TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiểu 08-03-2016

    Hơn 400.000 tỷ đồng phát triển giao thông Hà Nội

    hon 400.000 ty dong phat trien giao thong ha noi

    Hơn 400.000 tỷ đồng phát triển giao thông Hà Nội

    Ngày 7/3 tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và thành phố đã hội nghị triển khai công tác quản lý nhà nước về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) của thủ đô giai đoạn 2016 – 2020.

    Theo Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, thời gian qua, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều kết quả. Trong lĩnh vực đường bộ, ngành GTVT đã đưa vào khai thác hàng loạt tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ và các cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân – Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh, nút giao Thanh Trì, hầm Trung Hòa, hầm Thanh Xuân, đường 5 kéo dài, đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy; khởi công dự án cầu Việt Trì – Ba Vì, cầu vượt Hoàng Minh Giám và đang triển khai thi công tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình...

    Ngành GTVT cũng đang khẩn trương thui công tuyến đường sắt số 2Cát Linh – Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn – ga Hà Nội và tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi; đồng thời đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga T2 – sân bay Nội Bài, nâng tổng công suất phục vụ sân bay quốc tế Nội Bài lên 25 triệu hành khách/năm.

    Các công trình đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông của Hà Nội cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết: Do nguồn lực về vốn còn khó khăn, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, nên hiện nay nhiều dự án hạ tầng khó thực hiện theo đúng tiến độ, nhất tuyến đường sắt đô thị, các tuyến vận tải công cộng, trong khi lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân vẫn tăng mạnh, khó quản lý...

    Trước thực tế này, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội và Bộ GTVT sẽ tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; các tuyến trục hướng tâm, trục chính đô thị, hoàn thiện các tuyến đường vành đai chính và phân công rõ trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT và của TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2, các QL 3, 6, 21...

    Riêng trong năm 2016, Bộ GTVT dự kiến khởi công 4 dự án gồm xây dựng cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, đường vành đai 4 đoạn nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi, cầu vượt nút giao Phú Thượng với tổng kinh phí khoảng 39.000 tỷ đồng.

    Đối với Hà Nội, ngoài các dự án đang triển khai, dự kiến khởi công đầu tư 46 dự án trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020 gồm 31 dự án đường bộ, 6 tuyến đường sắt, 4 dự án BRT, 5 dự án xây dựng bến xe, tổng kinh phí khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

    Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đề xuất, kiến nghị với TP Hà Nội chủ đồng phối hợp, hợp tác trên nhiều mặt để phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự ATGT, đẩy nhanh tiến độ các dự án và các giải pháp chống ùn tắc giao thông, xử lý xe dù bến cóc...


    Dân Malaysia mắc nợ nhiều nhất châu Á

    nguoi malaysia dung dau chau luc ve vay no - anh minh hoa: afp

    Người Malaysia đứng đầu châu lục về vay nợ - Ảnh minh họa: AFP

    Một khảo sát gần đây của Manulife đã làm người Malaysia không mấy vui vẻ khi cho biết cư dân đảo quốc này đứng đầu châu lục về vay nợ. 
    Theo bảng thống kê tiến hành trên 8 quốc gia châu Á, 68% dân Mã Lai đang trong tình trạng thiếu nợ, gấp đôi mức bình thường của toàn châu lục. Mỗi người dân nợ trung bình 50.000 ringgit (khoảng 300 triệu đồng), tương đương với 10 tháng lương của họ.
    Vay tiêu dùng chiếm phần lớn các khoản nợ (hơn 60%), còn lại là các khoản vay để thuê nhà hoặc đầu tư học hành cho con cái.
    Có đến hơn 44% người được khảo sát ở Malaysia cho hay họ sẵn sàng tiêu hầu hết số tiền kiếm được và chưa từng nghĩ đến việc lên kế hoạch chi tiêu cụ thể.
    Cũng vì vậy, các chuyên gia đánh giá rằng đây là những khoản nợ có rủi ro cao, nhiều khả năng trở thành “nợ khó đòi”. Cũng cần nói thêm rằng, Việt Nam không nằm trong danh mục các nước và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát kỳ này, gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Philippines và Indonesia.

    Vốn ngoại ồ ạt 'chảy' vào bất động sản

    thi truong bat dong san voi nhung chinh sach coi mo da thu hut nguon von ngoai - anh: dinh son

    Thị trường bất động sản với những chính sách cởi mở đã thu hút nguồn vốn ngoại - Ảnh: Đình Sơn

    Ngay những ngày đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản VN.
    Hạ tầng "kích" BĐS
    Ngày 6.3, Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) cùng với Công ty An Gia Investment đã ký kết với Công ty Phát Đạt để rót 200 triệu USD vào dự án River City (Q.7, TP.HCM). Trước đó quỹ đầu tư Nhật Bản cũng “đồng hành” cùng An Gia Investment khi công bố đầu tư vào công ty này 200 triệu USD để cùng nhau phát triển hai dự án khu căn hộ Angia Skyline và Angia Riverside (Q.7). Ngoài ra, quỹ này cũng đã đầu tư 100 triệu USD vào Công ty 577 để phát triển dự án City Gate (Q.8).
    Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia Investment, cho biết do River City có quy mô lớn (diện tích hơn 11 ha, gồm 12 block chung cư, với khoảng 8.000 căn hộ, office-tel và shop house), tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng nên trong năm 2016, Creed Group sẽ cùng với An Gia Investment tập trung vào dự án này. Về tỷ lệ vốn góp để phát triển River City, ông Sáng tiết lộ An Gia và đối tác Nhật sẽ góp 50% vốn, 50% còn lại là của Phát Đạt.
    Cuối tuần trước, Công ty TNHH Keppel Land (Singapore) thông qua một đối tác VN công bố góp 93,9 triệu USD vào Công ty Empire City để cùng phát triển khu phức hợp tháp quan sát Thủ Thiêm cao 86 tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Keppel Land cũng đã bơm vốn vào Công ty Tiến Phước và Trần Thái để phát triển khu đô thị mới Nam Rạch Chiếc, dự kiến sẽ mở bán trong năm 2016 này.
    Cùng với Keppel Land, nhà đầu tư nước ngoài là Power Ltd (Anh), trực thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners (một công ty quản lý quỹ đầu tư và phát triển bất động sản (BĐS) quốc tế với tổng giá trị tài sản quản lý trên toàn thế giới khoảng 10 tỉ USD) cũng đã góp vốn vào Empire City, với số tiền lên đến khoảng 600 triệu USD.
    Tại sự kiện ký kết của Công ty An Gia Investment, ông Lê Trọng Hiếu, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND Q.7, cho biết năm 2016 sẽ là năm đột phá hạ tầng khu Nam khi sắp tới đây TP sẽ tiếp tục đầu tư thêm hàng loạt dự án trọng điểm. Điển hình là dự án cầu Thủ Thiêm 4, nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) với tổng chiều dài 2.000 m đã được UBND TP cho phép Công ty Phát Đạt nghiên cứu đầu tư theo hình thức BT và dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Việc xây dựng cây cầu này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Q.7 đến Q.2 và trung tâm TP chỉ còn 5 phút. Công trình cầu Kênh Tẻ 2 trong dự án đường trục bắc - nam và một cây cầu từ Q.4 bắc qua Q.7 từ hướng đường Nguyễn Tất Thành cũng sẽ được xây dựng. Theo quy hoạch, một tuyến metro cũng sẽ chạy qua khu Nam kết nối với cảng Hiệp Phước. Trước mắt TP sẽ đầu tư nâng cấp nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ bằng hệ thống hầm chui, với tổng vốn đầu tư lên đến 2.600 tỉ đồng. Bên cạnh đó, con đường vành đai song song với đường Nguyễn Hữu Thọ cũng được dự kiến khởi công vào cuối năm nay để “chia lửa” với đường Nguyễn Hữu Thọ, điểm đầu sẽ kết nối với đường Nguyễn Văn Linh và vào đường Nguyễn Khoái (Q.4). “Các công trình trọng điểm này sẽ đáp ứng nhu cầu về giao thông đi lại của người dân và kích thích thị trường BĐS khu Nam Sài Gòn phát triển hơn nữa, xứng đáng là nơi đáng sống nhất cả nước”, ông Hiếu phân tích.
     
    Thu hút vốn Nhật
    Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group đang quản lý 5 tỉ USD, nhận xét thị trường BĐS VN thật sự rất nhiều tiềm năng, giống như thị trường ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... những năm đầu mới hình thành và phát triển. Khi đó, nhu cầu về các loại hình BĐS của người dân và doanh nghiệp rất lớn, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững mạnh.
    Mặt khác, VN hiện đang có tỷ lệ dân số vàng đông thứ 3 ở Đông Nam Á, người trẻ chiếm tỷ lệ rất cao nhưng quỹ nhà ở còn khiêm tốn. Đặc biệt, VN hiện nay đã bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, Chính phủ đã có những chính sách mở cửa với nhiều ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, không chỉ vậy còn tích cực tham gia các hiệp định quốc tế để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế. Điều này sẽ càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, sinh sống. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
    Theo Phó tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, ông Yoshinori Yakabe, năm 2015 tốc độ tăng trưởng kinh tế tại VN đã đạt 6,5%, riêng TP.HCM đạt gần 10%, là con số cực kỳ ấn tượng so với các nước trong khu vực, đưa VN trở thành quốc gia năng động tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, du lịch, định cư, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Với bối cảnh hội nhập cùng với sự tăng trưởng kinh tế vượt trội là cơ hội vàng để đầu tư vào thị trường BĐS. Chỉ tính riêng năm 2015, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư tại VN với tổng số vốn 1,84 tỉ USD. Đã có 281 dự án đăng ký cấp mới và 129 dự án đăng ký tăng vốn. “Về lâu dài, đặc biệt là trong năm 2016, năm được dự kiến sẽ có sự bùng nổ trong lĩnh vực BĐS, nguồn vốn đầu tư Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ bộ vào VN dưới các hình thức như: liên doanh, hợp tác đầu tư hoặc mua bán dự án. Tiêu biểu là Quỹ đầu tư Creed Group đã đi tiên phong trong việc tham gia, đầu tư vào các dự án thông qua việc ký kết hợp tác toàn diện với An Gia Investment”, ông Yoshinori Yakabe cho hay.
    Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, thị trường BĐS trong năm 2016 sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực và phát triển ổn định, nhu cầu về BĐS nói chung và nhà ở nói riêng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất lớn, trong đó có các khách hàng là tổ chức và cá nhân nước ngoài. Do đó, nhu cầu mua và sở hữu nhà ở sẽ tăng cao không chỉ ở phân khúc căn hộ có quy mô nhỏ mà cả phân khúc căn hộ trung, cao cấp và thị trường văn phòng, dịch vụ, thương mại sẽ sôi động hơn. “Sẽ có nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm, chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực BĐS, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tín dụng BĐS tiếp tục tăng trưởng, lĩnh vực BĐS vẫn là kênh hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, ông Phấn nhận định.

    Những bất cập trước giờ đóng cửa gói 30.000 tỉ đồng

    nhung bat cap truoc gio dong cua goi 30.000 ti dong

    Những bất cập trước giờ đóng cửa gói 30.000 tỉ đồng

    Nếu không có gì thay đổi, chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ kết thúc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc giải ngân gói này mới chỉ đạt 60%.

    Đặc biệt một vấn đề nảy sinh là NH buộc phải giải ngân gói này lệch pha với tiến độ đóng tiền mua nhà trong hợp đồng. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy cho người mua nhà lẫn NH.

    Người mua nhà chịu thiệt

    Một người mua căn hộ trong gói 30.000 tỷ đồng cho biết theo hợp đồng, gia đình anh sẽ đóng lãi suất cho NH vào cuối quý III năm nay, nhưng mới đây NH đã gửi yêu cầu đóng lãi suất sớm hơn 6 tháng. Nguyên nhân được giải thích là giải ngân để kịp tiến độ của gói 30.000 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hết hạn vào hết tháng 5-2016. Khoản đóng lãi suất trước này lên đến gần chục triệu đồng và gia đình anh phải thực hiện nếu muốn tiếp tục được hoàn tất việc sở hữu căn hộ trên.

    Điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư được lợi hàng chục triệu đồng khi người mua nhà buộc phải đóng tiền trước tiến độ phải giải ngân như thỏa thuận trong hợp đồng.

    Trường hợp đáng lưu ý khác, một nữ khách hàng mua căn hộ trong gói 30.000 tỷ đồng cho biết chị đã ký hợp đồng mua một căn hộ gần khu vực Đầm Sen, dù đã hoàn tất mọi thủ tục vào cuối năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải ngân được. Chị cho biết nếu được giải ngân, nhiều khả năng chị sẽ xin giải ngân một lần cho toàn bộ khoản vay để mua căn hộ này, mặc dù đúng theo hợp đồng việc giải ngân kéo dài đến năm 2017.

    Hiện nay, trên thị trường khá xôn xao vì người mua nhà, chủ đầu tư và NH đang chạy đôn chạy đáo trước thời hạn việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng kết thúc. Một chủ đầu tư có dự án được vay gói 30.000 tỷ đồng trong mấy ngày qua đã phải gọi điện cho hàng trăm người mua nhà để đề xuất việc giải ngân trước thời hạn theo tiến độ đóng tiền ghi trong hợp đồng.

    Phía NH lại cho biết hiện chưa nhận được chủ trương chính thức về việc có được giải ngân gói này trước thời hạn hay không. Người mua nhà cũng khá hoang mang vì sợ nhỡ không giải ngân trước thời điểm 1-6-2016 thì phải vay với lãi suất thương mại.

    Một vấn đề đáng lưu ý là nếu thực hiện giải ngân trước thời hạn, người mua nhà sẽ chịu thiệt vì phải trả lãi suất cao hơn rất nhiều so với việc giải ngân đúng tiến độ. Chẳng hạn đối với trường hợp của nữ khách hàng trên, nếu chị giải ngân toàn bộ số tiền vay 1 lần trong tháng 4 để mua căn hộ thì tổng số tiền lãi suất mà chị phải trả thêm so với giải ngân theo tiến đội lên tới hơn 60 triệu đồng.

    Như vậy, giá căn hộ bị đội lên cao hơn khá nhiều so với thỏa thuận ban đầu với chủ đầu tư. Chị cho biết đã trao đổi vấn đề này với chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư nhất quyết không hỗ trợ dù chị đã đóng tiền trước. Người này than phiền: “Biết vay được gói 30.000 tỷ đồng là may mắn, nhưng tôi không vui vì có cảm giác chủ đầu tư đang ép mình, họ có lợi mà không chia sẻ với khách hàng”.

    Khó giám sát chủ đầu tư

    Rắc rối không chỉ là thủ tục hay việc giá căn hộ bị đội lên khi buộc phải giải ngân sớm, mà một rủi ro lớn khác là việc “lệch pha” giữa tiến độ thực hiện dự án và số tiền khách hàng phải đóng. Thông thường việc đóng tiền để mua “nhà trên giấy” tuân thủ khá chặt chẽ tiến độ thi công của dự án. NH giám sát bằng cách chỉ giải ngân khi chủ đầu tư chứng minh được tiến độ dự án đạt như đã thỏa thuận.

    Điều này nhằm giám sát việc sử dụng vốn của chủ đầu tư đúng mục đích để tránh trường hợp chủ đầu tư huy động vốn nhưng thực hiện không đúng tiến độ, hoặc sử dụng vốn sai mục đích. Đây là một cách để bảo vệ bên cho vay (NH) lẫn bên đi vay (người mua nhà). Tuy nhiên, với việc giải ngân một lần hoặc giải ngân trước tiến độ, không những chủ đầu tư có lợi mà việc kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án cũng khó khăn.

    Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31-12-2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay thuộc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở là 26.999 tỷ đồng (đạt 90%). Trong đó, tổng số tiền đã giải ngân đạt 17.711 tỷ đồng, đạt 59%. Với số liệu này, trong 5 tháng đầu năm 2016, gói tín dụng này sẽ phải hoàn tất giải ngân phần còn lại có trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng. Đây quả thực là thách thức không nhỏ. Việc giải ngân ồ ạt này cũng gây sức ép không nhỏ lên một số NH. Bên cạnh đó nó cũng cho thấy gói 30.000 tỷ đồng tồn tại rất nhiều bất cập.

    Được biết, hiện tại đã có hơn chục NH tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Bao gồm các NH như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Bảo Việt, PVComBank, Eximbank, Saigonbank, TPbank, SHB, NamAbank, Seabank, VPbank, ACB, VIB, Vietbank, LienVietPostBank. Đây là gói vay hỗ trợ mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, được thực hiện từ 1-6-2013. Về thời hạn giải ngân, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Thông tư 11 quy định số giải ngân kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (1-6-2013) và giải ngân tối đa 36 tháng nên ngày 1-6-2016 là thời điểm kết thúc giải ngân.

    Nhiều người nhận định gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã có tác dụng rất tích cực, góp phần giúp thị trường bất động sản chuyển từ giai đoạn đóng băng sang giai đoạn phục hồi từ cuối năm 2013 cho đến nay.

    Trước đây một số ý kiến cho rằng nên điều chỉnh thời điểm kết thúc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thêm một vài năm nữa, mốc 1-6-2016 nên điều chỉnh lại là thời điểm cuối cùng việc ký kết hợp đồng hoặc là đợt giải ngân đầu tiên. Ngoài ra, một số người còn đề xuất nếu buộc phải giải ngân để kịp tiến độ, nên có những quy định mới để NH, người mua nhà giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn và buộc chủ đầu tư trả khoản lãi suất người mua nhà chịu thiệt thòi.


    Thống lĩnh thị trường điện thoại, Thế giới di động tính chiếm thị phần của các cửa hàng nhỏ

    Bằng việc tăng trưởng doanh thu các siêu thị cũ, mở rộng thêm siêu thị mới, Thế giới di động đặt mục tiêu thị phần điện thoại di động tăng lên con số 35%.

    Theo số liệu tại báo cáo thường niên 2016 của CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG), công ty này đang chiếm 30% thị phần điện thoại di động chính hãng – bỏ xa một tên tuổi khác là FPT shop với thị phần 8%. Các chuỗi khác (bao gồm các chuỗi nhỏ ở tỉnh và nhóm các siêu thị điện máy) chiếm 20%. Còn lại, thị phần lớn nhất với 40% đang thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ.

    Trên thị trường điện máy chính hãng, thương hiệu Điện máy xanh của Thế giới di động mới chỉ chiếm 8% thị phần, đứng sau Nguyễn Kim (12%) nhưng nhiều hơn Điện máy Chợ Lớn (7,5%). Thị phần lớn nhất vẫn thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ với 52,5%.


    Như vậy, MWG tiếp tục duy trì vị trí thống lĩnh trên thị trường điện thoại. Trong kế hoạch cho năm tới, công ty này cho rằng cơ hội mở rộng thị trường vẫn còn khi 50% thị phần đang nằm trong tay cửa hàng nhỏ lẻ. Bằng việc tăng trưởng doanh thu các siêu thị cũ, mở rộng thêm siêu thị mới, Thế giới di động đặt mục tiêu thị phần điện thoại di động tăng lên con số 35%.

    Năm 2015, doanh thu của MWG là 25.253 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.076 tỷ đồng – tăng 60% so với năm 2014. Công ty này đang có 633 siêu thị Thegioididong.com và Dienmayxanh.com.


    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn