TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-05-2017

    Nợ xấu của nền kinh tế thực tế là bao nhiêu?

    Sau 4 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình xử lý nợ xấu đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc lớn. Trong đó, đáng lưu ý là nguy cơ nợ xấu tăng trở lại.

     

    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

     

    Hôm nay (22/5), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chính thức bắt đầu và một trong những nội dung được thị trường tài chính kỳ vọng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

    Sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng như sau khi Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) ra đời, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3%.

    Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; Thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó đòi hỏi cần phải tiếp tục và sớm có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý TCTD yếu kém.

    Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46% nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.

    Trong khi đó, theo tờ trình của Chính phủ thì đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

    Còn theo số liệu chúng tôi tổng hợp được từ BCTC của 13 ngân hàng đã công bố minh bạch về chất lượng cho vay tính đến hết quý I/2017 cho thấy có hơn 61,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đang tồn đọng tại 13 tổ chức này. Trong số này có 2 ngân hàng có quy mô nợ xấu trên 10 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đều có dấu hiệu tăng trong 3 tháng đầu năm như BIDV, VietinBank, VPbank, Techcombank, ACB, SHB, Eximbank.

    Tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp diễn ra hôm 17/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kỳ vọng Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

    Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.(CafeF)
    --------------------------------

    Tại sao người già Mỹ ôm cả “núi tiền” không chịu chi tiêu?

    Đến khi thực sự không còn làm việc nữa, người già Mỹ sợ hãi khi thấy tài khoản của mình sụt giảm đi, dù chỉ là chút ít tiền.

     

    anh: cnnmoney

    Ảnh: CNNMoney

     

    Trong khi người trẻ Mỹ ngày một nghèo đi, người già Mỹ dường như vẫn không chịu mở ví chi tiêu, theo những nhận xét mới nhất được đưa ra bởi Bloomberg.

    Trong cuộc đời mỗi người, luôn có khoảng thời gian mà người ta được khuyên nên tiết kiệm và có những khoảng thời gian khác người ta được kỳ vọng sẽ chi tiêu. Và nhìn chung, người ta thường cho rằng về hưu nên tiêu tiền.

    Hàng triệu người Mỹ đang không làm như vậy, chính vì thế phong cách tiêu tiền của họ đang ngược lại hoàn toàn với quan niệm bình thường của xã hội. Người trẻ Mỹ không tiết kiệm được nhiều khi chi phí cuộc sống cao trong khi thu nhập của họ thấp hơn so với các thế hệ trước.

    Cùng lúc đó, người giàu Mỹ đang ôm cả “núi tiền” mà họ có được nhờ những khoảng thời gian tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất.

    Thế nhưng dù có nhiều tiền như vậy nhưng họ không chi tiêu bởi những nỗi sợ rất mơ hồ. Theo kết quả của một nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi đại học University of Michigan – Mỹ, nhiều người về hưu Mỹ vẫn tiếp tục tiết kiệm ngay cả sau khi họ về hưu. Một người Mỹ trên 60 tuổi mỗi năm giảm chi tiêu thêm 2,5%, sau 10 năm, mức chi tiêu của họ giảm đến hơn 20%. 

    Kết quả, hàng triệu người già Mỹ dù có tiền nhưng lại sống một cách cực kỳ tiết kiệm. Vì thế, nếu điều chỉnh với lạm phát hàng năm, nhiều người Mỹ ở độ tuổi ngoài 80 lại giàu có hơn so với khi họ ngoài 60 hay 70 tuổi.

    Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc người Mỹ đang chết cùng với số tài sản nhiều hơn so với trước đây, điều đó càng làm tăng yếu tố bất bình đẳng liên quan đến tài sản thừa kế. Công ty United Income đã tiến hành phân tích tài sản của những người Mỹ chết trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2002 và so sánh với tài sản của những người Mỹ chết từ năm 2010 đến năm 2012. 

    Dù nhóm sau phải sống qua thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tổng tài sản của họ lúc họ qua đời cao hơn đến 130%.

    Kết quả của nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy người già Mỹ đang “ôm” tiền nhiều hơn trước đây. Theo tạp chí The Journal of Financial Planning, khoảng hơn 20% người già giàu nhất Mỹ chi tiêu ít hơn 53% so với khả năng tài chính của họ. 

    Trong khi đó, nhóm 40% người nghèo nhất lại chi tiêu mạnh tay hơn mức an toàn, và 8% người về hưu có khả năng tài chính trung bình chi tiêu nhiều hơn 8% so với khả năng.

    Các chuyên gia nghiên cứu đã rất cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao người Mỹ về hưu giàu có lại không muốn chi tiêu mạnh tay, họ hoài nghi đó có phải bắt nguồn từ việc họ muốn để lại cho con cháu hay họ lo lắng về chi phí y tế trong tương lai. Và cuối cùng, lý do lớn nhất theo tìm hiểu chính là họ sợ sẽ nhanh chóng hết tiền.

    Khi về hưu, sau nhiều năm đi làm, nay khi ngồi nhà, bất ngờ họ không còn được nhận lương hàng tháng, chính vì vậy họ rất ngại chi tiền. Trước khi về hưu họ cũng từng nghĩ sẽ lên kế hoạch đi đây đó lúc về già, hoặc mua sắm thứ này thứ khác, nhưng đến khi thực sự không còn làm việc nữa, họ sợ hãi khi thấy tài khoản của mình sụt giảm đi, dù chỉ là chút ít tiền.

    Số liệu từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ tính đến cuối năm 2016 đứng ở mức 93 nghìn tỷ USD. Nếu chia theo tổng dân số, con số đó tương đương mỗi người Mỹ (dù là đàn ông, phụ nữ hay trẻ nhỏ) đang có tài sản 300 nghìn USD. 

    Trong con số 93 nghìn tỷ USD trên có 25,3 nghìn tỷ USD là tài sản của những người về hưu. Và nếu số tiền trên không được chi tiêu, hẳn nền kinh tế sẽ gặp nhiều rắc rối.

    Người giàu tại Mỹ giàu có như vậy nhưng người trẻ lại nghèo khó hơn. Theo nghiên cứu công bố bởi Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), một người đàn ông Mỹ gia nhập thị trường lao động vào năm 1983 kiếm được số tiền ít hơn 19% so với người có trình độ học vấn tương đương nhưng bắt đầu đi làm vào năm 1967. Và ở hiện tại, tình trạng sụt giảm thu nhập vẫn tiếp tục kéo dài.

    Nhiều chuyên gia kinh tế học đau đầu với việc: Làm sao để người Mỹ chịu chi tiêu? Họ khẳng định cần đưa ra nhiều công cụ đầu tư tài chính giúp họ có một nguồn thu nhập nhất định, bằng cách đó vừa huy động được số tiền chết vừa đảm bảo về tâm lý cho họ, vì thế họ sẽ chịu tiêu tiền. 

    Ngoài ra, cũng cần phải có những biện pháp giúp họ tin tưởng hơn vào các chương trình bảo hiểm nhân thọ, loại dành riêng cho người có thể sống đến 80 hay 85 tuổi. 

    Trên thực tế, sẽ cần đến những giải pháp tâm lý và tài chính cực tốt mới có thể khiến cho người già Mỹ tiêu tiền bởi dù các công cụ đầu tư có đa dạng đến thế nào nhưng bối cảnh kinh tế vĩ mô bi quan cũng sẽ khiến họ thắt chặt hầu bao hơn nữa.(Bizlive)
    -----------------------------------------

    Gang thép Thái Nguyên “đắp chiếu”: Có tính phương án bán dự án

    Bán dự án là một trong ba phương án được xem xét để xử lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên tuy nhiên, Bộ Công Thương đã đề xuất lựa chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO.

     

    du an mo rong san xuat giai doan 2 nha may gang thep thai nguyen "dap chieu" cho nha thau trung quoc. anh: tl

    Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên "đắp chiếu" chờ nhà thầu Trung Quốc. Ảnh: TL

     

    Tại báo cáo rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Bộ Công Thương lên Quốc hội, về phương án xử lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn.

    Theo Bộ Công Thương có 3 phương án được xem xét để xử lý đối với dự án. Cụ thể, phương án 1 là bán dự án, phương án thứ 2 là kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án và phương án thứ 3 là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu CTCP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

    “Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi... đề xuất lựa chọn phương án 3 thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại TISCO”, Bộ Công Thương cho biết.

    Mới đây, TISCO đã ra thông báo về việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 29/6 tới đây và nội dung của cuộc đại hội lần này là giảm vốn điều lệ từ 2.840 tỷ đồng xuống còn 1.840 tỷ đồng, bỏ nội dung nói về cổ đông chiến lược. Đồng thời, doanh nghiệp thông qua chủ trương về việc phát hành thêm cổ phiếu tối đa 2.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung, thay thế một số thành viên hội đồng quản trị.

    Ngày 25/4, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán đi toàn bộ 100 triệu cổ phiếu TIS, tương ứng với tỷ lệ vốn góp 35,21%. 100 triệu cổ phần là số cổ phần TISCO phát hành riêng lẻ cho SCIC năm 2015. Sau phát hành TISCO tăng vốn điều lệ lên 2.840 tỷ đồng. Mục đích phát hành tăng vốn để thanh toán cho các hạng mục đầu tư của dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2.

    Tuy nhiên, dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007 nhưng đến thời điểm hiện tại các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư của dự án tới thời điểm 31/12/2016 là 4.635,5 tỷ đồng trong đó chi phí lãi vay được vốn hoá là 1.435,4 tỷ đồng.

    Báo cáo của TISCO cho biết, liên quan đến dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, tổng số vốn giải ngân cho dự án là hơn 4.563 tỷ đồng, trong đó ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là hơn 1.404 tỷ đồng, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) hơn 1.869 tỷ đồng, phía chủ đầu tư hơn 1.290 tỷ đồng.

    Theo quy định trong hợp đồng tín dụng TISCO đã ký với VDB và Vietinbank thì từ 1/1/2017 chủ đầu tư TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng 45,5 tỷ đồng cho cả 2 ngân hàng tính trên số dư nợ tính đến 30/11/2016.(Bizlive)
    ------------------------------------

    Ngân sách 2015 lạm chi hơn 7.100 tỷ đồng

    Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 lên tới 6,28% GDP thực tế, cao hơn mức đã được phê duyệt.

    Tại tờ trình quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 được Chính phủ trình Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015 bội chi ngân sách Nhà nước là 6,28% GDP thực tế (không gồm kết dư ngân sách địa phương gần 52.300 tỷ đồng).

    Như vậy, số thâm hụt ngân sách này là 263.135 tỷ đồng, vượt 7.135 tỷ đồng so với mức Quốc hội thông qua là 256.000 tỷ đồng (5,71% GDP kế hoạch và bằng 6,1% GDP thực tế). Lý do “vượt rào” theo đại diện Chính phủ, do thực hiện hoàn thuế VAT theo quy định cao hơn dự kiến khi xây dựng kế hoạch thu là 7.452 tỷ đồng, đã đẩy bội chi tăng tương ứng.Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhờ có nguồn tiết kiệm chi trong nước 317 tỷ đồng, nên số bội chi ngân sách Nhà nước chỉ tăng 7.135 tỷ. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách từ vay trong nước 195.900 tỷ đồng và vay nước ngoài 67.235 tỷ.

    bo truong tai chinh dinh tien dung cho biet, boi chi ngan sach nam 2015 la 6,28% gdp thuc hien, tang hon so voi so duoc giao.

    Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi ngân sách năm 2015 là 6,28% GDP thực hiện, tăng hơn so với số được giao.

    Trên cơ sở mức bội chi này, dư nợ Chính phủ bằng 50% GDP, nợ công 61,8% GDP. “Nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn quy định của Chính phủ, Quốc hội”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

    Thẩm tra quyết toán ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách – Nguyễn Đức Hải chỉ ra loạt bất cập trong thu - chi khiến ngân sách bị lạm chi; vẫn còn tình trạng sai phạm, thất thoát trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

    “Sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các dự án được kiểm toán và các khâu của quá trình đầu tư”, ông Hải nói và đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm, xử nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật tài chính.

    Bên cạnh đó, tuy báo cáo của Chính phủ cho biết nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng cơ quan này lại lo ngại khi các chỉ số này đều đã sát trần. Trong đó, nợ Chính phủ hiện đã chạm trần 50% GDP và nợ công là 61,8% GDP.

    Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, việc quản lý nợ công còn những hạn chế khi 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh. Một số khoản vay đã được lập chứng từ ghi thu - ghi chi nhưng chưa phản ánh vào quyết toán ngân sách Nhà nước, đơn cử số tiền 18.123 tỷ đồng khoản vay nước ngoài về cho vay lại của 5 dự án đường bộ cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

    "Nếu thực hiện ghi thu - ghi chi, thì khoản vay về cho vay lại sẽ chuyển thành khoản cấp phát từ ngân sách”, ông Hải nói, đồng thời đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và sớm có phương án xử lý đối với 18.123 tỷ đồng trên theo đúng quy định.

    Nêu loạt tồn tại, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, song Uỷ ban Tài chính ngân sách vẫn đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước 2015 như báo cáo Chính phủ trình. Cụ thể, tổng thu cân đối ngân sách 1.291.342 tỷ đồng, gồm cả chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

    Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng, gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016. Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ, bằng 6,28% GDP (không gồm kết dư ngân sách địa phương).(Vnexpress)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn