TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 31-03-2016

    ADB: Kinh tế Việt Nam duy trì sự ổn định

    Theo nhận định của chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trong Báo cáo triển vọng châu Á 2016 mới công bố sáng 30/3, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động.
    hop bao cong bo ra mat bao cao trien vong chau a 2016 (anh: k.t)

    Họp báo công bố ra mắt Báo cáo triển vọng châu Á 2016 (Ảnh: K.T)

    Sau những kết quả đạt được tốt hơn kỳ vọng trong năm 2015, Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2016 dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7%, sau đó sẽ tăng trưởng chậm hơn ở mức 6,5% trong năm 2017.

    Báo cáo nhận xét rằng động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tiêu dùng và cầu trong nước gia tăng, cùng với các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Song mặc dù nền kinh tế tăng trưởng khá tốt, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn, cả trong trước mắt và dài hạn.

    “Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam phải kiểm soát được ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm, đồng thời củng cố lại vùng đệm kinh tế vĩ mô để cho phép Việt Nam nâng cao được sức chống chịu trước bất kỳ cú sốc kinh tế mới nào trong tương lai,” ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đánh giá và cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp và hỗ trợ cho các doanh nghiệptrong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

    Trọng tâm của nhiệm vụ này là đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách sâu rộng hơn, không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra đối với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chuyên gia của ADB nhận định.

    Báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước sâu rộng hơn, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra cho nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cũng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp tăng cường hệ thống ngân hàng, bao gồm một kế hoạch rõ ràng nhằm xử lý nợ xấu, vì vấn đề này sẽ tiếp tục cản trở sự hình thành một khu vực tài chính hiệu quả và toàn diện.

    Mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do mới, song cũng sẽ phải chấp nhận một chi phí điều chỉnh đáng kể. Khi nền kinh tế mở cửa để đón nhận cạnh tranh nhiều hơn, và các tiêu chuẩn xuất khẩu ngặt nghèo hơn, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực kinh doanh ngày càng gia tăng. 

    “Để đảm bảo nền kinh tế có thể tối đa hóa được lợi ích từ các hiệp định thương mại, Chính phủ cần song hành để tạo ra một nền kinh tế có năng suất cao hơn, đổi mới sáng tạo hơn, để sẵn sàng thích ứng với áp lực cạnh tranh gia tăng,” ông Sidgwick nói thêm.

    Báo cáo kinh tế hàng đầu của ADB Triển vọng Phát triển Châu Á 2016 (ADO) là ấn phẩm cung cấp những phân tích toàn diện về các vấn đề kinh tế vĩ mô tại các nước đang phát triển của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đưa ra các dự báo tăng trưởng cho từng quốc gia và khu vực. 


    Giảm thiểu tác động môi trường tới DN đầu tư trực tiếp nước ngoài

    Hội thảo “Giảm thiểu các tác động môi trường liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức đã chính thức khai mạc sáng 30/3.

    Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Báo cáo nghiên cứu và trao đổi về khung pháp lý của Việt Nam, cũng như tình hình thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

    anh minh hoa

    Ảnh minh họa

    Pháp luật Việt Nam về môi trường và bảo vệ môi trường đã tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có quy định liên quan đến đánh giá tác động môi trường khá phù hợp với quy định trong luật pháp của EU, cung cấp cơ chế chính cho việc đánh giá và giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

    Tuy nhiên, năng lực thể chế của Việt Nam trong việc thực hiện có hiệu quả các khía cạnh pháp luật về môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những quy định đã được giới thiệu gần đây (ví dụ như đánh giá tác động môi trường và giám sát sau đánh giá tác động môi trường).

    Yêu cầu trước mắt và cấp bách (đặc biệt liên quan đến Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam) là định lượng và giải quyết những thiếu hụt năng lực thể chế của các tổ chức quản lý môi trường tại Việt Nam.

    Trong bối cảnh đó, Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Liên minh châu Âu (EU-MUTRAP) đã hỗ trợ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thực hiện hai công trình nghiên cứu về “Khung chính sách nhằm giảm thiểu tác động môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” và “Tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về giảm thiểu tác động môi trường của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”.

    Các nghiên cứu tập trung vào việc xem xét khung khổ pháp luật, chính sách nhằm giảm thiểu các tác động môi trường của các doanh nghiệp và liên doanh FDI và tình hình thực hiện các quy định về pháp luật môi trường của các doanh nghiệp đó.

    Từ đó, xây dựng chính sách và đưa ra những kiến nghị phù hợp trong thời gian tới nhằm hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động môi trường từ các dự án FDI, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU.

    Trong khuôn khổ nghiên cứu, các cuộc khảo sát/điều tra được thực hiện tại tỉnh Bắc Ninh với mục đích làm rõ thực trạng, nguyên nhân và việc thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường của các doanh nghiệp FDI tại các địa phương.

    Các bình luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo là cơ sở để Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương hoàn thiện báo cáo, đề xuất các khuyến nghị về giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ các dự án FDI.


    Bảo Việt: Lợi nhuận trước thuế đạt 1.469 tỷ đồng

    Ngày 30/3, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2015 (đã được kiểm toán). Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt 20.789 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.469 tỷ đồng.

    Với việc tập trung thực hiện những nhóm giải pháp để khơi thông, tối ưu hóa nguồn lực trong toàn hệ thống, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã hoàn thành vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.

    Cũng theo công bố trên, năm 2015, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Bảo Việt đạt 1.469 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.175 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch kinh doanh năm 2015.

    So với kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế vượt hơn 30 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ mảng kinh doanh truyền thống là lĩnh vực bảo hiểm hoàn thành xuất sắc kế hoạch.

    Trong cơ cấu lợi nhuận, những năm qua lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ luôn duy trì đóng góp tỷ trọng lớn nhất, năm 2015 chiếm 51% lợi nhuận hợp nhất; lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ chiếm 23%; lĩnh vực dịch vụ tài chính và khác đóng góp 26%.

    Năm 2016, là năm bản lề cho chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020, đối với Bảo Việt 2016 là năm khởi đầu cho chiến lược “Đầu tư chiều sâu vì sự phát triển bền vững”, với mốc doanh thu 1 tỷ USD.

    Trong năm 2016, Bảo Việt sẽ tăng cường phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, định hướng từ Công ty Mẹ để cải thiện chức năng quản trị rủi ro, tuân thủ, thúc đẩy công tác bán chéo, hợp tác nội bộ giữa các đơn vị thành viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mang lại tính đồng nhất cao và tăng cường sức mạnh hệ thống, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh hơn, năng động hơn trong giai đoạn 5 năm tới (2016-2020), nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng giá trị thương hiệu, đảm bảo tăng trưởng bền vững.


    ADB dự kiến cắt giảm ưu đãi ODA cho Việt Nam từ năm 2019

    "Tiếp bước" Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho biết sẽ ngừng một phần ưu đãi gói viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam kể từ 1/1/2019.
    cau nhat tan la mot trong cac du an su dung von vay oda

    Cầu Nhật Tân là một trong các dự án sử dụng vốn vay ODA

    Phát biểu tại cuộc Họp báo ra mắt Báo cáo triển vọng châu Á 2016 diễn ra sáng nay (30/3), ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, đối với ADB, Việt Nam được hưởng 2 nguồn vốn vay là Nguồn vốn thông thường (OCR) và Quỹ phát triển châu Á (ADF). Trong đó, phần đóng góp của ADF cho ADB được sử dụng để cho vay tại các quốc gia nghèo. Việt Nam hiện nằm trong nhóm hỗn hợp, gồm cả OCR và ADF.

    “Lãi suất trên toàn cầu đã rất thấp, nên ADF cao hơn OCR nhưng thời hạn dài hơn, do vậy ADF vẫn có lợi”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho hay.

    Theo đó, có một số tiêu chí để Việt Nam được vay vốn từ ADF là Thu nhập quốc dân (GNI) và chỉ số độ tin cậy tín dụng quốc gia. Theo ông Eric Sidgwick, GNI của Việt Nam đã đạt từ năm 2010 và hiện đã cao hơn so với tiêu chí của ADB. Về chỉ số độ tin cậy tín dụng quốc gia, Việt Nam đã vay vốn trên thị trường tài chínhquốc tế từ 2005 và chỉ số tín nhiệm quốc gia được các tổ chức như Standard & Poor's, Moody’s đánh giá.

    Lịch trình hiện tại thì từ ngày 1/1/2019, Việt Nam sẽ không được vay ADF nữa, chậm hơn một chút so với VN tốt nghiệp vay IDA (vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc nhóm WB - PV). Chúng tôi không thể quyết định được bởi điều này do các cổ đông của ADB quyết định, ông Eric Sidgwick cho biết.

    Kể từ 2017 trở đi, nguồn vốn đóng góp vào ADF sẽ kết chuyển với OCR, giúp tài sản của ADB lớn hơn. Vì vậy, ADB sẽ huy động được nhiều vốn hơn, nếu Việt Nam có được tốt nghiệp ADF thì sẽ được vay nhiều hơn từ OCR bởi nguồn vốn này sẽ phong phú hơn. OCR vẫn rẻ hơn so với đi vay thị trường tài chính quốc tế.

    Về vấn đề vay vốn của Chính phủ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Quốc gia của ADB, Aaron Batten cho rằng Việt Nam cần cố gắng vay với lãi suất thấp hơn. Chính phủ Việt Nam đã đúng khi áp dụng chính sách ngoại hối của mình, khi người dân không tích trữ ngoại hối nữa.

    “Để đảm bảo tăng được thanh khoản cho ngân hàng, Chính phủ phải áp dụng chính sách phù hợp vừa vay vốn trong nước và nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là Chính phủ Việt Nam sẽ phải trả lãi suất là bao nhiêu”, ông Aaron Batten nói.


    Vốn từ quỹ ngoại sẽ chảy mạnh vào khu vực tư nhân

    Các quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá, kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, kể cả khối kinh tế tư nhân, song doanh nghiệp phân khúc này chưa cạnh tranh được vì chất lượng quản trị công ty thấp hơn các tiêu chuẩn quốc tế. Chính điều đó sẽ tạo ra môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

    Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết, các doanh nghiệp mà Quỹ đầu tư có xu hướng phát triển đội ngũ quản trị hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh. Quỹ MEF III của MeKong Capital được khai trương giữa năm 2015 và đến nay đã huy động được hơn 87,4 triệu USD trên tổng số vốn cam kết tối đa là 150 triệu USD.

    Mekong Capital sẽ giải ngân 1-2 khoản đầu tư cho Quỹ MEF III vào các lĩnh vực, ngành hàng định hướng tiêu dùng của khối doanh nghiệp tư nhân như: bán lẻ, nhà hàng và dịch vụ khách hàng. “Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi đã phát triển được chuyên môn sâu rộng”, ông Chris nói và cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp trong khối kinh tế tư nhân sản xuất, kinh doanh về tiêu dùng, bán lẻ.

    Sản xuất tại Công ty TNHH Long Phương. Nguồn ảnh: bacninh.gov.vn.

    Mục tiêu của Mekong Capital vào thị trường Việt Nam là chỉ chọn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân. Theo ông Chris, kể từ giữa những năm 90, số lượng các doanh nghiệp có thể đầu tư vào ngày càng nhiều, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được thành lập bởi các doanh nhân. Điều này rất hấp dẫn đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, khi đầu tư vào khối tư nhân, Quỹ có sự ảnh hưởng nhất định đến kết quả của các khoản đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả các khoản đầu tư đó.

    VinaCapital cũng tập trung các khoản đầu tư vào khối tư nhân, vì cho rằng, đây thực sự là khối doanh nghiệp tiềm năng. Trình độ quản lý của khối tư nhân tăng dần đã tạo đà tăng trưởng mạnh đối với những công ty trong nền kinh tế Việt Nam. Đây chính là sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước khi nhắm đến khối tư nhân.

    Tuy nhiên, để thu hút được nguồn vốn đầu tư ngoại, các quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cần có sự thay đổi và nâng tầm quản trị, đầu tư vào con người.

    Theo ông Chris, hiện các doanh nghiệp tư nhân chưa có cái nhìn đầy đủ về những hoạt động của đối thủ cạnh tranh. Điều mà các doanh nghiệp tư nhân phải làm để nâng cao năng lực là tuyển dụng, phát triển đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, xác định những mục tiêu có thể đo lường và khen thưởng đội ngũ quản lý khi đạt được những mục tiêu.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển văn hóa doanh nghiệp vững mạnh dựa trên các giá trị cốt lõi quan trọng với công ty, đồng thời quan tâm tới việc học hỏi và áp dụng “những thông lệ tốt” từ nước ngoài.

    Trong một báo cáo với chủ đề “Sẵn sàng cho một làn sóng đầu tư mới”, Công ty Grant Thornton cho biết, đầu tư tư nhân ở Việt Nam vẫn tiếp tục là nhân tố quan trọng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Với quan điểm lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, Grant Thornton nhận thấy, các nhà đầu tư đang quan tâm đến đầu tư tư nhân tại Việt Nam. Họ sẵn sàng đổ thêm vốn vào thị trường với kỳ vọng đạt được lợi nhuận dài hạn cao hơn.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn