TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-12-2015

    Sẽ có nhiều "cá mập" đầu tư vào bán lẻ Việt Nam

    ong truong dinh tuyen, nguyen bo truong bo thuong mai

    Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại


    Sự tham gia hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ của thị trường thế giới sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường nhiều hơn.

    Bày tỏ sự quan tâm đến thị trường bán lẻ, phân phối của Việt Nam, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng,ngành bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại.

    Trong đó, việc kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại với EU, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN… sẽ giúp cho làn sóng đầu tư nước ngoài tăng nhanh ở Việt Nam và đây là cơ hội lớn cho ngành.

    Theo đó, cùng với quá trình đô thị hóa tăng lên, xu hướng đầu tư bán lẻ hiện đại tăng lên cũng sẽ tạo ra việc làm mới, thu nhập và phúc lợi cho người dân. Từ đó, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng theo, càng tạo động lực cho ngành bán lẻ phát triển.

    Một trong những nguyên nhân chính khiến cho các nhà đầu tư nhảy vào nhiều hơn, theo ông Tuyển, chính là do những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối trong các hiệp định mới có thay đổi so với quy định trong WTO.

    Đơn cử như những quy định liên quan đến việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) với việc mở cơ sở bán lẻ thứ hai, sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam.

    Ngoài ra, quy định về việc đồng bộ hóa hoạt động bán hàng tại cơ sở phân phối của nhà đầu tư nước ngoài cũng có những tác động nhất định. Theo quy định trước đây, Việt Nam không cho nhà đầu tư nước ngoài bán những mặt hàng đặc thù, song với những hiệp định tự do mới sẽ cho phép các nhà bán lẻ được tham gia phân phối những sản phẩm này.

    Hay là sự phát triển của tầng lớp trung lưu và 15 năm nữa Việt Nam vẫn trong độ tuổi dân số vàng, là độ tuổi thích mua sắm, và theo ông Tuyển, các trung tâm mua sắm hiện đại và cơ sở hiện đại sẽ vẫn phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới.

    Sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các nhà bán lẻ nước ngoài cũng sẽ mở ra nhiều phương thức kinh doanh mới trong ngành bán lẻ, theo nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại. Đáng chú ý là hình thức thương mại điện tử, và các hình thức kinh doanh hiện đại.

    “Việt Nam có thể là một trong những nước phát triển nhanh về thương mại điện tử với sự phát triển của công cụ hiện đại” – ông Tuyển nhận định.

    Đối với các nhà sản xuất, để tham gia sâu hơn vào chuỗi bán lẻ trên thị trường nội địa và toàn cầu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, xu hướng thị trường sẽ có sự phân hóa thành các nhu cầu khác nhau. Do đó, bên cạnh những phân khúc cao cấp thì nhà sản xuất cần chú trọng những phân khúc cấp thấp và trung bình để gia tăng tính cạnh tranh và đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng.


    Trên 51.000 tỷ đồng đầu tư vào Quảng Ninh trong năm 2015

    Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2015 đạt trên 51.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm trước.

    Cụ thể, vốn nhà nước đạt 18.916 tỷ đồng, tăng 9,6% cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 15.156 tỷ đồng, tăng 8,6% cùng kỳ.

    Đặc biệt, vốn ngoài nhà nước có tốc độ tăng nhanh nhất là 19,7%, đạt 17.248 tỷ đồng; trong đó tập trung vào các dự án lớn đang triển khai như Công viên Đại Dương; khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở kết hợp phố mua sắm tại phường Bạch Đằng; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long; khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan; khu nghỉ dưỡng khách sạn cao cấp Vinpearl Hạ Long...

    Trong năm 2015, có 97 dự án đầu tư vào Quảng Ninh được cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đạt 53.125 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

    Quảng Ninh đã chủ động áp dụng hình thức đối tác công-tư (PPP) để huy động vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, dân sinh lớn phục vụ phát triển đô thị, đời sống nhân dân.

    Các dự án này bao gồm Cảng hàng không Quảng Ninh; đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương; trụ sở liên cơ quan số 3, số 4; nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ thuộc Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc


    Nhiều cơ hội giao thương với doanh nghiệp Nga

    Việt Nam đã ký kết FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC) gồm 5 nước Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgystan vào cuối tháng 5/2015 vừa qua. Đây là sự kiện quan trọng, tạo ra cơ hội cho các DN Việt Nam được tiếp cận một khu vực thị trường rộng lớn, đông dân và rất nhiều tiềm năng giao thương và hợp tác đầu tư.

    Trong bối cảnh đó, với sự hỗ trợ của Hội đồng Liên bang, Viện Duma quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển kinh tế, Bộ Công nghiệp và Thương mại, các cơ quan ngành khác của Nga, đặc biệt là dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Liên bang Nga, Cơ quan Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Nga và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tại khách sạn Melia Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm công nghiệp Việt Nga lần thứ nhất (Expo Russia – Vietnam 2015) từ ngày 14-16/12/2015 và Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga: Hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tư do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu vào sáng ngày 14/12/2015.

    Sự ủng hộ của các cấp chính quyền sẽ thúc đẩy sự phát triển và tăng cường mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Liên bang Nga và Việt Nam, đa dạng hóa các hình thức và phương hướng hợp tác kinh tế Nga-Việt, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xã hội và nhân văn, cũng như thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp và các tổ chức Nga vào các thị trường Đông Nam Á.

    Expo Russia - Vietnam 2015 sẽ được khai mạc lúc 12.00 ngày 14/12/2015 tại phòng Grand ballroom ngay sau khi kết thúc Diễn đàn doanh nghiệp (diễn ra từ 08.30 – 11.50 tại phòng Function room 6 -7)với sự tham gia của các đại diện Chính phủ, các Bộ, ban ngành cũng như và các vị lãnh đạo đến từ những tỉnh thành của Liên bang Nga và Việt Nam, đại diện giới kinh doanh, cũng như đoàn ngoại giao của hai nước.

    Ông David Vartanov - Chủ tịch Công ty cổ phần "Zarubezh-Expo” - Trưởng Ban tổ chức Triển lãm cho biết, triển lãm sẽ trưng bày những thành tựu mới nhất trong các ngành năng lượng, chế tạo máy, giao thông vận tải và viễn thông, khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất, y học, nông nghiệp và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác. Bên cạnh đó, tham gia Diễn đàn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phía các cơ quan ban ngành của Nga sẽ đưa ra các cơ chế nhằm thu hút đầu tư vào các tỉnh thành của LB Nga, cũng như gặp gỡ các đối tác tiềm năng và uy tín của Liên bang Nga.

    Với vai trò là cơ quan phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt – Nga, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, diễn đàn là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam cũng như Liên bang Nga tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh trong bối cảnh thuận lợi như hiện nay.

    Tham dự Diễn đàn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được cung cấp thông tin về FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, về những điều khoản và nguyên tắc chính của Hiệp định. Ngoài ra, sau Diễn đàn, doanh nghiệp có thể tham quan gian hàng và gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp Nga ngay tại các gian hàng Triển lãm...


    Đón đầu TPP, nhà đầu tư Đài Loan rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam

    Đài Loan xếp thứ 6 trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 103 dự án cấp mới, 51 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 1,11 tỷ USD

    Theo số liệu mới công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính riêng 11 tháng năm 2015, Đài Loan xếp thứ 6/57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 103 dự án cấp mới, 51 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 1,11 tỷ USD.

    Phân theo ngành, các nhà đầu tư Đài Loan đã đầu tư vào tổng số 11/21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 67 dự án mới, 43 lượt tăng vốn, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 890,45 triệu USD (chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam).

    Đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng có tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 129,89 triệu USD (chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Tiếp theo là một số lĩnh vực khác như hoạt động kinh doanh bất động sản, khai khoáng...

    Phân theo hình thức đầu tư, các dự án của Đài Loan chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 88 dự án mới, 48 lượt tăng vốn, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,06 tỷ USD (chiếm tới 95% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Còn lại là các dự án theo các hình thức liên doanh, hợp đồng BOT,BT,BTO và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

    Phân theo địa phương, trong 11 tháng năm 2015, các dự án đầu tư của Đài Loan phân bổ tại 25/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi), nhưng tương đối tập trung tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai… do các địa phương này có điều kiện thuận lợi về thị trường, các ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung đông doanh nghiệp Đài Loan và người Hoa sinh sống.

    Tỉnh Bình Dương dẫn đầu cả về số dự án và vốn đầu tư với 30 dự án mới, 12 lượt tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 427 triệu  USD (chiếm hơn 38% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Tỉnh Đồng Nai đứng thứ hai với 241,18 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm (chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Đài Loan tại Việt Nam). Còn lại là những địa phương khác.

    Tính riêng trong năm nay, dự án lớn nhất của Đài Loan tại Việt Nam là dự án Nhà máy Công ty TNHH POLYTEX FAR EASTERN (Việt Nam), cấp phép tháng 6/2015 với tổng vốn đầu tư đăng ký 274,2 triệu USD. Dự án hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh Bình Dương.


    Vốn FDI Nhật Bản chảy mạnh vào Việt Nam

    Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 sau Hàn Quốc và Malaysia về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2015.

    Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2015 Việt Nam có 1.855 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 13,55 tỷ USD, và 692 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 6,66 tỷ USD.

    Lũy kế 11 tháng năm 2015 vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 20,22 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 sau Hàn Quốc và Malaysia với 281 dự án cấp mới và 129 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư trong 11 tháng là 1,72 tỷ USD.

    Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 99 dự án cấp mới và 77 dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 922,9 triệu USD (chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư).

    Đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng có 8 dự án cấp mới và 1 dự án tăng vốn với tổng số vốn là 355,9 triệu USD (chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đầu tư là 146,84 triệu USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.

    Các nhà đầu tư của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức: 100% vốn nước ngoài với 233 dự án cấp mới và 115 dự án tăng vốn với tổng số vốn là 1,3 tỷ USD chiếm 75,6% tổng vốn đầu tư. Đứng vị trí thứ hai là hình thức hợp đồng BOT với 1 dự án nhưng số vốn là 343,65 triệu USD chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư.

    Bên cạnh đó, hình thức liên doanh với 46 dự án cấp mới và 13 dự án tăng vốn với số vốn là 74,84 triệu USD chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm số vốn ít nhất là 1,8 triệu USD chiếm 0,1% tổng vốn đầu tư trong 11 tháng năm 2015.

    Trong 11 tháng năm 2015 Nhật Bản đã đầu tư vào 32/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó Quảng Ninh thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản trong 11 tháng nhất với tổng vốn đăng là 343,65 triệu USD (chiếm 20% tổng vốn đầu tư).

    Đứng thứ hai là Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng số vốn đầu tư là 169,8 triệu USD (chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư). Thành phố Hồ Chí Minh đứng  thứ 3 với tổng số vốn là 146,4 triệu USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các địa phương khác.

    Một số dự án lớn của Nhật Bản tại Việt Nam trong 11 tháng:

    - Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT: dự án được đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư của Nhật là 343,64 triệu USD.

    - Dự án Công ty TNHH Nitori Bà Rịa – Vũng Tàu: dự án này đầu tư vào KCN – Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư là 150 triệu USD.

    - Dự án khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư là 70,1 triệu USD.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn