TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-01-2016

    Sharp thua lỗ năm tài khóa thứ hai liên tiếp

    sharp thua lo nam tai khoa thu hai lien tiep - nguon: japantimes.co.jp)

    Sharp thua lỗ năm tài khóa thứ hai liên tiếp - Nguồn: japantimes.co.jp)


    Hãng chế tạo điện tử Nhật Bản Sharp Corp. dự kiến ghi nhận thêm một năm “đen tối” với hoạt động kinh doanh thua lỗ trong tài khóa 2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2016), chủ yếu do mảng kinh doanh màn hình LCD yếu kém.

    Hồi tháng 10/2015, Sharp hạ dự báo lợi nhuận hoạt động cho tài khóa 2015 vào khoảng 10 tỷ yen (85 triệu USD), giảm từ ước tính trước đó là 80 tỷ yen, do nhu cầu đối với màn hình LCD dành cho điện thoại thông minh tại Trung Quốc sụt giảm.

    Tuy nhiên, theo nguồn tin của Kyodo, do điều kiện kinh doanh trở nên xấu hơn dự kiến nên Sharp có thể bị thua lỗ vài chục tỷ yen trong tài khóa này, và thậm chí lỗ ròng có thể lên tới hơn 100 tỷ yen.

    Tại Trung Quốc, thị trường chủ chốt của Sharp, giá màn hình LCD trượt dốc một phần do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “nguội dần” và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà chế tạo nội địa.

    Theo một nguồn tin khác, Quỹ đầu tư Innovation Network Corp. của Nhật Bản đã có ý định sáp nhập hoạt động sản xuất màn hình LCD của Sharp với Japan Display Inc., một nhà sản xuất màn hình LCD cỡ nhỏ và vừa.

    Trong khi đó, Tập đoàn Hon Hai Precision Industry Co., có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), cũng đề xuất mua lại Sharp với điều kiện thay đổi khối lãnh đạo cấp cao của hãng chế tạo điện tử Nhật Bản này.


    Apple có thể phải hoàn trả 8 tỷ USD tiền trốn thuế tại châu Âu

    apple da nop thue rat it cho chinh phu ailen. anh: technobuffalo.

    Apple đã nộp thuế rất ít cho chính phủ Ailen. Ảnh: Technobuffalo.


    Apple có thể sẽ phải hoàn trả 8 tỷ USD tiền thuế sau điều tra của Uỷ ban châu Âu cho kết quả là công ty này đã dùng thủ đoạn để trốn thuế.

    Apple nói rằng họ sẽ kháng cáo lại phán quyết bất lợi cho mình. Hiệncông ty đang bị các nhà lập pháp soi xét rất kỹ, với cáo buộc dùng chi nhánh ở Ailen để trốn thuế thu nhập bên ngoài nước Mỹ.

    Cuộc điều tra đã được mở hồi năm 2014 và sẽ có kết luận vào tháng 3 tới.

    Uỷ ban châu Âu (EC) cho rằng, chi nhánh của Apple ở Ailen đã dàn xếp tính toán lợi nhuận sử dụng các phương pháp kế toán có lợi cho mình. Cụ thể là họ đã tính ra khoản tiền thuế phải nộp bằng phương pháp chi phí kinh doanh thấp, khiến họ chỉ phải trả một khoản tiền rất ít cho chính phủ Ailen.

    Trong khi doanh thu bên ngoài nước Mỹ đóng góp tới 55% tổng doanh thu của Apple, thì thuế suất thuế thu nhập của họ tại nước ngoài chỉ là 1,8%.

    Nếu Uỷ ban quyết định bắt buộc sử dụng chuẩn kế toán nghiêm ngặt hơn, Apple sẽ phải chi trả thuế ở mức thuế suất 12,5%, tính ra là 64,1 tỷ USD cho số lợi nhuận tạo ra từ 2004 đến 2012, theo tính toán của Larson, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence.


    Nửa tháng, tài sản của 400 tỷ phú “bốc hơi” 305 tỷ USD

    ty phu trung quoc wang jianlin - anh: bloomberg.

    Tỷ phú Trung Quốc Wang Jianlin - Ảnh: Bloomberg.


    Đối với những người giàu nhất thế giới, nửa tháng qua là một quãng thời gian “hao tiền tốn của” tới mức hiếm gặp...

    Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc chóng mặt trong 2 tuần giao dịch đầu tiên của năm 2016 đã khiến giá trị tài sản ròng của nhóm 400 tỷ phú giàu nhất thế giới “bốc hơi” tổng cộng 305 tỷ USD - hãng tin Bloomberg cho biết.

    Đối với thị trường chứng khoán thế giới, chưa năm nào có sự khởi đầu năm mới tồi tệ như năm nay. Đối với những người giàu nhất thế giới, nửa tháng qua cũng là một quãng thời gian “hao tiền tốn của” tới mức hiếm gặp.

    Tuần này, 400 tỷ phú trong xếp hạng Bloomberg Billionaires Index mất thêm hơn 115 tỷ USD, sau khi mất hơn 190 tỷ USD trong tuần trước.

    Nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ lao dốc, và giá dầu sụt sâu đang là những nhân tố chính gây sức ép đối với các thị trường chứng khoán cũng như giá trị tài sản của giới tỷ phú.

    Trong nửa tháng qua, có 76 tỷ phú thuộc nhóm 400 người giàu nhất mất mỗi người ít nhất 1 tỷ USD. 10 người giàu nhất thế giới mất tổng cộng 44,7 tỷ USD trong khoảng thời gian này.

    Riêng trong phiên giao dịch ngày 15/1, có 7 tỷ phú mất hơn 1 tỷ USD mỗi người.

    Phiên này, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 2,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014; thị trường chứng khoán châu Âu rơi vào địa hạt thị trường giá xuống (bear market); chứng khoán Trung Quốc cũng chuyển sang trạng thái thị trường giá xuống, với chỉ số Shanghai Composite Index xóa sạch thành quả của chiến dịch cứu thị trường chưa từng có tiền lệ mà Bắc Kinh triển khai từ mùa hè năm ngoái.

    Cũng trong phiên ngày 15/1, giá dầu thế giới đã giảm sát mốc 29 USD/thùng, thấp nhất trong 12 năm.

    Tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồAmazon, chính là vị tỷ phú mất nhiều tiền nhất.

    Từ đầu năm đến nay, ông Bezos đã chứng kiến giá trị tài sản ròng cá nhân sụt giảm 8,9 tỷ USD. Phiên ngày thứ Sáu, tài sản của vị tỷ phú này sụt 1,9 tỷ USD khi giá cổ phiếu của Amazon giảm gần 3,9%.

    Người giàu nhất thế giới Bill Gates đã mất 6,8 tỷ USD giá trị tài sản ròng từ đầu năm. Tỷ phú Wang Jianlin, người giàu nhất Trung Quốc, mất 6,4 tỷ USD.

    Mức mất mát tài sản đối với hai tỷ phú Carlos Slim người Mexico và Amancio Ortega người Tây Ban Nha tương ứng lần lượt là 5,8 tỷ USD và 5,7 tỷ USD.

    Trong số 400 người giàu nhất thế giới, chỉ có 4 người tăng tài sản trong nửa tháng đầu năm, dẫn đầu là tỷ phú người Ấn Độ Mukesh Ambani với mức tăng tài sản 620 triệu USD.

    Tính đến cuối ngày 15/1 theo giờ New York, tổng giá trị tài sản ròng của 400 tỷ phú giàu nhất hành tinh là 3,6 nghìn tỷ USD, giảm 16% so với mức đỉnh 4,3 nghìn tỷ USD thiết lập vào ngày 18/5/2015.


    Dệt may Việt Nam đón cơ hội từ những FTA thế hệ mới

    day chuyen san xuat san pham soi xuat khau tai cong ty vinatex. (anh: vu sinh/ttxvn)

    Dây chuyền sản xuất sản phẩm sợi xuất khẩu tại Công ty Vinatex. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)


    Vượt lên những khó khăn về thị trường, sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu dệt may khác, dệt may Việt Nam vẫn giữ vững vị trí tốp 5 trong số các nước xuất khẩu dệt may năm 2015. Điều này thể hiện sự cố gắng bền bỉ không mệt mỏi của tất cả các doanh nghiệp trong ngành.

    Trước dự báo 2016 sẽ là một năm nhiều biến động trong cả thị trường tài chính, tiền tệ và cả mức độ tăng trưởng của thế giới, nhiều doanh nghiệp dệt may không khỏi lo ngại trước những khó khăn thách thức mà họ sẽ phải vượt qua để xuất khẩu cán đích.

    "Nước xa không cứu được lửa gần"

    Chia sẻ những khó khăn trước mắt mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty May Hưng Yên-Công ty cổ phần, cho biết cùng với việc Fed điều chỉnh lãi suất tăng và giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.

    Chẳng hạn, hàng xuất khẩu vào Mỹ sẽ có sự so sánh với các nước xung quanh khu vực là đã điều tiết đồng nội tệ giảm. Vì thế, nếu làm phép tính sẽ thấy hàng Việt Nam đắt hơn và họ sẽ chuyển đơn hàng sang Indonesia, Myanmar thậm chí lại sang Trung Quốc.

    Ước vọng hưởng lợi từ các Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mới chỉ dừng lại trên giấy và vẫn chưa thể thực hiện ngay được.

    Ngay cả TPP thực hiện sớm nhất cũng phải năm 2017 hay EVFTA cũng vậy bởi khi Quốc hội các nước ký xong thì cũng phải chuẩn bị đủ các thủ tục thì mới có thể áp dụng được.

    Do đó, có thể nói "nước xa không cứu được lửa gần" khi kề sát tới đây là việc tăng giá đầu vào và sự cạnh tranh của nước khác. Vì vậy, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành dệt may.

    Cùng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng cho rằng đến giờ phút này ngoại trừ nền kinh tế Mỹ là có nhiều tín hiệu cho thấy đã phục hồi hoàn toàn.

    Biểu hiện rõ nhất là đã nâng trở lại lãi suất của Fed trong giai đoạn vừa qua. Nhưng những thị trường như châu Âu, Nhật Bản và một số nước đang phát triển khác tín hiệu tăng trưởng kinh tế không cao nên xác định tổng cầu năm 2016 của thế giới vẫn chỉ tương đương 2015.

    Ngoài ra, dự báo giá dầu tiếp tục ở mức thấp trong năm 2016 chứng tỏ nguồn giá nguyên liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến dệt may như xơ polyeste, các xơ sợi làm từ các sản phẩm tổng hợp từ hóa dầu cũng sẽ thấp. Điều này sẽ kéo theo các sản phẩm tự nhiên như bông, các cây có sợi khác cũng phải giảm theo để cạnh tranh. Vì vậy, mặt bằng giá chung cho sản phẩm năm 2016 là không tăng.

    Từ những nguyên nhân này, ông Lê Tiến Trường ước lượng về mặt tổng cầu và đơn giá của năm 2016 sẽ khó có sự thay đổi nếu không nói đơn giá sẽ còn thấp hơn cả 2015 nếu xu thế giá dầu xuống dưới 30 USD.

    Trong bối cảnh này, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ đạt từ 8-10% bởi vì các Hiệp định thì chưa có hiệu lực, cầu thấp, đơn giá thấp nhưng tăng trưởng về sản lượng có thể đạt từ 11-12%. Nếu như vậy dệt may vẫn có thể tăng trưởng thêm trên 2 tỷ USD và có thể đạt từ 29,5 đến 30 tỷ USD vào năm 2016.

    Chủ động đón cơ hội

    Nhìn lại kết quả năm 2015, dù không đạt được kết quả như mong đợi 27,5 tỷ USD và chỉ dừng lại ở 27 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước nhưng ông Lê Tiến Trường vẫn khẳng định đây là sự cố gắng của cả một tập thể doanh nghiệp sau một năm đầy biến cố.

    Theo ông Lê Tiến Trường, sở dĩ dệt may năm nay “lỡ hẹn” bởi mặt bằng giá chung của toàn thế giới nhất là giá các nguyên liệu chính như dầu thô, bông đều thấp đã kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp giảm. Bởi vậy mà dù năm 2015 sản lượng làm ra của các doanh nghiệp dệt may tăng nhưng do đơn giá thấp nên kế hoạch của cả năm chỉ ngấp nghé ở con số 99%.

    Hơn nữa, các quốc gia sản xuất dệt may lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc phá giá đồng nội tệ “biến” sản phẩm của họ có giá thành thấp hơn Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu dệt may không cán đích.

    Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2016 cũng như đón đầu cơ hội từ những FTA thế hệ mới mang lại, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Vinatex, cho biết mới đây, Tập đoàn đã đưa vào hoạt động ba dự án sản xuất các loại nguyên liệu gồm sợi Phú Hưng, nhà máy dệt nhuộm I-an-dai tại Long An và nhà máy sợi cao cấp đặc biệt tự động hóa cao nhất tại Việt Nam để tạo ra nguồn sợi chất lượng cao cho nhà máy I-an-dai. Đồng thời, Tập đoàn cũng mua lại nhà máy sản xuất vải tại khu vực Hòa Khánh (Đà Nẵng) để cung cấp thêm các loại vải sản xuất quần tại khu vực này.

    Cùng với đó, hiện tại Vinatex đang có sáu dự án may đang triển khai tại các vùng và đang nằm trong chuỗi liên kết sản xuất dệt kim cũng như quần áo dệt thoi và veston mới.

    Dự kiến, các dự án này sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2016 còn dự án sợi Nam Định sẽ hoàn thành trong quý 1/2016 và đang chuẩn bị để bắt đầu đi vào đầu tư khu Liên hợp sợi-dệt-nhuộm tại Quế Sơn (Quảng Nam). Khu này với quy mô khoảng 12.000 tấn vải dệt kim/năm, đủ sức cung ứng sản phẩm vải dệt kim cho quy mô sản xuất may cỡ khoảng 15.000 lao động và trở thành vệ tinh liên kết trong các chuỗi cung ứng.

    "Mục tiêu đến năm 2020 dệt may phải đạt 65% tỷ lệ nội địa trong hàng hóa sản xuất. Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2018 tại thời điểm cả TPP và EVFTA có hiệu lực thì Vinatex phải chủ động khoảng 60% nguồn nguyên liệu từ sợi và từ vải trở đi để đáp ứng điều kiện của hai Hiệp định này," ông Trần Quang Nghị khẳng định./.


    TP.HCM: DNNN nộp ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng

    Theo Sở Tài chính TP.HCM, trong năm 2015, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực thuộc UBND TP.HCM có hiệu quả, các DNNN đã nộp ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng.

    Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 52 DNNN đầu mối, với gần 100 DN có 100% vốn Nhà nước và 300 DN có vốn góp của Nhà nước hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, trong đó có 80 DNNN thuộc UBND TP.HCM.

    Trong năm 2015, các DNNN thuộc UBND TP.HCM có tổng doanh thu 77.609 tỷ đồng, đạt trên 102% kế hoạch năm, tăng hơn 10,5% so với năm 2014. Tuy doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận lại giảm hơn 1% so với với năm 2014, đạt mức trên 8.436 tỷ đồng.

    Trong số các DNNN nêu trên có 48 tổng công ty, DN đăng kí giảm chi phí quản lý DN, giảm giá thành sản phẩm, với tổng mức tiết kiệm đã thực hiện trên 172 tỷ đồng.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn