhà hàng cao cấp.
Có thể thấy rằng thị trường thức ăn liên tục bành trướng theo sự phát triển của các cửa hàng KFC, Lotteria, Burger King, Jollibee, McDonald’s và hầu hết nguyên liệu trong hệ thống các cửa hàng này đều được nhập khẩu từ nước ngoài.
Không chỉ có thịt gà, thịt heo, thịt bò, khoai tây được nhập khẩu mà ngay cả bột chiên gà, hộp giấy, ly giấy đựng nước uống cũng đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Việt Nam đã có thị trường nguyên liệu nhưng chỉ đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho các siêu thị nhỏ, còn thị trường nguyên liệu cao cấp đang bị thao túng bởi những các công ty nước ngoài.
* Khó khăn lớn nhất của chúng ta là không đáp ứng được các tiêu chuẩn mà họ đưa ra…
- Tất nhiên để trở thành nhà cung cấp của bất kỳ thương hiệu nào thì các nhà sản xuất cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp của tôi cũng phải đáp ứng những yêu cầu “khó tính” mới trở thành bột tẩm gà rán của một số thương hiệu thức ăn nhanh.
Công ty cổ phần bánh kẹo Á Châu (ABC) cũng phải có hệ thống phân phối thật sự chuyên nghiệp, ổn định về số lượng lẫn chất lượng để có thể trở thành đơn vị cung cấp sản phẩm bánh mì tròn cho các ông lớn như Buger King và McDonald’s.
Thậm chí nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận đầu tư, nhập dây chuyền sản xuất mới theo tiêu chuẩn của phía doanh nghiệp thu mua vì việc cải tiến hệ thống dây chuyền sản xuất, vai trò giám sát trong quá trình sản xuất rất quan trọng.
Ngay như sản phẩm bánh mì mà ABC cung cấp, các hãng thức ăn nhanh yêu cầu khá gắt gao về chất lượng, từ độ giòn cho đến quy định chuẩn về độ dày của lớp vỏ bánh. Nếu không sử dụng máy móc từ nước ngoài, e rằng chúng ta khó lòng đáp ứng được nhu cầu của họ.
Các tập đoàn này cũng mong muốn sẽ có được các nhà cung ứng tại chỗ để giảm chi phí. Với tốc độ phát triển, xu hướng ẩm thực hiện đại, thức ăn nhanh sẽ phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nội không chuẩn bị để đón đầu xu hướng này, các nhà đầu tư ngoại sẽ chiếm mất chiếc bánh thị phần.
* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện đầu năm. Chúc anh sang năm mới gặt hái nhiều thành công mới.