TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-02-2016

    Forbes ca ngợi Việt Nam là câu chuyện kinh tế thành công của Châu Á

    forbes ca ngoi viet nam la cau chuyen kinh te thanh cong cua chau a

    Forbes ca ngợi Việt Nam là câu chuyện kinh tế thành công của Châu Á


    Trên Forbes, một tạp chí danh tiếng của Mỹ, vừa đăng một bài viết của tác giả Brett Davis ca ngợi sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

    Có thể thấy được dấu hiệu của sự phát triển kinh tế ở Việt Nam qua những tòa nhà chọc trời nổi bật ở thành phố Hồ Chí Minh. Tòa tháp Vietcombank sắp hoàn thiện, được thiết kế bởi công ty kiến trúc danh tiếng Pelli Clarke Pelli, là một công trình được lấy cảm hứng từ trào lưu mỹ thuật Art Deco và nằm cách tòa nhà cao nhất thành phố Bitexco Financial Tower vài trăm mét về phía bắc.

    Người ta hay đánh giá một quốc gia bằng những chỉ số kinh tế ngắn hạn nhưng đôi khi cần phải lùi thời gian lại một chút để có cái nhìn sâu rộng hơn, mà ở đây là vài thập niên trở về trước.

    Từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới vào 30 năm trước, ngày nay Việt Nam đã chính thức trở thành một nước thu nhập trung bình thấp. Vào năm 1986, chính sách Đổi Mới đã được triển khai để đưa Việt Nam ra khỏi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và chuyển sang nền kinh tế định hướng thị trường.

    Du khách đến Việt Nam, đặc biệt là từ các nước phương Tây, thường sửng sốt trước những tòa nhà văn phòng, những cửa hàng cao cấp và những con đường tấp nập. Ấn tượng mới của họ đối lập với những hình ảnh về chiến tranh và đói nghèo của Việt Nam được chiếu trên truyền hình khắp thế giới trong thập niên 1960 và 1970.

    Nếu nói Việt Nam đã chuyển mình thì đó vẫn là một sự đánh giá thấp. Vào năm 1986, thu nhập đầu người trung bình hàng năm chỉ là 100 USD. Giờ đây con số đó đã là gần 2000 USD và gấp đôi ở các khu vực đô thị.

    Giống như phần còn lại của thế giới, Việt Nam phải gánh chịu các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng tăng trưởng GDP trong năm 2015 đã đạt 6,68%, cao nhất 5 năm. Sau khi vật lộn với lạm phát tăng trong vài năm gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp nhất kể từ 2001 đến nay.

    Việt Nam sắp phê chuẩn hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các nhà phân tích dự đoán có thể giúp GDP tăng 11% trong 10 năm tới. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu cũng đang tiến triển tốt.

    Động lực thúc đẩy tăng trưởng ở quốc gia 94 triệu dân là bộ phận dân số trẻ lớn và được kết nối chặt chẽ. Theo số liệu của năm 2014, hơn 40% dân số ở dưới 25 tuổi.

    Sự kết nối của Việt Nam là không thể tin được khi gần như mọi quán cà phê, nhà hàng hoặc quán bar cung cấp wifi miễn phí cho khách hàng, và tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh đang bùng nổ. Nghiên cứu Kết nối Tiêu dùng Toàn cầu năm 2014 của công ty nghiên cứu TNS cho thấy 40% dân số Việt Nam truy cập Internet hàng ngày trong khi 1/3 người dân sở hữu điện thoại thông minh.

    Đi kèm với sự phát triển kinh tế là những bất cập ngày càng lớn. Bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng, nghèo đói vẫn là một vấn đề kinh niên ở nhóm dân tộc thiểu số, bộ máy hành chính quan liêu cồng kềnh vẫn là những điểm bất cập. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 90 trong số 189 nền kinh tế được khảo sát về chỉ số thuận lợi kinh doanh.

    Tuy nhiên, bất chấp những thách thức trên, nhà báo của Forbes tin rằng vẫn có nhiều điều để lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Xét đến xuất phát điểm 30 năm về trước, Việt Nam có thể được xem là một trong những câu chuyện thành công (dù thầm lặng) của Châu Á.


    Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi xuất khẩu Việt Nam

    Theo Cục quản lý cạnh tranh, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 9 của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam kể từ trước đến nay.

    Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) cho biết Tổng vụ chống bán phá giá và trợ cấp Ấn Độ (DGAD) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm sợi spandex nhập khẩu từ VN và ba quốc gia khác.

    Giữ vai trò nguyên đơn là Công ty Indorama Industries Ltd - cáo buộc sản phẩm sợi spandex nhập khẩu bán phá giá vào Ấn Độ với giá thấp hơn so với giá tại chính thị trường nội địa của các nước bị điều tra, gây ra thiệt hại đáng kể đến ngành công nghiệp sản xuất sợi của Ấn Độ.

    Giai đoạn điều tra được xác định từ 1-10-2014 đến 30-9-2015, trong khi giai đoạn xem xét thiệt hại được tính tháng 4-2011 đến tháng 3-2015.


    Người Việt chi hơn 1 tỷ USD mua ô tô Trung Quốc

    nguoi viet chi hon 1 ty usd mua o to trung quoc

    Người Việt chi hơn 1 tỷ USD mua ô tô Trung Quốc


    Nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc trong năm qua đạt 26.742 chiếc với giá trị đạt 1,05 tỷ USD; tăng gần gấp đôi cả về lượng và giá trị so với năm 2014.

    Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu trong năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 125,6 nghìn chiếc, tăng 77,1%; trị giá nhập khẩu là 2,99 tỷ USD, tăng 88,8% so với năm trước.

    Trong đó, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc trong năm qua đạt 26.742 chiếc với giá trị đạt 1,05 tỷ USD; tăng gần gấp đôi cả về lượng và giá trị so với năm 2014.

    Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 26.589 ô tô nguyên chiếc và kim ngạch đạt gần 613 triệu USD.

    Nếu xét riêng về số lượng thì Ấn Độ là cái tên gây bất ngờ khi đứng thứ 3 với 25.146 chiếc, đạt giá trị kim ngạch 128,5 triệu USD. Đặc biệt, nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống từ thị trường Ấn Độ trong năm 2015 đạt khoảng 25.000 chiếc, chiếm tới 49% tổng lượng ô tô loại này nhập khẩu của cả nước và tăng 89% so với năm 2014.

    Trong khi đó, xét theo giá trị kim ngạch thì vị trí thứ 3 thuộc về Thái Lan với 440,5 triệu USD, tương ứng số lượng xe 25.136 chiếc.

    Nhìn chung, so với năm 2014, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ đa số các nước đều tăng gấp đôi hoặc thậm chí nhiều hơn xét cả về lượng lẫn giá trị.

    Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc năm 2014 chỉ đạt 13.735 chiếc và 534,6 triệu USD; từ Hàn Quốc đạt 16.794 chiếc và 316,5 triệu USD; từ Ấn Độ đạt 13.299 chiếc và 64,1 triệu USD; từ Thái Lan đạt 14.416 chiếc và 242,9 triệu USD; từ Indonesia đạt 1.686 chiếc và 16,9 triệu USD.

    Có thể thấy, mặc dù số lượng xe nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan không chênh nhau nhiều song khi xét về giá trị, ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng khi vượt rất xa so với ôtô từ các nước phía sau. Điều này có được ừ thế mạnh của quốc gia láng giềng này về các loại xe tải và xe chuyên dụng, có giá trị cao.

    Trong khi đó, đà tăng trưởng mạnh mẽ của xe nhập khẩu Ấn Độ cho thấy xu hướng về các loại xe giá thấp tại Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ ràng.


    Vinamilk chi gần 5 tỷ đồng quảng cáo mỗi ngày

    Năm 2015, chi phí cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại của công ty vượt 1.800 tỷ đồng, giúp đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng.

    Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) vừa công bố báo cáo tài chính  hợp nhất năm 2015. Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 40.222 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế  tăng 28% lên 7.769 tỷ đồng. Trong năm, lãi gộp của Vinamilk tăng gần 5.000 tỷ đồng. Tuy vậy, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng gấp đôi.

    Doanh thu bán hàng tại thị trường nước ngoài của Vinamilk tăng trên 2.200 tỷ đồng, lên 7.965 tỷ đồng so với năm 2014. Chi phí quảng cáo, khuyến mại của công ty tăng gần gấp đôi so với năm 2014 đạt trên 1.800 tỷ đồng. Như vậy, mỗi ngày Vinamilk chi trung bình khoảng 5 tỷ đồng cho quảng cáo.

    Lãi lớn, công ty cũng chi tới 67 tỷ đồng trả lương cho các thành viên Hội đồng quản trị, ban điều hành. Hiện cổ đông lớn nhất của Vinamilk là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 45,05% vốn điều lệ.

    Tính đến hết 2015, tổng tài sản của Vinamilk tăng lên gần 27.500 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả chỉ 6.554 tỷ đồng và chủ yếu là nợ ngắn hạn.


    Những toa xe muốn bán cho Việt Nam là 'đồ bỏ' tại Trung Quốc

    Gần như toàn bộ đường sắt nước này đã áp dụng khổ tiêu chuẩn - 1.435mm, trong khi số ít dùng khổ hẹp (1.000mm và 762mm) cũng dự kiến được chuyển đổi sớm.

    Kế hoạch mua 160 toa xe cũ có tuổi đời 12-20 năm từ Trung Quốc của Công ty Đường sắt Hà Nội vừa bị Bộ Giao thông "tuýt còi" hôm qua đang gây sự chú ý của dư luận. Kế hoạch này xuất phát từ việc đường sắt Trung Quốc muốn thanh lý các phương tiện thích hợp cho khổ đường ray 1.000mm (tương tự như khổ đường tại Việt Nam) để chuyển đổi hoàn toàn sang khổ 1.435mm.

    Khổ đường ray là khoảng cách giữa má trong của hai thanh ray chịu lực. Theo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), thế giới hiện có 4 loại khổ đường sắt điển hình, gồm khổ rộng, khổ tiêu chuẩn, khổ hẹp và khổ kép (dual).

    Tính đến năm 2014, khoảng 60% đường ray trên thế giới là khổ tiêu chuẩn (khổ Stephenson) - 1.435mm. Các nước áp dụng khổ đường sắt khác nhau, thậm chí cùng một nước cũng khác nhau. Chọn khổ nào trong quá trình xây dựng ban đầu còn tùy thuộc vào điều kiện từng vùng và dự tính của công ty xây dựng.

    Các loại đường sắt khổ hẹp (nhỏ hơn khổ tiêu chuẩn) có chi phí rẻ hơn, bán kính cong nhỏ hơn, phù hợp với địa hình vùng núi. Trong khi đó, đường sắt khổ rộng có độ ổn định cao hơn và cho phép tốc độ tàu lớn hơn. Đường sắt khổ tiêu chuẩn có đặc tính trung hòa giữa cả hai loại trên. Bên cạnh đó, áp dụng cùng một khổ tiêu chuẩn thế giới còn giúp tăng kết nối giữa các quốc gia.

    Đường sắt khổ tiêu chuẩn đang là xu hướng của thế giới. Hầu hết các nước đã áp dụng khổ này, chủ yếu thuộc châu Âu và châu Mỹ. Một số quốc gia, như Mỹ, Venezuela, Canada, Áo, Bỉ dùng hoàn toàn khổ tiêu chuẩn.Còn tại các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đường sắt khổ hẹp vẫn chiếm ưu thế. Thái Lan có tới hơn 4.000 km khổ hẹp và chỉ có 28,8 km tiêu chuẩn. Toàn bộ đường sắt tại Campuchia là khổ hẹp. Còn tại Nhật Bản, 85% trong đường sắt nước này là khổ hẹp.

    hau het duong ray tai trung quoc la kho tieu chuan. anh: people.cn

    Hầu hết đường ray tại Trung Quốc là khổ tiêu chuẩn. Ảnh: People.cn

    Tại Trung Quốc - nước có số km đường ray lớn nhì thế giới, cả đường sắt khổ rộng, khổ hẹp và tiêu chuẩn đều được sử dụng. Dù vậy, gần như toàn bộ đường sắt tại đây là khổ tiêu chuẩn. Số đường khổ hẹp (1.000mm và 762mm) cũng sẽ sớm được chuyển đổi. Hiện tại, tuyến sử dụng khổ 1.000mm là tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, nối Hải Phòng với thành phố Côn Minh (thuộc tính Vân Nam, Trung Quốc).

    Dù vậy, trên China Daily, một số quan chức Trung Quốc cũng cho biết ngoài khổ tiêu chuẩn, nước này nên tăng cường khổ rộng để trao đổi hàng hóa với châu Âu. Do một số nước lân cận, như Nga, vẫn sử dụng đường sắt khổ rộng 1.520mm và không có khổ tiêu chuẩn. Sự khác biệt này đã gây khó cho hoạt động vận tải trên hành lang Âu - Á, kéo dài từ Liên Vân Cảng (Trung Quốc) đến châu Âu qua Trung Á.

    Đường sắt Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh những năm gần đây, do nhu cầu trong nước và mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn. Bên cạnh đó, cũng vì dân số khổng lồ, họ hiện sở hữu một trong những tuyến đường sắt đông đúc nhất thế giới. Theo website Cơ quan Quản lý Đường sắt Trung Quốc (NRA), năm 2014, đường sắt nước này phục vụ hơn 2,3 tỷ lượt khách, tăng 11,9% so với năm ngoái, và chuyên chở hơn 3,8 tỷ tấn hàng hóa.

    Theo International Railway Journal, gần như mọi hoạt động của ngành này được điều hành bởi Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - công ty thành lập năm 2013 sau khi giải thể Bộ Đường sắt. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tăng mạng lưới đường sắt trong nước lên 280.000km cuối năm 2050. Riêng năm 2013, nước này đã huy động 106 tỷ USD để đầu tư vào tài sản cố định cho ngành đường sắt, trong đó có xây mới thêm 5.200km.

    Dù vậy, khi kinh tế trong nước có dấu hiệu chững lại, Trung Quốc bắt đầu nhắm tới xuất khẩu các ngành kỹ thuật đang phát triển nhanh, trong đó có đường ray. Cuối năm ngoái, Công ty Xây dựng - Truyền thông Trung Quốc (CCCC) thông báo sẽ xây một hệ thống đường sắt khổ tiêu chuẩn trên khắp Kenya, để kết nối Trung Quốc với châu Phi. Theo Business Daily Africa, tuyến này có tổng chiều dài 485km, chi phí 3,1 tỷ USD và do Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc hỗ trợ 90% vốn.

    Tại Thái Lan, tháng trước, nước này cũng ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc cho dự án 873km đường ray khổ tiêu chuẩn rãnh đôi điện khí hóa trị giá 11 tỷ USD. Lào cũng đã động thổ dự án đường sắt tiêu chuẩn bắc nam dài 417 km từ biên giới với Trung Quốc tại  Louang Namtha đến Nong Khai, sau đó kết nối với dự án tại Thái Lan.

    Dù vậy, không phải kế hoạch mở rộng nào của Trung Quốc cũng gặp thuận lợi. Năm 2011, Trung Quốc và Myanmar ký biên bản ghi nhớ xây dựng một tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại quốc gia Đông Nam Á. Sau khi hoàn thành, Trung Quốc sẽ có quyền quản lý và vận hành tuyến đường này trong 50 năm. Tuy nhiên, vì sự phản đối của người dân, năm 2014, Myanmar đã phải tuyên bố hủy dự án này.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn