Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-11-2015
Hòa Phát muốn tiếp quản dự án thép tỷ USD ở Dung Quất
Ngày 6/11, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa gửi văn bản kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy tạo điều kiện cho Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đầu tư dự án Nhà máy thép liên hợp tại Khu kinh tế Dung Quất.Theo Tập đoàn Hòa Phát, dự án này có tổng vốn khoảng 2-2,5 tỷ USD với công suất 4 triệu tấn mỗi năm, có nhu cầu được cấp 300-350 ha đất ngay vị trí mặt bằng trước đây mà nhà máy thép Guang Lian từng được cấp. Hòa Phát cũng đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất giải quyết dứt điểm về việc cấp đất, tài sản gắn liền với đất của dự án nhà máy thép Guang Lian và tập đoàn sẽ thanh toán lại theo nguyên tắc dự án mới sử dụng.
Hòa Phát là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, hiện nằm trong Top 3 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam.
Trước đó, tháng 7/2015, Công ty TNHH Guang Lian (chủ đầu tư) đã gửi văn bản thông báo cho địa phương không thể thu xếp được nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, dù Quảng Ngãi đã tạo cơ chế mở với nhiều ưu đãi, chia sẻ khó khăn cùng nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư đã không huy động được nguồn lực tài chính để dự án thép chậm kéo dài nên tỉnh sẽ thu hồi, cấp đất cho dự án khác theo quy định.
Năm 2006, chủ đầu tư được cấp phép và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã giải tỏa, bàn giao 337 ha đất. Lúc đầu, dự án do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký khoảng hơn một tỷ USD. Sau đó, dự án có 5 lần điều chỉnh quy mô, công suất, thiết kế.
Năm 2008, dự án hợp tác với Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam, vốn điều chỉnh lên trên 3,3 tỷ USD. Đầu năm 2012, công ty lại liên danh với một tập đoàn của Nhật, nâng vốn đầu tư dự án lên 4,5 tỷ USD nhưng sau đó tập đoàn này cũng rút khỏi dự án.
Theo báo cáo của Guang Lian Steel, đến tháng 9/2014 công ty đã đầu tư 42 triệu USD vào dự án. Sau khi tập đoàn của Nhật rút lui, công ty tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giảm vốn từ 4,5 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD.
Cảnh báo về xử lý chiếu xạ tôm đông lạnh xuất khẩu
Mới đây, Cơ quan Phòng chống gian lận thương mại của Pháp đã thu hồi và yêu cầu trả về Việt Nam 12 container tôm đông lạnh xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sau khi phát hiện có xử lý chiếu xạ nhưng không theo quy định của châu Âu (EU).
Thao đại diện Tập đoàn Casino, tập đoàn phân phối, bán lẻ hàng đầu của Pháp, nếu không chấm dứt việc xử lý chiếu xạ, sẽ có ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam sang thị trường EU, trong đó có Pháp.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị nước nhập khẩu cảnh báo và yêu cầu trả về. Từ năm 2010 đến hết tháng 5/2015, đã có 183 lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo, riêng năm 2014 con số này ở mức 41 lô.
Việc bị cảnh báo nhiều sẽ khiến các sản phẩm thủy sản Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ hơn bởi cơ quan chức năng của nước nhập khẩu, tạo nguy cơ ngành thủy sản Việt Nam mất thị phần tại thị trường nước ngoài.
Nhằm khắc phục tình trạng nói trên và không để xảy ra trường hợp tương tự trong thời gian tới, các DN cần cải thiện và tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất từ vùng nuôi trồng đến nơi sản xuất và xuất khẩu.
Các cơ quan chức năng của Nhà nước như Bộ Công Thương, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) và Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) có thể hỗ trợ và cung cấp thông tin chi tiết cho DN về các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU.
Ngoài ra, các trung tâm chiếu xạ của Việt Nam cũng cần chuẩn hóa để được EU chứng nhận.
Ôtô đăng ký mới tăng đột biến 39%
Bình quân mỗi ngày tại TP.HCM có thêm 139 ôtô đưa vào lưu thông, tăng 39% so với năm 2014.
Theo Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong tháng 10-2015 có thêm 5.194 ôtôđăng ký mới, nâng tổng số lượng xe đăng ký mới ở TP trong 10 tháng đầu năm 2015 lên 41.774 xe.
Như vậy, bình quân mỗi ngày tại TP có thêm 139 ôtô/ngày đưa vào lưu thông, tăng 39% so với bình quân năm 2014 là 100 ôtô/ngày đưa vào lưu thông.
Trong khi đó, trong tháng 10-2015 có 27.201 xe gắn máy đăng ký mới, nâng tổng số lượng xe đăng ký mới lên 224.444 xe.
Như vậy, bình quân mỗi ngày tại TP có gần 750 xe gắn máy đưa vào lưu thông, giảm 25% so với bình quân năm 2014 là 1.000 xe gắn máy/ngày đưa vào lưu thông.
Ông Ngô Hải Đường - trưởng Phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - cho biết với số lượng xe ôtô đưa vào lưu thông tăng cao càng làm tăng áp lực giao thông trên đường phố.
Đến nay tại TP.HCM có hơn 7,2 triệu xe cơ giới, trong đó gồm hơn 6,7 triệu xe gắn máy và hơn 500.000 xe ôtô. Ngoài ra còn có khoảng 1 triệu xe gắn máy của người dân nhập cư từ các địa phương khác đến TP làm việc.
Khách sạn Kim Liên được SCIC chào bán 112 tỷ đồng
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty Du lịch Kim Liên. Số cổ phần bán đấu giá là 3,6 triệu, tương đương với 52,4% vốn điều lệ của công ty. Giá khởi điểm là 30.600 đồng một cổ phần. Tổng giá trị của đợt thoái vốn này khoảng 112 tỷ.
Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 22/12 tới đây. Ngoài SCIC, hiện công ty còn có các cổ đông lớn như Ngân hàng GPBank sở hữu 21,6%, Công ty Tài chính bưu điện PTFinace 6,7%, GP Invest chiếm 6,6%.
Công ty Du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Năm 2014, doanh thu của công ty đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng. Hiện công ty đang quản lý trực tiếp khách sạn Kim Liên.
Đây là khách sạn có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, toạ lạc trên khu đất 3,5 ha ở phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Tiền thân của khách sạn Kim Liên là khách sạn Bạch Mai được thành lập năm 1961. Khách sạn Kim Liên có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.
Lọc dầu Dung Quất nhập 40 triệu tấn dầu thô
Ngày 6/11, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH lọc- hóa dầu Bình Sơn cho biết, lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) vừa cán mốc nhập 40 triệu tấn dầu thô phục vụ chế biến 36 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu kể từ khi nhà máy đưa vào hoạt động tháng 2/2009 đến nay.
Theo ông Giang, năm nay dù giá dầu thô, chính sách thuế suất thuế nhập khẩu, tỷ giá ngoại tệ… biến động, nhưng nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động 103 đến 107% công suất thiết kế. “10 tháng qua, nhà máy đã chế biến hơn 5,6 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt hơn 96% kế hoạch năm, tiêu thụ trên 5,52 triệu tấn sản phẩm, đạt 94% kế hoạch năm, trong đó nộp ngân sách 18.300 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch”, ông Giang cho biết.
Hiện, Công ty TNHH lọc - hóa dầu Bình Sơn đã ký hợp đồng Tư vấn lập thiết kế tổng thể (FEED) với Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited (Vương quốc Anh) và Hợp đồng Tư vấn giám sát (PC) giai đoạn thiết kế tổng thể (FEED) với Liên danh Quad Personnel Consultants nâng cấp, mở rộng dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Từ tháng 10/2015, Công ty đẩy mạnh công tác cổ phần hóa nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Ông Giang cho biết thêm, trong quá trình mở rộng, nâng cấp nhà máy, doanh nghiệp sẽ cải tiến công nghệ để sử dụng nguồn dầu thô giá rẻ từ các nước Trung Đông, chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn môi trường Euro 6 (hiện tại mới đạt tiêu chuẩn Euro 2). Thời gian tới, trung bình mỗi năm nhà máy sẽ nhập khoảng 20% dầu thô nước ngoài về pha trộn với nguồn dầu thô Bạch Hổ (Bà Rịa - Vũng Tàu).