TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 23-11-2015

    PVN đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu cho xăng dầu Dung Quất

    pvn de nghi dieu chinh thue nhap khau cho xang dau dung quat

    PVN đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu cho xăng dầu Dung Quất

    Ngày 20/11, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có công văn gửi lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu áp dụng cho xăng dầu Dung Quất từ nay đến cuối năm.

    Theo đó, PVN đề nghị xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng dầu diezen (DO) giảm về mức 7%, mặt hàng hạt nhựa PP giảm về mức 0%.

    Giải thích về kiến nghị này, ông Nguyễn Hoài Giang cho rằng, theo cam kết trong ASEAN, hiện nay thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng với các mặt hàng từ ASEAN, cụ thể xăng 20%, dầu DO là 5%, nhiên liệu phản lực (Jet A1) là 5%. Năm 2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu DO và Jet A1 các nước ASEAN sẽ về 0%.

    Trong khi đó, thuế suất áp dụng cho xăng dầu Dung Quất lần lượt là xăng 20%, dầu DO 10% và nhiên liệu phản lực (Jet A1) là 10%. Tính toán cơ học có thể nhận thấy, giá bán sản phẩm dầu DO của Dung Quất chịu thuế cao hơn 5% so với hàng cùng chủng loại nhập từ Singapore hoặc Thái Lan (những nước xuất khẩu dầu DO cho Việt Nam).

    Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Hoài Giang khẳng định: “Việc Tập đoàn kiến nghị như trên nhằm đảm bảo sự cạnh tranh thị trường lành mạnh, bình đẳng giữa sản phẩm do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất ra và sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ các nước ASEAN.”

    Cũng theo giải thích từ phía Công ty, hiện nay, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu làm cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chuyển sang mua các sản phẩm nhập khẩu từ các nước ASEAN để hưởng chênh lệch thuế, khiến xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất gặp khó trong khâu tiêu thụ.

    Đến đầu năm 2016, nếu không được điều chỉnh kịp thời khả năng các đối tác sẽ không ký kết với Công ty và sẽ tạo một lượng xăng dầu tồn kho lớn. Khi đó, Công ty buộc phải tạm dừng hoạt động vì lượng hàng tồn kho lớn, không đủ chỗ chứa.

    Do vậy, PVN kiến nghị Chính phủ trong ngắn hạn, xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu để đảm bảo sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất không bị dồn ứ.

    Trên thực tế, nếu Chính phủ điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng DO giảm về mức 7%, cũng đồng nghĩa sẽ thất thu một khoản tiền không nhỏ đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhất là trong khoản thu thuế điều tiết từ các sản phẩm của nhà máy.

    Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một trong những công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia. Năm 2015, Công ty BSR đã “về đích sớm” 50 ngày về chỉ tiêu sản lượng sản xuất. Nhà máy luôn hoạt động an toàn, ổn định và liên tục ở 103%-105% công suất.

    Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2015, Công ty BSR đạt doanh thu 81.652 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 18.297 tỷ đồng, vượt 114% kế hoạch năm.

    Lũy kế 7 năm qua, Công ty BSR đã sản xuất gần 36,3 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại; đạt doanh thu thuần trên 710 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 120,3 ngàn tỷ đồng.


    Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam đạt mức kỷ lục 2,5 tỷ USD

    Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 20/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

    Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược hai nước đã phát triển lên một tầm cao mới, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả.

    Hai Thủ tướng đi sâu trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và biện pháp cụ thể triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai nước; nhất trí tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại, đẩy mạnh triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”; thúc đẩy hợp tác năng lượng điện hạt nhân, đặc biệt trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

    Về hợp tác giáo dục, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy dự án Trường Đại học Việt - Nhật sớm đi vào triển khai từ năm 2016.

    Thủ tướng Shinzo Abe thông báo quyết định tiếp tục viện trợ ODA trị giá 172 tỷ yên cho 3 dự án là Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 01 (Bến Thành – Suối Tiên), Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dự án cải tạo môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, đưa khoản ODA Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 300 tỷ yên, tương đương 2,5 tỷ USD trong năm tài khoá 2015. Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Quỹ tín dụng 110 tỷ USD về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á.

    Hai Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các cơ chế hợp tác quốc tế, thúc đẩy phê chuẩn và triển khai TPP, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy đạt được thoả thuận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu sắp tới tại Paris, Pháp (COP21).

    Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, tự do, an ninh, an toàn, hàng hải và hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực thi nghiêm túc và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC, không quân sự hoá ở Biển Đông.

    Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sớm thăm lại Việt Nam.


    Kết nối đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị Nhật Bản

    Trong Agrotex 2015 sẽ có riêng chương trình kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp tại ĐBSCL và hệ thống siêu thị Aeon Nhật Bản để tiêu thụ nông sản Việt.
    Thông tin được Ban tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị sản phẩm - Agrotex 2015 công bố trong buổi họp báo diễn ra trong ngày 18.11 tại Hà Nội.
    Agrotex 2015 diễn ra từ ngày 2 - 6.12 tại TP.Cần Thơ, thu hút 220 doanh nghiệp đăng ký với 320 gian hàng. Trong nhóm doanh nghiệp ngoài nước, chiếm số lượng nhiều nhất là doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành nông nghiệp VN.
    Các gian hàng tại Agrotex tập trung giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chế biến sau thu hoạch, máy móc, thiết bị công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, công nghệ mới trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi. Trong khuôn khổ của Agrotex 2015, VCCI chủ trì tổ chức hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp khi VN gia nhập TPP, hội thảo ứng dụng công nghệ sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp xanh...

    Xây dựng hệ thống phân phối khí thấp áp

    Công ty CP phân phối khí thấp áp dầu khí VN (thành viên Tập đoàn dầu khí VN) hôm 20.11 ký hợp đồng thuê lô đất rộng 12.646 m2 tại Khu công nghiệp Hiệp Phước để đầu tư hệ thống phân phối khí thấp áp.
    Đây là sản phẩm khí được khai thác song hành với dầu thô; là nguồn nhiên liệu sạch, giá rẻ và được sử dụng phổ biến thay dầu.
    Khu công nghiệp Hiệp Phước là một dự án trọng điểm của TP.HCM trong chiến lược mở rộng thành phố về phía nam, có quy mô lớn nhất tại TP.HCM hiện nay với diện tích quy hoạch 2.000 ha.
    Đến nay, Hiệp Phước đã thu hút 117 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 527 triệu USD và hơn 12,5 ngàn tỉ đồng. Hiện đã có 90 dự án đi vào hoạt động…

    Ngay cả Vinamilk cũng khó đuổi kịp lợi nhuận của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

    Với ngành thức ăn chăn nuôi, hiện giá thành đầu vào rất thấp. Trong khi đầu ra do các tập đoàn nước ngoài khống chế giá bán nên lợi nhuận rất cao – ông Dương Ngọc Minh nhấn mạnh.

    Tranh luận tại Diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP, ông Dương Ngọc Minh – Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương – cho rằng ngành chăn nuôi còn cơ địa phát triển trong 10 năm nữa. Ông Minh không đồng ý với quan điểm cho rằng, khi gia nhập TPP ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt hại.

    Trong năm 2015, riêng các Tập đoàn nước ngoài đã đầu tư trên 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Việt Nam là nước có tổng đàn heo lớn thứ 4 thế giới. Trong tương lai, thậm chí còn có thể tăng thứ hạng thêm 1 bậc. Đáng tiếc là lĩnh vực này, doanh nghiệp Việt chưa tham gia đáng kể.

    Giá thành sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đang cao, theo ông Minh nguyên nhân chủ yếu là do lĩnh vực thức ăn chăn nuôi hiện đang do các doanh nghiệp nước ngoài điều tiết. Lợi nhuận mảng này, đặc biệt là mảng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện đang cực kỳ lớn. Ngay cả ông lớn Vinamilk cũng khó đuổi kịp.

    Với ngành thức ăn chăn nuôi, hiện giá thành đầu vào rất thấp. Trong khi đầu ra do các tập đoàn nước ngoài khống chế giá bán nên lợi nhuận rất cao – ông Minh nhấn mạnh.

    Ông Dương Ngọc Minh kiến nghị, để doanh nghiệp Việt tham gia và đủ sức cạnh tranh, phần lợi nhuận, đặc biệt là ngành nông nghiệp, cần được doanh nghiệp tăng cường tái đầu tư.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn