TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-11-2015

    Việt Nam xếp nhì top 10 điểm đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp APEC

    xuong lap rap dien thoai bphone tai viet nam - anh: anh vu

    Xưởng lắp ráp điện thoại Bphone tại Việt Nam - Ảnh: Anh Vũ


    Việt Nam đồng hạng nhì với Indonesia và Mỹ trong danh sách 10 điểm đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp thuộc khối APEC trong 1 năm tới, theo đánh giá của tổ chức kiểm toán PriceWaterhouseCoopers (Anh).

    Trong báo cáo mang tên “Khảo sát của CEO APEC 2015: Niềm tin của CEO tại châu Á - Thái Bình Dương bị lung lay, nhưng vẫn mạnh”, PriceWaterhouseCoopers đưa ra danh sách 10 quốc gia hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp trong 12 tháng tới.

    Theo đó, quốc gia đứng đầu là Trung Quốc, với 53% doanh nghiệp tại nước này tin rằng kinh doanh trong năm tới sẽ tốt đẹp. Ba quốc gia đồng hạng nhì với tỉ lệ 52% là Việt Nam, Mỹ và Indonesia. Singapore xếp thứ 3 với 46%, và Philippines đứng thứ 4 với 45%.

    Khảo sát được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua, trong đó 800 lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi về dự đoán của họ đối với tình hình kinh doanh, tăng trưởng và thương mại tự do tại khu vực APEC.

    PriceWaterhouseCoopers cho biết Trung Quốc, Mỹ và Indonesia vẫn tiếp tục là những điểm hấp dẫn chủ chốt trong khối, nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp hiện đang mở rộng thêm phạm vi đầu tư.

    Hơn phân nửa số người được hỏi (53%) cho biết muốn gia tăng đầu tư trong 12 tháng tới và 62% trong số này đã có kế hoạch đầu tư vào APEC.

    Cũng theo khảo sát của PriceWaterhouseCoopers, an ninh mạng, hiểm họa thiên tai và căng thẳng địa chính trị là những mối đe dọa hàng đầu đối với hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh doanh.


    Sắp sửa đấu giá cổ phiếu “vàng” của ngành hàng không

    Mức giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phiếu được giới đầu tư nhận định khá hấp dẫn với một doanh nghiệp thuộc ngành hàng không

    Ngày 19-11, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tổ chức Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ACV tại Hà Nội.

    Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, ACV có vốn điều lệ hơn 22.430 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 75%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 20%; lượng cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư 77,8 triệu cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phần; số còn lại bán cho người lao động, tổ chức công đoàn.

    Đợt IPO của ACV sẽ diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM vào ngày 10-12 tới.

    acv hien la doanh nghiep doc quyen khai thac 22 san bay tren ca nuoc. anh tl

    ACV hiện là doanh nghiệp độc quyền khai thác 22 sân bay trên cả nước. Ảnh TL

    Ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư BSC, cho hay mệnh giá mức giá khởi điểm 11.800 đồng, cao hơn 700 đồng/cổ phần so với phương án cổ phần hóa trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4 là do đánh giá xu hướng vận động của thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không để đưa ra được kết quả kinh doanh thực tế của ACV ít nhất trong 3 năm tới có điểm rơi ở đâu.

    “11.800 đồng/cổ phiếu là mức hợp lý, đảm bảo nhà đầu tư yên tâm khi tham gia và được xây dựng ở mức quan điểm thận trọng nhất” – ông Phạm Xuân Anh nhấn mạnh.

    Về nhà đầu tư chiến lược, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc ACV, cho biết tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thẩm định và phê duyệt tiêu chí cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, sẽ tập trung ở một số nhà đầu tư có năng lực khai thác kinh doanh một số cảng hàng không, dịch vụ hàng không; có năng lực tài chính để đồng hành với ACV; có khả năng mở rộng nâng cao năng lực khai thác các cảng hàng không, trong đó trọng tâm là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành...

    ACV hiện là doanh nghiệp trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước, trong đó có 7 cảng quốc tế và 15 cảng quốc nội. Năm 2014, ACV có tổng doanh thu 10.569 tỉ đồng, trong khi chi phí là 7.389 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.437 tỉ đồng.

    Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định thời gian vừa qua, ngành hàng không đã có nhiều chuyển biến tích cực khi đầu tư, nâng cấp nhiều cảng hàng không, sân bay mới như Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh,... đảm bảo cân đối hài hoà nguồn lực đầu tư sân bay trung tâm và sân bay lẻ. Tuy nhiên, với việc chỉ có một đơn vị thực hiện công việc này sẽ tạo thành độc quyền, dẫn đến năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh không cao. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Chính phủ mời gọi thêm cổ đông, thay đổi giá trị doanh nghiệp, giảm bớt giá trị độc quyền...


    Hồng Đà Lạt khan hiếm, giá tăng hàng chục lần

     Sau thời gian ế ẩm vì rớt giá thảm hại, trái hồng Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tăng giá mạnh những ngày cuối vụ nhưng nông dân không còn nhiều hàng để bán.

    Hiện tại, hồng giòn tại chợ Đà Lạt có giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, hồng trứng có giá 18.000 – 25.000 đồng/kg, hồng dẻo sấy khô bổ cau có giá 250.000 – 300.000 đồng/kg, hồng sấy nguyên quả hơn 350.000 đồng/kg, cao gấp hàng chục lần so với cách đây 1 tháng, khi giá bán tại vườn chưa đến 2.000 đồng/kg mà thương lái còn “chê lên, chê xuống” khiến người trồng hồng điêu đứng.

    Tuy nhiên, dù giá tăng cao nhưng lượng hồng bán ra rất ít. Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động quanh chợ Đà Lạt, dọc đèo Prenn, đường D’Ran (Đơn Dương), đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt... chỉ còn vài điểm nhỏ lẻ người dân trưng bày hồng trên các quầy sạp lưu động để bán cho du khách.

    do cuoi vu nen hong duoc bay ban khong nhieu o cho da lat.

    Do cuối vụ nên hồng được bày bán không nhiều ở chợ Đà Lạt.

    Ông Trương Văn Năm (62 tuổi) có hơn 5 sào hồng dưới chân đèo Prenn, nói: “Vào thời điểm cuối tháng 9-2015, giá hồng chỉ ở khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg tùy loại, thương lái đến thu mua chọn lựa rất kỹ, tiêu thụ rất chậm. Tính ra mùa hồng năm nay người dân chúng tôi lỗ nặng tiền phân bón và công chăm sóc, lượng hồng thải bỏ dưới gốc cây hơn 60%”.

    Hiện chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa vụ hồng Đà Lạt sẽ hết, một số nông dân tiến hành dọn cây, cắt tỉa cành chuẩn bị cho năm sau.

    Thực chất của đợt rớt giá thê thảm vừa qua của hồng Đà Lạt không phải vì “trúng mùa” mà chủ yếu do vướng phải tin đồn “ngâm hóa chất” và “sử dụng bao bì Trung Quốc” để đóng gói khiến người tiêu dùng xa lánh.

    Ông Đinh Việt Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran, Đơn Dương (Lâm Đồng), nơi trồng hồng nhiều nhất ở Lâm Đông, cho biết địa phương đã có nhiều biện pháp để bác bỏ tin đồn gây hiểu nhầm giữa hồng Đà Lạt và hồng Trung Quốc, đồng thời miễn thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng cho các tiểu thương… nên giá hồng cuối vụ có phần nhích lên cao. Ngoài ra, sắp tới, huyện Đơn Dương cũng sẽ đề xuất lên các ban ngành của tỉnh xây dựng thương hiệu cho hồng D’Ran để tạo niềm tin và bảo vệ cho người nông dân.


    Con gái ông Chuang ‘biến mất’ ngay khi nữ doanh nhân Hà Linh bị sát hại

    ba ha linh va ong lin chin chuang khi con o lam dong - anh: lam vien

    Bà Hà Linh và ông Lin Chin Chuang khi còn ở Lâm Đồng - Ảnh: Lâm Viên


    Như Thanh Niên hôm qua đã thông tin, sau khi ly dị với bà Hà Linh và chuyển hướng đầu tư sang Trung Quốc, ông Chuang giao Công ty TNHH HaiYih ở Cầu Đất (Đà Lạt) cho con gái từ Đài Loan qua quản lý và điều hành.
    Tuy nhiên, nguồn tin của PV Thanh Niên hôm qua cho biết, ngày 22.9.2015 khi bà Hà Linh bị sát hại ở Trung Quốc, con gái ông Chuang (con của ông Chuang với người vợ trước) đi khỏi nhà máy HaiYih ở TP.Đà Lạt, đến nay vẫn chưa quay lại nhà máy.
    Năm 2002, khi ông Chuang cùng bà Hà Linh thành lập Công ty TNHH HaiYih, do ông Chuang làm giám đốc, phụ trách khâu điều hành hoạt động nhà máy, lo về kỹ thuật canh tác chè, chế biến trà; bà Hà Linh làm phó giám đốc, lo việc quan hệ ngoại giao, các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh, quảng bá sản phẩm trà ô long, mở rộng thị trường.
    Chỉ trong một thời gian ngắn, thương hiệu trà ô long HaiYih được nhiều người biết đến. Đến năm 2012, hai người bắt đầu chia tách công ty để làm ăn riêng. Theo đó, ông Chuang được hưởng 50% giá trị tài sản, bà Linh hưởng 20%; 30% còn lại là của những người bạn ông Chuang góp vốn đầu tư.
    Ông Lâm Quang Khôi, người điều hành nhà máy trà Hà Linh, cho biết sau khi chia tách công ty vẫn có một số thiết bị, sân phơi mà hai bên phải sử dụng chung; đến tháng 3.2013, khi ông Chuang xây dựng một nhà máy chế biến trà độc lập thì hoạt động của hai công ty HaiYih và Hà Linh mới tách bạch. Tuy nhiên, thương hiệu trà HaiYih vẫn được sử dụng chung.
    Ông Khôi cho biết thêm, sau khi chia tách, một số hộ dân ở Phát Chi, Cầu Đất (TP.Đà Lạt) quay sang xin hợp tác trồng và bán chè cho bà Hà Linh. Chính điều này làm mâu thuẫn giữa bà Hà Linh và ông Chuang tăng thêm. Đến năm 2014, ông Chuang quay lại Đà Lạt yêu cầu bà Hà Linh trả lại thương hiệu HaiYih.
    Một thành viên Công ty Hà Linh cho biết thêm, dù đã phân chia thị trường bán hàng ở Đài Loan, nhưng một số đại lý tiêu thụ trà ở Đài Loan gọi điện cho bà Hà Linh nói rất muốn lấy trà ô long Hà Linh bán, nhưng bị ông Chuang liên tục hăm dọa nên họ không dám. Cùng thời điểm đó ở Đài Loan rộ lên tin đồn thất thiệt trà ô long VN bị nhiễm dioxin, nên thị trường xuất khẩu trà ô long Hà Linh qua Đài Loan gặp nhiều khó khăn.
    Theo người nhà bà Hà Linh, không lâu trước khi bà Hà Linh bị sát hại ở Trung Quốc, ông Chuang đến nhà bà Linh gây gổ, to tiếng và đòi hành hung bà Linh…(TN)

    Xây nhà máy phân đoạn huyết tương đầu tiên tại Việt Nam

    Sáng 19.11, Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy phân đoạn huyết tương sản xuất Albumin và các thuốc có nguồn gốc huyết tương cho Công ty CP Dược và TBYT An Phát.
    Đây là nhà máy đầu tiên tại VN và cả khu vực ASEAN trong lĩnh vực phân đoạn huyết tương.
    Xây dựng trên diện tích 30.010 m2 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 622 tỉ đồng (30 triệu USD), mục tiêu của nhà máy là xây dựng nhà máy tiêu chuẩn GMP-EU, công suất phân đoạn tối thiểu 300.000 lít huyết tương/năm, sản xuất các thuốc có nguồn gốc huyết tương: Albumin, Immunoglobulin, yếu tố VIII, yếu tố IX đạt tiêu chuẩn dược điển châu Âu, tác dụng điều trị cao, ít tác dụng phụ hơn hẳn so với các thuốc hóa dược.
    Theo dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại kể từ quý 1/2018, góp phần giải quyết tình trạng thiếu các thuốc có nguồn gốc huyết tương trong hệ thống bệnh viện ở VN, tận dụng nguồn huyết tương dư thừa đang bị lãng phí và hỗ trợ các trung tâm truyền máu, bệnh viện huyết học trên cả nước trong công tác thu gom, chiết tách, sàng lọc và bảo quản máu và huyết tương.
    Ngoài ra, trong khu vực nhà máy còn có trung tâm nghiên cứu R&D được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn và là nơi kết nối, hợp tác quốc tế giữa các chuyên gia trong và ngoài nước.
    Dự án do Công ty CP Dược và TBYT An Phát làm đại diện chủ đầu tư. Đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất từ tập đoàn Kedrion Sp.A (Italy), một trong 6 công ty phân đoạn huyết tương toàn cầu. Đây là dự án được đánh giá cao trong kỹ thuật sinh học, góp phần mở ra ngành công nghiệp sinh dược và giảm tải cho các bệnh viện, tiết kiệm chi phí điều trị cho bệnh nhân.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn