TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 15-02-2016

    Những xu hướng nhà ở sẽ tăng tốc trong năm 2016

    Bất động sản hạng sang hoặc siêu sang, nhà nhỏ dưới một tỷ đồng, tổ ấm có kèm mảng xanh như cây cối, vườn tược và nhà biệt lập khép kín có compound được dự báo sẽ gia tăng nguồn cung mạnh mẽ trong năm Bính Thân.

    Giảng viên bất động sản thuộc Trung tâm tư vấn doanh nghiệp và phát triển kinh tế vùng khoa Kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế TP HCM) - Ngô Đình Hãn cho rằng sẽ có 4 loại nhà ở được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư và bung hàng trong năm 2016.Nhà hạng sang và siêu sang hứa hẹn tăng cung. Nếu như năm 2015 bất động sản giá 3.500-7.000 USD mỗi m2 chỉ có vài doanh nghiệp đầu tư thì năm 2016 sẽ có sự tăng trưởng khá mạnh về nguồn cung với nhiều tên tuổi mới gia nhập thị trường. Dòng sản phẩm này có vị trí đắc địa, nằm ngay khu lõi trung tâm thành phố, đáp ứng nhu cầu của  nhóm người giàu hoặc siêu giàu, thấp nhất là tầng lớp trung lưu trở lên hoặc khách VIP. Cuộc đua giành thị phần này đang ngấm ngầm diễn ra giữa các ông lớn với nhau, đều là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Dự báo của CBRE Việt Nam, phân khúc nhà ở cao cấp và hạng sang có thể tăng trưởng 20% trong năm Bính Thân. Đây chính là thị trường ngách nâng cao vị thế chủ đầu tư và tạo ra những sự khác biệt lớn với nhiều đột phá táo bạo.

    mot du an nha pho compound hut khach tai khu dong tp hcm. anh: vu le

    Một dự án nhà phố compound hút khách tại khu Đông TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

    Nhà biệt lập khép kín có tường rào bao bọc xung quanh (compound) đang mở rộng địa bàn. Những tổ ấm rộng 70-100m2 hoặc biệt thự 200-500m2 được xây thô và hoàn thiện ngoại thất, tiện ích đầy đủ, quản lý 24/7, an ninh đảm bảo trong khuôn viên khép kín xuất hiện đầu tiên tại khu Nam TP HCM. Năm 2014-2015 loại bất động sản này lan nhanh về khu Đông Sài Gòn. Độ phủ của phân khúc này giai đoạn vừa qua chưa cao do yếu tố hạ tầng, nhưng hứa hẹn trong thời gian sắp tới độ phủ sẽ nhanh hơn do yếu tố hạ tầng đô thị đã hoàn thiện. Điểm mới của dòng sản phẩm này trong năm 2016 có thể tạo ra sự khác biệt là có sự chuyển dịch về khu Nam và khu Tây Sài Gòn với hạ tầng hoàn thiện sớm hơn.

    Nhà giá bình dân khoảng một tỷ đồng một căn đã rục rịch tăng số lượng trở lại sau năm 2015 im hơi lặng tiếng. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu thật, cụ thể là khách hàng trẻ chưa tích lũy được nhiều tiền và mong muốn sở hữu căn nhà của riêng mình. Các doanh nghiệp đang hướng nguồn cung vào những địa bàn có quỹ đất lớn, giá rẻ, kết nối hạ tầng thông suốt để phát triển các dòng sản phẩm vừa túi tiền này. Phân khúc này sẽ tập trung chủ yếu ở phía Tây, Nam Sài Gòn và các quận ven trung tâm có vị trí và hạ tầng giao thông khá thuận lợi. Thị phần nhà ở này được đánh giá là có nguồn cầu lớn nhất với khả năng chi trả ngày càng cải thiện rõ rệt nhờ các khách hàng tiềm năng có thu nhập ổn định.

    Bất động sản xanh ồ ạt xuất hiện. Căn hộ có gắn chuẩn xanh (tiết kiệm năng lượng, bổ sung nhiều cây cối) hay nhà phố có khoảnh vườn, biệt thự nhỏ kèm nông trại mini đang được đầu tư ngày càng mạnh mẽ. Điểm nổi bật của phân khúc này là yếu tố môi trường sống trong lành, thiết kết thông minh, tiện ích đầy đủ, nguyên vật liệu đáp ứng được những tiêu chuẩn cho cuộc sống tiện nghi, thoải mái. Phân khúc này ngày càng được khách hàng đón nhận tích cực nhờ các chủ đầu tư hứa hẹn, cam kết quản lý vận hành theo tiêu chuẩn bất động sản xanh bởi các thương hiệu nổi tiếng. Dòng sản phẩm này đã xuất hiện tại phía Tây TP HCM và đang có xu hướng tiếp tục mở rộng thị phần mạnh mẽ trong năm 2016.


    Ấn Độ lần thứ 9 điều tra hàng hóa của Việt Nam

    day la vu kien chong ban pha gia thu 9 cua an do doi voi hang hoa nhap khau tu viet nam. anh internet.

    Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 9 của Ấn Độ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh internet.


    Ấn Độ thông báo điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi spandex nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 9 của Ấn Độ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

    Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Tổng vụ Chống bán phá giá và trợ cấp Ấn Độ (DGAD) đã đăng thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi spandex (mã HS: 5404 11 00 - bao gồm 5402 44 00 và 5402 60 90) nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.

    Nguyên đơn của vụ cáo buộc này là Công ty Indorama Industries Ltd cáo buộc rằng, sản phẩm sợi spandex nhập khẩu nhập khẩu từ các quốc gia/vùng lãnh thổ nói trên bán phá giá vào Ấn Độ với giá thấp hơn nhiều so với giá tại thị trường nội địa của các quốc gia/vùng lãnh thổ bị cáo buộc.

    Điều này đang gây ra thiệt hại đáng kể đến ngành công nghiệp của Ấn Độ, bao gồm sự suy giảm về doanh số, lợi nhuận tiền mặt và lợi tức đầu tư âm. Từ đó, DGAD cũng nhận thấy sản phẩm có dấu hiệu về việc bán phá giá, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả.

    Chính vì vậy, DGAD đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi spandex. Giai đoạn điều tra được tính từ thời điểm ngày 1-10-2014 đến 30-9-2015 (giai đoạn xem xét thiệt hại từ tháng 4-2011 đến tháng 3-2015).

    DGAD cũng thông báo cho biết, theo quy trình điều tra chống bán phá giá của Ấn Độ, các bên quan tâm có thời hạn 40 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng (ngày 27-1) để nộp bản bình luận và bản trả lời câu hỏi đến trụ sở của DGAD.

    Các bên liên quan có thể tiếp cận hồ sơ công khai của vụ việc (các bằng chứng chứa thông tin không mật) theo quy định của pháp luật Ấn Độ.

    Được biết, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 9 của Ấn Độ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, vào năm 2014, Ấn Độ cũng đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với cùng mặt hàng nêu trên, sau đó đã ra quyết định chấm dứt điều tra và không áp thuế.


    Thiếu nguồn nguyên liệu, làng nghề chế biến hải sản gặp khó

    Dịp Tết năm nay, làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long trầm lắng, hoạt động cầm chừng vì nguồn nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ.

    Hàng năm vào những ngày giáp tết, các làng nghề chế biến cá khô của tỉnh Trà Vinh rất nhộn nhịp, nhà nhà tất bật phơi khô, đóng gói, chuyển hàng đến nơi tiêu thụ. Thế nhưng năm nay, làng nghề trầm lắng vìnguồn nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ.

    Chị Nguyễn Thị Đây ở Khóm 1, Thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang cho biết, hơn 10năm nay, cơ sở chế biến cá khô của chị lúc nào cũng có nhân công từ 5 - 6 người làm việc. Trong thời điểm giáp tết, nhân công thường tăng lên từ 6 - 10 người, đôi lúc còn làm không hết việc.

    Tuy nhiên, bước vào mùa gió Chướng năm nay, nguồn nguyên liệu từ biển rất khan hiếm, trong khi các loại khô phục vụ tết như cá lóc, cá kèo, sặc rằn …giá quá cao nên không giám đầu tư mua nhiều sợ bị lỗ.

    “Giáp tết năm nay gia đình làm ít vì không có nguyên liệu, hoặc có thì giá nguyên liệu cũng quá cao. Còn các loại sản phẩm phục vụ tết như các kèo, cá lò tho, cá ló giá cũng quá cao, chế biến không có lãi nên gia đình cũng không dám làm, phải có người đặt hàng mới làm, không làm ồ ạt sẽ rất dễ bị lỗ”, chị Đây chia sẻ.

    Nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá cao đã buộc các cơ sở giảm số lượng thu mua và chế biến. Nếu như trước đây vào thời điểm này, mỗi cơ sở của làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long trung bình làm từ 500 - 800kg cá khô các loại, hiên nay chỉ còn mỗi cơ sở chỉ làm 100 – 200 kg. Theo đó, không chỉ thu nhập của cơ sở bị giảm mà cả người lao động cũng chỉ còn 2 – 2,5 triệu đồng/tháng thay vì từ 3 - 5 triệu đồng vào mùa tết trước đây.

    Chị Đỗ Thị Kim Oanh, người có hơn 20 năm sống bằng nghề làm thuê đánh vẩy cá khô cho biết, mùa gió Chướng nhiều tàu thuyền khó đánh bắt gây nên khan hiếm nguồn nguyên liệu nên nhiều khi nhân công thiếu việc làm. Tuy vậy, đã gắn bó với công việc này từ nhiều năm nên chị cũng không thể bỏ được công việc này.

    Làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long đã tồn tại cách đây hơn 40 năm, với lợi thế về ngư trường rộng lớn cộng với lực lượng đánh bắt gần 90 chiếc tàu lớn nhỏ. Tuy nhiên những năm gần đây, bến cá của làng nghề này đã bị bồi lắng nghiêm trọng, các tàu cá lớn không vào được. Cách đây 5 năm, tỉnh có chủ xây dựng Khu tránh trú bão kết hợp cảng cá Vàm Lầu, cách làng nghề hơn 2 km nhưng khởi động xong rồi để đó.

    khu tranh tru bao ket hop cang ca vam lau khoi dong tu 2 nam nay gio van nguyen trang.

    Khu tránh trú bão kết hợp cảng cá Vàm Lầu khởi động từ 2 năm nay giờ vẫn nguyên trạng.

    Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, các cơ sở chế biến cá khô Mỹ Long phải mua từ nơi rất xa, chi phí vận chuyển đội lên, trong khi chất lượng cũng như số lượng lại không đảm bảo. Năm 2015, Làng nghề có 206 cơ sở sản xuất với trên 500 hộ tham gia, thế nhưng mùa tết năm nay chỉ còn hơn trăm cơ sở sản xuất theo kiểu cầm chừng.

    Ông Nguyễn Văn Đàn, chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang cho biết, để làng nghề được duy trì được việc làm và tiếp tục phát triển, cấp trên cần sớm hoàn thành khu neo đậu Vàm Lầu.

    “Tại thị trấn Mỹ Long không có cảng cá, chủ yếu nghe cập bến ở cảng Láng Chim hoặc Long Hữu, huyện Duyên Hải do đó chi phí vận chuyển của các cơ sở chế biến rất tốn kém. Thị trấn cũng đề nghị cấp trên hỗ trợ ngư dân và các hộ sản xuất giải quyết vay vốn để bà con phát triển làng nghề”, ông Đàn đề xuất.

    Để Làng nghề khai thác, chế biến thủy sản Mỹ Long tiếp tục duy trì, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất. Có như thế mới đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại để làng nghề tiếp tục phát triển


    Vẫn cho xuất hóa đơn khi bị cưỡng chế thuế

    Doanh nghiệp nợ thuế bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn (hóa đơn không còn giá trị sử dụng) có thể được sử dụng hóa đơn lẻ để đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục.

    Tuy nhiên, doanh nghiệp phải làm văn bản đề nghị với cơ quan thuế và cam kết nộp đủ số thuế phát sinh trên hóa đơn xuất lẻ đó, cộng thêm một phần số nợ thuế cũ trước đó.

    Kế hoạch trả nợ thuế này phải đảm bảo nộp hết toàn bộ trước ngày 31-12 năm đó. Nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết thì cơ quan thuế dừng ngay việc xuất hóa đơn lẻ.

    Đây là quy định trong dự thảo thông tư của Bộ Tài chính mới đây về cưỡng chế nợ thuế nhằm để cho doanh nghiệp có thể để tiếp tục sản xuất kinh doanh và có doanh thu nộp thuế. Việc này giải quyết vòng “luẩn quẩn” lâu nay là doanh nghiệp không có tiền nộp thuế nên bị cưỡng chế hóa đơn, mà bị cưỡng chế hóa đơn thì không kinh doanh gì được nên lại càng không có tiền để trả nợ thuế.

    doanh nghiep nop thue tai kho bac nha nuoc quan 1. anh: quynh nhu 

    Doanh nghiệp nộp thuế tại Kho bạc Nhà nước quận 1. Ảnh: Quỳnh Như 

    Trường hợp số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp lớn hơn số doanh thu phát sinh trên các hóa đơn sẽ sử dụng đến cuối năm hoặc doanh nghiệp đang âm vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp phải cam kết nộp toàn bộ số tiền thuế phát sinh cho hóa đơn xuất lẻ đó và nộp số tiền thuế, tiền chậm nộp còn nợ bằng 20%-30% doanh thu trên hóa đơn xuất lẻ.

    Cả ngành năng lượng bi quan về thị trường dầu mỏ

    ca nganh nang luong bi quan ve thi truong dau mo

    Cả ngành năng lượng bi quan về thị trường dầu mỏ


    Hàng ngàn người làm việc trong lĩnh vực năng lượng vừa tập trung tại buổi họp thường niên ở London (Anh) chỉ để thừa nhận rằng thế giới đang “ngập lụt” dầu thô và rất khó để tình hình lạc quan hơn.
    Tuần lễ Dầu khí Quốc tế thường niên năm nay đón hàng nghìn người, là đại diện đến từ các hãng sản xuất dầu, nhà máy lọc dầu lớn nhất và thương nhân, tham dự nhưng không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào để lạc quan hơn về tương lai, theo Bloomberg. Thế giới đang ngập lụt dầu thô và thị trường đang chìm trong xu hướng giảm.
    Các nhà sản xuất đang sẵn sàng đối mặt với một năm khó khăn. Giá cả sẽ tiếp tục thấp cho đến một thập niên khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong chuyện tăng giảm sản lượng. Thậm chí, các nhà máy lọc dầu, những doanh nghiệp dự báo lợi nhuận vẫn duy trì tốt hơn so với dự kiến, cũng cho rằng tình hình sẽ xấu đi.
    “Ngành công nghiệp dầu khí đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng”, CEO Total Patrick Pouyanne cho hay. Sếp hãng dầu khí BP Bob Dudley tự mô tả ông là một người nhìn thấy xu hướng đi xuống và đùa rằng dư cung lớn đến mức người dân có thể sớm bơm ngập hồ bơi bằng “vàng đen”.
    Giá cả dầu thô có tăng một thời gian ngắn hồi tháng 1 khi nhiều người cho rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ hợp tác với Nga để cắt giảm sản lượng. Song người đứng đầu tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga, ông Igor Sechin - CEO hãng Rosneft - phát biểu: “Hãy cho tôi biết ai có nhiệm vụ cắt giảm sản lượng? Liệu Ả Rập Xê Út giảm? Iran giảm? Mexico giảm? Nước nào sẽ cắt giảm sản lượng?”.
    Dư cung lên đến 1,7 triệu thùng/ngày, vì thế, hạ hạn ngạch xuống 1 triệu thùng/ngày về lý thuyết sẽ khiến giá cả “hợp lý” hơn, ông Sechin nói. Tuy nhiên, hãng Rosneft đang tập trung vào việc bảo vệ các thị trường truyền thống, chống lại sự cạnh tranh.
    Theo ước tính của hãng nghiên cứu Wood Mackenzie, tính đến nay, chỉ mới có 0,1% sản lượng dầu thế giới được cắt giảm.
    Thương nhân là những người duy nhất hưởng lợi từ đợt biến động mạnh của giá dầu và cơ cấu thị trường được gọi là “contango” - khi giá cả trong tương lai cao hơn so với hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể kiếm tiền chỉ bằng cách giữ dầu trong bồn trữ.
    Khi giá dầu WTI giảm cận mức đáy 12 năm trong tuần này, một cơ hội khác lại nổi lên: “super-contango”. Chỗ chứa dầu thô đang cạn dần tại một số địa điểm và hiện tình hình “contango” đang lên nhanh đến mức chuyện thuê các tàu chở dầu cực lớn, neo chúng ngoài khơi và trữ dầu, đã trở nên có lời.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn