TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-12-2015

    Nhiều nhà đầu tư muốn xây cao tốc TPHCM-Mộc Bài

    nhieu nha dau tu muon xay cao toc tphcm-moc bai

    Nhiều nhà đầu tư muốn xây cao tốc TPHCM-Mộc Bài


    Đến nay, có ít nhất 3 nhà đầu tư có đề xuất lên Bộ GTVT tham gia đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài.

    Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn-Cái Mép-Sông Hồng-ITNL vừa có đề xuất lên Bộ GTVT tham gia đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

    Ông Trần Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng - đại diện liên danh nhà đầu tư, cho TTXVN biết, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) đang có chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài theo hình thức BOT để giảm tải cho đường Xuyên Á từ TPHCM đi Mộc Bài được dự báo mãn tải vào năm 2016.

    Hiện tại, tuyến đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) là tuyến quốc lộ duy nhất nối TPHCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Theo dự báo, nhu cầu vận tải trên tuyến Quốc lộ 22 đoạn TPHCM-Mộc Bài sẽ mãn tải vào năm 2016.

    Vì vậy, liên danh các nhà đầu tư xin được tham gia đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài theo hình thức BOT.

    Bên cạnh đó, trong bản tự giới thiệu đến Bộ GTVT, ngoài các Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thương mại Sông Hồng vốn đang tham gia đầu tư, xây dựng và thi công các dự án giao thông lớn tại Việt Nam thì còn có sự xuất hiện của Công ty IL&FS Transportation Networks Limited (ITNL) của Ấn Độ.

    ITNL là Công ty đầu tư phát triển hạ tầng mặt đất theo hình thức PPP/BOT lớn nhất của Ấn Độ (tính trên số km làn đường) với danh mục tài sản đầu tư 14.680 km làn đường (tương ứng với 31 dự án) theo hình thức BOT thu phí và thanh toán niên kim.

    Doanh thu vận hành các dự án BOT hàng năm đạt 1 tỉ USD với lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 70 triệu USD. Công ty cũng là đối tác mua lại 49% cổ phần dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

    Trước đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông và Ban Quản lý dự án 7 đã có đề xuất Bộ GTVT đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài.

    Theo Ban Quản lý dự án 7, tuyến đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài được nghiên cứu với điểm đầu tại đường vành đai 3 TPHCM (km 56+200) giao cắt với Tỉnh lộ 15 thuộc huyện Hóc Môn, điểm cuối tại Quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Toàn tuyến dài khoảng 59 km đi song song Quốc lộ 22.

    Đường cao tốc này sẽ kết nối từ cửa khẩu quốc tế Mộc Bài với các đường vành đai 3, 4 của TPHCM để tạo thành mạng lưới liên hoàn giữa các tuyến giao thông đối ngoại và trở thành cửa ngõ ra vào Thành phố.

    Tuyến đường cũng sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế, là tuyến giao thông cao tốc Xuyên Á kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok-Phnom Penh-TPHCM).

    Tổng mức đầu tư giai đoạn một (4 làn xe) tuyến cao tốc TPHCM-Nội Bài ước tính 10.727 tỉ đồng, giai đoạn 2 là hơn 5.000 tỉ đồng.

    Dự án được đề xuất khởi công quý I/2017.(CafeF)


    Ra mắt gạo sạch thương hiệu VinEco

    Ngày 20-12, Công ty sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) hợp tác với Công ty TNHH Trung An (TP Cần Thơ) đã công bố sản phẩm gạo sạch thương hiệu VinEco. 

    Loại gạo này sẽ được phân phối độc quyền trên hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện ích Vinmart+ tại khu vực phía Nam từ ngày 26-12 và toàn 
quốc từ ngày 30-12.

    Theo Vingroup, gạo sạch VinEco được chế biến từ lúa gieo trồng trên các cánh đồng mẫu lớn lên đến 8.000ha của Công ty Trung An.

    Toàn bộ quy trình trồng trọt, chăm sóc, bảo quản, chế biến và đóng gói gạo VinEco đều trong chuỗi khép kín và được kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chuẩn ISO 22.000, HACCP và GlobalGAP.

    Trong đợt ra mắt lần đầu, VinEco cung cấp ra thị trường sáu mặt hàng gạo đạt chuẩn GlobalGAP và dự kiến đầu năm 2016 sẽ tiếp tục cung cấp các sản phẩm gạo hữu cơ (Organic) không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.


    6/7 biện pháp bảo vệ doanh nghiệp đã quá cũ và lạc hậu

    Một khảo sát của ISEAS Singapore vừa công bố cho thấy có đến 63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC, sẽ có hiệu lực vào ngày 31.12) không có ảnh hưởng đáng kể đến việc kinh doanh của mình.

    Song theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt không nên quá chủ quan và cần nhìn xa hơn ngoài thị trường AEC, đó là qua AEC để tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường thế giới.
    Trong tham luận chia sẻ về “AEC - Những câu hỏi nóng 2016”, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VEPR) thuộc Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VCES) cho rằng cả nhà nước và doanh nghiệp Việt đang giữ tư duy quá cũ, quá lạc hậu trong chiến lược, quản lý và định hướng cho doanh nghiệp trước thềm AEC.
    “Trong 7 hành vi mà chính phủ có thể dùng để bảo vệ doanh nghiệp, chúng ta đang sử dụng hết 6 hành vi quá cũ, lạc hậu để làm công cụ bảo vệ doanh nghiệp, mà không lường trước rằng nếu sau hội nhập, xảy ra kiện tụng tranh chấp, chúng ta rất khó bảo vệ cho doanh nghiệp”, ông Thành cho biết.
    Một trong những tư duy cũ đó theo tiến sĩ Thành là sử dụng hàng rào thuế quan để bảo hộ doanh nghiệp. Việc bảo hộ là cần thiết cho một nền kinh tế, nhưng nó chỉ được sử dụng trong giới hạn nào đó, không thể là giải pháp dài hạn hay vĩnh viễn được.
    “Việc cố gắng giữ hàng rào thuế quan vô hạn là tư duy vô cùng cũ mà cả chính phủ và doanh nghiệp cần phải thay đổi hoặc tập thói quen loại bỏ dần”, ông Thành nhấn mạnh.
    Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng cho biết so với các quốc gia trong khối AEC, vai trò của các hiệp hội đại diện tiếng nói doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa thể là đại diện cho doanh nghiệp để tham gia các vụ kiện chống bán phá giá, phòng vệ thương mại. Bởi vì doanh nghiệp không thể đơn phương theo đuổi các vụ kiện tụng này được, rất tốn kém.
    “Trong khi lực lượng luật sư trong nước có thể tham gia các vụ tranh chấp thương mại quốc tế chỉ vài ba người, điếm chưa hết đầu ngón tay”, ông Huy Vũ thông tin

    Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có tiếng nói lớn hơn ở IMF

    Theo AFP, sau nhiều năm phản đối, Quốc hội Mỹ mới đây đồng thuận dỡ bỏ các rào cản cuối cùng cho việc cải cách, vốn sẽ cung cấp cho các cường quốc thị trường mới nổi tiếng nói lớn hơn trong IMF - tổ chức tài chính quốc tế quy tụ 188 nước.
    Cải cách IMF là một phần trong gói chi tiêu 1.100 tỉ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 18.12 và đang đợi chữ ký của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Các cải cách được cộng đồng quốc tế thông qua vào năm 2010 và dự kiến đã có hiệu lực từ năm 2012. Tuy nhiên với việc Mỹ là nước giữ phần lớn nhất quyền biểu quyết tại IMF, chuyện Quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn cải cách đã khiến quá trình cải cách phải trì hoãn. Cản trở trên đã trở thành điểm mâu thuẫn giữa chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama thuộc đảng Dân chủ và phe Cộng hòa đối lập kiểm soát Quốc hội.
    Những năm gần đây, các hội nghị thượng đỉnh quốc tế cũng đưa ra lời nhắc về việc cải cách IMF bị đình trệ. Chuyện này càng gây thất vọng hơn khi Mỹ là một trong các nước đầu tiên kêu gọi đại tu IMF vào năm 2010, giữa cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất được tổ chức vào tháng 11 ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm 20 cường quốc kinh tế cho hay họ “vẫn thất vọng sâu sắc” với sự chậm trễ trong cải cách và kêu gọi Mỹ phê chuẩn cải tổ càng sớm càng tốt.
    Quyết định mới đây của Mỹ có thể làm giảm bớt sự thất vọng với tổ chức tài chính 70 tuổi vốn do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thống trị, đồng thời loại bỏ nỗi trăn trở lớn đối với chính quyền Tổng thống Obama.
    Cuộc cải cách này rất quan trọng với IMF, khi sẽ tăng gấp đôi nguồn lực tài chính lâu dài cho tổ chức này, lên 660 tỉ USD. Song trên hết, các thay đổi sẽ giúp tổ chức có trụ sở ở Washington (Mỹ) phản ánh tốt hơn sự liên kết hiện tại của nền kinh tế thế giới. Giảm đại diện từ các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là ở châu Âu để giúp các nền kinh tế mới nổi, năng động có tiếng nói lớn hơn là một trong các biện pháp cải tổ ban điều hành IMF.
    Hiện tại, với 16,5% quyền biểu quyết, Mỹ là bên hữu quan lớn nhất và là nước có quyền phủ quyết. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới - chỉ có ít hơn 4% quyền biểu quyết tại IMF, thấp hơn một chút so với Ý, đất nước có nền kinh tế nhỏ hơn gấp 5 lần. Sau khi các cải cách được thực hiện, Trung Quốc sẽ có quyền biểu quyết tăng gần gấp đôi, lên 6%. Tiếng nói của Ấn Độ cũng sẽ tăng lên 2,6%.

    Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có thuế suất 0%

    Biểu thuế ưu đãi trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã được Bộ Tài chính công bố trên trang web ngày 21-12.

    Theo đó, từ ngày 20-12 (ngày VKFTA có hiệu lực), cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Hàn Quốc có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà 2 nước dành cho nhau trong VKFTA.

    Cụ thể, hầu hết mặt hàng dệt may từ Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được hưởng thuế suất 0% thay vì từ 8%-13% như hiện nay. Hàng dệt may hiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc, chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

    xuat khau tom sang han quoc co thue suat 0% tu ngay 20-12. trong anh: thu hoach tom o dbscl anh: ngoc trinh

    Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc có thuế suất 0% từ ngày 20-12. Trong ảnh: Thu hoạch tôm ở ĐBSCL Ảnh: Ngọc Trinh

    Hàn Quốc cũng xóa bỏ thuế cho mặt hàng tôm (thuế suất 0%) nhập khẩu từ Việt Nam, áp dụng trong hạn ngạch: năm đầu tiên mức hạn ngạch được áp dụng là 10.000 tấn/năm, sau đó tăng thêm 10% qua mỗi năm và lên mức 15.000 tấn/năm vào năm thứ 6.

    Đối với nhiều mặt hàng như rau quả, tỏi, gừng, mật ong..., Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên Hàn Quốc cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình kéo dài từ 10-15 năm, đem lại cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam. Đơn cử, Hàn Quốc cam kết đưa thuế suất tỏi từ 360% hiện nay xuống còn 0% trong 10 năm.

    Ngược lại, theo VKFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế ngay hoặc trong thời gian ngắn cho các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất. Chẳng hạn, mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu từ Hàn Quốc, Việt Nam cam kết đưa hầu hết xuống còn 0% trong thời gian từ khi hiệp định có hiệu lực đến năm 2018.

    Hiện 2 nước đang tiến hành thành lập ủy ban hỗn hợp cấp bộ trưởng và các tiểu ban chức năng về thương mại hàng hóa, hải quan, phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)... để rà soát, giám sát và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi VKFTA.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn