TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 17-09-2018

    Cắt hàng loạt điều kiện kinh doanh lĩnh vực xây dựng

    Nghị định số 100/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2018 là một cú hích mạnh trong việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

    Theo Bộ Xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tế và phản ánh của một số tổ chức, cá nhân có liên quan thì một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập; chưa cụ thể, chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau; một số quy định còn phức tạp, cần phải được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập kinh tế - quốc tế.

     

    Nghị định số 100/2018/NĐ-CP được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và khắc phục một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

    Bộ Xây dựng cho biết, điểm nhấn nổi bật của Nghị định này là bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh.

    Cụ thể, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điểu kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản. 

    Theo đó, đã bãi bỏ 89 điều kiện, chiếm 41,3%; đơn giản hóa 94 điều kiện, chiếm 43,7%; giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35 % so với yêu cầu tối thiểu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

    Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản Luật. Trên cơ sở tham khảo những tiêu chuẩn và thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đề xuất, bãi bỏ một số điều kiện đầu tư kinh doanh đang được quy định trong các luật chuyên ngành.(Chinhphu)
    ----------------------

    Việt Nam vào nhóm 18 nền kinh tế hiệu quả vượt trội

    Báo cáo "Hiệu quả vượt trội: các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn" do Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) công bố nhân Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội, đánh giá Việt Nam là 1 trong 18 nền kinh tế có "hiệu quả vượt trội".

    Cụ thể, trong tổng số 71 nền kinh tế được MGI phân tích, có 18 nền kinh tế được đánh giá "vượt trội". Trong đó, 7 nền kinh tế đã tăng trưởng GDP bình quần đầu người hơn 3,5% trong vòng 50 năm từ 1965 đến 2016, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.

    11 nền kinh tế còn lại có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn với mức 5%/năm trong khoảng thời gian ngắn hơn 20 năm từ 1996 đến 2016. Đó là Azerbaijan, Belarus, Campuchia, Ethiopia, Ấn Độ, Kazakhstan, Lào, Myanmar, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

    Theo bà Anu Madgavkar, Phụ trách MGI tại Ấn Độ, dù có sự khác biệt giữa tính chất và chính sách của các nền kinh tế này nhưng các nền kinh tế được đánh giá "vượt trội" đều có sự tương đồng bởi hai yếu tố cơ bản trong mô hình tăng trưởng kinh tế. 

    "Thứ nhất, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tạo ra vòng tuần hoàn về năng suất, thu nhập và nhu cầu, từ đó khuyến khích tiết kiệm, bảo đảm ổn định và thúc đẩy cạnh tranh. Thứ hai, vai trò trọng yếu của các doanh nghệp lớn trong thúc đẩy năng suất và tăng trưởng", bà Anu nhận định.

    Việc giải mã mô hình của các nền kinh tế "vượt trội", sự phối hợp giữa chính sách nâng cao năng suất và các động lực cạnh tranh tại nền kinh tế mới nổi, theo Chủ tịch MGI kiêm Giám đốc Hợp danh cao cấp Văn phòng McKinsey tại San Francisco, sẽ giúp đúc kết bài học hữu ích cho tất cả các quốc gia bao gồm các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế đã phát triển, trong bối cảnh tăng trưởng năng suất toàn cầu đang suy yếu.

    Đánh giá về Việt Nam, bà Anu cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nhiều sáng kiến, đổi mới về công nghệ. Điều này thể hiện rất rõ ở tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng GDP thời gian qua thông qua những giải pháp công nghệ, thúc đẩy năng suất lao động. 

    "Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội nếu chuẩn bị những nền tảng tốt nhất cho bối cảnh mới này diễn ra từ kỹ năng nghề nghiệp của người lao động tới đội ngũ nhân công chất lượng cao...", bà Anu nhấn mạnh.

    Tuy nhiên, đại diện MGI cũng cảnh báo quá trình này của Việt Nam có thể không suôn sẻ khi Việt Nam phải đối mặt với vấn đề già hoá dân số. "Nguồn lao động dồi dào với chi phí rẻ, lợi thế dân số trẻ sẽ trở thành hồi ức trong lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo tính toán của chúng tôi, các quốc gia ASEAN sẽ có khoảng 10% dân số có độ tuổi trên 65 vào năm 2030. Đây là thách thức mà các bạn phải đối mặt trong tương lai", bà Anu dự báo.

    Bên cạnh vấn đề về nhân khẩu học, quá trình đô thị hoá, sự dịch chuyển lao động từ khu vực có mức lương thấp sang khu vực có mức lương cao hơn sẽ diễn ra rất mạnh. "Song đây không phải là vấn đề quá tiêu cực nếu có giải pháp phòng ngừa", bà Anu cho biết.

    Liên quan tới hướng đi của Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra gần đây, đại diện MGI cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất định, triển vọng thương mại sẽ rất khó dự đoán. Vì vậy, Việt Nam cần phải có giải pháp chắc chắn để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó một cách linh hoạt với sự bất định này.

    "Trong đó, yếu tố nền tảng là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất trong xuất nhập khẩu hướng tới tìm kiếm cơ hội mới, thị trường mới, ngành hàng mới có nhiều giá trị gia tăng", bà Anu khuyến nghị.

    Trong khi đó, ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành, Ban Thư ký APEC cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng có dấu hiệu leo thang, sự sụt giảm xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc sang Mỹ sẽ có những tác động nhất định thương thương mại hàng hoá và dịch vụ của khu vực ASEAN cũng như Việt Nam.

    "Một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc được thực hiện tại ASEAN trước khi quay trở về Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Vì thế, chính sách áp đặt thương mại của Mỹ lên Trung Quốc tác động tới khu vực này", ông Alan bình luận.

    Cũng theo ông Alan, cùng với sự sụt giảm thương mại với Mỹ, nhiều doanh nghiệp của Mỹ tại Trung Quốc đang cân nhắc rút đầu tư khỏi Trung Quốc hay thay đổi quy trình sản xuất trong chuỗi giá trị, tất nhiên không phải ngay lúc này.

    "Nhưng chuyển dịch đầu tư thời gian tới chắc chắn khá phức tạp. Việt Nam quan tâm tới sự chuyển dịch này", ông Alan cho biết.(Vneconomy)
    ---------------------------

    ODA có còn là vốn rẻ?

    Hàng loạt dự án vay vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) sử dụng kém hiệu quả, bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, bộc lộ nhiều hạn chế.

    Bộc lộ hạn chế

    Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 - 2017 đạt 9.198 triệu USD; trong đó, vốn vay ODA 6.781 triệu USD, vay ưu đãi 2.200 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD. Lãi suất thấp, thời hạn vay dài, thường từ 25 - 40 năm và thời gian ân hạn hợp lý (từ 5 -10 năm), vốn ODA đã giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn kỹ thuật tài chính quan trọng, giúp chuyển giao tri thức, đổi mới, sáng tạo và là đòn bẩy, chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước.

    Trong báo cáo Định hướng thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025 trình Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã cảnh báo, vốn vay ODA bắt đầu bộc lộ hạn chế như lãi suất xu hướng tăng dần. Nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ, có thể rơi vào bẫy "ODA và vay ưu đãi" khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

    Thực tế, ngay cả Nhật Bản - quốc gia ưu ái vốn ODA cho Việt Nam nhất - cũng ngày càng cấp vốn đắt và điều kiện khắt khe. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về việc thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018 nêu rõ, từ ngày 1/10/2017, lãi suất vay thông thường của nước này cho Việt Nam tăng từ 1,2%/năm lên 1,5%/năm, lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong một số lĩnh vực tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm.

    Cùng với đó, phía Nhật Bản yêu cầu mức lương để lập dự toán các dự án vay vốn tài khóa 2018 khoảng 30.000 USD/tháng/người, chưa kể các khoản phụ cấp. Mức này cao hơn 20 - 25% so với mức lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vay vốn ODA...

    Chuẩn bị chiến lược rút lui

    Trong báo cáo trình Thủ tướng, để thu hút, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Chính phủ có quan điểm chỉ đạo thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài cho phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, chỉ cung ứng vốn ODA cho chương trình, dự án cần thiết kế với quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả tối đa, tác động lan tỏa mạnh, đáp ứng như cầu phát triển và tích cực đàm phán để tranh thủ tối đa các điều kiện ưu đãi.

    Trong định hướng mới về thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài, Bộ KH&ĐT đề xuất, vốn vay ODA và vay ưu đãi chỉ nên chiếm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò vốn mồi, chất xúc tác cho nguồn vốn khác. Ưu tiên sử dụng trong các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn…

    "Việt Nam cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui. Vốn ODA chỉ là kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược để tiếp cận các yếu tố mà không cần ODA, tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để tiệm cận dần đến trình độ quốc tế" - Bộ KH&ĐT kiến nghị.

    Đến nay, Việt Nam đã ký 84 tỷ USD vốn ODA, dư nợ nước ngoàiChính phủ đến năm 2017 là 45,8 tỷ USD, khoảng 20,52% GDP và tỷ lệ ODA giải ngân/nợ nước ngoài Chính phủ chiếm 7,9%, đòi hỏi phải sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn.(Baocongthuong)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn