TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 09-08-2016

    Thị trường lao động Mỹ khởi sắc, số việc làm tăng vượt dự đoán

    Thị trường lao động Mỹ tiếp tục khởi sắc sau khi báo cáo việc làm mới nhất của Bộ Lao động nước này cho thấy số việc làm mới trong tháng 7 vừa qua tăng vượt mức dự đoán. 

    Điều này cho thấy thể trạng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trên thực tế "khỏe mạnh hơn" so với nhận định của các chuyên gia.
    Trong báo cáo việc làm được công bố ngày 5/8, Bộ Lao động cho biết trong tháng 7 vừa qua, nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tạo thêm hơn 250.000 việc làm mới. Cụ thể, số việc làm phi nông nghiệp của nước này tăng thêm 255.000 việc làm, cao hơn đáng kể so với dự đoán 185.000 việc làm của các chuyên gia. 
    Trong tháng 5 và 6, các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan chính phủ cũng lần lượt tạo thêm 24.000 và 292.000 việc làm mới, tăng tổng cộng thêm 18.000 so với báo cáo công bố trước đó. Thu nhập bình quân theo giờ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoài, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức 4,9%.
    Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Lao động Thomas Perez nhận định báo cáo việc làm trên cho thấy "cuộc Đại Suy thoái thực sự đã ở lại phía sau trong bối cảnh nền kinh tế liên tục tạo thêm việc làm suốt 70 tháng liên tiếp vừa qua."
    Báo cáo việc làm tích cực đã khiến giới đầu tư lạc quan về triển vọng của kinh tế Mỹ đồng thời khiến "sắc xanh" tràn ngập trên thị trường chứng khoán phố Wall. Trong phiên giao dịch ngày 5/8, chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng tốt nhất một tháng qua khi các chỉ số chủ lực như S&P và Nasdaq lập kỷ lục.
    Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 191,21 điểm, tương ứng 1%, lên 18.543,53 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 18,57 điểm, tương ứng 0,86%, lên 2.182,87 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 54,87 điểm, tương đương 1,1%, lên 5.221,12 điểm.
    Giới chuyên gia nhận định với việc thị trường lao động Mỹ diễn biến tích cực và ngày càng có nhiều người tìm việc làm mới, nhiều khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh việc điều chỉnh lãi suất cơ bản trong thời gian tới. 
    Ngoài ra, thị trường lao động khởi sắc cũng mang lại lợi thế cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. 

    Trong chiến dịch tranh cử của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã vẽ ra một bức tranh lạc quan về tăng trưởng kinh tế, trái ngược với triển vọng tiêu cực về nền kinh tế đầu tàu thế giới mà đối thủ của đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra.(Vietnamplus)

    Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7/2016 đạt mức cao nhất năm 2016

     Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục tháng thứ 2 liên tiếp; Nhập khẩu trong tháng 6 và tháng 7 tăng 8,1%, lên 582,05 triệu tấn; Xuất khẩu thép trong tháng 7 giảm so với tháng trước đó.
    Nhập khẩu quặng sắt Trung Quốc trong tháng 7 tăng 8,3% so với tháng trước đó, lên mức cao kỷ lục tháng thứ 2 liên tiếp, do nhu cầu đối với nguyên liệu này tại khách mua hàng đầu thế giới duy trì mạnh mẽ.
    Xuất khẩu trong tháng 7 tăng lên 88,4 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2015 và tăng 2,7% so với cùng tháng năm ngoái, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết.
    Trong 7 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 582,05 triệu tấn.
    “Tôi thực sự không ngạc nhiên, do nhiều nhà cung cấp nước ngoài muốn tăng cường xuất khẩu, tận dụng lợi thế khi giá hồi phục”, Helen Lau, nhà phân tích tại Argonaut Securities, Hồng Kông cho biết.
    Dự trữ quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc giảm 300.000 tấn, xuống còn 105,75 triệu tấn tính đến 5/8, sau 7 tuần tăng liên tiếp, nâng dự trữ lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2014, The Steel Index cho biết.

    Giá quặng sắt giao ngay sang cảng Thiên Tân Trung Quốc tăng 3,4%, lên 60,9 USD/tấn hôm thứ sáu (5/8), mức cao nhất kể từ ngày 4/5, The Steel Index cho biết.

    Giá nguyên liệu sản xuất thép khác giao kỳ hạn cũng tăng phiên hôm thứ hai (8/8), với giá than cốc tại Đại Liên tăng 7% và than luyện cốc tại Đại Liên tăng gần 5%. Giá thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải tăng 3,8%.

    Nhập khẩu nên duy trì ở mức này trong vài tháng tới, trừ khi giá tăng lên 65 đến 70 USD/tấn, điều này nên khuyến khích sản xuất nội địa.
    Giá thép tăng 30%, kể từ cuối tháng 5/2016, thúc đẩy các nhà máy thép Trung Quốc duy trì sản lượng ở mức cao và bổ sung nguyên liệu, bất chấp dự trữ trong nước gia tăng. Giá quặng sắt giao ngay tăng 27% kể từ tháng 6.
    Nhập khẩu tăng mạnh đã đẩy dự trữ tại các cảng lớn của Trung Quốc tăng lên 108,06 triệu tấn tính đến 5/8, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, số liệu từ trang web Custeel.com cho biết. Dự trữ tăng lên cao hơn 100 triệu tấn kể từ tháng 7.
    Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 5,9% so với tháng 6, xuống còn 10,3 triệu tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu duy trì ở mức cao, do các nhà máy thép đẩy mạnh xuất khẩu, bất chấp khiếu nại bán phá giá từ các khu vực khác bao gồm Mỹ và châu Âu.
    Tổng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2016 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 67,14 triệu tấn.( VITIC/Reuters)

    Xuất khẩu cá tra tăng 5,4% trong nửa đầu năm 2016

    Xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng 5.4% trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 và thu về 790.2 triệu USD.

    Hong Kong là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất 66.7%, với kim ngạch đạt 117 triệu USD, tiếp theo là Brazil (tăng trưởng 41.4%, đạt kim ngạch 36.9USD) và Hoa Kỳ (tăng trưởng 17.7%, kim ngạch 187.7 triệu USD)

    Trong khi đó, xuất khẩu sang EU giảm 6.7% trong khoảng thời gian từ tháng 1-6/2016, đạt 133 triệu USD. Trong khối này, xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng 17.9%, Đức tăng 4.4% nhưng xuất khẩu sang Hà Lan giảm 13% và Anh giảm 22.5%.

    Xuất khẩu cá tra sang các nước ASEAN giảm nhẹ 1.9%, đạt kim ngạch 67.9 triệu USD. Ba thị trường lớn nhất của khối này là Thái Lan tăng 1.8%, Singapore và Philippines đều giảm lần lượt 1.4 và 2%. Sản phẩm chính xuất khẩu sang Thái Lan và Singapore gồm phi lê và miếng đông lạnh. Thái Lan vẫn là nhà nhập khẩu chính của Việt Nam với giá trị nhập khẩu ổn định.

    Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam trong quý II tăng so với quý I. Xuất khẩu tăng chủ yếu do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, 80.6% trong quý II, đạt 72.5 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu quý II tăng mạnh nhờ kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 31.4% so với quý I đạt 106.5 triệu USD.

    Trong khi đó, giá trị xuất khẩu sang các nước ASEAN trong quý II đạt 34.5 triệu USD, giảm 3.3%, xuất khẩu sang Brazil giảm 29.8% so với quý trước, đạt 16.1 triệu USD.(Vasep)

    Tháng 7 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Na Uy tăng 15%

    Xuất khẩu thủy sản của Na Uy trong tháng 7 đạt 6,6 tỷ NOK, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản Na Uy, tháng 7 là tháng mùa hè rất tốt cho xuất khẩu thủy sản Na Uy.

    Xuất khẩu cá hồi Salmon và cá hồi Trout trong tháng 7/2016 đạt 5,1 tỷ NOK, tăng 28% so với tháng 7/2015. Giá cá hồi tăng cao do nhu cầu tăng mạnh, trong khi lượng khai thác ít hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu cá vược trong tháng 7 giảm; giá xuất khẩu cá tuyết tươi và đông lạnh tăng.

    Xuất khẩu cá hồi Salmon  trong tháng 7 tăng 25%, đạt 4,8 tỷ NOK; tính chung 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu đạt 33 tỷ NOK, tăng 27%, tức tăng 7 tỷ NOK. Giá trung bình cá hồi tươi nguyên con trong tháng 7 là 66,4 NOK/kg so với mức 43,96 NOK/kg trong tháng 7/2015. Ba Lan và Pháp là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá hồi Salmon Na Uy.

    Kim ngạch xuất khẩu cá hồi Trout tháng 7 đạt 342 triệu NOK - tăng 69% so với tháng 7/2015, tức tăng 140 triệu NOK. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá hồi Trout đạt 2,3 tỷ NOK, tăng 97%, hoặc tăng 1,1 tỷ NOK. Belarus và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá hồi Trout Na Uy.

    Xuất khẩu cá tuyết tươi và đông lạnh trong tháng 7 cũng tăng. Xuất khẩu cá tuyết tươi, bao gồm cả phi lê đạt 72 triệu NOK, tăng 9%, tức tăng 6 triệu NOK so với tháng 7/2015. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tuyết tươi, gồm cả philê, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 1,7 tỷ NOK.

    Xuất khẩu cá tuyết đông lạnh của Na Uy, bao gồm cả  philê, đạt tổng giá trị 208 triệu NOK trong tháng 7, tăng 16% so với cùng tháng năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tuyết đông lạnh của Na Uy, bao gồm cả philê đạt 1,5 tỷ NOK - tăng 32%, hoặc tăng 392 triệu NOK.

    Tuy nhiên, xuất khẩu cá vược đã giảm 11%, đạt 221 triệu NOK trong tháng 7. Tổng cộng 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá vược đạt 1,9 tỷ NOK, giảm 12%, tức giảm 258 triệu NOK so với cùng kỳ.

    Xuất khẩu cá muối đạt 41 triệu NOK  - tăng 13%, tức tăng 5 triệu NOK. Tính tổng cộng 7 tháng đầu năm  đạt 937 triệu NOK, so với mức 888 triệu NOK trong 7 tháng năm 2015.

    Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu cá trích đạt 204 triệu NOK, tăng 7% so với tháng 7 năm ngoái. Tổng cộng 7 tháng  đạt 1,7 tỷ NOK, tăng 48%, tức tăng 538 triệu NOK. Đức và Ba Lan là những thị trường lớn nhất cho loài cá nổi này. Tuy nhiên, xuất khẩu cá thu giảm.(Vinanet)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn