TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-09-2018

    Tại sao Mỹ bất ngờ mua thêm nhiều dầu thô của Saudi Arabia?

    Trong vài tháng nay, OPEC đang tăng cường sản xuất để giảm bớt lo ngại về giá dầu cao trong bối cảnh dự kiến thiếu hụt nguồn cung từ Venezuela và Iran.

    Saudi Arabia, nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất của OPEC, đang đặc biệt hướng tới tăng cường xuất khẩu dầu thô sang Mỹ, thị trường minh bạch nhất thường báo cáo mức nhập khẩu và dự trữ dầu thô hàng tuần.

    Mặt khác, Saudi Arabia đang tìm cách lấy lại vị trí chắc chắn tại thị trường Mỹ sau khi cắt giảm xuất khẩu sang Mỹ xuống mức thấp nhất trong 30 năm vào cuối năm ngoái, khi OPEC nỗ lực xóa dư cung dầu thô toàn cầu. Ngoài ra Saudi Arabia cũng đang đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã liên tục đổ lỗi cho OPEC về giá xăng cao, hồi đầu tháng 7/2018, ông kêu gọi tổ chức này giảm giá hiện nay.

    Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần tính tới ngày 31/8/2018, lượng dầu thô của Mỹ nhập khẩu từ Saudi Arabia trung bình trong 4 tuần vượt 1 triệu thùng/ngày, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2017.

    Vào thời điểm đó năm ngoái, Saudi Arabia bắt đầu mục đích giảm xuất khẩu của họ sang Mỹ, nơi số liệu dự trữ và hoạt động lọc dầu được báo cáo mỗi tuần. Những báo cáo này ảnh hưởng tới giá dầu và tâm lý của nhà đầu tư.

    Trong tuần cuối tháng 10/2017, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ từ Saudi Arabia trung bình trong 4 tuần chỉ là 506.000 thùng/ngày bằng một nửa mức trung bình 4 tuần 1,009 triệu thùng/ngày trong tuần cuối tháng 8 năm nay.

    Trong tháng 10/2017, nhập khẩu của Mỹ từ Saudi Arabia đứng ở mức 582.000 thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 11/1987, do lãnh đạo của OPEC, các thành viên OPEC và các đồng minh ngoài OPEC dẫn đầu là Nga trong hiệp ước cắt giảm sản lượng đang thực hiện giảm dư cung dầu mỏ toàn cầu mà đã gây sức ép lên giá dầu và thu nhập của các nước sản xuất dầu mỏ.

    Trong mùa xuân năm nay, rõ ràng rằng OPEC và những người bạn đã đạt được nhiệm vụ giảm dự trữ dầu mỏ toàn cầu xuống mức trung bình 5 năm. Thị trường dầu mỏ đã thắt chặt, nhưng Saudi Arabia lãnh đạo của OPEC vẫn muốn tiếp tục cắt giảm sản lượng ít nhất cho tới cuối năm nay.

    Tuy nhiên, Mỹ đã thông báo trở lại cấm vận Iran, gồm cả lĩnh vực dầu mỏ của họ, sản xuất của Venezuela tiếp tục sụt giảm khỏang 40.000 tới 50.000 thùng/ngày mỗi tháng, gián đoạn tại Libya và Nigeria tiếp tục và giá dầu thô Brent đã đạt 80 USD/thùng trong tháng 5/2018.

    Người tiêu dùng và các quốc gia nhập khẩu dầu lớn bắt đầu bày tỏ lo ngại về giá dầu cao, và giới phân tích bắt đầu hỏi liệu mức giá 80 USD/thùng có là khởi đầu của sự phá hủy nhu cầu. Tổng thống Trump đã bình luận với một vài câu nhằm vào OPEC và chính sách định giá của họ.

    Sau khi hồi tháng 6/2018, OPEC và các đồng minh của họ quyết định sẽ nới lỏng mức tuân thủ, tức là tăng sản lượng, nhập khẩu của Mỹ từ Saudi Arabia bắt đầu tăng trở lại, vượt 1 triệu thùng/ngày vào cuối tháng trước. Điều đó không có lợi cho Iraq nhà cung cấp dầu khác ở Trung Đông, xuất khẩu dầu thô của Iraq sang Mỹ đã giảm từ mức cao hơn 800.000 thùng/ngày trong tháng 4/2018 xuống chưa tới 400.000 thùng/ngày trung bình trong 4 tuần tính tới ngày 31/8/2018.

    Nhà máy lọc dầu lớn nhất Mỹ, Motiva công suất 600.000 thùng/ngày tại Port Arthur, Texas được điều hành bởi Saudi Aramco đã bắt đầu tăng cường nhập khẩu trở lại từ Saudi Arabia. Theo Bloomberg, năm ngoái, họ đã giảm nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia và có thời điểm nhập khẩu thêm dầu từ Iraq so với dầu thô của Saudi Arabia. Nhưng trong những tháng gần đây, Motiva đã trở lại mua thêm dầu thô từ Saudi Arabia.

    Mức xuất khẩu dầu thô của Trung Đông sang Mỹ đã bắt đầu thay đổi, Gary R. Heminger, giám đốc điều hành tại tập đoàn Marathon Petroleum, nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Mỹ cho biết trong một hội nghị vào tuần trước.

    Heminger cho biết “các nhà sản xuất Trung Đông đang trở nên tích cực hơn nhiều, muốn đưa dầu của họ trở lại thị trường này, thị trường rất quan trọng đối với họ”.

    Theo số liệu của Thomson Reuters xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia sang Mỹ trong tháng trước và tháng này có thể đạt mức cao nhất hai tháng kể từ tháng 2 và tháng 3/2017. Tổng cộng 41,5 triệu thùng dầu thô của Saudi Arabia dự kiến tới bờ Vịnh Mỹ và Bờ Tây vào giữa tháng 10/2018, với nhập khẩu của Bờ Tây ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.

    Saudi Arabia đang tăng cường xuất khẩu dầu thô sang Mỹ để đạt được hai mục đích: lấy lại thị phần và hạn chế giá dầu và khí đốt của Mỹ, ít nhất cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ trong tháng 11/2018.(VITIC)
    -------------------------

    Thặng dư thương mại Trung Quốc - Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong tháng 8

    Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng lên mức kỉ lục trong tháng 8 vừa qua ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu của nước này giảm nhẹ.

    Thông tin này có thể thúc đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện quyết liệt hơn các chính sách thuế quan nhằm gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt giữa hai nước.

    Theo các số liệu hải quan của Trung Quốc được công bố ngày 8/9, trong tháng qua, thặng dư thương mại của nền kinh tế số 2 thế giới với Mỹ đã đạt 31 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với mức 28,08 tỷ USD hồi tháng 7 và vượt qua mức kỷ lục 28,97 tỷ USD được ghi nhận hồi tháng 6.

    Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang nền kinh tế số 1 thế giới tăng 13,4% lên mức 44,4 tỷ USD.

    Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 11,1% lên 13,3 tỷ USD. Tính từ đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc với thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này đạt hơn 192 tỷ USD, cao hơn con số gần 168 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

    Giới phân tích nhận định nguyên nhân chính khiến thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tăng chủ yếu là do các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh các đơn đặt hàng nhằm tránh các mức thuế mới được áp dụng.

    Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc cũng thừa nhận các nhà xuất khẩu nước này vẫn đang hối hả đẩy các lô hàng đi trước khi Mỹ áp đặt thuế quan mới và vì thế nâng các chỉ số tăng trưởng, trong khi một số công ty như các nhà máy thép đang đa dạng hóa và bán nhiều sản phẩm hơn cho các nước khác.

    Tuy nhiên, thông tin thặng dư thương mại Trung Quốc với Mỹ tăng cao kỷ lục được dự báo sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang leo thang căng thẳng.

    Các nhà đầu tư lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào bất kỳ thời điểm nào sau khi giai đoạn lấy ý kiến công chúng kết thúc hôm 6/9 vừa qua.

    Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn liên tục đưa ra các chính sách thương mại đối đầu nhau, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

    Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn liên tục đưa ra các chính sách thương mại đối đầu nhau, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

    Hôm 7/9, Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế quan lên hầu hết hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, đe dọa đánh thuế lên thêm 267 tỷ USD giá trị hàng hóa, ngoài 200 tỷ USD hàng nhập khẩu sắp chịu thuế trong những ngày tới.

    Washington từ lâu đã chỉ trích thặng dư thương mại to lớn của Trung Quốc với Mỹ và đã yêu cầu Bắc Kinh thu hẹp con số này. Tuy nhiên, những bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế lớn liên quan tới nhiều vấn đề hơn là chỉ mỗi cân bằng thương mại.

    Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc vẫn còn liên quan tới những giới hạn đối với các công ty Mỹ trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, bảo vệ tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và đầu tư.

    * Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho biết ông đồng ý với đánh giá của Tập đoàn Apple rằng mức thuế dự kiến áp vào các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến cho hàng loạt sản phẩm của công ty này tăng giá.

    Tuy nhiên, ông cho rằng Apple có thể khắc phục được vấn đề này bằng cách chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ và khuyến khích tập đoàn công nghệ này "bắt đầu xây dựng các nhà máy mới ngay bây giờ".

    Phản ứng của Tổng thống Mỹ đưa ra sau khi Apple chuyển một bức thư đến Đại diện Thương mại Mỹ hôm 7/9, cảnh báo việc Mỹ áp thuế các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến hàng loạt sản phẩm của Apple tăng giá, bao gồm cả Apple Watch, Mac mini và ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng Mỹ. Hiện Apple sản xuất phần lớn sản phẩm tại Trung Quốc (Bnews)
    ------------------------

    VinFast và LG Chem hợp tác làm pin chuẩn quốc tế, thân thiện môi trường

    Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) và Công ty LG Chem (Tập đoàn LG) thống nhất sản xuất sản phẩm pin chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và thân thiện với môi trường.

    Ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup (trái) và ông Jong Hyun Kim (phải) – Chủ tịch Công ty Giải pháp năng lượng thuộc LG Chem ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: VinFast

    Để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam cũng như tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của VinFast và các công ty thành viên thuộc Tập đoàn, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) và Công ty LG Chem (Tập đoàn LG) ngày 7/9 đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất các dòng pin tiêu chuẩn quốc tế.

    Theo đó, hai bên thống nhất sẽ sản xuất các sản phẩm pin chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và thân thiện với môi trường. Pin sẽ có chủng loại đa dạng, từ pin dùng cho các dòng xe máy, ô tô hay xe buýt điện VinFast đến pin dùng cho điện thoại thông minh Vsmart và nhiều dòng sản phẩm khác trong tương lai. Trước mắt, hai bên sẽ ưu tiên hợp tác sản xuất pin cho xe máy điện VinFast.

    Cụ thể, VinFast sẽ chịu trách nhiệm đầu tư nhà xưởng và dây chuyền sản xuất tại Khu công nghiệp phụ trợ thuộc Tổ hợp sản xuất ô tô – xe máy điện VinFast ở Hải Phòng, dự kiến hoạt động từ quý II năm 2019. LG Chem cung cấp công nghệ sản xuất pin và hỗ trợ đào tạo nhân lực.

    Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho hay, sự hợp tác giữa VinFast với LG Chem là bước khởi đầu quan trọng để Công ty nói riêng và Tập đoàn Vingroup nắm bắt công nghệ tiên tiến trên thế giới.

    Đặc biệt, sự hợp tác giữa VinFast và LG Chem nhằm đảm bảo các sản phẩm dùng pin của hệ sinh thái Vingroup có hiệu suất sử dụng tối ưu, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả phù hợp với thị trường Việt Nam. Qua đó, không chỉ tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của VinFast và các công ty thành viên thuộc Tập đoàn mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

    LG Chem là công ty hóa chất đa ngành lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển và sản xuất pin Lithium – ion, pin năng lượng mặt trời, đồng thời cũng là nhà sản xuất pin Lithium – ion lớn thế giới từng hợp tác với các hãng sản xuất điện thoại di động, xe điện, xe lai hybrid...(TTXVN)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn