Những sai lầm tài chính dễ mắc phải khi khởi nghiệp
(Kinh doanh)
Không phải cứ có ý tưởng tốt là có thể khởi nghiệp thành công, bởi, nếu tính toán, cân đối tài chính sai bạn rất dễ mất vốn và thua lỗ.
Ông Mai Vũ Thảo không chỉ là một chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích đầu tư ở TP HCM mà còn là người tham gia rất nhiều diễn đàn chia sẻ về khởi nghiệp. Ông hiện có một mô hình kinh doanh riêng về cà phê rang xay. Theo chuyên gia này, một trong những nguyên nhân khiến nhiều mô hình khởi nghiệp thất bại liên quan tới yếu tố tài chính. Dưới đây là những rủi ro mà ông Thảo chỉ ra trong cả 3 giai đoạn của quá trình khởi nghiệp.
1. Giai đoạn khởi đầu
Ở bước khởi đầu này, rất nhiều nhà đầu tư lao thẳng vào quá trình sản xuất (thay vì gia công), trong khi kinh nghiệm tích lũy chưa có. Thứ 2 là họ chỉ lên kế hoạch cho số vốn khởi động mà không dự tính đầy đủ các khoản tiền mặt làm vốn lưu động nên thường thất bại khi không đủ lực để duy trì thu nhập hiện tại. Bên cạnh đó, nhiều người mong muốn làm lớn ngay từ ban đầu mà không chịu khởi đầu với quy mô nhỏ, điều này càng làm cho họ mất vốn lớn nếu thất bại.
Không phải người khởi nghiệp nào cũng biết cân đối tài chính và huy động vốn đúng cách.
2. Giai đoạn thực hiện
Đối với những mô hình nhỏ, rất nhiều nhà đầu tư tận dụng các nguồn lực sẵn có như: nhà xưởng, điện nước, kế toán, giao hàng, vận hành… nên thường không tính toán được giá thành đầy đủ của sản phẩm. Thời kỳ này, họ thường lấy công làm lời nên khi quy mô được mở rộng, phải bỏ vốn ra đầu tư thêm sẽ dễ dàng gặp rào cản khi giá thành sản phẩm không bù đắp nổi chi phí, dẫn tới kinh doanh thiếu hiệu quả và có khả năng âm vốn.
Do vậy, nhà đầu tư cần tính toán lại giá thành, đồng thời, phải có một nguồn tài chính gấp hàng chục lần hiện tại để nâng từ quy mô “lấy công làm lời” sang quy mô sản xuất vừa. Bởi lẽ, nếu không có đủ nguồn tài chính bạn sẽ không thể duy trì để đạt điểm hòa vốn cho quy mô mới khi mà lượng hàng tiêu thụ không ổn định, khoản lỗ kéo dài.
3. Giai đoạn huy động vốn
Ở giai đoạn này có rất nhiều nhà đầu tư tìm cách huy động vốn cho mô hình của mình. Nhiều người vì quá cần vốn nên gửi bản kế hoạch kinh doanh tới bất cứ nhà nhà đầu tư nào mà họ tìm được địa chỉ liên hệ. Điều này sẽ khiến họ khó tìm được nhà đầu tư tâm huyết mà lại lộ kế hoạch kinh doanh cho đối thủ.
Còn đối với những nhà sáng lập quá thận trọng, họ không dám dấn thân đầu tư mạo hiểm và đánh mất những khoản góp vốn khổng lồ vì sợ thâu tóm nếu quy mô thành công. Bởi, hầu hết các nhà sáng lập đều nhầm lẫn doanh nghiệp là gia sản, không phải là tài sản của mình. Do vậy không chấp nhận sự đánh đổi khi sang nhượng, nhận góp vốn, hỗ trợ điều hành. Vì thế, nhiều mô hình vẫn cứ lẹt lẹt ở quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, cũng có không ít mô hình khi nhận được khoản đầu tư khổng lồ một thời gian thì lại mất trắng do đồng vốn không được sử dụng đúng mục đích. Mặt khác, sự bất đồng quan điểm giữa nhà sáng lập và nhà đầu tư "thiên thần" cũng khiến công ty đi vào khủng hoảng. Do vậy, trước khi chấp nhận khoản tiền huy động từ nhà đầu tư thiên thần, nhà sáng lập nên lập một bản hợp đồng thỏa thuận về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên. Đồng thời, thăm dò ý kiến và đánh giá của nhà đầu tư để thấy được mục đích của nhau. Từ đó tìm ra những phẩm chất phù hợp với cá tính của mình ở những người thật sự mong muốn đầu tư.