TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-12-2015

    Nhà nước thu về gần 5.000 tỷ đồng nhờ thoái vốn qua HNX

    phien dau gia cua cong ty tnhh mtv xuat nhap khau va dau tu ha noi voi 100% co phan duoc ban het

    Phiên đấu giá của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội với 100% cổ phần được bán hết


    Tính đến hết tháng 11, đã có 81 phiên đấu giá được tổ chức tại HNX trong năm 2015, trong đó có 57 phiên IPO...

    Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết hoạt động đấu giá tháng 11 của HNX đã khép lại với 7 phiên IPO của các doanh nghiệp Nhà nước. Kết quả, có 4/7 phiên đã bán hết 100% số cổ phần đưa ra đấu giá.

    Tổng khối lượng chào bán của các phiên đấu giá trong tháng 11 đạt xấp xỉ 178,7 triệu cổ phần. Kết quả, có gần 50 triệu cổ phần trúng giá với tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 541,7 tỷ đồng, cao hơn 36,9 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

    Trung bình một phiên, tổng giá trị cổ phần thu về đạt 77,3 tỷ đồng. HNX đã nhận được 326 lượt đăng ký tham dự đấu giá từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Trung bình một phiên có 47 nhà đầu tư quan tâm, tham gia mua cổ phần đấu giá.

    Trong 7 phiên IPO, có 4 phiên đấu giá của các công ty: TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội, In Trần Phú, Du lịch Dịch vụ dầu khí Việt Nam và Giống cây trồng Hải Dương đã bán hết 100% số cổ phần chào bán.

    Như vậy, tính đến hết tháng 11, đã có 81 phiên đấu giá được tổ chức tại HNX trong năm 2015, trong đó có 57 phiên IPO, 4 phiên bán thỏa thuận cổ phần, 19 phiên bán bớt phần vốn góp của Nhà nước và 1 phiên bán đấu giá quyền mua.

    Tổng số cổ phần đã chào bán trong 11 tháng vừa qua đạt xấp xỉ 896,9 triệu cổ phần, tổng số cổ phần trúng giá đạt hơn 311,6 triệu cổ phần, huy động cho Nhà nước gần 4.949 tỷ đồng.

    Theo kế hoạch đấu giá được công bố tại thời điểm ngày 1/12/2015, trong tháng cuối cùng của năm 2015 sẽ liên tục diễn ra các phiên đấu giá, trong đó có 7 phiên IPO và 6 phiên bán bớt phần vốn góp.

    Đáng chú ý là hai phiên đấu giá bán cổ phần của Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo và Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước sở hữu sẽ bán đấu giá cả lô cổ phần, lần lượt trong 2 ngày 21 và 22/12.


    Truy lùng nữ chủ tịch HĐQT huy động 74 tỷ rồi trốn

    pham thi thanh hoa. anh: cong an cung cap.

    Phạm Thị Thanh Hòa. Ảnh: Công an cung cấp.


    Sau khi huy động 74 tỷ đồng của người dân dưới cái mác đầu tư bất động sản ở Hồng Kông và trồng rau sạch xuất khẩu, Hòa đã trốn sang Trung Quốc.

    Công an Hà Nội đang xem xét phát lệnh truy nã Phạm Thị Thanh Hòa, ​Chủ tịch HĐQT một công ty cổ phần có trụ sở tại tòa nhà Keangnam(quận Nam Từ Liêm). Hòa bị cáo buộc chiếm đoạt tiền của nhiều người thông qua hình thức huy động vốn lãi suất cao, rồi bỏ trốn.

    Để có vốn đầu tư, công ty do Hòa làm chủ nhận tiền gửi số lượng lớn của nhiều khách hàng cá nhân dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Hòa trả lãi suất từ 2-3%/tháng (tương đương 24-36%/năm), cho người tham gia góp vốn. Để tạo niềm tin cho khách hàng, thời gian đầu chị ta trả lãi đều, sau đó mất liên lạc.

    Theo hồ sơ vụ việc, từ tháng 8/2013 đến 10/2014, Hòa đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền tung tin quảng cáo công ty đang triển khai nhiều dự án trong và ngoài nước, khả năng sinh lời cao. Trong đó có dự án trồng rau sạch xuất khẩu tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) và đầu tư bất động sảntại Hồng Kông (Trung Quốc). Nhà chức trách xác định, các dự án đều không có thật.

    Kết quả điều tra xác định, công ty Hòa làm chủ đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với gần 300 khách hàng, thu tổng số tiền gần 74 tỷ đồng. Trước khi sự việc vỡ lở, một số khách hàng đã kịp thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền.

    Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm khách hàng đang gửi khoảng 50 tỷ tại công ty của Hòa, đã quá hạn thanh toán nhưng không được trả.

    Cảnh sát xác định, Phạm Thị Thanh Hòa đã sang Trung Quốc từ tháng 9/2014 đến nay chưa có thông tin.

    Công an Hà Nội đề nghị ai gửi tiền cho công ty của Hòa mà chưa được thanh lý hợp đồng, liên hệ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, để được hướng dẫn giải quyết.


    Trung Nguyên chính thức lên tiếng về vụ tạm ngừng cung cấp cafe G7

    trung nguyen chinh thuc len tieng ve vu tam ngung cung cap cafe g7

    Trung Nguyên chính thức lên tiếng về vụ tạm ngừng cung cấp cafe G7


    Trung Nguyên cho biết sản phẩm cafe G7 chưa được cung ứng kịp thời là do nhu cầu đặt hàng từ các nhà phân phối, khách hàng tại thị trường Việt Nam và Quốc tế đều gia tăng đột biến cùng lúc vào thời điểm cuối năm.

    CTCP Tập đoàn Trung Nguyên vừa có trả lời chính thức về việc cung cấp lại sản phẩm cafe hòa tan G7 sau nửa tháng tạm ngưng.

    Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc phát triển Kinh doanh Việt Nam – CTCP Tập đoàn Trung Nguyên cho biết: Việc bảo trì máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trực thuộc công ty đã hoàn thành, vì vậy công ty tiếp tục cung cấp lại các sản phẩm hòa tan kể từ ngày 30/11/2015, ngoại trừ sản phẩm Cafe G7 3in1 – bịch 100 gói 16g.

    Trong một thông báo khác gửi tới các nhà phân phối – kênh phân phối truyền thống, ông Hiệp cũng cho biết thêm: Nhu cầu đặt hàng từ các nhà phân phối, các khách hàng tại thị trường Việt Nam và quốc tế đều gia tăng đột biến cùng lúc vào thời điểm cuối năm, nên Trung Nguyên chưa cung ứng kịp thời các sản phẩm hòa tan G7 trong thời gian qua.

    Lý do chưa cung ứng sản phẩm cafe G7 3in1 loại bịch 100 gói, phía Trung Nguyên cho biết là để tập trung cung ứng kịp thời các chủng loại sản phẩm có nhu cầu đặt hàng cao.

    Trước đó, Trung Nguyên đã tạm ngưng cung cấp các sản phẩm café hòa tan không hẹn ngày cung cấp lại. Lý do được Trung Nguyên đưa ra lúc đó là “do nhu cầu bảo trì máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các nhà máy trực thuộc công ty”.

    Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho việc tạm ngừng cung cấp sản phẩm hòa tan của Trung Nguyên lần này. Tại sao Trung Nguyên không bảo trì từng dây chuyền sản xuất mà lại bảo trì đồng loạt cùng lúc? Việc bảo trì này đã có kế hoạch từ trước? Và nếu có, tại sao trong thông báo tạm ngừng cung cấp cafe hòa tan trước đó lại không hẹn ngày cung cấp trở lại?...


    Vì sao tỷ giá tăng?

    Một bài báo đăng trên Bloomberg nhận định, tiền đồng (VND) đang yếu đi do nhu cầu mua USD của các nhà nhập khẩu dịp cuối năm để thanh toán cho các hợp đồng, kết hợp với nhu cầu đồng bạc xanh tăng mạnh trên thế giới.

    Ngày hôm qua, giá USD giao dịch ở mức 22.515 đồng, cao hơn 2,8% so với mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng 21.890 đồng mà NHNN niêm yết. Dẫu vậy mức giá này vẫn nằm trong biên độ cho phép bởi từ 19/8/2015 tỷ giá được biến động trong biên độ 3%.

    Trên thị trường thế giới, tháng trước USD đã tăng giá so với 22/24 đồng tiền của các thị trường đang nổi bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất vào tháng 12, làm tăng nhu cầu sở hữu đồng bạc xanh.

    Bloomberg dẫn lời ông Ngô Long đến từ Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, dịp cuối năm thường gây áp lực lên tỷ giá bởi đây là thời điểm cận Tết nguyên đán nên nhu cầu USD thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu tăng cao. Thêm vào đó, kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại trong khi giao dịch hàng hóa đang ở mức thấp nên nhiều người bắt đầu nắm giữ USD.

    Trong khi đó ông Terence Mahony, phó chủ tịch Tập đoàn VinaCapital tại Tp. Hồ Chí Minh thì cho rằng, dù tiền đồng đang chịu áp lực giảm giá nhưng những người tham gia thị trường chớ vội hoang mang bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giữ tỷ giá ổn định đến cuối năm. “Nhưng đến năm sau thì câu chuyện lại khác. NHNN có thể sẽ phá giá tiền đồng”, ông nói.

    Hôm 11/8, việc Trung Quốc hạ giá Nhân dân tệ đã khiến NHNN phải nới biên độ dao động của tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2% vào ngày 12/8, và tăng tiếp lên 3% vào ngày 19/8 kết hợp với tăng tỷ giá tham chiếu thêm 1%. Trước đó vào tháng 1 và tháng 5/2015, NHNN cũng đã có 2 lần điều chỉnh tỷ giá, mỗi lần 1%.

    Trở lại với nhận định của ông Long đến từ VCSC, ông cho rằng sẽ không có việc phá giá tiền đồng từ nay đến cuối năm trừ khi Trung Quốc có động thái thay đổi tỷ giá. “Nếu Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ thì Việt Nam có thể sẽ có phản ứng. Trái lại, sẽ không có rủi ro nào khác về việc điều chỉnh tỷ giá trong năm nay vì tôi không hề thấy có bất kỳ sức ép nào” - đại diện đến từ VietCapital nói đồng thời dự báo năm sau tỷ giá sẽ tăng khoảng 2%.


    Ngân hàng Nhà nước không nên vội dự trữ Nhân dân tệ

    Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành-Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên vội vàng dự trữ đồng Nhân dân tệ (NDT).

    Tiến sĩ Thành cho rằng, trên thị trường tiền tệ, tuy cùng một giỏ, nhưng sức ảnh hưởng của các đồng tiền (USD, Yên Nhật Bản, Euro, Bảng Anh) hiện cũng khác nhau. “Việt Nam vẫn chú trọng giao dịch quốc tế bằng các đồng tiền kia. Tuy nhiên, giao dịch bằng đồng NDT cũng sẽ tăng dần. Lý do Việt Nam có quan hệ thương mại Trung Quốc nhiều, hay các khoản vay nợ, ODA trong thời gian tới tăng theo thời gian”, ông Thành nhìn nhận.

    Đánh giá sự kiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế, ông Thành nói: Điều đó cho thấy đồng tiền này đang mạnh lên, có ảnh hưởng quốc tế lớn hơn. Vai trò trong tương lai đồng NDT sẽ được khẳng định hơn, giao dịch chính thức nhiều hơn trên thị trường quốc tế.

    Trước đây, có thể giao dịch biên giới, nay sẽ chính thức hơn trên thị trường trong nước. “Sự kiện sẽ tăng tính chất chính thức đồng tiền này. Việc đồng NDT vào giỏ của IMF cũng buộc Trung Quốc phải tuân thủ nguyên tắc bớt can thiệp vào thị trường hơn, nên đồng NDT trong thời gian tới sẽ linh hoạt hơn theo quy luật cung cầu thị trường”, ông Thành nhận định.

    Trước đó, IMF đã quyết định thêm đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế, hay còn gọi là giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) bên cạnh USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật. CNN Money trích dẫn lời Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde rằng, quyền định này thể hiện “một dấu mốc quan trọng” trong sự hội nhập của Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu.

    Đồng NDT đã đáp ứng yêu cầu về mức độ thả nổi cũng như mức độ phổ biến trong thanh toán quốc tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/10/2016, thời điểm IMF nhận định đồng NDT sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong giỏ SDR. Hiện USD chiếm 41,9%, Euro 37,4%, Bảng Anh 11,3% và Yên Nhật 9,4%. Đây là đợt thay đổi danh mục SDR đầu tiên của IMF kể từ năm 1999, thời điểm Euro thay thế đồng Mác Đức và Franc Pháp.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn