TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-12-2015

    'Thuế ngành dệt may vào Mỹ cao nhất trong các nước TPP'

    thue nganh det may vao my cao nhat trong cac nuoc tpp

    Thuế ngành dệt may vào Mỹ cao nhất trong các nước TPP

    Ngành dệt may của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ cao, tuy nhiên ngành này đang phải đóng thuế nhiều hơn các nước TPP vào Mỹ, Phó trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam Lương Hoàng Thái cho biết.

    Tại hội nghị “Phổ biến thông tin về một số Hiệp định thương mại tự domới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán” ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thị trường đa biên (Bộ Công Thương), Phó trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết ngày18/12 sẽ hoàn thành văn bản cuối cùng của TPP, hiện đang trong quá trình rà soát câu chữ bằng Tiếng Anh. Các Bộ, Ngành sẽ cố gắng dịch trong thời gian sớm nhất để các cơ quan, doanh nghiệp tham khảo.

    Ông Hà Huy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết có đến 80% kim ngạch xuất khẩu đang tập trung vào các hiệp định thương mại mà Việt Nam mới đàm phán ký kết. Do đó khi hiệp định thương mại tự do đi vào thực thi sẽ là cơ hội để Việt Nam cân bằng cán cân thương mại trong thời gian tới.

    Vấn đề Việt Nam quan tâm nhất sau đàm phán các hiệp định thương mại tự do là câu chuyện mở cửa thị trường hàng hóa. TPP là Hiệp định đầu tiên có quy mô lớn đặt ra quyết tâm mở cửa thị trường hàng hóa ở mức cao với phương thức tiếp cận chọn bỏ, buộc doanh nghiệp phải vào cuộc cạnh trạnh thực sự nếu không sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường

    Ông Thái cho biết, trong lĩnh vực hàng hoá, quan tâm nhất của Việt Nam là dệt may vì Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu ngành này lớn nhưng dệt may đang vướng nhiều rào cản.

    Riêng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đóng góp 1,17 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu/năm, mặt hàng giày dép hơn 300 triệu USD.Thuế phải đóng đã lớn hơn tiền thuế tất cả các nước phải đóng của các nước TPP vào Hoa Kỳ, Việt Nam xuất khẩu ít nhưng đóng nhiều vì thuế áp dụng lớn nên trong quá trình đàm phán Việt Nam quyết tâm bãi bỏ rào cản và yêu cầu Hoa Kỳ đưa thuế về 0%. Hiện có dòng hàng bị đánh thuế trên 30% và trung bình của dệt may là 17%.

    Ông Thái cho biết, đổi lại Hoa Kỳ cũng có những quan ngại. Hoa Kỳ muốn có quy tắc xuất xứ tương đối chặt yêu cầu Việt Nam phải làm được hàng dệt may đạt tiêu chuẩn từ sợi trở đi, chỉ hưởng ưu đãi nếu làm được điều này

    Phó Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng Việt Nam khó đáp ứng những quy tắc xuất xứ chặt chẽ, nhưng nếu đề ra quy tắc xuất xứ lỏng hơn thì lợi ích cho Việt Nam thấp do phải lệ thuộc vào một nước khác về nguyên phụ liệu.

    Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đón đầu cơ hội đầu tư vào Việt Nam để có thị trường lớn như Hoa Kỳ. Đây là cái lợi nhìn ngay trước mắt khi Việt Nam tham gia TPP.


    Khó tiếp cận đầu tư công trong nông nghiệp

    kho tiep can dau tu cong trong nong nghiep

    Khó tiếp cận đầu tư công trong nông nghiệp

    Việt Nam nên tập trung theo hướng hỗ trợ hộ nông dân quy mô nhỏ và nhóm dân tộc thiểu số thông qua việc cung cấp dịch vụ dựa vào chính nhu cầu thực tế của nông dân thay vì thiết kế chương trình mà không có sự tham gia của họ.

    Đây là khuyến nghị trong nghiên cứu “Đầu tư công cho nông nghiệp ở cấp hộ gia đình liên hệ tới An ninh lương thực” được công bố bởi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), ngày 18/12 tại Hà Nội.

    Nghiên cứu đưa ra phân tích so sánh giữa Việt Nam và Ấn Độ. Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy nhiều điểm đáng quan tâm. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ nông nghiệp từ sau cải cách nhưng số người dân thực sự tiếp cận được các hỗ trợ còn hạn chế. Đơn cử, tỉ lệ người dân biết đến các chương trình, chính sách trợ giá khá cao (47,33%) song số nông hộ nhỏ được hưởng lợi thực sự còn hạn chế (11,39%).

    Tương tự, với chính sách trợ giá đầu vào hoặc hỗ trợ tín dụng, tỉ lệ nông hộ biết đến rất cao (47,69% và 96,44% tương ứng) nhưng còn khoảng cách khá xa với tỉ lệ hộ tiếp cận được hỗ trợ (11,39% và 65.77%). Các phát hiện khác đáng chú ý như tỉ lệ hộ dân tiếp cận với điện lưới quốc gia cao hơn Ấn Độ nhưng tỉ lệ cơ giới hóa nông nghiệp và sử dụng điện làm nguyên liệu đun nấu tại gia đình lại thấp hơn.

    Việt Nam thành công hơn Ấn Độ trong việc thông tin đến người dân về các chính sách và hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp (96% so với 58%), song hiệu quả của các chính sách đó không mấy khác biệt. Nghiên cứu ghi nhận tín hiệu đáng mừng là xu hướng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân đang phát triển tại Việt Nam.

    Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đa chiều cho các cơ quan quản lý như tăng cường sự tham gia của chính người nông dân vào quá trình đầu tư nông nghiệp, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu, hỗ trợ người dân tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp; tăng cường thông tin, phổ biến chính sách và khả năng tiếp cận của người dân... để người dân thực sự được hưởng lợi.

    Ông Christopher Kinyanjui, Phó Tổng Giám đốc ActionAid Quốc tế nhận định: “Kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo cung cấp thêm thông tin đáng quan tâm về định hướng chiến lược đầu tư nông nghiệp của Việt Nam. Nông hộ sản xuất nhỏ đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững của các quốc gia có nhiều dân số làm nông nghiệp và sống bằng nông nghiệp như Việt Nam và Ấn Độ.

    Báo cáo đã khẳng định thêm nhu cầu cần cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, chú trọng hơn nữa lợi ích của các hộ nông dân nhỏ, có như vậy thì phát triển kinh tế mới có ý nghĩa cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội”.

    Nhóm nghiên cứu cho rằng, hệ thống chi tiêu công cũng cần phải giải quyết được vấn đề an ninh lương thực từ hai khía cạnh: Vừa đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, vừa thiết lập được kênh phân phối lương thực thực phẩm hợp lý. Báo cáo cũng lưu ý việc do diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp nên Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng nông thôn để hỗ trợ nông nghiệp và đảm bảo tính đa dạng của nông nghiệp nông thôn.


    Thêm DN Hàn Quốc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

    Ngày 17/12, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã cấp phép đầu tư cho hai doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, với tổng số vốn hơn 110 triệu USD. Đây là những dự án thuộc chuỗi cung ứng phụ trợ cho Samsung.

    Cụ thể, dự án Platel Vina, chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử của Công ty TNHH Intops có vốn đầu tư 80 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 40.000 m2, dự kiến đi vào hoạt động tháng 12/2016 với công suất 6,5 triệu sản phẩm/năm.

    Ban đầu nhà máy sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất phụ tùng và cấu kiện hàng gia dụng cho Samsung Electronics. Sau đó, nhà máy mở rộng ở nhiều lĩnh vực khác, bao gồm phát triển và sản xuất các thiết bị theo mô hình mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT).

    Trong khi đó, dự án nhà máy sản xuất bộ trao đổi nhiệt tại Việt Nam của Công ty TNHH Daihan Climate Control có vốn đầu tư 32 triệu USD, xây dựng trên diện tích hơn 20.700 m2.

    Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động nửa cuối năm 2016, công suất khoảng 2 triệu sản phẩm/năm, chuyên sản xuất bộ trao đổi khí sử dụng trong tủ lạnh và máy điều hòa cho Samsung Electronics.

    Theo Công ty Daihan ClimateControl, nhà máy sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 400 công nhân Việt Nam, đồng thời đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao để tham gia tích cực vào dự án nội địa hóa nguồn nguyên liệu và nhân lực tại Việt Nam.


    Sau Trung Quốc, hàng Thái Lan đang "đổ bộ" vào Việt Nam

    Khi AEC được hình thành, nhiều sản phẩm của Thái Lan, Malaysia… sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%. Thái Lan, Malaysia đang có những nỗ lực rất lớn trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam.

    Năm 2015 được coi là năm hội nhập của Việt Nam với việc kết thúc đàm phán hiệp định "thế kỷ" TPP, cũng như đã và đang đi đến ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do lớn như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – EU…

    Ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng chính thức hình thành và hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, cơ hội luôn đan xen với thách thức, đặc biệt là với một số ngành đang tăng trưởng như ngành hàng tiêu dùng nhanh.

    Nêu quan điểm về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thị trường nội địa sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt Nam.

    “Khi AEC được hình thành, nhiều sản phẩm của Thái Lan, Malaysia… sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%. Thái Lan, Malaysia đang có những nỗ lực rất lớn trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Indonesia và Philipines cũng đã có những sáng kiến rất tích cực” – TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

    Theo ông Doanh, ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam rất đa dạng, không chỉ hàng công nghiệp mà còn có hàng nông nghiệp như thịt cá, rau củ quả… Gần đây, một số mặt hàng công nghiệp như đồ điện tử, điện thoại di động cũng được xếp vào nhóm hàng tiêu dùng nhanh do mức độ phổ biến, tiêu dùng cao, thời gian trưng bày thấp, thời gian luân chuyển nhanh.

    Các mặt hàng sữa tươi, sữa chua của Việt Nam sẽ có khả năng trụ vững. Tuy nhiên, mặt hàng sữa bột sẽ khó cạnh tranh do các nước Châu Âu có chính sách trợ giúp người nuôi bò. Chẳng hạn, một ngày 1 người nuôi bò được trợ giúp 1,5 euro nên giá các mặt hàng phomat, sữa… rất rẻ. Khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực, các mặt hàng này của Việt Nam sẽ phải chịu cạnh tranh lớn.

    TS Lê Đăng Doanh cho rằng, một điều đáng lưu ý là chúng ta đang nhập khẩu rất nhiều hàng hóa của Trung Quốc. Theo số liệu ghi nhận, Việt Nam đang nhập của Trung Quốc nhiều hơn con số thống kê công bố tới 20 tỷ USD. Dù tính theo phương pháp nào và có sự chênh lệch thì lượng hàng Trung Quốc qua biên giới Việt Nam cũng là quá lớn.

    “Bộ Công thương cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ chính sách quản lý đối với người dân vùng biên giới được quyền mua hàng qua biên giới Trung Quốc tối đa 2 triệu đồng không phải đóng thuế” – vị chuyên gia này kiến nghị.

    Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, chúng ta vẫn còn lỗ hổng trong quản lý, chưa có hiệp định hợp tác khu vực toàn diện, hàng Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở các tỉnh vùng biên giới của Việt Nam. Do vậy, nên có những đề án đặc biệt và chính sách hỗ trợ chi phí vận tải để hàng Việt Nam có thể đến được các vùng biên giới, nông thôn.

    Đồng thời, cũng theo ông Doanh, AEC có thể là một cộc mốc lịch sử đối với Việt Nam. Từ ngày 1/1/2016 doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh với các nước ASEAN như thế nào khi hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn di chuyển tự do; thậm chí nguồn lao động có tay nghề từ các nước ASEAN cũng di chuyển tự do sang Việt Nam.

    Tại TP.HCM hoa quả Thái Lan đã tràn ngập thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập rau quả của Thái Lan lên đến 132 triệu USD. Nhiều gia đình ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay gạo Việt Nam vì sợ gạo Việt Nam có hóa chất. Do vậy cần sớm đưa ra thông điệp và các chương trình hành động sản xuất gạo an toàn.

    Ông Doanh cho rằng, việc lạm dụng hóa chất vào nông nghiệp như chất tạo nạc là sự đầu độc cả xã hội một cách hợp pháp. Chất tạo nạc còn nguy hiểm hơn ma túy bởi ma túy chỉ có người nào sử dụng nó thì mới nguy hiểm. Vô hình chung, người nông dân đang tự đẩy hàng nông sản của mình ra khỏi thị trường.

    “Việt Nam đang hội nhập trong tình hình như thế nào? Tổng GDP của Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 194 nền kinh tế. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 2052 USD/người, xếp thứ 116/194 nước. Tuy nhiên, GDP dựa trên đầu tư nước ngoài rất nhiều. Về xuất nhập khẩu, Việt Nam là một trong những nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore” – TS Doanh chia sẻ.

    Ngoài ra, ông Doanh cũng dẫn số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam thời gian qua đã tăng như thể chế vẫn xếp hạng thấp. Tham nhũng và chi phí lót tay vẫn làm khó doanh nghiệp.

    “Điều này cần những nỗ lực và cải cách thể chế lớn hơn để doanh nghiệp có thể kinh doanh hiệu quả với chi phí và thời gian thấp hơn. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao khả năng phản ứng và đối phó với các cú sốc của thế giới” – TS Lê Đăng Doanh khẳng định.


    Tập đoàn Xăng dầu công bố quỹ bình ổn giá còn dư 2.282 tỷ đồng

    Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ 00 phút ngày 18/12), ước quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) của doanh nghiệp này là 2.282 tỷ đồng.

    Như vậy, so với thời điểm công bố gần đây nhất (ngày 3/12) ở mức 2.180 tỷ đồng, Quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex đã tăng thêm 102 tỷ đồng, còn tính từ ngày 18/11 (là 2.110 tỷ đồng), quỹ này tăng thêm 172 tỷ đồng.

    Trước đó, tại công văn công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu ban hành ngày 18/12, liên bộ Công Thương-Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm giá xăng Ron 92 và xăng sinh học E5 tối đa là 391 đồng/lít.

    Trong khi đó, mặt hàng dầu diesel 0,05S sẽ giảm cao nhất, lên tới 1.246 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.136 đồng/lít còn dầu mazút 3,5S giảm 942 đồng/kg.

    Quyết định của liên bộ đưa ra cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối trong nước giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu ở mức 300 đồng/lít.

    Trong thông báo của Petrolimex, tập đoàn này đã điều chỉnh giảm giá xăng dầu từ thời điểm 15 giờ 00, với mức giảm đối với xăng Ron 92 và xăng E5 là 390 đồng/lít.

    Hiện giá xăng Ron 92 đang niêm yết tại tập đoàn này 16.400 đồng/lít; Xăng sinh học E5 là 15.910 đồng/lít, Dầu diesel 0,05S là 11.980 đồng/lít; Dầu hỏa là 11.060 đồng/lít; dầu mazút 3,5S có mức giá mới là 8.160 đồng/kg./.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn