Tin kinh tế đọc nhanh 19-01-2018
Kim loại hiếm - Ẩn họa đối với nền kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu do năng lượng hóa thạch, nhân loại đang tìm cách chuyển sang "nền kinh tế xanh" thân thiện với môi trường. Giống như hai lần trước (dựa vào than đá và dầu mỏ), cuộc cách mạng công nghiệp lần này cũng phải dựa vào một nguồn tài nguyên thiết yếu đó là các kim loại hiếm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nền kinh tế phụ thuộc vào kim loại hiếm sẽ chứa đầy hiểm họa.
Trên thực tế, trong thời gian qua, con người khai thác các kim loại phổ biến, như sắt, vàng, bạc, đồng, chì hay nhôm… Tuy nhiên, từ những năm 1970, người ta bắt đầu biết cách sử dụng các phẩm chất kỳ diệu về hóa học, về điện từ của hàng loạt kim loại hiếm, vốn ẩn chứa trong các loại quặng, với tỉ lệ hết sức nhỏ. Các kim loại hiếm với những tên gọi bí ẩn như “graphite, vanadium, germanium, platinoïdes, tungstène, antimoine, béryllium, fluorine, rhénium, prométhium…” trong tự nhiên thường trộn lẫn với các quặng kim loại phổ biến nhất. Để chiết ra được một kg vanadium cần đến 8,5 tấn quặng, phải 16 tấn quặng mới có được một kg cerium, 50 tấn quặng cho một kg gallium, và phải 1.200 tấn quặng mới có được một kg lutécium.
Theo giới phân tích, nếu vào thế kỷ 19, nước Anh thống trị thế giới nhờ vị thế bá chủ trong lĩnh vực sản xuất than, thì một phần thế kỷ 20 có thể được giải thích qua việc Mỹ và Arab Saudi tăng cường khai thác dầu mỏ và kiểm soát các tuyến đường lưu thông huyết mạch để bảo vệ nguồn năng lượng này. Đối với thế kỷ 21, Trung Quốc hiện đang thống trị các nguồn tài nguyên kim loại hiếm và đi đầu trong việc tiêu thụ. Trung Quốc không chỉ đứng đầu thế giới về sản xuất các kim loại hiếm, mà còn cả về tiêu thụ. Để phục vụ nhu cầu của thị trường 1,4 tỷ dân, Trung Quốc hút tới 45% sản lượng kim loại hiếm toàn cầu, cũng tương tự với các sản phẩm nông nghiệp, dầu mỏ, sữa bột hay rượu vang. Do đó, việc phương Tây chuyển đổi sang nền kinh tế xanh được ví như đang tự nhảy vào miệng "rồng" Trung Quốc. Chỉ cần Bắc Kinh siết chặt việc xuất khẩu các nguồn kim loại này, hậu quả kinh tế và xã hội tại Paris, New York hay Tokyo sẽ là cực kỳ nghiêm trọng. Trong khi đó, kim loại hiếm cũng sẽ tác động về mặt quân sự và địa chính trị. Nếu xảy ra nạn khan hiếm kim loại hiếm, hàng loạt phương tiện quân sự tối tân của phương Tây, như người máy, vũ khí tin học, phi cơ chiến đấu F-35... cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, "cơn khát kim loại hiếm" trong thế kỷ 21 được dự báo sẽ ngày một tăng, đặc biệt trong bối cảnh mức độ hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ giữa các nước phương Tây và các quốc gia đang trỗi dậy. (Baohaiquan)
---------------------------
Năm 2018: Sẽ giải ngân trên 31.000 tỷ đồng vốn giao thông
Năm 2018, ngành Giao thông Vận tải lên kế hoạch sẽ giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao, dự kiến khoảng trên 31.229,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước khoảng 21.229,5 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách.
Số liệu trên được Bộ Giao thông Vận tải công bố tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành này, diễn ra ngày 18/1 tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk và TP.HCM.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong năm 2017, việc giải ngân đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của Bộ Giao thông Vận tải không đạt kế hoạch.
Cụ thể, Bộ này chỉ giải ngân được khoảng 60.761,5 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch do Chính phủ giao. Trong số này, các nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp nhất là vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ (78,5%), vốn vay nước ngoài (91,7%), vốn từ ngân sách (93,5%).
Về kết quả tái cấu trúc các DNNN trong ngành Giao thông Vận tải, theo báo cáo, tính đến hết năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ về mô hình hoạt động, kết quả tái cơ cấu và phương án, giải pháp cơ cấu lại các Tổng công ty VEC, Cửu Long CIPM, SBIC; đã thực hiện tăng vốn điều lệ và đăng ký giao dịch cổ phiếu CTCP Bệnh viện Giao thông Vận tải; đã công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và đang chuẩn bị trình Chính phủ phương án bán phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Kế hoạch trong năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện và giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao, dự kiến là 31.229,53 tỷ đồng. Trong đó, vốn có nguồn gốc ngân sách khoảng 21.229,53 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong năm nay Bộ này cũng sẽ trình Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 5 Tổng công ty (bao gồm: Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam; Công nghiệp tàu thủy, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long).
Bên cạnh đó, sẽ tích cực thực hiện cổ phần hóa 2 Tổng công ty lớn là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ngay sau khi các phương án tái cơ cấu của các DN này được Chính phủ phê duyệt.(TBNH)
-----------------------
Indonesia công bố báo cáo vụ điều tra chống bán phá giá tôn màu nhập khẩu từ Việt Nam
Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) yêu cầu các bên liên quan được khuyến nghị gửi bình luận bằng văn bản (bản cứng và bản mềm) về Báo cáo này không muộn hơn ngày 22/1 và gửi lại KADI.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) công bố Báo cáo về dữ kiện trọng yếu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Ngày 9/1/2018, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đã công bố Báo cáo về dữ kiện trọng yếu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam (Mã HS: 7210.70.10.00, 7212.40.10.00, và 7212.40.20.00).
Theo đó, các bên liên quan được khuyến nghị gửi bình luận bằng văn bản (bản cứng và bản mềm) về Báo cáo này không muộn hơn ngày 22/1 và gửi lại KADI.
Mặt khác, KADI sẽ tổ chức phiên điều trần công khai về vụ việc vào ngày 26/1. KADI cũng lưu ý, các ý kiến bình luận trình bày tại buổi điều trần và danh sách đăng ký tham gia phiên điều trần phải được gửi tới KADI trước ngày 22/1/2018 (chỉ những đại diện đã gửi đăng ký tham gia tới KADI mới có thể tham dự buổi điều trần).
Trước đó, ngày 23/12/2016, KADI đã khởi xướng điều tra CBPG đối với sản phẩm liên quan nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.(NDH)
-----------------------------
Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam đạt 6,8% năm 2018
“Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 đạt mức 6.8%, với động lực chính là hoạt động sản xuất đang duy trì mạnh mẽ”
Dự báo này được đưa ra tại sự kiện thuyết trình kinh tế toàn cầu thường niên của Standard Chartered được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút các đại diện cấp cao đến từ hơn 100 khách hàng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài của Ngân hàng.
Ông Chidu Narayanan, Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Đây là mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây, đúng theo dự báo của Standard Chartered và cao hơn mức kỳ vọng chung. Việt Nam sẽ tăng trưởng trong trung hạn nhờ hoạt động sản xuất diễn ra mạnh mẽ khi dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiếp tục duy trì ở mức cao”.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á chia sẻ: “Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều được cải thiện trong năm 2017, qua đó giúp giảm thiểu nguy cơ bất ổn của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh trong xuất khẩu của Việt Nam so với các nền kinh tế ASEAN khác, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xây dựng lòng tin của công chúng đối với năng lực quản lý và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm 2018”.
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất về Việt Nam của Standard Chartered, lĩnh vực sản xuất được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2018, với sự hỗ trợ của dòng vốn FDI và nhu cầu lớn đối với mặt hàng điện tử trên toàn cầu. Xuất khẩu hàng điện tử sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn, qua đó tạo ra thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng chung.
Standard Chartered Việt Nam dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm nay, đạt gần 15 tỷ USD, và vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng điện tử, sẽ duy trì ở mức cao trong trung hạn.
Báo cáo cũng dự đoán mức tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ sẽ hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong đó đi đầu là hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ ở trong nước.
Lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp gần 40% cho nền kinh tế, tăng trưởng 7,45% trong năm 2017, mức cao nhất kể từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Lĩnh vực xây dựng cũng sẽ tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng đạt gần 10% trong năm 2018, sau khi chậm lại trong cả năm 2017.
Ngoài ra, nhóm Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered cũng đưa ra một số điểm nổi bật về Việt Nam năm 2018 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù thấp hơn năm 2017, đạt gần 15 tỷ USD. Xuất khẩu sẽ tăng mạnh đạt gần 20%, trong đó dẫn đầu là xuất khẩu hàng điện tử. Lạm phát sẽ gia tăng, đạt trung bình 4%. Chính sách lãi suất ổn định, và đồng Việt Nam (VND) tăng giá nhẹ. Dự báo tỷ giá USD – VND ở mức 22.650 vào quý 2 và 22.600 vào cuối năm 2018.(TBNH)