TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 15-08-2015

    Sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều lãnh đạo DongA Bank

    giao dich tai donga bank.

    Giao dịch tại DongA Bank.

    Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) và quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này.

    Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2012 trở về trước, DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của ngân hàng này.

    Căn cứ kết quả thanh tra, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của DongA Bank và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân tại DongA Bank vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân.

    Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ lựa chọn và cử những cán bộ của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo chủ chốt để thực hiện quản trị, điều hành, kiểm soát đối với ngân hàng này.

    Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết triển khai các giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động của DongA Bank được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

    Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ cơ cấu lại toàn diện DongA Bank để đưa ngân hàng này hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.

    Xuất khẩu cua ghẹ sang Nhật tăng mạnh

    Có giá cạnh tranh hơn so với nhiều nước trong khu vực, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản 6 tháng đầu năm tăng tới 28,7%.
     

    Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 8,329 triệu USD, tăng 28,7%. Số lượng này chiếm 17,4% tổng giá trị xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam, tăng so với mức 14,8% nửa năm ngoái. Hiện Nhật là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam về sản phẩm này.

    Nguyên nhân khiến lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng cao trong khi nhu cầu của Nhật giảm trên 20% là do sản phẩm của Nga (nguồn cung hàng đầu của nhật) sang thị trường này giảm tới 59%. Mặt khác, giá cua ghẹ của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực ASEAN, điển hình như giá sản phẩm của Indonesia là 19 USD một kg, còn hàng Việt là 14 USD.

    Dự báo về tình hình 6 tháng cuối năm, Vasep cho biết tiêu thụ thủy sản tại Nhật Bản đang chậm lại, cùng với đó, đồng yen mất giá so với USD. Do đó, nửa cuối năm lượng hàng nhập khẩu của thị trường này cũng sẽ không có nhiều biến động, thậm chí còn có nguy cơ sụt giảm mạnh.


    Trung Quốc bất ngờ tăng tỷ giá Nhân dân tệ

    dot pha dong tien quy mo lon dau tien cua trung quoc ke tu nam 1994 da khien thi truong tai chinh toan cau bi soc - anh: bloomberg.

    Đợt phá đồng tiền quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1994 đã khiến thị trường tài chính toàn cầu bị sốc - Ảnh: Bloomberg.

    Tỷ giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hôm nay (14/8) đã ngừng giảm sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) lần đầu tiên tăng tỷ giá tham chiếu sau 3 ngày liên tiếp phá giá kể từ hôm thứ Ba.

    Theo tin từ Bloomberg, tỷ giá Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Trung Quốc vào thời điểm 9h35 phút tại Thượng Hải đứng ở mức 6.3970 Nhân dân tệ đổi 1 USD, gần như không thay đổi so với mức giá đóng cửa của ngày hôm qua. Tuy vậy, trong tuần này, tỷ giá đồng Nhân dân tệ giao dịch tại Trung Quốc đã sụt 2,9% do 3 lần phá giá liên tiếp.

    Trên thị trường quốc tế, tỷ giá đồng Nhân dân tệ sáng nay tăng 0,4%, thu hẹp mức giảm trong tuần xuống còn 3,6%.

    BPoC sáng nay đã tăng tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ thêm 0,05%. Trước đó, trong 3 ngày thứ thứ Ba đến thứ Năm, cơ quan này đã liên tiếp phá giá đồng tiền với mức giảm tương ứng 1,9%, 1,6% và 1,1%.

    Mức giảm giá 1,9% của đồng Nhân dân tệ hôm thứ Ba là cú sụt giá mạnh nhất của đồng tiền này trong khoảng 2 thập kỷ. Đồng Nhân dân tệ giao dịch trên thị trường cũng mất giá 1,8% trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, sau đó, tốc độ giảm giá của đồng tiền này đã chậm dần lại khi PBoC can thiệp vào thị trường bằng cách yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh bán ra đồng USD, đồng thời phát tín hiệu sẽ hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ.

    Hôm qua (13/8), PBoC tuyên bố không có căn cứ nào để đồng Nhân dân tệ mất giá liên tục và cơ quan này sẽ có biện pháp kiểm soát mỗi khi tỷ giá có biến động mạnh.

    “Các biện pháp quản lý khủng hoảng từ PBoC, bao gồm can thiệp vào thị trường ngoại hối giao ngay và tổ chức họp báo đã đặt ra biên giới cho đồng Nhân dân tệ”, chuyên gia kinh tế Tommy Xie thuộc ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp. ở Singapore nhận xét. “Nếu tỷ giá Nhân dân tệ giao ngay ổn định trở lại trong những ngày tới, thì có lẽ đợt biến động tỷ giá này đã kết thúc”.

    Đợt phá đồng tiền quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1994 đã khiến thị trường tài chính toàn cầu bị sốc. Tuy vậy, sau hai ngày liên tục “đỏ lửa”, thị trường chứng khoán toàn cầu đã “xanh” trở lại trong phiên giao dịch hôm qua và sáng nay. 

    Ngoài ra, các đồng tiền mất giá mạnh sau khi Nhân dân tệ bị phá giá như đồng Ringgit của Malaysia, đồng Rupiah của Indonesia, đồng Đôla Australia, hay đồng Won Hàn Quốc... đã hồi phục nhẹ. 

    Theo giới phân tích, Bắc Kinh đang cố gắng tìm điểm cân bằng giữa một bên là hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu, một bên là đạt tới vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới cho đồng Nhân dân tệ. Nếu Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn nữa, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được lợi nhiều hơn, nhưng nước này có thể phải đối mặt với sự tháo chạy của các dòng vốn và bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trì hoãn đưa Nhân dân tệ vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

    Theo cơ chế tỷ giá mới của Trung Quốc, thị trường sẽ giữ vai trò lớn hơn trong việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày đồng Nhân dân tệ. Theo đó, để thiết lập tỷ giá tham chiếu, các nhà tạo lập thị trường (market maker) đăng ký đóng góp giá hàng ngày sẽ phải xem xét giá đóng cửa của ngày hôm trước, nhu cầu ngoại hối và nguồn cung, cũng như thay đổi tỷ giá của các đồng tiền chủ chốt trên thị trường.

    Bộ Tài chính yêu cầu giám sát chặt chẽ kê khai giá cước vận tải

     Ngày 14-8, Bộ Tài chính đã có công gửi Sở Tài chính các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.

    Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu: giá cước vận tải, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG),...; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh giám sát, rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; trong đó, đối với các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá xăng, giá dầu, giá các yếu tố đầu vào khác, trong quá trình kiểm tra, rà soát mức giá kê khai cần chú trọng rà soát chặt chẽ mức giá và yếu tố hình thành giá. Kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

    Riêng đối với giá cước vận tải bằng xe ô tô, Sở Tài chính yêu cầu doanh nghiệp vận tải bằng xe ô tô kê khai giá cước phù hợp với tác động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải.

    Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, qua theo dõi cho thấy xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường.


    Vedan phản đối bột ngọt giá rẻ Trung Quốc

    Chiều 13-8, Công ty Vedan cho biết đã nộp đơn đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để đề nghị áp dụng biện pháp tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu.

    Theo Vedan, bột ngọt nhập khẩu có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với giá nhập khẩu chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, giá bán trung bình trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg. Trong khi đó giá bán của bột ngọt Vedan cũng như các doanh nghiệp (DN) bột ngọt nội địa khoảng 45.000-50.000 đồng/kg.

    “Bột ngọt nhập khẩu được bán trực tiếp cho người tiêu dùng và cho các DN sản xuất hạt nêm, bột canh…, giành thị phần của bột ngọt trong nước nên chúng tôi yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ” - đại diện công ty này cho biết.

    Cục Quản lý cạnh tranh cho hay đã nhận được đơn của Vedan. Cục cũng đã phát đi thông báo đề nghị các DN khác trong nước cung cấp thêm thông tin về lượng sản xuất và ý kiến đồng ý/không đồng ý trong việc áp dụng biện pháp tự vệ.

    Biện pháp tự vệ thông thường là thuế tự vệ hoặc hạn ngạch nhập khẩu, được áp dụng với hàng nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến và gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa. Trong biện pháp này không xét đến việc hàng nhập khẩu có bán phá giá hay có được trợ cấp hay không.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn