TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 21-02-2016

    Smartphone sẽ vượt tablet trong thương mại di động

    Đến năm 2017, doanh số mua hàng qua smartphone dự kiến đạt 75,51 tỷ USD, chiếm 50% thị trường thương mại di động.

    Theo số liệu của hãng nghiên cứu eMarketer, chi tiêu của người tiêu dùng thông qua điện thoại thông minh trong năm 2015 tăng 95% so với năm trước. Số người Mỹ dùng điện thoại thông minh để mua hàng trực tuyến cũng tăng cao.

    smartphone se vuot tablet trong thuong mai di dong

    Smartphone sẽ vượt tablet trong thương mại di động

    Doanh thu của thương mại di động (M-commerce) từ điện thoại thông minh năm 2015 đã tăng lên 39,4 tỷ USD so với mức 20,12 tỷ trong năm 2014. eMarketer cho rằng, thị trường M-commerce trong phân khúc smartphone thời gian tới sẽ có sự bùng nổ với bước tăng trưởng lên đến 38%.

    Dự báo tăng trưởng được eMarketer đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ. Bên cạnh đó, hãng cũng sử dụng kết quả từ các đơn vị nghiên cứu khác, những xu hướng lịch sử, báo cáo và ước tính doanh thu từ các nhà bán lẻ trực tuyến lớn, phân tích xu hướng người tiêu dùng mua trực tuyến và điều kiện kinh tế vĩ mô.

    Sự tăng trưởng doanh thu trực tuyến ngoài kỳ vọng của các ứng dụng trên smartphone do người dùng ngày càng được hỗ trợ tốt khi dùng điện thoại thông minh. Kích thước màn hình lớn hơn, sự phổ biến của iPhone 6, 6S và 6S Plus giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn. Các nhà bán lẻ cũng tăng cường tối ưu hóa trang web của họ cho điện thoại thông minh.

    Chuyên gia nghiên cứu Yory Wurmser của eMarketer cho biết đến năm 2017, doanh số bán lẻ của điện thoại thông minh sẽ là 75,51 tỷ USD và chiếm 50% thị phần thương mại di động, vượt qua máy tính bảng khi đó sẽ xuống mức 48,7% thị phần. Đến năm 2020, mua hàng qua điện thoại thông minh sẽ lên đến 129,44 tỷ USD và chiếm 53,5% doanh thu thương mại di động.

    Ông Wurmser cũng nhấn mạnh trong khi tổng thể thương mại điện tử phát triển 13-14% mỗi năm thì doanh số mua hàng qua máy tính để bàn chỉ tăng ở mức một con số. Còn thương mại di động trong năm 2016 sẽ chiếm 32% doanh thu thương mại điện tử và 2,6% tổng doanh số bán lẻ. Doanh số mua hàng qua điện thoại thông minh tiếp tục lấn át máy tính bảng trong thương mại di động và sẽ vượt mặt vào năm 2020.


    Nga sẽ cần tới khoảng 11,7 tỷ USD để chấn hưng nền kinh tế

    nga se can toi khoang 11,7 ty usd de chan hung nen kinh te

    Nga sẽ cần tới khoảng 11,7 tỷ USD để chấn hưng nền kinh tế


    Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết kế hoạch hồi sinh nền kinh tế đất nước sẽ cần tới khoảng 880 tỷ ruble (11,7 tỷ USD).

    Một phần khoản tiền trên đã được đưa vào trong ngân sách 2016 của Nga, song chính phủ "xứ sở Bạch dương" vẫn cần tìm kiếm các nguồn tài chính bổ sung.​

    Theo ông Ulyukayev, khoảng 185 tỷ ruble sẽ lấy từ quỹ chống khủng hoảng và hiện Nga vẫn còn một khoản tiền để lại từ ngân sách năm 2015, nhưng chừng đó không đủ đáp ứng kế hoạch trên.​

    Với việc giá dầu thế giới vẫn đang ở dưới mức dự kiến, Chính phủ Ngaphải nỗ lực duy trì nền kinh tế trong nước không rơi quá sâu vào tình trạng suy giảm, trong khi vẫn cố gắng kiểm soát tình hình thâm hụt ngân sách.

    Trong khi đó, theo Thứ trưởng Tài chính Nga Maxim Oreshkin, ngân sách của nước này có thể thể thâm hụt cao hơn mức tương đương 4% Tổng sản phảm trong nước (GDP) nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức hiện thời./.


    Mỹ lo lắng trước làn sóng mua công ty của Trung Quốc

    Giới chức Mỹ đang ngày càng cân nhắc nhiều thương vụ thâu tóm từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, số liệu Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

    Những con số này nằm trong một báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ nộp lên Quốc hội, cho thấy quá trình Mỹ xem xét vấn đề an ninh quốc gia của các thương vụ mua bán quốc tế. Báo cáo đầy đủ gần đây nhất là năm 2014, với số thương vụ bị cân nhắc nhiều nhất 6 năm - 147 trường hợp.

    Trong đó, có tới 24 là đề xuất từ Trung Quốc, vượt kỷ lục năm 2013. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp nước này dẫn đầu về số thương vụ bị nghi ngờ.  Báo cáo này càng khẳng định Mỹ rất quan tâm đến rủi ro an ninh từ các thương vụ với Trung Quốc. Thời gian gần đây, người Trung Quốc ngày càng mua nhiều tài sản Mỹ, có khả năng biến 2016 thành năm kỷ lục đầu tư xuyên biên giới của nước này.

    san chung khoan chicago co the ve tay trung quoc. anh: atimes

    Sàn Chứng khoán Chicago có thể về tay Trung Quốc. Ảnh: Atimes

    Bắc Kinh đặc biệt hứng thú với mảng sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ, coi đây là một cách phát triển sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Trong thời đại ngày càng có nhiều lo ngại về đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và các vụ tấn công mạng, những đề xuất mua lại gần đây đang làm giới chức Mỹ lo lắng về rủi ro an ninh quốc gia.

    Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) gần đây đã phải tăng cường rà soát các thương vụ mà quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ về tay Trung Quốc. Dù cơ quan này có thể kiến nghị Tổng thống Mỹ chặn lại chúng, họ cũng chẳng mấy khi phải động tay làm việc này.

    Hồi tháng 1, Royal Philips đã hủy thương vụ bán mảng bóng đèn cho một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc, sau khi nghe cảnh báo từ CFIUS. Các nhận xét của cơ quan này cũng có ảnh hưởng lớn đến nhiều thương vụ tiềm năng hiện tại, khiến Fairchild Semiconductor International tuần này từ chối lời chào mời mua lại từ Trung Quốc. Fairchild cho rằng thương vụ này có quá nhiều rủi ro và CFIUS có thể sẽ không thông qua.

    Các thành viên của cơ quan này đến từ Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và An ninh nội địa. Họ có quyền thêm vào vụ giao dịch các điều khoản để hạn chế rủi ro an ninh. Hoạt động của CFIUS luôn được giữ bí mật.

    Sau Trung Quốc, các nước mua nhiều tài sản Mỹ nhất là Anh, Canada và Nhật Bản. Số thương vụ bị nghi ngờ năm 2014 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó. Đầu tư vào Mỹ chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất.

    Một trong những thương vụ đang được cân nhắc hiện tại là Tập đoàn Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (CNCC) hỏi mua Syngenta, Western Digital chào bán 15% cổ phần cho Tsinghua Unisplendour và khả năng Sàn chứng khoán Chicago (CSE) được bán cho Chongqing Casin Enterprise Group.


    Trung Quốc sa thải quan chức chứng khoán

    Xiao Gang - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã bị cách chức sau hàng loạt sai lầm khiến chứng khoán nước này bị bán tháo thời gian qua.

    Xinhua cho biết người lên thay thế là Liu Shiyu - lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC). Đây là nhà băng quốc doanh lớn của nước này.Năm nay, chỉ số Shanghai Composite đã mất 19%, sau khi CSRC áp dụng cơ chế cầu chì - tự ngắt giao dịch khi biến động quá lớn, nhằm bảo vệ cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, cơ chế này lại phản tác dụng khi khiến nhà đầu tư thêm hoảng loạn và tháo chạy khỏi thị trường. Chỉ số nhỏ hơn - Shenzen Composite, gồm nhiều cổ phiếu công nghệ, cũng mất 20% năm nay.

    xiao gang - cuu chu tich uy ban chung khoan trung quoc. anh: bloomberg

    Xiao Gang - cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

    Từ tháng 6 năm ngoái, chứng khoán Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư phải dè chừng. Sau khi liên tiếp lập kỷ lục nửa đầu năm, bong bóng chứng khoán nước này vỡ vụn. Chỉ số Shanghai Composite lao dốc, quét sạch một phần ba vốn hóa thị trường trong chưa đầy một tháng.

    Giới chức Trung Quốc sau đó đã áp dụng nhiều biện pháp để chặn đà giảm. Trong đó có cấm cổ đông lớn bán ra, hạn chế bán khống và điều tra nhiều cá nhân họ cho là đã thao túng thị trường.

    CSRC đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực giải cứu này. Dù vậy, các biện pháp trên gần đây có vẻ đã hết tác dụng.

    Xiao ra đi sau khi ông đưa ra nhận xét thành thật một cách bất ngờ về thị trường chứng khoán Trung Quốc. "Sự biến động trên cho thấy một hệ thống giao dịch không hoàn chỉnh, một thị trường không hoàn hảo và hệ thống quản lý không thích ứng được. Nó cũng cho thấy nhiều lỗ hổng, sự điều chỉnh sai lầm và kém hiệu quả trong công tác giám sát của CSRC", Xiao cho biết trong một cuộc họp của quan chức chứng khoán Trung Quốc đầu năm nay.  

    Xiao năm nay 57 tuổi, là cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và được chỉ định làm Chủ tịch CSRC năm 2013


    TS Võ Trí Thành: 'Phải bỏ tính đố kỵ với người dẫn dắt'

    Các doanh nghiệp Việt mới chỉ tận dụng được 30% lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại.

    Khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam không nên chỉ ủng hộ nhóm yếu thế. Quan trọng hơn, phải ủng hộ những doanh nghiệp đi tiên phong, bất kể đó là doanh nghiệp nhỏ hay tập đoàn lớn.

    Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh quan điểm trên trong hội thảo “TPP - những điều doanh nghiệp cần biết” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

    TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong hội nhập, xu hướng, hỗ trợ (vốn, đất đai, nguồn nhân lực…) nhóm nào yếu thế để họ vươn lên là cách nhìn rất đúng. Nhưng quan trọng hơn là phải ủng hộ người thắng cuộc, người đi trước trong cuộc hội nhập đỉnh cao này.

    neu tan dung tot co hoi, cac doanh nghiep viet se co ti le thang nhieu hon trong thi truong quoc te.  trong anh: gioi thieu gao xuat khau tai hoi cho quoc te nong nghiep tai tp.hcm. anh: htd

    Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp Việt sẽ có tỉ lệ thắng nhiều hơn trong thị trường quốc tế.  Trong ảnh: Giới thiệu gạo xuất khẩu tại hội chợ quốc tế nông nghiệp tại TP.HCM. Ảnh: HTD

    “Không một cuộc hội nhập thành công nào mà lại thiếu những người dẫn đầu và thành công. Chúng ta phải bỏ tính đố kỵ đối với người dẫn dắt, đi tiên phong” - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

    TS Thành cũng cho rằng cách hiểu không đầy đủ về TPP là một điều đáng lo ngại. Hiệp định này không chỉ là tiếp cận thị trường. Điều quan trọng là nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch trong sản xuất, kinh doanh giữa các thành phần kinh tế. Chính sách của mỗi quốc gia không còn bị giới hạn bằng biên giới hữu hình nữa.

    “Trong khi Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa nói và làm. Điều này có thể vấp phải sự giám sát và cơ chế xử lý vi phạm nghiêm khắc” - ông Thành cảnh báo.

    Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằngViệt Nam hiện nằm trong bốn nước có trình độ phát triển thấp nhất ASEAN. Tuy vậy Lào, Campuchia và Myanmar vài năm gần đây đều tăng trưởng rất nhanh.

    Cũng vì lý do này mà trong hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tận dụng được 30% lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết, 70% còn lại được khu vực đầu tư nước ngoài tận dụng tốt.

    “30 năm đổi mới nhưng cảm nhận của người dân và doanh nghiệp môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn nửa nhà nước, nửa thị trường. Nay chấp nhận vào sân chơi TPP thì không thể tiếp tục “chơi” theo kiểu này” - bà Chi Lan nói.

    Bà Lan phân tích cạnh tranh trong hội nhập sẽ xảy ra hai khả năng thắng và thua. Nếu tận dụng tốt cơ hội thì tỉ lệ thắng nhiều hơn. Bà Lan ví von: “Chúng ta không thiếu những luật, văn bản chính sách tốt… nhưng vẫn còn khoảng cách xa vời giữa “miệng và tay”.

    Nêu một thực tế về Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, bà Chi Lan nhìn nhận nghị quyết đặt ra môi trường đầu tư kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn ASEAN 6 và vươn lên mức ASEAN 4. Thế nhưng chỉ có một số bộ  và tỉnh, thành hưởng ứng tích cực, còn lại vẫn đang thờ ơ.

    “Sự thờ ơ, không nhúc nhích để chuyển đổi môi trường kinh doanh tốt hơn là điều đáng ngại nhất” - bà Chi Lan nhấn mạnh.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn