TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

"Người thu nhập trung bình, khá có thể mua được ô tô năm 2019"

    (Tieu dung)

    Đây là đánh giá của Chính phủ trong bản Báo cáo đánh giá tác động Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế - tài liệu đính kèm tờ trình Quốc hội ngày 19/10.

     

    Theo đó Chính phủ nêu rõ, nhờ giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), dẫn đến giảm cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) và lệ phí trước bạ thì số tiền người mua phải trả cho dòng xe dưới 1.000 cm3 sẽ giảm khoảng 45% vào năm 2019.

    Mức giảm sâu này sẽ giúp người có thu nhập khá và trung bình khá mua được dòng xe ô tô ưu tiên phát triển theo đúng Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô.

    Từ đó khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện môi trường, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân, qua đó thúc đẩy tăng cao dung lượng thị trường.

    Trong khi đó, dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 có thuế suất thuế TTĐB tăng mạnh (mức tăng thấp nhất là 30% so với hiện hành) sẽ hạn chế sản xuất và tiêu thụ các dòng xe tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn, lượng khí thải ra môi trường lớn, chưa phù hợp với điều kiện giao thông và thu nhập người dân.

    Việc điều chỉnh chính sách thuế theo lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đầu tư (cần khoảng từ 2 đến 3 năm để chuẩn bị, lập dự án, xây dựng nhà máy) và phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu (năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống từ các nước trong ASEAN giảm về mức 0%) nên sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

    Những sửa đổi, bổ sung không trái những cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã ký (10 FTA) và sẽ ký (TPP, Việt Nam - Liên minh Châu Âu,...).

    Đối với ngân sách nhà nước (NSNN), nếu tính cố định theo sản lượng của năm 2014 thì số thu ngân sách nhà nước sẽ chịu tác động như sau.

    Đối với ô tô sản xuất trong nước: Tính theo mức thuế suất áp dụng từ ngày 01/7/2016 đến 31/12/2017 thì số thuế TTĐB sẽ giảm 360 tỷ đồng/năm (nếu tính từ ngày 1/7/2016 – 31/12/2016 thì số thuế TTĐB năm 2016 giảm 180 tỷ đồng).

    Năm 2018, thuế TTĐB sẽ giảm 1.100 tỷ đồng so với năm 2017; năm 2019 sẽ giảm 2.170 tỷ đồng so với năm 2018.

    Đối với ô tô nhập khẩu: Qua số liệu tham khảo về lượng và giá nhập khẩu ô tô năm 2014, với phương án thuế suất áp dụng từ ngày 01/7/2016 đến 31/12/2017, thì thuế TTĐB khâu nhập khẩu tăng 1.230 tỷ đồng/năm (nếu tính từ ngày 01/7/2016 - 31/12/2016 thì số thuế TTĐB năm 2016 tăng 615 tỷ đồng). Năm 2018 giảm 360 tỷ đồng so với năm 2017. Năm 2019 sẽ giảm 620 tỷ đồng so với năm 2018.

    Tuy nhiên, do giảm thuế suất thuế TTĐB cùng với giảm thuế nhập khẩu dẫn đến giảm giá mạnh, thúc đẩy tăng cao sản lượng tiêu thụ. Tại thời điểm này, chưa giảm thuế nhập khẩu và thuế TTĐB thì dung lượng thị trường trong 9 tháng đầu năm 2015 đã tăng mạnh, trong đó xe nhập khẩu đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

    Chỉ cần dung lượng thị trường tăng gấp đôi là đã đủ bù đắp số thu về thuế TTĐB (theo tính toán của Bộ Công thương khi xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thì nếu giá giảm 1%, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 5% nên đến năm 2019, với mức giảm giá tới 45% thì quy mô tiêu thụ của dòng xe dưới 1.000 cm3 sẽ tăng lên khoảng 3 lần). Như vậy, chỉ tính riêng dòng xe giảm mạnh nhất thì cũng đã tăng thu NSNN.

    (Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

    Trở về
      logo-tinkinhte.com
      Copyright © 2009  Tinkinhte.com
      Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
      Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
      E- Mail: admin@tinkinhte.com
      Powered by CIINS
      Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn