TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 06-05-2016

    Đài Loan đầu tư hơn 600 triệu USD vào Việt Nam sau 4 tháng đầu năm

    Vốn đầu tư của Đài Loan rót vào chủ yếu ở Tiền Giang với 229 triệu USD, tiếp theo là Hà Tĩnh (184 triệu USD).

    Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính riêng 4 tháng đầu năm 2016, Đài Loan xếp thứ ba trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 39 dự án cấp mới, 25 lượt điều chỉnh vốn. Tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 664,11 triệu USD.

    Các nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư vào 10 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 28 dự án mới, 22 lượt tăng vốn, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 600,28 triệu USD (chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).

    Đứng thứ hai là lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải với dự án mới 45 triệu USD (chiếm khoảng 7% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Tiếp theo là một số lĩnh vực khác như vận tải kho bãi, hoạt động dịch vụ khác...

    Dự án lớn nhất của Đài Loan tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay là Nhà máy Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương. Dự án được cấp phép tháng 3/2016 với tổng vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD. Dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại giấy Duplex, giấy Kcraf, giấy gia dụng tại tỉnh Tiền Giang.

    Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 99% tổng vốn đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài, tương đương đạt 657,8 triệu USD vốn cấp mới và tăng thêm, trên 35 dự án mới và 24 lượt tăng vốn. Còn lại số ít dự án ở hình thức liên doanh.

    Vốn đầu tư của Đài Loan rót vào chủ yếu ở Tiền Giang với 229 triệu USD, tiếp theo là Hà Tĩnh (184 triệu USD).


    Nhu cầu vàng tại Ấn Độ bị tổn thương vì giá cao

    Nhu cầu vàng ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới - có thể sẽ giảm trong quý thứ hai do giá vàng đã tăng đột biến từ đầu năm đến nay lên cao nhất trong hai năm qua đã ảnh hưởng tới sức mua trong lễ hội vào tuần tới và mùa cưới trong tháng này.

     
    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Theo Bachhraj Bamalwa - Giám đốc Liên đoàn Thương mại Trang sức & Đá quý Ấn Độ, lượng mua vàng có thể giảm xuống còn khoảng 100 tấn trong quý 2 từ mức 125 tấn của quý trước đó và 154,8 tấn của cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu vàng chỉ vào khoảng 15 - 20 tấn trong tháng 4 và 15 tấn trong tháng 3, ông này nói qua điện thoại từ Kolkata tuần này.

    Giá vàng ở Mumbai đã tăng 21% kể từ đầu năm và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2014 trong phiên giao dịch ngày 2/5. Nguyên nhân chủ yếu do giá vàng thế giới tăng khi mà những lo ngại về kinh tế thế giới đang khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất, qua đó gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản không chịu lãi như vàng. Bên cạnh đó còn do Lễ Akshaya Tritiya được xem là ngày tốt lành thứ hai trong năm để mua vàng.

    "Thông thường nhu cầu mua vàng thường tăng mạnh trong dịp lễ này, nhưng điều đó đã không xảy ra trong năm nay”, Bamalwa nói. "Trong quý này chỉ có tháng 5 là nhu cầu vàng tăng và sẽ giảm từ sau ngày 15/6. Tuy nhiên việc giá vàng đứng ở mức cao như hiện nay đang khiến người dân hạn chế mua vàng".

    Tiêu thụ vàng tại Ấn Độ vốn đã bị tổn thương mạnh bởi cuộc đình công của giới kim hoàn trong tháng 3 và tình trạng mất mùa cuối năm ngoái đã làm giảm thu nhập ở khu vực nông thôn, khu vực chiếm tới 60% nhu cầu vàng của Ấn Độ.

    Được biết, Ấn Độ chỉ nhập khẩu khoảng 894 tấn vàng trong năm kết thúc vào tháng 3/2016, giảm so với con số 1.133 tấn của 12 tháng trước đó, một nguồn tin đáng tin cậy của Blommberg cho biết.
    Trong khi đó kế hoạch phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi vàng để thu hút lượng vàng nhàn rỗi tại Ấn Độ không máy phát huy tác dụng, Bamalwa nói. "Số vàng thu được là không đáng kể so với nhu cầu tiêu thụ hàng năm", ông nói.


    Căn bệnh bí ẩn của lúa mì có thể gây ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

    benh dao on lua mi phat trien manh o vung khi hau nong va am uot, nen co the de dang lay lan toi cac nuoc phia nam chau a.

    Bệnh đạo ôn lúa mì phát triển mạnh ở vùng khí hậu nóng và ẩm ướt, nên có thể dễ dàng lây lan tới các nước phía Nam châu Á.

    Chỉ những nông dân mất mùa mới đốt cháy cây lúa mì trước kỳ thu hoạch. Nhưng đây lại là điều mà nhiều người nông dân ở Bangladesh đang làm. Họ đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của một loại nấm có sức tàn phá ghê gớm, và lựa chọn cuối cùng của họ là đốt bỏ những cánh đồng nhiễm bệnh.

    Dịch bệnh này được gọi là bệnh cháy lá hay đạo ôn (wheat blast), do loại nấm Magnaporthe oryzae gây nên và được phát hiện lần đầu tại Brazil năm 1985. Kể từ đó, nó đã lây lan nhanh chóng ra khắp vùng Nam Mỹ. Tác động của loại dịch bệnh này khá nghiêm trọng đến mức nhiều vùng từng trồng lúa mì nay đã không còn trồng được loại lương thực này nữa.

    Giờ đây, bệnh đạo ôn lúa mì đã lan tới Bangladesh. Theo một ước tính, khoảng 15.000 ha diện tích canh tác đã bị tàn phá. Ở quốc gia 150 triệu dân này, lúa mì là nguồn thực phẩm quan trọng đứng thứ hai sau lúa gạo.

    Không ai biết chắc bệnh đạo ôn lúa mì đã lan tới Bangladesh như thế nào. Nhưng có một khả năng cho thấy đã có một giống nấm đột biến và có khả năng lây lan sang cây lúa mì. Điều này từng xảy ra trước đây, khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng tại Mỹ năm 2011.

    Một khả năng khác thuyết phục hơn, dựa trên những dữ liệu phân tích di truyền ban đầu, là lúa mì nhập khẩu từ Brazil đã gây nên dịch bệnh tại Bangladesh. Nếu đúng, đây là điều đáng lo ngại cho các nước cũng nhập khẩu lúa mì từ Brazil như Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Trong quý I/2016 vừa qua, Brazil là thị trường lớn thứ hai cung cấp lúa mì cho Việt Nam với 222.831 tấn, chiếm hơn 26% lượng lúa mì nhập khẩu.

    Bệnh đạo ôn lúa mì phát triển mạnh ở vùng khí hậu nóng và ẩm ướt. Điều này đồng nghĩa dịch bệnh có thể dễ dàng lây lan tới các nước ở phía Nam và Đông Nam châu Á, ngay cả khi các nước này không nhập khẩu lúa mì Brazil. Đặc biệt đáng lo ngại đối với Ấn Độ và Pakistan, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh cho biết.

    Các nhà quản lý của Mỹ từng kiểm soát được dịch bệnh vào năm 2011 thông qua các biện pháp giám sát và xử lý mạnh tay. Tuy nhiên, điều này lại khá khó khăn đối với các nước đang phát triển.

    Một cách khác để chống lại dịch bệnh này là tạo ra giống lúa mì biến đổi gen có khả năng kháng bệnh. Tháng trước, các nhà khoa học tại đại học bang Kansas cho biết, các biến thể gen đầu tiên có thể có khả năng kháng nấm. Tuy nhiên, để đánh bại hoàn toàn loại nấm gây bệnh này, các nhà nghiên cứu cần phải tìm ra nhiều biến thể gen nữa.

    Để thực hiện điều này, các nhà khoa học ở Anh và Bangladesh đã đưa ra sáng kiến Open Wheat Blast. Với sáng kiến này, bất kỳ ai cũng có thể tải về dữ liệu gen của các chủng nấm gây bệnh đạo ôn để nghiên cứu, từ đó tạo ra một nỗ lực quốc tế lớn hơn để chống lại dịch bệnh.


    Australia điều tra sản phẩm vôi sống nhập khẩu từ Việt Nam

    Uỷ ban chống bán phá giá Australia vừa thông báo điều tra chống bán phá giá mặt hàng vôi sống (quicklime) nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

    Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Uỷ ban chống bán phá giá Australia (ADC) đã ra thông báo số 2016/40 quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) sản phẩm vôi sống (quicklime) nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

    bien do pha gia nguyen don cao buoc doi voi viet nam tu 64.4% – 86.1%.

    Biên độ phá giá nguyên đơn cáo buộc đối với Việt Nam từ 64.4% – 86.1%.

    Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 từ thị trường này nhằm vào mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, sản phẩm bị điều tra trước đây là máy biến thế (2013) và thép mạ kẽm (2014).

    Được biết, mặt hàng bị điều tra là vôi sống, Mã HS: 2522.10.00, mã HS này vốn đang không phải chịu thuế (duty free) nhập khẩu vào Australia, nguyên đơn của vụ kiện là Công ty Cockburn Cement Limited.

    Giai đoạn điều tra: Từ 01 tháng 1 năm 2015 đến 31 tháng 12 năm 2015. Theo đó, Ủy ban chống bán phá giá Australia sẽ xem xét số liệu nhập khẩu từ ngày 01 tháng 1 năm 2012 nhằm mục đích phân tích thiệt hại.

    Biên độ phá giá cáo buộc đối với Việt Nam do nguyên đơn cáo buộc từ  64.4% – 86.1%, ADC cáo buộc 18% (đứng thứ 2 trong số 3 nước bị điều tra).

    Nguyên đơn cáo buộc rằng hàng hoá xuất khẩu sang Australia với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của Australia qua việc kìm giá, ép giá, suy giảm lợi nhuận, sụt giảm khối lượng bán hàng, suy giảm thị phần, suy giảm số lượng việc làm và làm giảm công suất sử dụng.

    Theo số liệu trong đơn kiện về nhập khẩu mặt hàng này của Australia thì trong năm 2014-2015, tổng khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 39.214 tấn, chiếm khoảng 33,9% thị phần nhập khẩu vào Australia


    Tài nguyên Masan: Làm bao nhiêu chỉ để trả lãi ngân hàng, vay nợ hơn 11.000 tỷ

    Giá Vonfram đã tăng từ 163 USD/tấn trong quý 1/2016 lên 168 USD/tấn vào cuối quý 1 và hiện ở mức 190 USD/tấn. Tuy nhiên giá các hàng hóa khác như đồng giảm 20% cùng kỳ năm trước, florit cấp axit giảm 19% khiến doanh thu của công ty tiếp tục giảm.

    Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) tính đến thời điểm 31/3/2016 có khoản nợ phải trả hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn gần 2.970 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 8.134 tỷ đồng, tổng nợ vay ngân hàng của MSR lên tới hơn 11.100 tỷ đồng. Trong đó 72% vay nợ ngắn hạn bằng USD với lãi suất từ 4%-6%/năm, trong khi gần 7.880 tỷ vay dài hạn là trái phiếu có bảo đảm bằng VND với lãi suất 8% trong 12 tháng đầu, sau đó lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các NHTM tham chiếu cộng biên độ 3%.

    Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của công ty chỉ đạt hơn 2.362 tỷ, chiếm chưa đến 9% tổng tài sản.

    Nợ vay ngân hàng lớn khiến chi phí tài chính quý này của MSR lên tới 210 tỷ, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 806 tỷ đồng.

    Mặc dù tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp song do chi phí tài chính cao cộng thêm lợi nhuận khác lỗ gần 5 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế quý 1/2016 của MSR lỗ 400 triệu đồng.

    Lợi nhuận sau thuế của MSN lãi 6 tỷ nhờ được hoàn thuế do các năm trước lỗ nặng.

    Theo Masan Resource, mỏ Vonfram đang vận hành của công ty lớn nhất thế giới tính theo trữ lượng, ước đạt 66 triệu tấn. Giá Vonfram đã tăng từ 163 USD/tấn trong quý 1/2016 lên 168 USD/tấn vào cuối quý 1 và hiện ở mức 190 USD/tấn. Tuy nhiên giá các hàng hóa khác như Mismuth giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, đồng giảm 20% cùng kỳ năm trước, APT giảm 37%, florit cấp axit giảm 19% khiến doanh thu của công ty tiếp tục giảm và phải tăng sản lượng đồng 43%.

    Tỷ trọng doanh thu đồng và fluorit tại MSR chiếm 21,8% và 16% trên tổng doanh thu, hai mảng này giảm lần lượt 7% và 37,5% cùng kỳ năm trước; doanh thu vonfram đạt 55,9% tổng doanh thu, tăng nhẹ 7,3% cùng kỳ năm trước.


    Cổ phiếu MSR đã gây bão trên sàn Upcom khi tăng gấp 3 chỉ trong 1 tháng từ 10.000 đồng/cp lên 30.000 đồng/cp, hiện giá cổ phiếu này đang giao dịch quanh ngưỡng 17.000 đồng/cp, giảm phiên thứ 5 liên tiếp.(NDH)


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn