Giầy Thượng Đình: Đi quá xa, liệu có trở về?
Nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của Giầy Thượng Đình sau khi công ty này lên sàn chứng khoán nhưng rất lao đao.
Sau nhiều năm gần như biến mất khỏi thị trường, BITI’S trở lại thị trường rất sôi động với đôi giày Hunter dành cho giới trẻ. Từ sự “hồi sinh” của của Biti’s, nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình sau khi công ty này lên sàn chứng khoán nhưng rất lao đao.
Đôi giày 60 năm tuổi
Có 32 nhà đầu tư đã tranh nhau mua cổ phiếu GTD của Giầy Thượng Đình khi công ty này đưa 1,9 triệu cổ phần ra công chúng. Kết thúc phiên đấu giá, Giầy Thượng Đình đã mang về hơn 91 tỉ đồng với giá trúng thầu cao nhất 51.000 đồng và thấp nhất 44.000 đồng.
Thế nhưng, ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp này ngày càng tụt dốc không phanh. Doanh thu năm 2015 chỉ đạt 125,9 tỉ đồng, giảm tới 54% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 459,9 triệu đồng.
Theo báo cáo năm 2017, Công ty lỗ tới 13,6 tỉ đồng mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với năm trước. Nguyên nhân là khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 17,1 tỉ đồng lên hơn 38 tỉ đồng. Chi phí nhân công tăng, trong khi nợ khó đòi cũng tăng nên doanh nghiệp vẫn không có lợi nhuận. Vậy là sau gần 1 năm niêm yết, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của Giầy Thượng Đình trôi tuột hơn 15 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu giảm 13 tỉ đồng trong khi nợ phải trả vẫn ở mức 91,7 tỉ đồng.
Trong thông tin giải trình về các ý kiến kiểm toán, ông Nguyễn Văn Khiêm, Tổng Giám đốc Giầy Thượng Đình, chia sẻ với đặc thù sản xuất hàng tiêu dùng là giày dép thì việc sản xuất phải phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, các đơn hàng mang nhiều màu sắc, cỡ số, kiểu dáng và yêu cầu vật tư. Việc tập hợp giá thành thực tế chi tiết cho từng đơn hàng sẽ gặp phải khó khăn nhất định từ việc phân tích vật tư theo dõi cỡ đến các chi phí khác như in, thêu, ép... cho mỗi đơn hàng.
Thực tế có thể thấy rõ nguyên nhân chính khiến Giầy Thượng Đình dần đi vào quên lãng là do sức ép thị trường và sự bảo thủ của thương hiệu già cỗi. Những năm 1960, hầu như nhà nào cũng có vài đôi giày vải mang thương hiệu Thượng Đình. Những đôi giày Thượng Đình có mặt ở khắp mọi nơi, trong các trường học, công sở, công ty sản xuất, trong các nông trường lao động... Đỉnh điểm là đầu thập niên 1990, thương hiệu Thượng Đình gần như giữ vị thế độc tôn trong thị trường này. Hình ảnh đôi giày vải với sọc xanh trên đế nhựa dẻo đã trở thành thân thuộc với nhiều người.
Thế nhưng, đi qua 60 năm, thương hiệu Thượng Đình dường như đã già. Hơn 10 năm nay, Giầy Thượng Đình không có bất kỳ một sự thay đổi nào về thiết kế và cũng không có một sản phẩm nổi bật. Trong các cửa hàng của Công ty, những đôi giày vải mềm mẫu mã cũ có giá dưới 100.000 đồng vẫn giống như những đôi giày cách đây 60 năm. Những đôi giày Thượng Đình giờ chỉ được sử dụng trong các xưởng sản xuất hoặc trong các công trình xây dựng với mác “đồ bảo hộ lao động”.
Lợi thế đang mất dần
Thời trang trong và ngoài nước đang thay đổi chóng mặt. Sau khi có chính sách mở cửa thị trường, những thương hiệu quốc tế lại liên tục đổ bộ vào Việt Nam. Những thương hiệu quốc tế không ngừng thay đổi mẫu mã dù giá cao nhưng rất được thế hệ trẻ ưa chuộng như Adidas, Nike, Puma... Bên cạnh đó, hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA), quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lại càng khiến Giầy Thượng Đình rời xa thị trường.
Các hiệp định thương mại với thuế ngày càng giảm đã giúp giày dép của Thái Lan và một số nước lân cận xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường trong nước, khiến Công ty ngày càng đuối sức và dạt về nông thôn. Thế nhưng, gần đây giày Thái, giày Trung Quốc... cũng đang tấn công mạnh về thị trường nông thôn với giá rẻ.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu vốn là thế mạnh của Giầy Thượng Đình cũng giảm sút vì mẫu mã cũ, trong khi yêu cầu của khách hàng ngày càng cao. Nhớ lại những năm 1960, Giầy Thượng Đình gần như độc quyền xuất khẩu đến các thị trường Đông Âu cũ.
Hiện nay, chính sách mở cửa khiến giá giày xuất khẩu giảm 10-20% nên lợi nhuận xuất khẩu ngày càng giảm. Tuy nhiên, do sản lượng và doanh thu xuất khẩu vẫn tăng đều nên các doanh nghiệp tư nhân và FDI vẫn tích cực tham gia mảng này.
Tính đến hết năm 2017, có 863 doanh nghiệp, tăng 15% so với số lượng doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này trong một năm trước. Cụ thể, năm 2016 có 751 doanh nghiệp, trong khi năm 2015 là 617, còn năm 2014 là 467 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang trong top đầu xuất khẩu giày như Thái Bình, Đông Hưng, Liên Phát... Trong bối cảnh đó, thương hiệu Thượng Đình gần như vắng bóng trong lĩnh vực xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu giày của Việt Nam vừa có cuộc về đích ngoạn mục khi cán mốc 18 tỉ USD trong năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp FDI vẫn là chủ lực trong xuất khẩu giày dép của Việt Nam.
Năm 2017, doanh nghiệp FDI chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Theo Tạp chí World Footwear Magazine, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong nhóm 10 nước xuất khẩu giày dép lớn nhất trên thế giới và tiếp tục xếp sau Trung Quốc và chiếm 7,4% thị phần ngành hàng này. Tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng giày dép các loại của doanh nghiệp Việt Nam tăng liên tục qua các năm. Mỹ là thị trường lớn xuất khẩu hàng giày dép từ Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 giá trị xuất khẩu, với kim ngạch hơn 5,1 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết, số lượng doanh nghiệp làm hàng có tỉ trọng chất xám cao ngày càng gia tăng với giá bình quân cao hơn nhiều hàng đại trà, là lý do thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng. “Với tình hình thị trường như năm 2017 và dự báo năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả giày dép, túi xách đạt 20 tỉ USD là không quá khó”, ông Thuấn khẳng định.
Có thể năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký kết cũng sẽ tạo thêm động lực cho hoạt động xuất khẩu da giày vào thị trường châu Âu, theo nhận định của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Lefaso.
Chỗ dựa duy nhất của Giầy Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào “quỹ đất vàng” nằm tại những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội như khu đất có diện tích 36.105m2 tại số 277 Nguyễn Trãi. Thực tế, quỹ đất vàng cũng chính là nguyên nhân khiến cổ phiếu công ty này được nhà đầu tư quan tâm và chấp nhận mua giá cao trong thời gian ra mắt trên sàn chứng khoán. Mảnh đất này có thể được di dời trong thời gian tới và sẽ có khoản đền bù khá lớn so với doanh thu bán giày.
Không còn thị trường xuất khẩu, khó khăn về tài chính có thể sẽ thay đổi khi Công ty được đền bù từ khu đất vàng. Liệu GiầyThượng Đình có đầu tư phát triển sản phẩm cho thị trường trong nước như cách mà Biti’s đã từng làm với thương hiệu Hunter hay không.
Thanh Hương
Theo Nhipcaudautu.vn